Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 28/09/2023, 08:45 (GMT+7)
Đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận các môn quân sự tại Học viện Lục quân

Giảng dạy các môn học quân sự theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa tại các học viện, nhà trường Quân đội nói chung, Học viện Lục quân nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ trong Quân đội. Vì vậy, nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận các môn học này vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhất là Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới, các học viện, nhà trường nói chung, Học viện Lục quân nói riêng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Với phương châm “chất lượng huấn luyện của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” và để đạt được mục tiêu, yêu cầu đào tạo, Học viện đã chú trọng chỉ đạo các cơ quan, khoa giảng viên nghiên cứu, đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận các môn quân sự, nhằm trang bị cho học viên phương pháp nghiên cứu các vấn đề quân sự một cách khoa học, logic; kiến thức cơ bản và kinh nghiệm thực tiễn cũng như hoàn thiện phẩm chất, nhân cách người cán bộ chỉ huy tham mưu cấp trung đoàn, sư đoàn trong Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thời gian qua, Học viện Lục quân đã đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy - học; vận dụng linh hoạt phương pháp dạy học tích cực; trong đó, hết sức chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận nói chung, đối với môn học quân sự nói riêng, giúp học viên hiểu sâu vấn đề để trên cơ sở đó phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo trong giáo dục, đào tạo. Nhờ đó, chất lượng dạy và học của Học viện có bước chuyển biến cơ bản, mạnh mẽ, toàn diện ở tất cả các môn học. Điều đó thiết thực giúp cho học viên sau khi tốt nghiệp ra trường đều vận dụng, phát huy tốt phẩm chất, năng lực, kiến thức đã được học, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và phát triển, giữ nhiều chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy chủ chốt, quan trọng tại các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình giảng dạy lý luận các môn quân sự một số giảng viên còn có tư tưởng ngại đổi mới, chưa kịp thời cập nhật phương pháp dạy học hiện đại; việc kết hợp các phương pháp trong giảng dạy chưa linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng; các nền tảng công nghệ số bảo đảm cho việc nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng và thực hành giảng bài còn hạn chế, v.v. Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận các môn quân sự, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi đội ngũ giảng viên của Học viện cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa. Với tinh thần đó, bài viết xin trao đổi mấy vấn đề về đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận các môn quân sự tại Học viện Lục quân hiện nay.

Một là, giảng dạy lý luận các môn quân sự theo hướng phát triển năng lực tư duy của người học dựa trên quan điểm, mục tiêu giáo dục và đào tạo. Chúng ta biết, năng lực tư duy là khả năng tự suy nghĩ, tìm hiểu và giải quyết vấn đề một cách khoa học nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong hoạt động thực tiễn của từng chủ thể. Đối với học viên đào tào cán bộ trung, sư đoàn là khả năng nhận định, phân tích, đánh giá tình hình và đưa ra quyết định phù hợp đối với nội dung các môn học, hướng đến kết quả học tập tốt nhất. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với các khoa giảng viên và đội ngũ nhà giáo giảng dạy các môn quân sự là phải nắm được năng lực của từng học viên, khả năng tiếp thu và vận dụng những kiến thức được trang bị vào thực tiễn học tập, công tác, xử lý các tình huống quân sự, quốc phòng, từ đó đưa ra phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Để làm được điều đó, đội ngũ giảng viên phải thường xuyên có sự tương tác, trao đổi với học viên; thông qua cán bộ quản lý để nắm năng lực, phương pháp học tập; phải chuyển đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thụ kiến thức một chiều sang rèn luyện cho học viên kỹ năng vận dụng các kiến thức vào tự nghiên cứu nội dung môn học; hình thành cho học viên tư duy các vấn đề quân sự theo trình tự logic, khoa học.

Cùng với đó, các khoa giảng viên phải bám sát quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng đối tượng, xác định chỉ tiêu cụ thể cho từng môn học, từ đó chỉ đạo đội ngũ nhà giáo giảng dạy theo phương pháp tiếp cận năng lực của người học, không áp dụng phương pháp giảng dạy tiếp cận nội dung, tức là chuyển từ quan tâm học viên “học được những gì”, sang “vận dụng được những nội dung gì”; đồng thời, coi việc phát huy tinh thần học tập tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên là đòi hỏi khách quan, là hạt nhân để nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong giảng dạy, chú trọng rèn luyện học viên nghiên cứu các vấn đề quân sự theo phương pháp luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, từ đó đưa ra những nhận định, phân tích, đánh giá khách quan, sát thực tiễn và cách giải quyết các vấn đề một cách linh hoạt, sáng tạo. Bên cạnh đó, cũng cần coi việc rèn luyện phẩm chất, nhân cách, đạo đức người quân nhân cách mạng, người cán bộ trung cấp, cao cấp trong Quân đội là một trong những yếu tố góp phần phát triển năng lực tư duy của học viên.

Hai là, đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận các môn quân sự cần phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống với hiện đại. Đổi mới phương pháp giảng dạy nói chung, giảng dạy lý luận các môn quân sự nói riêng là thay đổi cách thức truyền đạt để người học tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất. Qua đó, làm cho người học có cách tiếp cận và hiểu sâu bản chất của vấn đề một cách logic, khoa học; nắm được những nội dung cơ bản, cốt lõi nhất để từ đó chủ động tham gia vào quá trình dạy - học một cách chủ động, sáng tạo. Muốn vậy, đội ngũ giảng viên cần có phương pháp giảng dạy mới giúp học viên nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức, tức là phải chuyển từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang phương pháp giảng dạy hiện đại, phải biết loại bỏ những yếu tố không hợp lý của phương pháp giảng dạy truyền thống, lựa chọn và phát huy những yếu tố khoa học, phù hợp vào trong giảng dạy hiện đại. Giảng viên có thể áp dụng cách giảng dạy: đóng vai, thuyết trình, sử dụng sơ đồ tư duy kết hợp trình chiếu bài giảng trên power point, sử dụng phần mềm mô phỏng và phương pháp trực quan thông qua hình ảnh cụ thể. Việc thay đổi phương pháp giảng dạy cần được tiến hành một cách khoa học, bài bản dựa trên phương pháp giảng dạy đã có, bổ sung những yếu tố mới, phát triển và mở rộng nội hàm của phương pháp dạy học tích cực. Bên cạnh đó, việc đổi mới cách dạy, cách học cần phải dựa trên các nền tảng số và áp dụng công nghệ số, qua đó làm cho cách dạy hay hơn, cách học đạt chất lượng, hiệu quả hơn.

Điều đáng lưu ý là, việc giảng dạy lý luận các môn quân sự không giống với giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn, bởi các môn quân sự chú trọng nhiều đến nội dung hình thành kỹ năng xử trí tình huống của người học. Vì vậy, giảng viên giảng dạy các môn quân sự cần hình thành cho mình một phương pháp riêng, theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa thuyết trình, nêu vấn đề với định hướng nội dung để học viên tự nghiên cứu và nghiên cứu theo tổ, nhóm. Khi nêu và giải quyết vấn đề, nhất là nội dung lý luận gắn với thực hành, giảng viên tập trung định hướng, xác định vấn đề, dẫn dắt tình huống linh hoạt, đưa người học vào sát thực tế chiến đấu, tạo điều kiện để học viên phát biểu ý kiến, trình bày cách giải quyết tình huống theo suy nghĩ của mình. Khi kết luận vấn đề theo hướng gợi mở, nhưng phải trên cơ sở nội dung bài giảng và ý kiến phát biểu của học viên. Ngoài ra, đội ngũ giảng viên cần chú trọng bồi dưỡng phương pháp tìm kiếm, nghiên cứu tài liệu để học viên tăng cường tri thức, hình thành năng lực tự học; đồng thời, truyền cảm hứng, xây dựng lòng say mê học tập, nghiên cứu khoa học quân sự cho học viên.

Ba là, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học nói chung, giảng dạy lý luận các môn quân sự tại Học viện nói riêng. Vì vậy, cùng với chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo các tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần coi trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu, rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ, tâm lý học sư phạm quân sự cho đội ngũ giảng viên, kết hợp với gửi đi đào tạo tại Học viện Quốc phòng để nâng cao trình độ; tăng cường luân phiên cho giảng viên đi thực tế để tích lũy và nâng cao kinh nghiệm thực tiễn; tạo điều kiện để giảng viên nghiên cứu hoàn thiện trình độ tiến sĩ, đạt chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân. Trên cơ sở nội dung, chương trình đào tạo và thực tiễn giảng dạy, đội ngũ giảng viên cần phải tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ; chú trọng cập nhật và mở rộng kiến thức, nhất là nghệ thuật quân sự, chiến lược quốc phòng, an ninh của các nước trong khu vực và thế giới. Lĩnh hội kịp thời những vấn đề mới của chương trình giáo dục hiện đại, từ đó vận dụng linh hoạt vào giảng dạy nhằm kích thích nhu cầu nhận thức, phát huy tính tích cực, tư duy sáng tạo của người học.

Bốn là, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất cho nhiệm vụ dạy và học. Đây là yêu cầu cơ bản, cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận các môn quân sự; đồng thời là hình ảnh trực quan sinh động cung cấp kiến thức liên quan trực tiếp đến nội dung môn học; là cơ sở thúc đẩy sự giao tiếp, gia tăng cường độ trao đổi thông tin giữa giảng viên với học viên, rút ngắn thời gian giảng dạy nhưng vẫn bảo đảm lượng kiến thức cần truyền thụ. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần quan tâm bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, như: hệ thống phòng học, máy chiếu, máy tính, thư viện số, phần mềm mô phỏng, công nghệ thực tế ảo,… nhằm hỗ trợ cho hoạt động của giảng viên khi khai thác và phân tích từng nội dung giảng dạy. Đồng thời, đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp, xây mới, hiện đại hóa hệ thống giảng đường, thư viện,… phù hợp với lộ trình hiện đại hóa Quân đội, bảo đảm cho giảng viên và học viên có đủ các điều kiện nghiên cứu, học tập được tốt nhất.

Những vấn đề trên là cơ sở quan trọng, yếu tố cần thiết để các khoa giảng viên, đội ngũ nhà giáo của các học viện, nhà trường có thể nghiên cứu, vận dụng vào trong quá trình giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tá, TS. HỒ VĨNH HIẾU, Học viện Lục quân

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.