Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:35 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Đánh giá kết quả học tập theo hướng đánh giá năng lực trở thành xu thế tất yếu của giáo dục hiện đại. Vì thế, nghiên cứu đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả đánh giá kết quả học tập của học viên trong các nhà trường Quân đội, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo là việc làm cần thiết, góp phần xây dựng nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao cho Quân đội.
Lý luận khoa học giáo dục đã chỉ rõ, đánh giá kết quả học tập là bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy - học, đây là một trong những khâu có ý nghĩa rất quan trọng, tác động trở lại rất lớn đối với hoạt động dạy và hoạt động học cũng như công tác quản lý giáo dục - đào tạo; tạo “cú hích” thúc đẩy đổi mới nội dung, phương pháp và tổ chức hoạt động dạy - học.
Những năm qua, khâu đánh giá kết quả học tập của học viên đã được các nhà trường Quân đội chú trọng đổi mới, tạo sự chuyển biến toàn diện cả về mục tiêu, nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành; bước đầu chuyển từ đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học, v.v. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn hạn chế, chưa thực sự tạo bước đột phá. Nhận thức về đổi mới đánh giá kết quả học tập của học viên của một bộ phận cán bộ quản lý, giảng viên chưa toàn diện, sâu sắc; phương pháp, kỹ thuật, hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập còn đơn giản; tiêu chí, quy trình đánh giá, chất lượng đề thi, đáp án thi chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Việc đánh giá năng lực của học viên chưa được thực hiện một cách hệ thống, đồng bộ trong suốt quá trình dạy và học, chủ yếu vẫn theo hướng một chiều (giáo viên đánh giá), chưa có sự tự đánh giá, tham gia đánh giá lẫn nhau và phản hồi từ phía học viên trong quá trình đánh giá kết quả học tập.
Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư; yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao, đáp ứng sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, càng đòi hỏi cần đổi mới “khâu cuối cùng, quan trọng này”. Theo đó, đánh giá kết quả học tập của học viên cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, chuyển mạnh từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực; đánh giá kỹ năng riêng lẻ sang kỹ năng tổng hợp và đánh giá năng lực tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, năng lực thực tiễn và thái độ của học viên. Để đạt được điều đó, bài viết này xin được đề xuất một số nội dung giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong đổi mới đánh giá kết quả học tập của học viên. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ, đúng hướng của các khâu, các bước trong hoạt động đổi mới đánh giá kết quả kết quả học tập của học viên tại các nhà trường Quân đội hiện nay. Theo đó, cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đổi mới đánh giá kết quả học tập, trực tiếp là Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quyết định 2523/QĐ-BQP, ngày 15-7-2013 của Bộ Quốc phòng về "Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011-2020”. Trên cơ sở đó, các nhà trường trong Quân đội cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình hành động, với các giải pháp, lộ trình phù hợp, làm chuyển biến căn bản, toàn diện hoạt động giáo dục và đào tạo nói chung, đổi mới phương thức đánh giá kết quả học tập của học viên nói riêng. Để đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, quá trình triển khai, các nhà trường chú trọng phát huy vai trò cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp, thường xuyên sâu sát, nắm chắc tình hình để xác định nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cá nhân, tổ chức. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đổi mới phương thức đánh giá kết quả của cán bộ, giảng viên và học viên; chú trọng xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến gắn với thực hiện Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Hai là, đổi mới đánh giá kết quả học tập đồng bộ với đổi mới nội dung, phương pháp dạy học phát triển năng lực học viên. Như chúng ta biết, đánh giá kết quả học tập của học viên và nội dung, phương pháp dạy - học có mối quan hệ thống nhất hữu cơ với nhau của quá trình dạy học. Trong đó, đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học và phương thức đánh giá kết quả học tập cũng luôn có mối quan hệ thống nhất, biện chứng tác động qua lại lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Vì vậy, việc đổi mới phương thức đánh giá kết quả học tập của học viên trong các nhà trường Quân đội phải tiến hành một cách đồng bộ với quá trình đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học. Để thực hiện tốt vấn đề này, đòi hỏi đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và học viên cần xác định rõ mục tiêu của từng bài học, môn học, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức quá trình dạy học phù hợp với mục tiêu đào tạo (chuẩn đầu ra). Trên cơ sở đó, xác định rõ nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành thi, kiểm tra để đánh giá kết quả học tập của học viên. Thông qua kết quả học tập của học viên, cơ quan chức năng, cán bộ quản lý giáo dục, khoa giáo viên nghiên cứu, điều chỉnh nội dung, phương pháp và kỹ năng dạy - học phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Ba là, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ, phát huy vai trò đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục trong đổi mới đánh giá kết quả học tập của học viên. Đổi mới đánh giá kết quả học tập của học viên là trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi lực lượng trong các nhà trường Quân đội; trong đó, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục giữ vai trò nòng cốt. Thực hiện vấn đề này, các khoa giáo viên cần chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả đội ngũ cho giảng viên, nhất là bồi dưỡng hình thức, phương pháp, kỹ thuật đánh giá năng lực của học viên. Để đạt hiệu quả cao, các khoa cần chú trọng phát huy vai trò của giảng viên giàu kinh nghiệm trong giảng dạy và đánh giá kết quả; khuyến khích giảng viên áp dụng đa dạng, linh hoạt các hình thức, như: đánh giá bằng tự luận, tiểu luận, trắc nghiệm khách quan, tập bài; tổ chức luyện tập, diễn tập; thông qua sản phẩm, thuyết trình và hoạt động nhóm, v.v. Thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm về kinh nghiệm, nội dung, hình thức, phương pháp đánh giá năng lực học viên; hướng dẫn học viên đổi mới phương pháp học, tham gia vào quá trình đánh giá, tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau trong quá trình học tập.
Cùng với đó, phòng đào tạo, trực tiếp là ban khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo cần chủ động tham mưu cho ban giám hiệu chỉ đạo chặt chẽ hoạt động đổi mới đánh giá kết quả học tập; kịp thời ban hành kế hoạch và giải quyết những vấn đề nảy sinh. Cán bộ quản lý giáo dục cần bám sát chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, nắm chắc tình hình, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy nhà trường các giải pháp đổi mới giáo dục, đào tạo; phối hợp chặt chẽ với các khoa và chỉ huy đơn vị hướng dẫn cụ thể, tỷ mỷ nội dung, hình thức, phương pháp đánh giá năng lực cho các đối tượng học viên.
Đối với cán bộ quản lý học viên, cần nắm chắc kế hoạch, tổ chức quán triệt, hướng dẫn cụ thể cho học viên, kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện vi phạm quy chế thi, kiểm tra tại đơn vị. Học viên cần chủ động tham gia vào quá trình đổi mới đánh giá kết quả học tập, tích cực phản hồi ý kiến giúp giảng viên điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy và đổi mới hình thức đánh giá kết quả.
Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong đánh giá kết quả học tập của học viên. Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) chỉ rõ: “Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là khoa học giáo dục và khoa học quản lý”. Đây là nội dung quan trọng chỉ đạo, định hướng việc đổi mới giáo dục, đào tạo nói chung, đổi mới đánh giá kết quả học tập trong các nhà trường Quân đội nói riêng. Quán triệt tinh thần đó, các nhà trường cần huy động đội ngũ cán bộ, giảng viên đầu ngành giàu kinh nghiệm tập trung nghiên cứu, đổi mới phương thức đánh giá kết quả học tập của học viên; chú trọng bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong dạy, học và đánh giá kết quả cho cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giảng viên. Các khoa, cơ quan và đơn vị cần đổi mới đồng bộ nội dung, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập của học viên; chú trọng phát huy đội ngũ cán bộ đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tích cực, chủ động hợp tác, chuyển giao công nghệ với các cơ sở đào tạo trong và ngoài Quân đội, nhất là các nhà trường, trung tâm nghiên cứu khoa học có uy tín, giàu truyền thống để bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, trao đổi kinh nghiệm về đánh giá kết quả học tập.
Năm là, đầu tư cơ sở vật chất cho đánh giá kết quả học tập của học viên. Đây là giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ đổi mới đánh giá kết quả học tập của học viên. Để đầu tư cơ sở vật chất mang lại hiệu quả cao, các nhà trường cần đầu tư có trọng điểm, ưu tiên cho hệ thống giảng đường chuyên dùng, nâng cấp phòng phương pháp, hệ thống giám sát phòng thi, phòng chấm thi tập trung. Thực hiện quản lý ngân hàng đề thi, đáp án thi, thông báo kết quả qua cổng thông tin điện tử của nhà trường. Đẩy mạnh biên soạn giáo trình, tài liệu, nâng cấp hệ thống thông tin tư liệu, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, học tập và đánh giá kết quả học tập của học viên. Các nhà trường cần đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện dạy, học có trọng tâm, trọng điểm, trước hết là tập trung xây dựng kế hoạch phân bổ hợp lý, đảm bảo nguồn lực tài chính và ưu tiên đầu tư xây dựng giảng đường chuyên dùng, phòng chấm thi tập trung, phục vụ thi, kiểm tra thường xuyên và thi tốt nghiệp cuối khóa, tốt nghiệp quốc gia cho các đối tượng học viên.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên, sẽ tạo chuyển biến tích cực trong đánh giá kết quả học tập của học viên trong các nhà trường Quân đội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong tình hình mới.
Đại tá, TS. NGUYỄN TRỌNG VĨNH, Trường Sĩ quan Thông tin
Đánh giá kết quả học tập của học viên
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc