Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 22/01/2021, 07:07 (GMT+7)
Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị

Đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội là người trực tiếp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị ở cơ sở, có vai trò quan trọng góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Là trung tâm đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội cho toàn quân, Trường Sĩ quan Chính trị cần nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thủ trưởng Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Chính trị gặp gỡ, động viên các đồng chí học viên.

Những năm qua, Trường Sĩ quan Chính trị luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và yêu cầu xây dựng Quân đội; trong đó, tập trung vào Nghị quyết số 29- NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020; các chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng về công tác giáo dục, đào tạo trong Quân đội. Trên cơ sở đó, Nhà trường cụ thể hóa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ X, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, góp phần quan trọng vào xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội trình độ đại học cho toàn quân. Nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đang đặt ra yêu cầu mới rất cao, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI xác định: tiếp tục xây dựng Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh; trong đó, xây dựng vững mạnh về chính trị và chuẩn mực “Bộ đội

Cụ Hồ” là nhiệm vụ quan trọng, làm cơ sở thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu xây dựng Quân đội hiện đại. Để góp phần thực hiện mục tiêu đó, công tác đào tạo của Nhà trường cần có nhiều giải pháp khoa học, sát hợp, thực tế hơn, nhằm nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trước hết, đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, sát thực tế. Những năm qua, việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo của Nhà trường đã đạt những kết quả tích cực, song cấu trúc giữa các khối kiến thức vẫn chưa thật hợp lý, còn nặng về trang bị lý luận, có nội dung chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở cơ sở. Bởi vậy, Nhà trường cần bám sát quan điểm: đảm bảo sự đồng bộ giữa trang bị kiến thức lý luận với thực hành, để chuyển mạnh quá trình giáo dục, đào tạo từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; phát triển hệ thống kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm cho người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với đơn vị. Theo đó, việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội, nhất là các môn chuyên ngành phải chú trọng gắn với việc xây dựng tiêu chuẩn phẩm chất, năng lực và phong cách người cán bộ chính trị cơ sở; trong đó, chú trọng hệ tiêu chí về bản lĩnh chính trị, trình độ tư duy lý luận, năng lực công tác đảng, công tác chính trị và phong cách, đạo đức, lối sống của người cán bộ chính trị. Trong điều chỉnh kế hoạch đề bài, đề cương chi tiết môn học bảo đảm tỷ lệ phù hợp giữa kiến thức cơ bản với kiến thức chuyên ngành, lý thuyết và thực hành; tránh sự trùng lắp về nội dung giữa các môn học, cấp học, bậc học. Đặc biệt, cần hoàn thiện chuẩn đầu ra làm cơ sở cho việc điều chỉnh, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong từng thời kỳ1.

Trong phương pháp dạy học, để đổi mới theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, lấy người học làm trung tâm, Nhà trường căn cứ từng chủ đề, môn học để định hướng vận dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề, phát vấn, thảo luận nhóm,... cho phù hợp; chú ý vai trò tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, điều khiển của giảng viên; qua đó, phát huy vai trò chủ thể tích cực, sáng tạo của người học trong hoạt động nhận thức, chiếm lĩnh tri thức và hoạt động mô phạm của giáo viên để học viên vận dụng tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, nhất là giáo dục bộ đội tại đơn vị. Để khuyến khích học viên có tư duy độc lập, sáng tạo giải quyết vấn đề học tập, xử trí các tình huống thực tiễn, Nhà trường chú trọng kết hợp đào tạo chính khóa với hoạt động ngoại khóa, xây dựng mô hình tổ, nhóm học tập; đổi mới tổ chức, phương pháp thực tập cho học viên. Các đợt thực tập của học viên (cương vị trung đội trưởng và chính trị viên đại đội) cần chọn vào đơn vị, thời điểm thích hợp, chú trọng giai đoạn huấn luyện tân binh, đơn vị đủ quân, để học viên có điều kiện phát huy tốt kiến thức được trang bị, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Tiếp tục nhân rộng và tổ chức chặt chẽ, hiệu quả hoạt động thi Olympic các môn khoa học Mác – Lênin ở cấp hệ, tiểu đoàn học viên, Nhà trường và toàn quân; các câu lạc bộ: lý luận trẻ, văn hóa nghệ thuật, tiếng Anh, cờ tư lệnh;  các mô hình: đoàn viên đẹp, chi đoàn viết báo, chi đoàn công nghệ thông tin, v.v. Qua đó, tạo môi trường bồi dưỡng, rèn luyện, phẩm chất, nâng cao trình độ, kỹ năng tiến hành công tác đảng, công tác chính trị và các kỹ năng cần thiết khác cho học viên. Cùng với đó, Nhà trường cần tích cực nghiên cứu tổng kết, truyền thụ kinh nghiệm công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị, nhất là trong thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, khó khăn, nguy hiểm, trong xử lý các tình huống,… làm nguồn học liệu phục vụ công tác huấn luyện, nghiên cứu và tự học của cán bộ, học viên.

Hai làxây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có số lượng hợp lý, chất lượng cao. Chất lượng đội ngũ nhà giáo là một trong các nhân tố quyết định chất lượng đào tạo. Để đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội trong tình hình mới, Nhà trường cần đặc biệt coi trọng xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có năng lực toàn diện về kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, đủ “tâm, tầm, trí” làm nòng cốt thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Phát huy kết quả đạt được, Nhà trường tập trung rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành; từng bước chuẩn hóa về học vấn, chức danh, trình độ tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm, kinh nghiệm thực tiễn, đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Bộ Quốc phòng. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn tuyển chọn đầu vào đội ngũ cán bộ, giảng viên; tăng cường cử cán bộ, giảng viên đi thực tế chức danh tại đơn vị.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà trường lần thứ IX xác định: trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 phấn đấu 100% cán bộ, giảng viên có trình độ đại học trở lên, trong đó có từ 50% - 60% sau đại học, giảng viên là 80% (riêng tiến sĩ đạt 20%, phó giáo sư có từ 05 - 07 người). Đây là chỉ tiêu rất cao, cần có sự nỗ lực cố giắng rất lớn. Vì vậy, Nhà trường nên lựa chọn những người thực sự có năng lực, trình độ, tâm huyết, tận tâm, tận lực trong thực hiện nhiệm vụ để đưa đi đào tạo tập trung tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài Quân đội; với đội ngũ giảng viên, ngoài tiêu chí trên nên tập trung vào những người có khả năng sư phạm, có năng lực nghiên cứu; khắc phục tình trạng đào tạo ồ ạt, chỉ chú ý đến số lượng mà không chú trọng chất lượng. Đồng thời, có biện pháp hiệu quả trong việc bồi dưỡng tại chỗ, có cơ chế phù hợp khuyết khích tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ tổng hợp, nhất là trình độ chuyên môn; gắn trách nhiệm cán bộ quản lý, giảng viên với kết quả học tập của học viên. Có lộ trình từng bước chuẩn hóa trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho đội ngũ này, nhất là giảng viên; có biện pháp hiệu quả thực hiện Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; áp dụng hiệu quả quy trình quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào quản lý giáo dục, đào tạo. Đây là điều kiện, yếu tố quan trọng để Nhà trường thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa và mô hình “nhà trường thông minh” tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với giáo dục, đào tạo. Những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường luôn được chú trọng2, với nhiều đề tài, công trình nghiên cứu có giá trị, thiết thực phục vụ công tác giáo dục và đào tạo, xây dựng Nhà trường. Tuy nhiên, chưa nhiều đề tài nghiên cứu sâu, giải quyết thấu đáo những bất cập, vấn đề nảy sinh trong công tác đào tạo và thực tiễn hoạt động công tác đảng, công tác chính trị tại đơn vị cơ sở, v.v. Khắc phục vấn đề này, Nhà trường cần đa dạng các đề tài nghiên cứu khoa học, đổi mới công tác quản lý khoa học; hạn chế đề tài hàn lâm, nâng cao tính ứng dụng vào thực tiễn; hướng hoạt động nghiên cứu khoa học vào phục vụ trực tiếp công tác đào tạo và giải quyết những đòi hỏi bức thiết của công tác đảng, công tác chính trị ở cơ sở, v.v. Ưu tiên nghiên cứu hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo, chuẩn hóa hệ thống giáo trình, học liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy,… và giải quyết các vấn đề thực tiễn đòi hỏi trong đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội.

Cùng các giải pháp trên, việc nâng cao chất lượng công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, khảo thí; đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm khách quan và quan tâm đúng mức về trang, thiết bị, phương tiện dạy học hiện đại, như: hệ thống giảng đường, thư viện, phòng học chuyên dùng, thao trường,... tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần xây dựng Trường Sĩ quan Chính trị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN QUYỀN, Thiếu tá, TS. ĐỖ NGỌC HANH, Trường Sĩ quan Chính trị
_________________________

1 - Hiện Nhà trường đã bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo, điều chỉnh kế hoạch đề bài, đề cương chi tiết các môn học cho 17 đối tượng đào tạo đại học.

2 - Từ năm 2015 - 2020, Nhà trường chủ trì nghiên cứu 05 đề tài cấp Bộ Quốc phòng; 42 đề tài, sáng kiến cấp ngành; 103 đề tài, 14 sáng kiến kỹ thuật cấp cơ sở; 2.552 đề tài cá nhân của sĩ quan, v.v. Tổ chức thành công 04 cuộc hội thảo và 01 cuộc tọa đàm cấp Trường, 02 cuộc hội thảo với Tổng cục Chính trị, 24 cuộc hội thảo cấp cơ sở, 939 buổi tọa đàm, sinh hoạt học thuật.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.