Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 11/04/2019, 07:51 (GMT+7)
Giải pháp phòng, chống tụ tập gây rối ở các khu chế xuất, khu công nghiệp

Các khu chế xuất, khu công nghiệp (gọi chung là khu công nghiệp) là nơi tập trung số lượng lớn người lao động, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế các địa phương và đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tiềm ẩn và phát sinh những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, nghiên cứu giải pháp phòng, chống tụ tập gây rối ở các khu công nghiệp là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết hiện nay.

Các khu công nghiệp ở nước ta được hiểu là một phần lãnh thổ quốc gia, được xác định ranh giới rõ ràng; thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật và xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp để phục vụ sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, các địa phương trên cả nước đã thu hút, triển khai hàng nghìn dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, hình thành hàng trăm khu công nghiệp, trong đó có nhiều khu công nghiệp có quy mô lớn, nhất là trên các địa bàn trọng điểm kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước1.

Bên cạnh những lợi ích kinh tế mà các khu công nghiệp mang lại, ở một khía cạnh khác, đây là nơi tiềm ẩn không ít vấn đề phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Với việc tập trung hàng vạn, có nơi đến hàng chục vạn người lao động, chủ yếu từ nông thôn ra làm việc, sinh sống; phần lớn trong số đó đời sống sinh hoạt còn nhiều khó khăn,… đã làm xuất hiện vô số những vấn đề xã hội nảy sinh. Trong quá trình sản xuất, một số doanh nghiệp ở các khu công nghiệp chưa chú trọng đến mục tiêu, yêu cầu phát triển bền vững, chấp hành không tốt các quy định của pháp luật về lao động, doanh nghiệp, tiền lương, bảo hiểm; chế độ, chính sách liên quan đến đời sống, thu nhập, an sinh xã hội của người lao động chưa được quan tâm đúng mức, v.v. Cùng với đó, công tác thu hồi, đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng để xây dựng các khu công nghiệp chưa thỏa đáng, hiện tượng sản xuất gây ô nhiễm môi trường nhiều nơi còn xảy ra rất nghiêm trọng,… kéo theo tranh chấp, đơn thư khiếu kiện kéo dài gây bức xúc trong cộng đồng, xã hội. Đây là những vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước triệt để lợi dụng kích động, lôi kéo công nhân, nhân dân ở các khu công nghiệp tụ tập gây rối làm mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn và phạm vi cả nước. Thực tế các cuộc tụ tập đông người gây rối ở các khu công nghiệp của Đồng Nai, Bình Dương,… về sự kiện HD-981, sự cố ô nhiễm môi trường biển do xả thải của Công ty Formosa (tháng 4-2016),… đã để lại những hậu quả rất nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội. Và gần đây, lợi dụng việc Quốc hội chuẩn bị thông qua một số dự luật, một bộ phận người lao động của một số doanh nghiệp đã bị các phần tử xấu lợi dụng lòng yêu nước, kích động tập trung gây rối và có những hành động trái pháp luật, gây mất an ninh, trật tự ở một số địa phương, tạo ra những tiền lệ rất nguy hiểm.

Trước thực tế đó, bài viết xin trao đổi một số giải pháp phòng, chống tụ tập gây rối ở các khu công nghiệp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân và nhân dân ở các khu công nghiệp về chính sách, pháp luật của Nhà nước, thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, không mắc mưu kẻ xấu, giữ vững ổn định địa bàn. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, bởi các khu công nghiệp chỉ được bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, khi mọi cán bộ, công nhân và nhân dân trên địa bàn nhận thức đầy đủ, có ý thức trách nhiệm xây dựng và luôn cảnh giác, tỉnh táo đấu tranh làm thất bại các thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc, kích động tụ tập gây rối của kẻ xấu. Muốn làm được điều đó, tổ chức đảng, ban quản lý các khu công nghiệp, tổ chức công đoàn các cấp cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để cán bộ, người lao động hiểu rõ, đầy đủ quan điểm, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhất là Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, v.v. Đặc biệt, cần tuyên truyền, phổ biến để người lao động thấy rõ âm mưu, thủ đoạn, bản chất của các thế lực thù địch, cũng như những hành vi tụ tập gây rối là vi phạm pháp luật, v.v. Để đạt hiệu quả, cần thực hiện đa dạng hình thức, biện pháp; kết hợp thông tin, tuyên truyền tập trung với lồng ghép trong sinh hoạt, công tác của các tổ, nhóm lao động, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi tìm hiểu, giao lưu, tọa đàm. Qua đó, nâng cao nhận thức cho mọi người về pháp luật, về quyền hạn quản lý của Nhà nước, quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân,… thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, không bị các thế lực thù địch kích động tụ tập gây rối, chia rẽ đoàn kết trong nội bộ công nhân, giữa công nhân với nhân dân và các doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần phát huy tốt vai trò của tổ chức công đoàn các cấp trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công nhân, nhân dân, dư luận xã hội trên địa bàn; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng địa phương quản lý, nắm chắc tình hình các mặt, nhất là việc kẻ xấu phát tán tờ rơi, biểu ngữ, lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, kêu gọi, tập hợp lực lượng gây rối, kịp thời định hướng dư luận và đấu tranh phản bác trước các luận điệu xuyên tạc, phản động. Bên cạnh đó, ban quản lý các khu công nghiệp cũng cần lựa chọn, bồi dưỡng một số cán bộ, công nhân có năng lực thành lập các tổ tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng địa phương trực tiếp đến các cụm, khu dân cư trên địa bàn vừa tuyên truyền, vừa làm công tác dân vận, tiếp thu ý kiến phản ánh của nhân dân, kịp thời đề xuất biện pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh. Đồng thời, phối hợp với địa phương phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm pháp luật Nhà nước, góp phần ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả mầm mống tụ tập gây rối, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Hai là, chú trọng xây dựng lực lượng tự vệ các khu công nghiệp vững mạnh, tăng cường khả năng giữ gìn an ninh trật tự tại chỗ. Thực tiễn cho thấy, ngoài sự tự phát của công nhân và người dân ở một số khu công nghiệp, một phần do thiếu nhận thức về pháp luật và một phần do tính hiếu kỳ, hiệu ứng đám đông nên bị kẻ xấu kích động, lôi kéo tụ tập gây rối, thì cũng có không ít đối tượng lợi dụng tình hình thực hiện các hành vi trộm cắp, đập phá tài sản của các doanh nghiệp, gây mất ổn định về an ninh chính trị, ảnh hưởng uy tín, vị thế của đất nước. Vì vậy, tập trung xây dựng lực lượng tự vệ vững mạnh ở các khu công nghiệp nhằm tăng cường khả năng tự bảo vệ mục tiêu, giữ gìn an ninh trật tự tại chỗ là một trong những giải pháp quan trọng, cấp thiết. Theo đó, các khu công nghiệp cần chú trọng đẩy mạnh việc thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp nói chung, xây dựng và phát triển lực lượng tự vệ nói riêng. Trên cơ sở đó, ban chỉ huy quân sự các khu công nghiệp chủ động phối hợp với các lực lượng trên địa bàn, trực tiếp là các ban chỉ huy quân sự cấp huyện, cấp xã để củng cố tổ chức, xây dựng và phát triển lực lượng tự vệ ở các khu công nghiệp theo Luật Dân quân tự vệ, đảm bảo cơ cấu, thành phần hợp lý, độ tin cậy chính trị cao. Đồng thời, duy trì chặt chẽ chế độ công tác huấn luyện chính trị, quân sự đúng chương trình, nội dung quy định, nhằm nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ và khả năng tự bảo vệ khi xảy ra các vụ tụ tập, gây rối. Nội dung huấn luyện cho lực lượng tự vệ phải toàn diện, trong đó tập trung giáo dục nâng cao giác ngộ chính trị, hiểu biết về pháp luật, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, chủ trương của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong tình hình mới và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Chú trọng huấn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo các loại công cụ hỗ trợ, vũ khí, trang bị có trong biên chế, nghiệp vụ tuần tra, canh gác; xây dựng và luyện tập các phương án bảo vệ mục tiêu, giải thoát con tin, phòng, chống tụ tập, gây rối, khủng bố, cháy nổ, v.v. Cùng với đó, ban chỉ huy quân sự các khu công nghiệp cần chủ động phối hợp với địa phương, các lực lượng trên địa bàn xây dựng và luyện tập thành thục các phương án tác chiến bảo vệ khu công nghiệp; tham gia diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện, góp phần giữ vững an ninh chính trị địa bàn, tạo môi trường ổn định để các khu công nghiệp và địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Ba là, đổi mới cơ chế hoạt động và thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách, nâng cao đời sống cho người lao động trong khu công nghiệp, đồng thời tăng cường công tác dân vận, xây dựng địa bàn an toàn. Thực tế một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp để xảy ra tình trạng công nhân đình công, bãi công là do nhiều nguyên nhân, trong đó, vấn đề chủ yếu là cơ chế quản lý hoạt động của doanh nghiệp đã lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất trong điều kiện mới. Vì vậy, việc đổi mới cơ chế hoạt động ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hiện nay là vấn đề cấp thiết và đòi hỏi khách quan. Mục đích nhằm điều chỉnh quan hệ sản xuất giữa doanh nghiệp với sự phát triển của lực lượng sản xuất trong khu công nghiệp và nhân dân trên địa bàn. Yêu cầu đổi mới phải theo hướng thiết thực, đem lại lợi ích thỏa đáng cho cả doanh nghiệp và người lao động. Đối với các doanh nghiệp, cần đổi mới cơ chế quản lý đã lạc hậu, kìm hãm sự sáng tạo, sức cống hiến của người lao động, nhất là chế độ làm việc, bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe, chính sách tiền lương, tiền thưởng,... nhằm phát huy trí tuệ, sức lao động của cán bộ, công nhân trong các khu công nghiệp, bảo đảm cho họ ngày càng đoàn kết, gắn bó, say mê, tận tụy làm việc, nâng cao năng suất lao động. Mặt khác, các doanh nghiệp cần đổi mới về cơ chế thuê mướn, đền bù, giải phóng mặt bằng cho nhân dân phù hợp, cũng như những cam kết về tạo điều kiện cho nhân dân trên địa bàn vào làm việc tại doanh nghiệp, góp phần giúp họ ổn định cuộc sống, nâng cao trách nhiệm trong xây dựng, bảo vệ doanh nghiệp.

Đi đôi với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh nhằm đạt lợi nhuận kinh tế cao, các doanh nghiệp cần chú trọng giải pháp xây dựng và phát triển nền kinh tế bền vững; chủ động chấp hành nghiêm các quy định về xử lý chất thải, không để ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Bên cạnh đó, ban quản lý các khu công nghiệp cần triển khai thực hiện tốt công tác dân vận, thường xuyên giúp đỡ nhân dân sinh sống trên địa bàn phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống; thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây và tặng “Nhà tình nghĩa”, tặng sổ tiết kiệm cho hộ nghèo, người có công. Từ đó, không ngừng củng cố mối quan hệ gắn bó giữa doanh nghiệp với cán bộ, công nhân và nhân dân địa phương, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ở các khu công nghiệp, tạo tiền đề quan trọng phòng, chống có hiệu quả nguy cơ tụ tập gây rối ở khu công nghiệp, xây dựng địa bàn an toàn.

Đại tá, ThS. VƯƠNG VĂN YÊN, Trưởng ban Tổng kết lịch sử, Bộ Tổng Tham mưu

____________

1 - Tính đến hết năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp được thành lập; trong đó, có 250 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, đóng góp 2,85% trong tổng số 7,08% tăng trưởng GDP cả nước.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.