Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:14 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Nâng cao trình độ tác chiến là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay của các đơn vị trong toàn quân. Đối với Sư đoàn Phòng không trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, điều đó càng có ý nghĩa quan trọng.
Cán bộ, nhân viên Sư đoàn Phòng không Hà Nội vận hành hệ thống vũ khí (Nguồn: vietnamnet.vn)
Hiện nay và trong tương lai, nhiệm vụ của các Sư đoàn Phòng không (SĐPK) hết sức nặng nề. Do vậy, SĐPK đã và sẽ được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại và tương đối hiện đại: ra-đa, tên lửa và súng pháo phòng không (SPPK) thế hệ mới, có khả năng phát hiện, bắn được nhiều loại mục tiêu trên không, mặt đất, mặt nước ở cự ly xa, trong điều kiện phức tạp, cả ban ngày và ban đêm. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, nhất là đối tượng tác chiến có sự phát triển vũ khí, trang bị (VK,TB), phương thức, thủ đoạn tác chiến đường không… là một thách thức đối với các SĐPK trong việc thực hiện nhiệm vụ. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các SĐPK không ngừng nâng cao khả năng, trình độ tác chiến bảo vệ vững chắc vùng trời theo nhiệm vụ được giao? Đây là vấn đề lớn, phức tạp, không dễ có lời giải chuẩn xác. Qua nghiên cứu và từ thực tiễn, chúng tôi đưa ra một số giải pháp cơ bản để cùng trao đổi.
Trước hết, về xây dựng thế trận Phòng không. Mọi người đều biết, tác chiến trong điều kiện hiện nay cũng như trong tương lai, chúng ta sẽ phải đương đầu với đối tượng tác chiến mạnh hơn hẳn về tiềm lực quân sự, VK,TB; do vậy, ta phải dùng “mưu, kế, thế, thời” để đánh địch. Đây chính là nét đặc trưng của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung, nghệ thuật tác chiến Phòng không nói riêng. Trong đó, việc xây dựng thế trận vững chắc, hiểm hóc nhằm phát huy cao nhất sở trường, thế mạnh của các lực lượng phòng không là một nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi. Với nhận thức đó, các SĐPK, nhất là sư đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ yếu địa phải phối hợp với các lực lượng phòng không của đơn vị chủ lực và địa phương để thiết lập thế trận phòng không vững chắc trên địa bàn. Thuận lợi cơ bản đối với các SĐPK là đã có nhiều kinh nghiệm quý về xây dựng thế trận phòng không qua các đợt tác chiến tập trung trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, nhất là Chiến dịch Phòng không tháng 12 năm 1972; sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh của các địa phương tạo nguồn lực ngày càng lớn cho xây dựng thế trận… Nhưng bên cạnh đó cũng có những khó khăn: sự tác động từ mặt trái của việc đô thị hoá nhanh, địa hình thay đổi phức tạp. Mặt khác, trong tiến công đường không, kẻ địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, tiến công với quy mô lớn, cường độ cao trong thời gian có thể ngắn, cũng có thể dài, liên tục… Vì vậy, để bảo vệ vững chắc vùng trời mục tiêu, SĐPK cần phải kế thừa và phát huy những ưu điểm (thế trận vững chắc, hiểm hóc, liên hoàn, có chiều sâu) của những năm trước đây để xây dựng thế trận. Thế trận phòng không trong tương lai mà các sư đoàn thiết lập phải đạt được yêu cầu: “vững chắc, hiểm hóc, liên hoàn, linh hoạt, có chiều sâu”. Muốn thế, ngay từ thời bình, các SĐPK phải phối hợp với cơ quan chức năng của Quân chủng và các lực lượng phòng không (chủ lực, địa phương, dân quân, tự vệ) tổ chức, bố trí thế trận phòng không có trường ra-đa khép kín với nhiều loại phương tiện trinh sát (thô sơ, hiện đại, vô tuyến, quang học, la-de…), bảo đảm kịp thời phát hiện, thông báo cho các đơn vị hoả lực; đồng thời, thiết lập vùng hoả lực của tên lửa, SPPK và tên lửa tầm thấp bao trùm toàn bộ yếu địa; lựa chọn sẵn một số vị trí để thực hiện cơ động “xê dịch”. Ngoài ra, trên mỗi hướng, nhất là hướng chủ yếu, cần phải bố trí cụm phòng không tạo thành thế trận “khép kín”, bảo đảm cho các lực lượng chiến đấu cơ động đổi chỗ linh hoạt, phát huy cao nhất khả năng hoả lực của mình… Các SĐPK còn phải dự kiến bố trí trận địa phục kích hợp lý, thuận lợi trong cơ động triển khai cụm SPPK, tên lửa tầm thấp đón, đánh địch đột nhập. Như vậy, các SĐPK phải sớm xây dựng thế trận phòng không vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu, nhiều tầng, nhiều lớp, đảm bảo khả năng đánh địch từ xa đến gần, từ trong ra ngoài, thậm chí đánh ngay trên đỉnh mục tiêu bảo vệ khi bị bất ngờ.
Hai là, đổi mới công tác huấn luyện, diễn tập nhằm không ngừng nâng cao trình độ tác chiến cho Bộ đội Phòng không. Chiến tranh hiện đại rất đa dạng về kiểu loại, hình thức (truyền thống, phi truyền thống, hiện đại và kết hợp chặt chẽ giữa các loại hình), tính chất và quy mô. Do vậy, trong công tác huấn luyện của SĐPK ngoài việc tổ chức thực hiện nghiêm phương châm, chương trình, kế hoạch huấn luyện năm, phải coi trọng một số nội dung chủ yếu sau: Thứ nhất, tập trung huấn luyện cán bộ tham mưu, kỹ thuật các cấp nắm chắc tính năng kỹ, chiến thuật vũ khí mới, biết khai thác, sử dụng; bảo đảm vừa đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá, vừa đáp ứng yêu cầu bố trí, sắp xếp cán bộ duy trì tác chiến liên tục, dài ngày. Đối với đơn vị mới, cần chú trọng huấn luyện nội dung kỹ thuật để sẵn sàng tiếp nhận khí tài hiện đại. Thứ hai, huấn luyện nâng cao trình độ tư duy chiến thuật, chiến dịch phòng không cho cán bộ tham mưu sư đoàn, giúp họ có đủ tri thức vận dụng, phát triển các hình thức chiến thuật, biện pháp tác chiến, tổ chức chỉ huy, hiệp đồng cũng như tính toán chọn phương án tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng, bảo đảm phát huy tối đa khả năng của VK,TB mới để bảo vệ mục tiêu. Thứ ba, huấn luyện nâng cao trình độ kíp chiến đấu sở chỉ huy trung đoàn, bởi đây là khâu yếu nhất trong hệ thống chỉ huy. Thực tế hiện nay, cán bộ tham mưu trung đoàn có trình độ không đồng đều, phát triển lên từ nhiều nguồn, nên năng lực tham mưu, truyền lệnh và giúp đơn vị thực hiện mệnh lệnh của trung đoàn, sư đoàn bị hạn chế. Mặt khác, trang thiết bị ở sở chỉ huy trung đoàn thiếu, cũ, xuống cấp… Vì thế, mệnh lệnh của sư đoàn truyền xuống và báo cáo của các đơn vị chuyển lên thường bị giữ chậm ở sở chỉ huy trung đoàn, dẫn đến lỡ thời cơ tiêu diệt địch. Từ đó, các SĐPK phải đi sâu bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ trung đoàn nắm chắc và làm tốt chức trách cấp mình, hiểu chức trách cấp trên, biết và làm tốt chức trách cấp dưới… Thứ tư, tăng cường huấn luyện cơ động đánh đêm cho các đơn vị SPPK, vì đánh đêm đòi hỏi pháo thủ trong kíp chiến đấu phải có trình độ thao tác, sử dụng súng pháo thuần thục.
Các SĐPK cần chú trọng tổ chức huấn luyện diễn tập vòng tổng hợp, nhằm nâng cao trình độ tác chiến của bộ đội, năng lực chỉ huy cho cán bộ các cấp, nhất là chỉ huy, điều hành tổ chức cơ động chiếm lĩnh trận địa, triển khai khí tài… Trong huấn luyện, diễn tập, phải coi trọng tính toàn diện, tập trung vào những nội dung cơ bản và khâu yếu. Thực tế cho thấy, khôi phục chiến đấu là một nội dung quan trọng nhưng hiện chưa được quan tâm đúng mức, kể cả ở các học viện, nhà trường. Các đơn vị lại thường làm lướt, không bảo đảm nội dung, nên sau mỗi lần diễn tập, khả năng khôi phục chiến đấu hạn chế. Đây là điều hết sức nguy hại. Nếu không được khắc phục kịp thời sẽ khó tránh khỏi tổn thất lớn về người, VK,TB trong tác chiến. Để làm tốt việc này, các SĐPK tập trung huấn luyện cho chỉ huy các đơn vị phương pháp giải quyết nhanh, kịp thời hậu quả tổn thất về người, VK,TB và vật chất bảo đảm; đồng thời, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ cho các lực lượng nòng cốt, trên hướng chủ yếu, khu vực mục tiêu chủ yếu; nhanh chóng tổ chức khôi phục sức cơ động, củng cố trận địa, đường cơ động đã bị đánh phá…
Ba là, tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc, hậu cần, kỹ thuật cho SĐPK tác chiến liên tục, đạt hiệu suất cao. Tiến công đường không trong chiến tranh hiện đại sẽ diễn ra rất ác liệt, cùng lúc địch có thể đánh chiếm nhiều khu vực, mục tiêu. Vì thế, việc bảo đảm lực lượng, phương tiện, kỹ thuật và thông tin liên lạc cho SĐPK tác chiến chắc chắn rất khó khăn. Mặc dù, các SĐPK bảo vệ yếu địa có nhiều thuận lợi: tác chiến ở một địa bàn ổn định, hệ thống trận địa, kho, trạm trung chuyển, mạng thông tin liên lạc được chuẩn bị trước. Nhưng trong tác chiến, các hệ thống thông tin chỉ huy, truyền dữ liệu dù hiện đại, vững chắc đến đâu cũng khó đảm bảo được liên tục, kịp thời khi tình huống diễn biến mau lẹ, phức tạp. Do vậy, để bảo đảm chỉ huy tác chiến thường xuyên, vững chắc, ngoài các phương tiện thông tin hiện có, cần phải có sự hỗ trợ, phối hợp lực lượng thông tin Quân chủng, của Bộ bổ sung với các loại phương tiện có tính năng liên lạc, khả năng kháng nhiễu tốt, ưu việt hơn. Cùng với đó, phải triển khai hệ thống thông tin liên lạc truyền thống, bền vững: thông tin hữu tuyến điện, thông tin vận động... Ngoài ra, các SĐPK cần tổ chức chỉ huy phân cấp theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan đơn vị và khu vực; thậm chí có thời điểm còn phải cử cán bộ sư đoàn xuống các đơn vị trực tiếp chỉ huy tác chiến theo phương án, kế hoạch đã được phê chuẩn… Đối với SĐPK, công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần, nhất là bảo đảm đạn tên lửa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạt động tác chiến. Đây cũng là bài học kinh nghiệm được rút ra từ Chiến dịch Phòng không tháng 12 năm 1972. Kế thừa và phát triển những phương thức, biện pháp bảo đảm đạn trong chiến tranh trước đây vào điều kiện mới, các SĐPK có thể nghiên cứu tổ chức lắp ráp đạn tên lửa bằng biện pháp hợp lý hơn. Chẳng hạn như: dùng xe đặc chủng đưa phần lớn các bộ phận của đạn lên xe chuyên dụng, tiến hành lắp ráp, hoàn chỉnh ngay trên xe. Bên cạnh đó, cần bảo đảm đạn đúng cơ số ở các tuyến, phương tiện xe kéo, đội ngũ lái xe dày dạn kinh nghiệm sẵn sàng vận chuyển đạn giữa các đơn vị hoả lực, các kho, trạm trung chuyển và đơn vị kỹ thuật; có phương án nhanh chóng chuyển đạn ở những đơn vị trên hướng thứ yếu cho các đơn vị trên hướng chủ yếu khi cần thiết. Việc bảo đảm vật chất hậu cần, kỹ thuật nên được thực hiện theo phân cấp từ trên xuống dưới và bảo đảm tại chỗ theo khu vực. Trong đó, tập trung khai thác nguồn vật tư hậu cần, kỹ thuật tại chỗ của khu vực phòng thủ. Đây là biện pháp hợp lý trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, liên tục, dài ngày.
Bốn là, tích cực đổi mới hoạt động công tác đảng, công tác chính trị đảm bảo cho tác chiến phòng không thắng lợi. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quá trình tác chiến rất quan trọng. Nhưng đổi mới như thế nào, bằng cách nào? Điều đó phụ thuộc vào điều kiện, tình huống cụ thể trong chiến tranh; phụ thuộc sự linh hoạt, sáng tạo của cán bộ chỉ huy các cấp, nhất là của chính uỷ, phó chính uỷ, chính trị viên… Song, điều cần khẳng định là việc nghiên cứu, đổi mới công tác này phải được quan tâm ngay từ khi chưa xảy ra chiến tranh, với mục tiêu: xây dựng cho bộ đội có ý chí quyết tâm cao, tin vào sức mạnh của dân tộc, sự lãnh đạo của Đảng và nghệ thuật chiến tranh nhân dân, dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng kẻ thù xâm lược. Các SĐPK phải thường xuyên chăm lo, củng cố các tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, sức chiến đấu cao; chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ tổ chức triển khai nhiệm vụ cho cán bộ, nhất là năng lực giáo dục, thuyết phục của cấp uỷ các cấp, trực tiếp là bí thư, phó bí thư.
Trên đây là một số giải pháp nâng cao trình độ tác chiến của SĐPK, mang tính nghiên cứu, tham khảo.
Đại tá NGUYỄN QUANG TUYẾN
Sư đoàn trưởng Sư đoàn 361
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc