Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:01 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Ứng dụng công nghệ bức xạ, hạt nhân vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội là nhu cầu tất yếu đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với đó là sự gia tăng nguy cơ xảy ra sự cố bức xạ, hạt nhân. Vì vậy, nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân là vấn đề quan trọng, cấp thiết.
Sự cố bức xạ, hạt nhân là tình trạng mất an toàn bức xạ; mất an toàn hạt nhân; mất an ninh đối với nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, cơ sở bức xạ và cơ sở hạt nhân. Hậu quả do sự cố bức xạ, hạt nhân gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và để lại nhiều di chứng, bệnh tật đối với con người, hủy hoại môi trường sinh thái và tác động lâu dài đến đời sống xã hội. Mặc dù vậy, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, một số quốc gia đã và đang đầu tư xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân làm gia tăng nguy cơ sự cố bức xạ, hạt nhân. Cùng với đó là các hoạt động buôn bán trái phép, sở hữu bất hợp pháp chất phóng xạ, nguyên liệu hạt nhân diễn biến phức tạp; các tổ chức khủng bố quốc tế tìm mọi cách sở hữu vũ khí phóng xạ, vũ khí hạt nhân tự chế để tiến hành các hoạt động khủng bố,... dẫn đến nguy cơ mất an toàn bức xạ, hạt nhân rất cao.
Nhận thức rõ điều đó, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng công tác phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng ứng phó hiệu quả sự cố. Thời gian qua, cùng với tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó sự cố, Đảng, Chính phủ còn quan tâm tuyên truyền, giáo dục công tác phòng hóa nói chung, ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân nói riêng, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân về nhiệm vụ quan trọng này; đầu tư, huy động mọi nguồn lực nâng cao trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ cho lực lượng tham gia, giảm thiểu thiệt hại về con người và tài sản.
Tuy nhiên, do đặc điểm, tính chất nguy hiểm, phức tạp và mức độ thiệt hại từ sự cố bức xạ, hạt nhân là vô cùng lớn, nhu cầu bảo đảm phòng hóa cao; trong khi đó, lực lượng, phương tiện phòng hóa của ta có hạn. Để giải bài toán này, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, sức mạnh của cả quốc gia, trong đó lực lượng hóa học làm nòng cốt.
Trước hết, tập trung xây dựng thế trận phòng hóa rộng khắp, vững chắc, liên hoàn và linh hoạt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của Bộ đội Hóa học. Trong xây dựng thế trận phòng hóa phải tuân thủ nguyên tắc: bảo đảm toàn diện, tập trung lực lượng, phương tiện vào khu vực, vùng trọng điểm, địa bàn chiến lược và nhiệm vụ trọng yếu. Theo đó, Bộ Tư lệnh Hóa học cần thường xuyên cập nhật thông tin từ các bộ, ngành liên quan và của các tỉnh, thành phố về quy hoạch phát triển công nghiệp hóa chất và hoạt động ứng dụng công nghệ hạt nhân, v.v. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch bố trí các lực lượng hóa học bảo đảm vừa thuận lợi cho cơ động, triển khai lực lượng ứng phó sự cố, vừa nhanh chóng chuyển hóa thế trận thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hóa học trong các loại hình tác chiến khi địch sử dụng vũ khí phóng xạ, hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Lực lượng hóa học của Binh chủng là lực lượng cơ động chiến lược, nòng cốt, nên việc triển khai, bố trí, sử dụng lực lượng này cần bảo đảm cân đối giữa các vùng, miền, hướng, nhất là địa bàn chiến lược, các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Trước mắt, tập trung xây dựng, hoàn thiện tổ chức biên chế, hiện đại hóa các lực lượng chuyên trách: Trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân miền Bắc, Trung, Nam; Đội Khắc phục hậu quả môi trường ASEAN; Trung tâm hành động quốc gia xử lý chất độc hóa học và môi trường (NACCET). Với lực lượng hóa học các quân khu, quân đoàn, quân chủng được tổ chức phù hợp với xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, làm nòng cốt, cùng với lực lượng tại chỗ, lực lượng chuyên môn, lực lượng kiêm nhiệm, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống sự cố, thảm họa theo quy định của Nghị định số 02/2019/NĐ-CP, ngày 02/01/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự. Trong chuẩn bị và động viên công nghiệp, chú trọng xây dựng phương án huy động năng lực của các doanh nghiệp vào bảo đảm trang bị, vật tư phòng hóa tại chỗ cho nhiệm vụ ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh.
Hai là, nắm chắc tình hình, kịp thời điểu chỉnh tổ chức lực lượng hóa học phù hợp, đảm bảo ứng phó hiệu quả tình huống sự cố bức xạ, hạt nhân. Việc nắm chắc tình hình có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở khoa học để người chỉ huy và cơ quan chức năng hóa học xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức, triển khai, sử dụng lực lượng ứng phó sự cố phù hợp với thực tế. Thực hiện điều đó, lực lượng hóa học cần khai thác triệt để các nguồn thông tin, nhất là báo cáo của bộ phận chức năng tại cơ sở xảy ra sự cố; số liệu quan trắc, cảnh báo của Hệ thống quan trắc phóng xạ - hóa học trong Quân đội; xác minh nguyên nhân, loại nguồn, đồng vị phóng xạ và vật liệu hạt nhân, v.v. Trên cơ sở dữ liệu ban đầu, Bộ Tư lệnh Hóa học chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng kế hoạch tổ chức, sử dụng lực lượng trinh sát, khảo sát thực tế tại hiện trường, thu thập các số liệu cần thiết để dự đoán, dự toán khả năng phát triển của sự cố. Trên cơ sở đó, tiếp tục điều chỉnh tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư,... hình thành các bộ phận theo chức năng, nhiệm vụ phù hợp với quy mô sự cố. Quá trình điều chỉnh phải chặt chẽ, dựa trên chức năng chuyên môn, trang bị, vật tư,... để tổ chức, bố trí, triển khai và sử dụng lực lượng, phương tiện phù hợp, nhất là lực lượng chỉ huy, chỉ đạo (Sở Chỉ huy hiện trường), cơ động; bảo đảm từng lực lượng vừa có khả năng độc lập thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa liên kết với các lực lượng khác tham gia ứng phó tình huống sự cố quy mô lớn, phức tạp; hạn chế gây xáo trộn về cơ cấu, thay đổi vị trí bố trí, gây khó khăn cho hoạt động của các lực lượng, đảm bảo ứng phó, xử lý sự cố nhanh, kịp thời, chất lượng, hiệu quả.
Ba là, nâng cao chất lượng huấn luyện, năng lực, trình độ chỉ huy, điều hành ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Bộ Tham mưu Binh chủng Hóa học cần thường xuyên đổi mới chương trình, nội dung, nâng cao chất lượng huấn luyện. Trọng tâm là nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, điều hành và kỹ thuật ứng phó sự cố cho các đối tượng, nhất là cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố; huấn luyện chuyên sâu cho lực lượng chuyên trách (Trung tâm Ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân và Đội Khắc phục hậu quả môi trường; NACCET), bảo đảm thực sự là lực lượng nòng cốt, đủ khả năng xử lý các tình huống phức tạp trên phạm vi cả nước và sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ trong khu vực và quốc tế khi có yêu cầu. Để đạt chất lượng, hiệu quả, các đơn vị cần tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện thực hành, huấn luyện dã ngoại, huấn luyện trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp và cường độ cao. Kết hợp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành với huấn luyện tiêu tẩy chất độc, xạ tồn lưu sau chiến tranh, xử lý sự cố môi trường; huấn luyện cho bộ đội khai thác, sử dụng thành thạo các trang bị, khí tài hóa học thế hệ mới, hiện đại.
Với đội ngũ chỉ huy và cơ quan cần tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cập nhật hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm soát bức xạ, hạt nhân, làm chủ các trang thiết bị mới; khả năng đánh giá tình huống, hạ quyết tâm nhanh, chính xác, chỉ huy, chỉ đạo khắc phục sự cố kịp thời, hiệu quả. Trước mắt, Binh chủng cần tăng cường tổ chức và tham gia các đợt tập huấn nghiệp vụ ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân trong và ngoài nước; chủ động liên kết, trao đổi thông tin về đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân; tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các đối tác trong huấn luyện, đào tạo. Quan tâm đầu tư, hoàn thiện hệ thống chỉ huy theo hướng hiện đại, đồng bộ, thống nhất và từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều hành ứng phó sự cố.
Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân. Đây là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân, nên Binh chủng cần tập trung nghiên cứu nâng cao khả năng dự báo nguy cơ xảy ra sự cố trong nước, khu vực, nhất là các nước láng giềng; dự kiến các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác hại; tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào cải tiến, sản xuất và mua sắm trang thiết bị hóa học mới, hiện đại bảo đảm đầy đủ cho các lực lượng. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ triển khai ứng dụng kết quả Chương trình “Nghiên cứu kỹ thuật an toàn hạt nhân bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cho Quân đội giai đoạn 2016 - 2020 định hướng đến năm 2030” vào thực tiễn. Thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng và kiện toàn hệ thống quan trắc cảnh báo phóng xạ trong Quân đội”, hướng trọng tâm vào hiện đại hóa trang thiết bị các trạm quan trắc môi trường; xây dựng Tổ hợp Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường và Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET); nâng cấp các phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào thiết kế, chế tạo các trang thiết bị mới, hiện đại hóa hệ thống chỉ huy, điều hành và huấn luyện, đào tạo lực lượng hóa học; nâng cao khả năng dự báo, dự đoán, dự toán tình huống sự cố bức xạ, hạt nhân.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thông tin, dự báo, cảnh báo và xây dựng cơ chế phối hợp hành động khi xảy ra sự cố bức xạ, hạt nhân xuyên biên giới; tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức, sử dụng lực lượng ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân với các nước, nhất là các nước phát triển, láng giềng. Chủ động tham gia các cuộc diễn tập quốc tế ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân; các cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng với các nước về cứu hộ, cứu nạn, như: Hội thảo ASEAN, ARF, ADMM+, MCIP và Hiệp định Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER), nâng cao hiệu quả ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá NGUYỄN ĐÌNH HIỀN, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học
bức xạ,hạt nhân,sự cố,ứng phó
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc