Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 20/09/2018, 09:53 (GMT+7)
Giải pháp nâng cao chất lượng diễn tập chiến đấu của Sư đoàn 325

Diễn tập là hình thức huấn luyện cao nhất, có ý nghĩa quan trọng trong rèn luyện, nâng cao năng lực chỉ huy của cán bộ chỉ huy các cấp, trình độ kỹ, chiến thuật và khả năng hiệp đồng chiến đấu của các bộ phận, trực tiếp góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của đơn vị.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức diễn tập ở các cấp và xác định đây là một trong những khâu đột phá trong đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện của Sư đoàn. Theo đó, cùng với chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị diễn tập, cả về con người, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất bảo đảm, Sư đoàn đã tích cực nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương pháp diễn tập; trong đó, chú trọng điều chỉnh, bổ sung nội dung bảo đảm sát với đối tượng, phương án, địa bàn, trong điều kiện địch sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao; chỉ đạo thực hiện phương pháp “đạo theo diễn” trong một số giai đoạn diễn tập, v.v. Sư đoàn đã triển khai xây dựng đầu bài diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp, chỉ huy - cơ quan trên bản đồ và ngoài thực địa, nhất là ở địa hình mới và đa dạng hình thức chiến thuật, phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị, sự phát triển của tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ và ý định tác chiến của Quân đoàn.

Chuẩn bị cơ động lực lượng

Trong diễn tập vòng tổng hợp, các đơn vị đã gắn thực hiện nội dung chiến thuật với tổ chức hành quân cơ động đường dài từ 70km - 80km, qua các địa hình phức tạp và tổ chức vượt sông đảm bảo sát với thực tế chiến đấu để rèn luyện thể lực, sức bền của bộ đội. Trong 05 năm qua, 100% các cuộc diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp cấp đại đội, tiểu đoàn, diễn tập chỉ huy cơ quan một bên một cấp, một bên hai cấp trên bản đồ và ngoài thực địa có một phần thực binh đều đạt khá, bắn chiến đấu đạt giỏi, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, trong cuộc Diễn tập DT-17 vừa qua, các lực lượng của Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng, với 01 trung đoàn thực binh, 01 tiểu đoàn bắn chiến đấu đạt giỏi, đơn vị an toàn tuyệt đối, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng biểu dương, đánh giá cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác diễn tập của Sư đoàn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra, nhất là trong xây dựng đầu bài tập; về phòng tránh, đánh trả vũ khí công nghệ cao cũng như phối hợp với khu vực phòng thủ địa phương, v.v. Trước đòi hỏi của thực tiễn, nhiệm vụ của Sư đoàn đã và đang phát triển, đặt ra nhiều vấn đề mới cần tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ trong thời gian tới; trong đó, có công tác huấn luyện chiến đấu nói chung, diễn tập chiến thuật nói riêng. Phạm vi bài viết đề cập một số giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng diễn tập chiến đấu của Sư đoàn để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Như đã biết, ở quy mô cấp sư đoàn bộ binh, về hình thức diễn tập chỉ huy - cơ quan chủ yếu là một bên, một cấp hoặc một bên hai cấp, trên địa bàn khá rộng. Trong khi đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc xây dựng đầu bài diễn tập ở các cấp của Sư đoàn về cơ bản được xây dựng trên địa bàn quen thuộc. Bởi vậy, các yếu tố về địch còn mang tính áp đặt chủ quan, chưa đưa cán bộ chỉ huy vào môi trường sát thực tế, nên chưa phát huy hết tính tích cực, chủ động, cũng như rèn luyện năng lực tham mưu của cơ quan, ra quyết định của người chỉ huy. Trong hầu hết các cuộc diễn tập, việc sử dụng lực lượng tham gia cũng có sự thiên lệch; thậm chí lực lượng hậu cần, kỹ thuật chủ yếu tham gia với vai trò bảo đảm cho diễn tập, chưa có nhiều nội dung “diễn” gắn với hành động của các lực lượng trong đội hình chiến đấu, v.v. Để khắc phục những hạn chế trên, Sư đoàn đã và đang chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn kiện diễn tập ở các cấp. Trọng tâm là nghiên cứu, biên soạn hoàn thiện hệ thống đầu bài, văn kiện diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp, diễn tập chỉ huy - cơ quan theo hướng đa dạng hình thức chiến thuật; chú trọng khảo sát, xây dựng đầu bài trên địa bàn mới và đảm bảo nội dung toàn diện cho cả lực lượng chiến đấu và lực lượng bảo đảm. Cùng với đó, để diễn tập sát với thực tế chiến đấu, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người chỉ huy và cơ quan, nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng và khả năng xử lý tình huống trong tổ chức chuẩn bị, thực hành chiến đấu, chiến dịch, thiết nghĩ đã đến lúc cần nghiên cứu thực hiện diễn tập theo hình thức đối kháng cho chỉ huy - cơ quan. Đây là vấn đề mới và có không ít khó khăn, để thực hiện thành công đòi hỏi phải có sự chuẩn bị công phu cả đầu bài, tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng lực lượng tham gia diễn tập, nhất là đạo diễn cho cả hai bên, v.v.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), trước đối tượng tác chiến có ưu thế về vũ khí công nghệ cao, khả năng trinh sát phát hiện ngày càng tinh vi, hiện đại, tác chiến điện tử rộng rãi, cơ động cao, phản ứng nhanh, linh hoạt, đặt ra cho Sư đoàn những yêu cầu rất cao trong suốt quá trình tác chiến, nhất là vấn đề ngụy trang, nghi binh, cơ động phòng tránh giữ bí mật, bảo toàn lực lượng, v.v. Nhận rõ vấn đề đó, trong nội dung các cuộc diễn tập, Sư đoàn đã chú trọng kết cấu các yếu tố, tình huống về địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Tuy nhiên, nội dung này mới chủ yếu được đưa ra dưới dạng lý thuyết chung, các tình huống cơ bản ít biến động, nên tính thực tế còn hạn chế, việc “nhập vai” của cán bộ, chiến sĩ dừng lại ở mức độ nhất định. Nhằm khắc phục vấn đề này, Sư đoàn tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện nội dung diễn tập; trong đó, chú trọng bổ sung các vấn đề, tình huống về cơ động, phòng tránh, đánh trả, ngụy trang, nghi trang, nghi binh, phòng, chống tác chiến điện tử, v.v. Trước hết, Sư đoàn tập trung nghiên cứu, tăng cường các bài tập cơ động trong diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp và diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng ở các quy mô, theo hướng tăng dần mức độ khó trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp. Trọng tâm là nghiên cứu, xây dựng các tình huống cơ động lực lượng gắn với phòng tránh, đánh trả địch tiến công hỏa lực, các bài tập cơ động vượt sông và phối hợp với các lực lượng của Quân đoàn thực hành cơ động bằng xe cơ giới trong điều kiện dã ngoại, đường dài, v.v. Để đạt mục đích đề ra, thời gian tới, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng những nội dung trên ngay trong quá trình huấn luyện; đẩy mạnh kết hợp huấn luyện cơ động, vượt sông với diễn tập tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão, nâng cao tính thực sự, thực tế; tích cực nghiên cứu, phát triển, vận dụng những bài học kinh nghiệm cơ động “thần tốc” của Quân đoàn và của Sư đoàn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong huấn luyện, diễn tập. Cùng với đó, có thể chủ động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, kết hợp với các biện pháp thủ công, tại chỗ để triển khai sâu, kỹ nội dung ngụy trang, nghi trang, nghi binh theo hướng làm giả như thật trong từng giai đoạn và tình huống diễn tập. Đặc biệt, để nâng cao các kỹ năng phòng, chống trinh sát và chế áp điện tử của địch cho lực lượng thông tin liên lạc, đề nghị cơ quan chức năng của Quân đoàn nghiên cứu triển khai lực lượng tác chiến điện tử chuyên trách làm “đáy” trong diễn tập của Sư đoàn, v.v.

B41 khai hỏa

Với vai trò là đơn vị chủ công trong đội hình của Quân đoàn 2, Sư đoàn sẽ làm nòng cốt thực hiện các trận đánh then chốt, then chốt quyết định cấp chiến dịch, trên hướng chiến lược, trong thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao. Vì thế, cùng với hiệp đồng với các lực lượng khác, việc phối hợp, hiệp đồng với lực lượng vũ trang địa phương trong suốt quá trình tác chiến có ý nghĩa rất quan trọng. Ý thức rõ điều đó, thời gian qua, việc phối hợp này luôn được Sư đoàn coi trọng trong diễn tập ở tất cả các cấp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, ở hầu hết các cuộc diễn tập do Sư đoàn tổ chức, nội dung này mới dừng lại ở tưởng định hình thái quân sự, ít có điều kiện thực hành trên thực tế (ngoài các cuộc diễn tập hiệp đồng quân binh chủng do Bộ tổ chức mà Sư doàn được tham gia). Để nâng cao trình độ, khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương, theo chúng tôi, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo gắn diễn tập của các đơn vị chủ lực với diễn khu vực phòng thủ theo phân cấp.

Trước sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong hoạt động quân sự, quốc phòng, trong đó có hoạt động huấn luyện, diễn tập. Tuy nhiên, hiện nay, trong diễn tập, nhất là diễn tập chỉ huy - cơ quan của Sư đoàn, cũng như nhiều đơn vị trong toàn quân, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, chủ yếu dừng lại ở hỗ trợ tính toán số liệu, soạn thảo văn kiện, chưa phát huy được hiệu quả của khoa học, công nghệ. Về nguyên nhân, chủ yếu do hạn chế nguồn nhân lực và hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin. Chủ trương của Sư đoàn trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào diễn tập, trước hết là diễn tập chỉ huy - cơ quan với việc sử dụng các phần mềm ứng dụng phục vụ tác chiến, như: bản đồ kỹ thuật số, mô phỏng 3D, các phần mềm hỗ trợ công tác tham mưu tác chiến, tính toán các chuyên ngành, v.v. Thực hiện được vấn đề này sẽ tạo bước đột phá trong diễn tập, khắc phục được hạn chế về thao trường, địa bàn diễn tập, huấn luyện cho người chỉ huy, cơ quan kỹ năng cần thiết về chỉ huy, tham mưu tác chiến trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, cùng với việc Sư đoàn tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư của cấp trên cả về nhân viên chuyên môn, cơ sở hạ tầng, trang bị, phương tiện công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ.

Nâng cao chất lượng diễn tập vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu cấp thiết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nâng cao khả năng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Đây là vấn đề cần được quan tâm, tiếp tục nghiên cứu phát triển, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tá NGUYỄN THÀNH PHỐ, Sư đoàn trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.