Thứ Sáu, 22/11/2024, 21:55 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Thời gian qua, tình hình hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG) trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp; thành phần, đối tượng đa dạng. Một số hoạt động chống phá nổi lên là: ở khu vực biên giới (KVBG) Tây Bắc, các đối tượng phản động trong người Mông móc nối, liên kết với các đối tượng ở ngoài biên giới để tuyên truyền, kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng, tạo ra các điểm “nóng” về an ninh trật tự, thực hiện ý đồ thành lập “Vương quốc Mông” tự trị. Ở KVBG Tây Nguyên, các đối tượng FULRO lưu vong tiếp tục liên lạc, chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng trong nước khôi phục, củng cố tổ chức, kích động, gây chia rẽ giữa người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số. KVBG Tây Nam, các tổ chức phản động người Việt lưu vong tập trung tuyên truyền, lôi kéo số Việt kiều ở Cam-pu-chia, Thái Lan tham gia các hoạt động xâm nhập, phát tán tài liệu phản động vào trong nước để chống phá...
Trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động xâm phạm ANQG ở KVBG của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) được tiến hành với nhiều nội dung, biện pháp, cả phòng ngừa xã hội và biện pháp nghiệp vụ. Các đơn vị BĐBP ở KVBG đất liền luôn chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của các loại đối tượng ở trong và ngoài biên giới, xử lý kịp thời nhiều nguồn tin, ngăn chặn, vô hiệu hóa nhiều âm mưu và hoạt động xâm phạm chủ quyền, ANQG, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG. Tuy nhiên, với bản chất phản động, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng nước ta với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Vì thế, nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm chủ quyền, ANQG ở KVBG luôn đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi BĐBP phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực. Theo chúng tôi, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
1 - Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm ANQG cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP và nhân dân các dân tộc ở KVBG. Mục đích của công tác tuyên truyền, giáo dục là xây dựng cho mỗi người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhận thức đúng về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch xâm nhập từ bên ngoài vào để chống phá cách mạng nước ta. Từ đó, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn mọi âm mưu và hoạt động xâm phạm ANQG.
Các đơn vị BĐBP phải quán triệt, phổ biến kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, văn bản hướng dẫn của cấp trên về công tác ANQG; kết hợp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn với giáo dục ý thức, trách nhiệm, làm cho cán bộ, chiến sĩ thường xuyên nắm chắc âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động xâm phạm ANQG của từng nhóm, loại đối tượng trên từng khu vực cụ thể. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết cho cán bộ, chiến sĩ về tình hình địa phương, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, làm cơ sở để nâng cao hiệu quả giáo dục, tuyên truyền, vận động quần chúng.
Trên KVBG, quần chúng nhân dân là lực lượng tại chỗ đông đảo, trực tiếp đấu tranh với các đối tượng hoạt động xâm phạm ANQG; đồng thời, nhân dân cũng là đối tượng mà các thế lực thù địch tập trung lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động chống cách mạng. Vì thế, cùng với tuyên truyền, giáo dục nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cần động viên nhân dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, không nghe theo kẻ xấu xúi giục, lôi kéo vào các hoạt động chống phá cách mạng. Trên cơ sở đó, nâng cao ý thức chính trị, xây dựng trận địa tư tưởng vững vàng trong quần chúng nhân dân.
2 - Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, nắm chắc tình hình địa bàn, tình hình hoạt động của các loại đối tượng. Các đơn vị BĐBP cần chủ động hơn nữa trong phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương; thực hiện có hiệu quả các biện pháp nắm tình hình địa bàn, tình hình hoạt động của các loại đối tượng ở trong và ngoài biên giới; tình hình liên quan đến các biến động của đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua đó, phát hiện, xác minh, xử lý kịp thời các nguồn tin liên quan để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động chống phá. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cần chú trọng phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong việc phát hiện, báo cáo các âm mưu và hoạt động chống phá của các loại đối tượng, không để xảy ra các “điểm nóng” về trật tự, an ninh. Các đơn vị BĐBP còn phải thường xuyên điều tra cơ bản, nắm chắc các mối quan hệ trong và ngoài biên giới; chủ động phát hiện những tác động xấu vào nội bộ hệ thống chính trị cơ sở để có phương án đấu tranh; đồng thời, tích cực phòng ngừa, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
3 - Nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức lực lượng trinh sát biên phòng theo hướng chuyên trách bảo vệ ANQG. Nước ta có 4.653 km đường biên giới trên đất liền, thuộc địa phận của 428 xã (phường, thị trấn), 100 huyện, 25 tỉnh (thành phố); nhiều khu vực địa hình phức tạp, hiểm trở, giao thông chưa phát triển…, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát biên giới. Vì vậy, các đơn vị BĐBP cần bám sát sự chỉ đạo của cấp trên và căn cứ vào thực tế tình hình để xây dựng các kế hoạch quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự cho phù hợp với đặc điểm địa bàn. Cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ về đấu tranh phòng, chống hoạt động xâm phạm ANQG ở KVBG phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Trên cơ sở kế hoạch đã được phê duyệt, các đơn vị BĐBP thường xuyên rà soát, bổ sung các văn kiện tác chiến phòng thủ; các phương án phòng, chống gây rối, bạo loạn, khủng bố và giải quyết các tình huống xấu có thể xảy ra; tích cực đổi mới nội dung, biện pháp công tác nghiệp vụ trinh sát biên phòng, xây dựng kế hoạch chủ động phát hiện, đón bắt bọn phản động lưu vong xâm nhập; đồng thời, ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo quần chúng nhân dân vượt biên trái pháp luật… Việc tổ chức lực lượng trinh sát biên phòng cần theo hướng chuyên sâu để nâng cao hiệu quả đấu tranh với từng loại đối tượng; kết hợp chặt chẽ giữa công tác phản gián với công tác tình báo và hoạt động đối ngoại, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ xa các hoạt động xâm phạm ANQG.
4 - Tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở xã (phường, thị trấn) biên giới vững mạnh toàn diện. Cư dân trên địa bàn KVBG chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn, có nơi còn tồn tại nhiều hủ tục; nhiều trường hợp có mối quan hệ dân tộc, dòng họ khá chặt chẽ với nhân dân bên kia biên giới. Đó là những đặc điểm mà các thế lực thù địch và các loại đối tượng triệt để lợi dụng để thực hiện các hoạt động xâm phạm chủ quyền, an ninh, gây mất ổn định chính trị – xã hội ở KVBG. Vì thế, các đơn vị Biên phòng cần tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành bằng nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp; nhất là tham mưu ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Trong điều kiện đời sống nhân dân KVBG còn nhiều khó khăn, BĐBP còn phải tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương đẩy mạnh “xoá đói giảm nghèo”; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, như: 134, 135, 327, phong trào xây dựng nông thôn mới, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, làm cơ sở nâng cao khả năng phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm ANQG.
5 - Đẩy mạnh quan hệ, phối hợp, hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động xâm phạm ANQG. Hoạt động xâm phạm ANQG ở KVBG là những hành động xâm phạm an ninh trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng và chủ quyền của đất nước ở KVBG. Đó là những hành động xâm nhập từ bên ngoài đất nước và kết hợp giữa bọn phản động bên ngoài với bên trong để chống phá. Vì thế, trên cơ sở đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta và chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị BĐBP cần tăng cường quan hệ, phối hợp, hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động xâm phạm ANQG. Công tác đối ngoại biên phòng cần tập trung trao đổi thông tin về tình hình hoạt động của các loại tội phạm liên quan; phối hợp phát hiện sớm, điều tra, kiểm tra, xử lý thông tin, các vụ việc trong khuôn khổ điều ước, thoả thuận quốc tế đã ký kết. Trong đó, các đơn vị cần chú trọng thực hiện tốt việc gặp gỡ, hội đàm (định kỳ hoặc đột xuất); phối hợp tuần tra chung; tổ chức thăm hỏi, giao lưu với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng. BĐBP còn phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương mở rộng quan hệ với chính quyền địa phương các nước tiếp giáp, giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên biên giới theo đúng các hiệp định, quy chế về biên giới và thỏa thuận giữa Chính phủ và Bộ Quốc phòng nước ta với chính phủ và bộ quốc phòng các nước láng giềng; bảo đảm yêu cầu vừa phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm ANQG, giữ vững ổn định biên giới vừa tăng cường tình đoàn kết hữu nghị với các nước có chung biên giới.
Thiếu tướng, PGS,TS. TRẦN HỮU PHÚC
Giám đốc Học viện Biên phòng
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc