Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Ba, 27/11/2018, 07:41 (GMT+7)
Giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ hậu cần Quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Cán bộ hậu cần Quân đội có vai trò rất quan trọng trong công tác bảo đảm hậu cần cho toàn quân. Để xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần Quân đội “vừa hồng, vừa chuyên” trước tác động đa chiều của kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, cần phát huy sức mạnh tổng hợp nhiều yếu tố; trong đó, nghiên cứu, vận dụng các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ hậu cần Quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở Học viện Hậu cần hiện nay giữ vai trò quan trọng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều sự quan tâm, chăm lo xây dựng ngành Hậu cần Quân đội nói chung, sự nghiệp giáo dục, đào tạo cán bộ ngành Hậu cần Quân đội nói riêng. Theo Người: muốn có cán bộ tốt thì Đảng phải làm tốt công tác huấn luyện cán bộ, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”1. Thấu suốt tư tưởng đó, cùng với quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”; Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020,… những năm qua, Học viện Hậu cần đã nghiên cứu, đổi mới đồng bộ chương trình, nội dung và phương pháp dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, bảo đảm sự kế thừa, liên thông giữa các cấp học, bậc học, ngành học, hòa nhập với cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước, phù hợp với phương thức bảo đảm hậu cần và mục tiêu, yêu cầu đào tạo, huấn luyện chiến đấu, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chất lượng đào tạo của Học viện từng bước được nâng lên; học viên sau khi tốt nghiệp, đảm nhiệm cương vị được giao đã phát huy tốt kiến thức, trách nhiệm, thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần ở các cấp trong toàn quân.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư mọi mặt. Theo đó, nhiệm vụ của ngành Hậu cần Quân đội có bước phát triển mới, đặt ra yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần Quân đội phải đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đồng bộ về chuyên ngành và trình độ, chất lượng tốt, đảm bảo tính vững chắc, lâu dài. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Học viện Hậu cần tiếp tục nghiên cứu và vận dụng sáng tạo các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần Quân đội vững mạnh. Để đạt hiệu quả, Học viện đang tiếp tục nghiên cứu, vận dụng thực hiện đồng bộ những giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục đổi mới, chuẩn hóa nội dung, chương trình theo hướng hiện đại, bám sát thực tiễn công tác bảo đảm hậu cần ở đơn vị. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, huấn luyện “Cốt thiết thực chu đáo hơn tham nhiều”2. Nghĩa là, trong bất cứ hoàn cảnh nào, huấn luyện phải chú trọng hướng vào thực tiễn; coi thực tiễn vừa là mục tiêu, vừa là cơ sở để huấn luyện, đáp ứng tốt yêu cầu trước mắt và có tính định hướng lâu dài; phải chuẩn bị mọi mặt thực sự chu đáo và không được sơ suất; không vì chạy theo số lượng mà hạ thấp chất lượng. Vì vậy, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và thực tiễn công tác bảo đảm hậu cần trong điều kiện chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao, đòi hỏi cần phải nghiên cứu, nắm chắc yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho phù hợp. Trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo cho các đối tượng theo hướng: “tinh giản, hiện đại, thiết thực”, hướng về đơn vị, bám sát thực tiễn công tác hậu cần, tài chính, bảo đảm tính kế thừa và liên thông giữa các bậc học và chương trình đào tạo. Nội dung, chương trình đào tạo phải tiên tiến, đổi mới, bám sát sự phát triển của Quân đội và ngành Hậu cần, tài chính quân sự; có cấu trúc hợp lý, khoa học giữa các khối kiến thức; giảm nội dung lý thuyết, tăng nội dung thực hành. Cập nhật những vấn đề mới về bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong các tình huống, hình thái chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và kiến thức về quản lý kinh tế, tài chính trong điều kiện nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, v.v.

Quang cảnh một tiết học Tư tưởng Hồ Chí Minh ở học viện Hậu cần

Để đạt được điều đó, các cơ quan chức năng, khoa giáo viên; trong đó, lấy Phòng Đào tạo là trung tâm cần phối hợp để chuẩn hóa mục tiêu, yêu cầu đào tạo cho các đối tượng, bảo đảm phù hợp mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Học viện. Đồng thời, chuẩn hóa nguồn tài liệu, giáo khoa, giáo trình giảng dạy và giáo án của giảng viên, v.v. Việc chuẩn hóa, hiện đại hóa nội dung cần tiến hành đồng bộ, nhưng phải trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho học viên, để sau khi tốt nghiệp, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao tại đơn vị. Quá trình thực hiện, cần chọn lọc, tiếp thu bài học kinh nghiệm bảo đảm hậu cần trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta; đồng thời, tiếp cận những vấn đề bảo đảm hậu cần hiện đại, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết mà lý luận và thực tiễn đặt ra. Cần mạnh dạn loại bỏ tối đa nội dung trùng lặp, không thiết thực, đáp ứng tốt yêu cầu: cấu trúc chặt chẽ, theo trật tự khoa học, đúng lô-gíc nhận thức, dễ truyền đạt, dễ tiếp thu, dễ nhớ và dễ vận dụng để phát huy năng lực tư duy, năng lực thực hành của học viên.

Hai là, tăng cường tính tư tưởng, tính giáo dục toàn diện trong nội dung dạy học. Tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ của ngành Hậu cần Quân đội liên quan trực tiếp đến việc quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, tài chính, xây dựng cơ bản, v.v. Cán bộ hậu cần là người trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, bảo quản và cấp phát khối lượng lớn cơ sở vật chất hậu cần phục vụ cho các nhiệm vụ: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chăm sóc sức khỏe, đời sống bộ đội,… ở các cấp, các đơn vị. Trong môi trường đó, nếu người cán bộ hậu cần không xác định tốt trách nhiệm, không tự rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp thì dễ vi phạm khuyết điểm, ảnh hưởng đến phẩm chất, danh dự người cán bộ Quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “… phải làm như thế nào để một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng đến chiến sĩ”3. Theo đó, việc xác định nội dung giáo dục - đào tạo phải đảm bảo tính toàn diện, kết hợp hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và “dạy nghề”; trong đó, “dạy người” là vấn đề cốt lõi, cơ bản nhất.

Thấm nhuần lời Bác, Học viện xác định: trong giáo dục cần coi trọng nâng cao nhận thức, xây dựng, củng cố, giữ vững và phát huy ý thức chính trị, xây dựng thế giới quan khoa học, niềm tin vững chắc cho học viên. Cùng với trang bị kiến thức chuyên môn theo hướng “cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, v.v. Đồng thời, đẩy mạnh việc làm theo tấm gương mẫu mực về cần, kiệm, liêm, chính và lời dạy của Người: “Cán bộ cung cấp càng phải làm kiểu mẫu về cần, kiệm, liêm, chính”4. Trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường và tiêu cực ngoài xã hội hiện nay, Học viện cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cho học viên, nhất là phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; đẩy mạnh bồi dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, thái độ và phong cách phục vụ, ý thức thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; rèn luyện bản lĩnh, lý tưởng sống, để không bị lợi ích vật chất cám dỗ; suy thoái về đạo đức lối sống, v.v. Qua đó, làm cho cán bộ, học viên xác định đúng động cơ, quyết tâm phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện, phát triển nhân cách người cán bộ hậu cần.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới nội dung với đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức và điều kiện bảo đảm dạy - học. Theo đó, Học viện cần chủ động đẩy mạnh đổi mới phương pháp, hình thức dạy - học theo hướng chuyển từ trang bị kiến thức là chủ yếu sang “xây dựng phẩm chất, năng lực của người học”, lấy người học làm trung tâm, coi đó là khâu đột phá trong đổi mới giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt” ở các khoa giáo viên, “học tốt” ở các đơn vị học viên; tăng cường hoạt động giảng thử, giảng rút kinh nghiệm. Trong thực hiện, đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải kết hợp linh hoạt các hình thức, phương pháp giảng dạy; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng, số hóa vào giảng dạy. Tăng cường phương pháp dạy học theo tính chất nghiên cứu khoa học, chuyển từ phương pháp dạy “truyền thụ một chiều” sang dạy “cách học, cách tự học”; áp dụng rộng rãi phương pháp dạy học theo nhóm, tích cực, gợi mở, nêu vấn đề. Trong mỗi giờ học, giảng viên phải đưa ra câu hỏi phát vấn, khắc phục tình trạng truyền đạt kiến thức một chiều, thụ động, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, khả năng nhạy bén, sáng tạo trong lĩnh hội kiến thức, phát triển năng lực tư duy của học viên. Cùng với đổi mới phương pháp dạy, Học viện cần thường xuyên quan tâm, phát huy hiệu quả của hoạt động tự học, tự nghiên cứu, hình thành và phát triển các kỹ năng tự học của học viên, như: nghe, đọc, ghi chép, trao đổi, xử lý thông tin, diễn đạt, liên hệ, vận dụng thực tiễn, v.v. Đồng thời, tích cực đổi mới công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, nhất là thực hiện ra đề thi, kiểm tra theo hướng đề cao năng lực thực hành, vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, nhằm biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, v.v.

Đồng bộ với các giải pháp trên, Học viện cần chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật dạy học theo hướng tiên tiến và hiện đại, nhất là các phòng học chuyên dùng, phòng thí nghiệm, bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển của từng chuyên ngành. Tăng cường tổ chức tập huấn cho giảng viên sử dụng, khai thác, bảo quản, nhằm phát huy tối đa hiệu quả phương tiện dạy học hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần Quân đội “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tá, TS. NGUYỄN HUY ĐỘNG - Thiếu tá, TS. PHẠM NGỌC NHÂN, Học viện Hậu cần
______________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 309.

2 - Sđd, Tập 6, tr. 357.

3, 4 - Sđd, Tập 7, tr. 433, 180.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.