Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 09/11/2020, 09:59 (GMT+7)
Đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở Trường Sĩ quan Thông tin

Những năm qua, Trường Sĩ quan Thông tin tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn theo định hướng phát triển năng lực người học, đạt kết quả bước đầu quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường. Song, để thực hiện tốt nội dung này, cần tiếp tục nghiên cứu, đề ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Dạy và học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở Trường Sĩ quan Thông tin có vai trò quan trọng, nhằm trang bị tri thức, phát triển trí tuệ, hình thành thế giới quan, phương pháp luận, xây dựng hệ thống phẩm chất nhân cách, chuẩn bị tâm lý vững vàng cho học viên, hoàn thiện mục tiêu, yêu cầu đào tạo, nhân cách người sĩ quan thông tin. Đồng thời, trang bị kiến thức để có cơ sở đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận, góp phần bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn, Trường Sĩ quan Thông tin đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn theo định hướng phát triển năng lực của người học và đạt được một số kết quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ Sĩ quan Thông tin đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nhà trường bước đầu rút ra một số kinh nghiệm, làm cơ sở tiếp tục chỉ đạo, vận dụng vào đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn.

Trao giấy khen cho cán bộ tiêu biểu tham dự Hội thi Cán bộ GDCT năm 2020. Ảnh: qdnd.vn

Thứ nhất, đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn theo định hướng phát triển năng lực phải dựa trên quan điểm và mục tiêu dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học không phải thay đổi mục tiêu, mà thay đổi cách thức đạt đến mục tiêu - tức là thay đổi cách dạy, cách học để đạt đến mục tiêu nhanh nhất, hiệu quả nhất, trên cơ sở quan điểm hợp tác giữa giảng viên và học viên, hướng về học viên (lấy học viên làm trung tâm). Giảng viên là người tổ chức quá trình nhận thức, hướng dẫn tự học, hướng dẫn học viên tìm tòi, khám phá, làm “trọng tài” cho học viên, dẫn dắt học viên tìm đến tri thức đúng đắn. Thứ hai, đổi mới phương pháp dạy học phải bảo đảm sự thống nhất giữa kinh nghiệm truyền thống với hiện đại, gắn giữa đổi mới với hoàn thiện phương pháp dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học là thay đổi các phương pháp dạy học đã có bằng phương pháp dạy học mới. Hoàn thiện phương pháp dạy học là đánh giá một cách khách quan, nghiêm túc các phương pháp dạy học đã có, các phương pháp dạy học truyền thống, phát huy những yếu tố hợp lý, loại bỏ yếu tố không phù hợp của phương pháp dạy học truyền thống. Bổ sung những yếu tố mới, phát triển, mở rộng nội hàm của phương pháp, làm cho cách dạy và cách học có hiệu quả hơn. Tránh cực đoan, phủ định sạch trơn phương pháp dạy học truyền thống, tuyệt đối hóa phương pháp dạy học mới, hoặc bảo thủ, thờ ơ, ngại đổi mới, bám cái cũ, lỗi thời, lạc hậu. Thứ ba, đổi mới phương pháp dạy học trong một bài học cụ thể cần kết hợp giữa các phần thuyết trình của giảng viên; phần học viên tự nghiên cứu; phần trao đổi của giảng viên với học viên; phần trao đổi học viên với học viên. Giảm tối đa việc truyền thụ một chiều, cung cấp kiến thức có sẵn, tăng cường việc hướng dẫn, tổ chức, chỉ đạo học viên chủ động, tích cực tư duy. Sử dụng linh hoạt mọi phương pháp, hình thức tổ chức, phương tiện dạy học, tạo điều kiện cho học viên rèn luyện phương pháp tự học, phát triển năng lực, tính chủ động, tự chủ của cá nhân. Thứ tư, việc đổi mới phải căn cứ vào thực tế trình độ, năng lực, kinh nghiệm của giảng viên; trình độ, khả năng thực tế của đối tượng học tập; các điều kiện bảo đảm, phải tiến hành từng bước, vững chắc, đặt trong quan hệ với thành tố khác của quá trình dạy học.

Tuy nhiên, hoạt động đổi mới phương pháp dạy học của Nhà trường còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Đó là: nhận thức về đổi mới phương pháp dạy học ở một số ít giảng viên chưa thường xuyên, có biểu hiện ngại đổi mới, vẫn muốn duy trì các phương pháp cũ; sự kết hợp các phương pháp trong thực hành giảng bài còn yếu, chưa linh hoạt, có khi chưa phù hợp với đối tượng cụ thể, v.v. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cán bộ, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, sư phạm cho đội ngũ giảng viên. Đây là giải pháp quan trọng, là yếu tố quyết định hàng đầu để đổi mới phương pháp giảng dạy có hiệu quả. Theo đó, cần quán triệt, giáo dục làm cho cán bộ, giảng viên nhận thức rõ tính cấp thiết của đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn theo định hướng phát triển năng lực của người học là đòi hỏi khách quan; hạt nhân của việc thực hiện chương trình, nội dung, điều kiện trực tiếp để nâng cao chất lượng dạy học; vừa là thách thức cần phải đáp ứng, nhưng cũng là cơ hội phát triển của mỗi giảng viên.

Thông qua công tác đào tạo, thực tiễn giảng dạy, tự học, tự nghiên cứu để bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, nhất là kiến thức chuyên ngành, lập trường, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; cập nhật những kiến thức mới, những thay đổi trong nội dung, chương trình đào tạo, v.v. Cùng với đó, cần tổ chức rèn luyện kỹ năng sư phạm của giảng viên, thống nhất về quan điểm, mục tiêu dạy học, cách thiết kế bài giảng; bồi dưỡng về tâm lý học sư phạm, lý luận về phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp dạy học ở bậc đại học, phong cách sư phạm cho giảng viên; kỹ năng phối hợp linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học; khả năng sử dụng phương tiện dạy học, nhất là thiết kế bài giảng trình chiếu, bảo đảm phong phú, hấp dẫn, thu hút, bổ trợ cho người học, v.v. Qua đó, góp phần hoàn thiện kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giảng viên.

Hai là, thường xuyên  tổ chức, chỉ đạo các hoạt động thực hành đổi mới phương pháp dạy học. Cần quan tâm tổ chức, chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn trong từng tháng, học kỳ, năm học. Trọng tâm là, đổi mới cách soạn giáo án trên cơ sở bảo đảm các định hướng: chuyển trọng tâm từ thiết kế các hoạt động của giảng viên sang hoạt động của học viên; giáo án phải thực sự là một bản kế hoạch lên lớp, trong đó mọi hoạt động đều được tính đến theo một quy trình hợp lý và có sự kết hợp chặt chẽ các yếu tố người dạy, người học, giáo trình, thiết bị dạy học, v.v. Thực hiện tốt các khâu thông qua, phê duyệt bài giảng; kiểm tra, đánh giá hoạt động đổi mới phương pháp dạy học; rút kinh nghiệm để hướng dẫn, chỉ đạo giảng viên. Quan tâm bồi dưỡng, xây dựng động cơ học tập đúng, kế hoạch học tập hợp lý, thực hiện tốt việc kiểm tra hoạt động tự học của học viên.

Ba là, vận dụng tổng hợp các phương pháp trong giảng dạy. Mỗi phương pháp dạy học đều có thế mạnh riêng, không có một phương pháp dạy học nào thay thế hoàn toàn cho một phương pháp khác. Do đó, giảng viên cần vận dụng, kết hợp linh hoạt các phương pháp giảng dạy nhằm kích thích nhu cầu nhận thức, phát huy tính tích cực, sáng tạo của học viên. Đối với phương pháp dạy học truyền thống cần có sự cải tiến nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, đồng thời tăng cường vận dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại, như: nêu vấn đề, dạy học theo nhóm, dạy học hợp tác, dạy học thông qua tình huống, các mô hình lớp học đảo ngược, phương pháp dạy học cộng tác, phương pháp dạy học dựa trên bối cảnh, kết hợp bài giảng trên Power Point, phần mềm mô phỏng, phương pháp trực quan thông qua băng hình, internet. Cùng với đó, hướng dẫn cho người học phương pháp học đáp ứng với yêu cầu đổi mới, theo hướng đề cao vai trò tự học, tự nghiên cứu của học viên, giảng viên đóng vai trò định hướng, nêu vấn đề, hợp tác, đối thoại để chỉ dẫn học viên lĩnh hội kiến thức.

Bốn là, đảm bảo cơ sở vật chất, sử dụng có hiệu quả các phương tiện dạy học. Việc đảm bảo, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, phương tiện dạy học có vai trò quan trọng, mối quan hệ qua lại, hỗ trợ nhau, nhằm cung cấp thêm kiến thức, kinh nghiệm trực tiếp liên quan đến thực tiễn xã hội và môi trường sống cho người học một cách phong phú, chính xác và trực quan; đồng thời, thúc đẩy sự giao tiếp, trao đổi thông tin, gia tăng cường độ cả người dạy và người học, rút ngắn thời gian giảng dạy mà vẫn đảm bảo người học lĩnh hội đủ nội dung, v.v. Vì vậy, cần quan tâm đầu tư, phát huy thế mạnh của cơ sở đào tạo về công nghệ thông tin, ứng dụng kỹ thuật số, đảm bảo tốt cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, nhất là giáo trình, tài liệu tham khảo, phim học tập, máy tính, máy chiếu và các phần mềm mô phỏng hỗ trợ cho hoạt động của giảng viên, như: khai thác và phân tích nội dung học tập; tổ chức, quản lý lớp học; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, v.v.

Nâng cao chất lượng dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn cần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Vì vậy, các tổ chức, lực lượng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao để thực hiện tốt các giải pháp cơ bản trên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Đại tá, TS. HÀ SĨ CHIẾN, Chủ nhiệm Khoa, Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Sĩ quan Thông tin

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.