Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 25/03/2021, 10:12 (GMT+7)
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quân sự trong giai đoạn mới

Nguồn nhân lực được ví như “chìa khóa” của sự thành công, phát triển ở mọi lĩnh vực. Do đặc thù cao của lĩnh vực khoa học và công nghệ quân sự, nguồn nhân lực càng có vị trí đặc biệt quan trọng, then chốt. Vì vậy, nghiên cứu giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quân sự là vấn đề vừa cấp thiết, vừa cơ bản, lâu dài.

Nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quân sự, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đặc thù này, thu được nhiều kết quả tích cực. Đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ quân sự được kiện toàn cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, độ tuổi. Số cán bộ khoa học và công nghệ quân sự có học vị, chức danh khoa học không ngừng tăng; tỷ lệ phân bố ngành, nghề dần tương thích với cơ cấu, tổ chức của Quân đội; chất lượng hoạt động có nhiều đổi mới, cơ bản đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra1. Đã hình thành một số cơ sở nghiên cứu chuyên ngành, đa ngành và xây dựng được mô hình doanh nghiệp Quân đội tham gia nghiên cứu khoa học, bước đầu khẳng định được uy tín, thương hiệu. Qua đó, bảo đảm tốt cho khai thác, làm chủ, cải tiến vũ khí, trang bị mới và hiện có; tiếp cận với thành quả khoa học, công nghệ hiện đại, làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi; nghiên cứu nghệ thuật tác chiến trong chiến tranh công nghệ cao; kết hợp quốc phòng với kinh tế, v.v.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quân sự của chúng ta còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng. Đơn cử như: số lượng công trình khoa học công bố trên tạp chí uy tín, sáng chế, đăng ký sở hữu trí tuệ,… chưa nhiều; số chuyên gia đầu ngành còn ít, chưa hình thành đội ngũ kỹ sư trưởng, công trình sư, tổng công trình sư và các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu. Đáng chú ý là, một số ngành, lĩnh vực có sự hụt hẫng về đội ngũ kế cận, nhất là nhân lực có kinh nghiệm thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật; có hiện tượng dịch chuyển nhân lực chất lượng cao ra ngoài Quân đội, v.v. Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Trong đó, có nguyên nhân do cơ chế, chính sách và công tác tạo nguồn, đào tạo, bố trí, sử dụng, đãi ngộ,… còn thiếu đồng bộ, chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, v.v.

Trước thực tế đó và tác động mạnh mẽ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, yêu cầu xây dựng Quân đội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đòi hỏi chúng ta cần quan tâm hơn nữa và triển khai kiên quyết, đồng bộ các giải pháp xây dựng, phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ quân sự.

Trước hết, cần làm tốt công tác quy hoạch nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quân sự. Đây là khâu then chốt trong hoạt động quản trị nguồn nhân lực giúp cấp ủy các cấp xây dựng chính sách, kế hoạch, tạo nguồn lực phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng. Thực hiện vấn đề đó, các cơ quan chức năng, trực tiếp là Cục Khoa học Quân sự cần rà soát, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng cơ sở dữ liệu nhân lực khoa học quân sự đầy đủ, chính xác và có tính cập nhật cao; hoàn thiện tiêu chí nguồn nhân lực chất lượng cao,… làm cơ sở xem xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ một cách chính xác. Các tiêu chí phải cụ thể, coi trọng cả “đức” và “tài”, gắn với nhiệm vụ, vị trí công việc được giao, sát với yêu cầu, đặc điểm của cơ quan, đơn vị. Các lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại; các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; các nhà máy, xí nghiệp sửa chữa, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật,… phải tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể chất lượng nguồn nhân lực hiện có, xác định nhu cầu về số lượng, quy mô nguồn nhân lực chất lượng cao của đơn vị để quy hoạch và có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, huấn luyện, tuyển dụng,… nhằm kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Để bảo đảm tính khoa học, khả thi trong quy hoạch, tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng cần xây dựng tiêu chuẩn chức danh cho từng vị trí công tác làm cơ sở để cán bộ phấn đấu, tạo tính minh bạch, dân chủ, khách quan trong bố trí, sử dụng. Việc xây dựng phải bài bản và chi tiết theo nguyên tắc việc chọn người cần đạt yêu cầu chung về: trình độ, văn hóa, sức khỏe, độ tuổi; mô tả rõ kỹ năng, thái độ công tác ở từng lĩnh vực chuyên môn. Làm cơ sở để cấp ủy các cấp đánh giá, sử dụng cán bộ minh bạch, khách quan; đảm bảo sự tiếp nối ổn định vững chắc, tin cậy về đội ngũ, nhất là lực lượng trình độ cao, nhiều kinh nghiệm; thể hiện nguyên tắc chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa,… tránh hụt hẫng đội ngũ, hạn chế sai sót trong dùng người, tạo động lực để cán bộ phấn đấu, cống hiến, nhanh chóng làm chủ lĩnh vực, nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, cần kiện toàn hệ thống tổ chức biên chế, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị khoa học quân sự trong toàn quân phù hợp với tổ chức, biên chế mới của Quân đội.

Hai là, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học và công nghệ quân sự. Đây là giải pháp quan trọng, trực tiếp quyết định việc phát triển số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để xây dựng năng lực con người theo những tiêu chuẩn đã định, cần thực hiện tốt phương châm “công tác giáo dục, đào tạo phải đi trước một bước”. Theo đó, đối với các học viện, nhà trường cần đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo theo hướng bám sát nhu cầu xây dựng và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hiện đại, chuẩn hóa, chuyên sâu. Trước mắt, tập trung đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới mạnh mẽ công tác nhà trường, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cải tiến phương pháp dạy và học, từng bước nâng cao toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trước thực tế hiện nay, cần đa dạng loại hình đào tạo, trong đó, lấy đào tạo đại học, sau đại học là chủ yếu; gắn đào tạo nhân lực chất lượng cao với hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm, trạm quan trắc, xưởng chế thử và thao trường thử nghiệm. Tập trung đào tạo cán bộ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo; quản lý, khai thác vũ khí, trang bị công nghệ cao; ưu tiên các lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn, trọng điểm có ứng dụng cao trong công nghiệp quốc phòng. Về phương thức, cần kết hợp đào tạo trong nước với hợp tác quốc tế; cử các chuyên gia đi nước ngoài thăm quan, khảo sát, học tập, thực tập, làm việc trong các tập đoàn công nghiệp quân sự lớn, các phòng thí nghiệm của nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước tiên tiến có quan hệ truyền thống với Việt Nam, trong khu vực và thế giới để chọn lọc, tiếp thu chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, gửi cán bộ đi đào tạo một số lĩnh vực, ngành đặc thù.

Ba là, bố trí sử dụng hợp l‎‎ý, hiệu quả, khơi dậy khát vọng cống hiến cho đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ quân sự. Bố trí, sử dụng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quân sự không chỉ nhằm duy trì nhân lực đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng hiện tại, mà còn chuẩn bị cho quá trình phát triển khoa học quân sự khi có yêu cầu của chiến tranh, hoặc nhu cầu thị trường. Điều này liên quan đến kế hoạch sử dụng nhân lực, duy trì hoạt động của các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học quân sự hiện tại và kế hoạch động viên, nhằm dự kiến bố trí, sắp xếp nhân lực vào từng vị trí nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự khi có nhu cầu mở rộng. Vì vậy, việc bố trí, sử dụng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quân sự cần phải được kết hợp hài hoà giữa đặc thù nghiên cứu, sản xuất quân sự với thị trường lao động; gắn kết kế hoạch với thị trường lao động; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phẩm chất, năng lực lao động với sức khỏe, tâm lý, tình cảm, hậu phương gia đình của người lao động, v.v. Theo đó, trong bố trí, sử dụng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ quân sự cần gắn kết chặt chẽ các loại nguồn, như: lực lượng hiện tại, nguồn kế cận, kế tiếp, lâu dài. Cần sớm phát hiện những người thực sự có tài năng, tạo điều kiện để họ sớm phát huy tài năng và cống hiến cho sự phát triển của khoa học quân sự; có quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng riêng, tạo điều kiện để họ sớm trở thành các chuyên gia giỏi. Định kỳ sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh từng nội dung cụ thể trong các khâu của quá trình bố trí, sử dụng; khen thưởng, biểu dương kịp thời cá nhân có phát minh, sáng kiến.

Cùng với đó, cần nghiên cứu, hoàn thiện chế độ, chính sách đặc thù, nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong Quân đội; đồng thời, quan tâm đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ quân sự. Theo đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành chế độ, chính sách đặc thù, ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên nghiên cứu khoa học, nhất là những người có công trình nghiên cứu đã ứng dụng mang lại hiệu quả cao, lợi ích kinh tế lớn hoặc sáng tạo trong lĩnh vực khoa học quân sự. Đồng thời, nghiên cứu nâng độ tuổi công tác, thời gian phục vụ đối với nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, nhà giáo có học vị, chức danh khoa học, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao, v.v. Tích cực huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học. Trong quá trình triển khai, cùng với việc bảo đảm tính phổ cập phục vụ cho nghiên cứu nền và mọi cán bộ nghiên cứu có thể tiếp cận, cần có một phần tiên tiến, hiện đại cho các nghiên cứu chuyên sâu, mũi nhọn, đi tắt đón đầu. Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng cơ sở vật chất đặc thù, không nhất thiết hiện đại, nhưng bảo đảm tính khác biệt tạo nên nét riêng trong nghiên cứu phát triển các sản phẩm khoa học quân sự “Made in Việt Nam”, như: ứng dụng công nghệ mô phỏng trong huấn luyện thực binh, chỉ huy - tham mưu để nghiên cứu, đánh giá về chiến thuật, nghệ thuật quân sự, v.v. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ sở kỹ thuật và đơn vị huấn luyện gắn với hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng, giảm đầu tư trang thiết bị đắt tiền, tiếp thu kiến thức, kỹ năng thực hành, giảm giá thành các sản phẩm khoa học. Qua đó, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học quân sự góp phần xây dựng Quân đội hiện đại từ năm 2030.

Đại tá, ThS. PHẠM VĂN KHẮC, Cục Khoa học Quân sự
____________________

1 - Giai đoạn 2008 - 2018, trí thức Quân đội tăng 68%; trình độ từ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II trở lên tăng 70%, trong đó có 40% từ 36 đến 50 tuổi.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.