Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 07/07/2011, 06:36 (GMT+7)
Đổi mới, nâng cao chất lượng diễn tập chiến thuật ở Trường Sĩ quan Lục quân 2

 Diễn tập chiến thuật là khâu quan trọng trong quy trình đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội bậc đại học. Để đạt được mục tiêu, yêu cầu đào tạo, Trường Sĩ quan Lục quân 2 (SQLQ2) - Đại học Nguyễn Huệ đã tích cực nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng các hình thức diễn tập chiến thuật trước khi kết thúc năm học, khóa học cho học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội.

alt

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng BQP thăm và nói chuyện với cán bộ, học viên Nhà trường (tháng 5-2010)

 Thực hiện phương châm giáo dục, đào tạo “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường SQLQ2 luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nội dung, chương trình, quy trình đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội, bậc đại học. Trong đó, công tác diễn tập được coi là hình thức huấn luyện tổng hợp, cao nhất, sát gần thực tế chiến đấu, nhằm hoàn thiện, nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chỉ huy, hành động hiệp đồng của phân đội trong các nhiệm vụ chiến đấu cả về quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật. Các cuộc diễn tập chiến thuật của Nhà trường luôn bảo đảm 100% học viên đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ khá, giỏi trên 95%. Kết quả diễn tập là sự phản ánh toàn diện, trung thực công tác huấn luyện, rèn luyện học viên trong mỗi năm học, khóa học. Tuy nhiên, so với thực tế chiến đấu, các cuộc diễn tập chiến thuật của Nhà trường còn phải tiếp tục nghiên cứu, gắn các nội dung huấn luyện, diễn tập với hoạt động thực tiễn huấn luyện chiến đấu của các đơn vị cơ sở và phương pháp xử trí các tình huống, nhất là trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao tiến hành chiến tranh xâm lược. Qua đó, nhằm nâng cao khả năng vận dụng của học viên trong lãnh đạo, chỉ huy, trong hành động tác chiến và phối hợp, hiệp đồng trong phân đội,... Phạm vi bài này đề cập một số vấn đề đã được Nhà trường tổ chức nghiên cứu, vận dụng trong các cuộc diễn tậpchiến thuật trước khi kết thúc năm học, khóa học cho học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội bậc đại học tại Trường.

alt

Trung tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm TCCT thăm và gặp gỡ động viên học viên là người dân tộc thiểu số của Nhà trường (tháng 6-2011)

Một trong những nội dung được Nhà trường quan tâm là: làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, trước hết là chuẩn bị về con người. Nhiệm vụ diễn tập chiến thuật được Nhà trường xác định cụ thể trong chương trình năm học, khóa học và được quán triệt tới toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên; coi đó là một nội dung trọng tâm trong một năm học, khóa học. Trước khi thực hiện nhiệm vụ diễn tập, Nhà trường chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan tổ chức quán triệt, giáo dục cho học viên nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ diễn tập; đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện bổ sung các nội dung cho phù hợp với điều kiện ăn, ở dã ngoại. Cùng với việc huấn luyện cho học viên cách sắp xếp, gói buộc quân tư trang, cách sử dụng bếp Hoàng Cầm, khắc phục vượt qua các loại địa hình phức tạp và triển khai cho đơn vị luyện tập..., Nhà trường chỉ đạo các đơn vị diễn tập duy trì nghiêm túc chế độ hành quân mang vác nặng vào các buổi tối hằng tuần, với cự ly tăng dần tương đương các cung, chặng đường hành quân diễn tập, đặc biệt là trọng lượng mang vác của bộ đội trong hành quân. Do tuân thủ đầy đủ quy trình, thứ tự các bước: huấn luyện đội ngũ chiến thuật, tập chiến thuật và diễn tập chiến thuật, nên hầu hết các đối tượng tham gia diễn tập đều nắm vững nguyên tắc và các hình thức chiến thuật cơ bản, kỹ năng xử lý tình huống, biết thứ tự các bước công tác chuẩn bị diễn tập dã ngoại và cách vận dụng vào thực tế chiến đấu. Để các cuộc diễn tập có chất lượng, đúng mục đích, yêu cầu đề ra, Nhà trường chỉ đạo cơ quan chức năng soạn thảo các văn kiện diễn tập chu đáo, đầy đủ theo đúng quy định, phù hợp với nguyên tắc lý luận, sát với thực tế địa hình khu vực diễn tập; tổ chức trinh sát thực địa, xác định phương án diễn tập và hiệp đồng chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn diễn tập, thực hiện tốt công tác dân vận, khai thác, phát huy lực lượng, phương tiện tại chỗ khi cần thiết.

alt

Thiếu tướng, PGS, TS. Vũ Đức Hinh, Hiệu trưởng Nhà trường kiểm tra và hướng dẫn học viên trong giờ học thanh niên tự quản tại đơn vị.

Sau khi có chỉ thị diễn tập, Nhà trường chỉ đạo các cấp tổ chức quán triệt nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm, ý thức, trách nhiệm cao cho mọi đối tượng tham gia diễn tập. Đặc biệt, Đảng ủy Nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đảng các cấp ra nghị quyết chuyên đề giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo trong suốt quá trình diễn tập. Cấp uỷ các cấp cũng ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ; trong đó, tập trung xác định rõ chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát, đúng với tình hình thực tế của đơn vị; chú trọng giải quyết những vấn đề về nhận thức tư tưởng, công tác tổ chức và đảm bảo cơ sở vật chất chuẩn bị cho diễn tập. Đồng thời, phân công cấp uỷ viên phụ trách từng mặt công tác; chỉ đạo phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và vai trò xung kích của Đoàn Thanh niên, Hội đồng quân nhân trong thực hiện nhiệm vụ diễn tập.

Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức diễn tập sát với mục tiêu, chương trình đào tạo, sát với đặc điểm địa bàn, khu vực phòng thủ địa phương, đối tượng tác chiến; phù hợp với vũ khí, trang thiết bị hiện có, nghệ thuật quân sự và kinh nghiệm, truyền thống của quân đội, cũng như của Nhà trường. Vấn đề này được Nhà trường xác định là trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp quyết định chất lượng diễn tập chiến thuật của các khóa đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội bậc đại học, giúp cho học viên được thực hành các tình huống sát gần với thực tế chiến đấu. Hơn nữa, các đối tượng này, sau khi trở thành sĩ quan, ra trường được điều động về nhiều đơn vị khác nhau, được phân công đảm nhiệm những cương vị khác nhau, trên các khu vực địa hình, thời tiết, khí hậu khác nhau,... Do đó, Nhà trường luôn có sự nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung và tích cực đổi mới cả về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức diễn tập cho phù hợp với ý định huấn luyện và đối tượng tác chiến, bảo đảm đạt mục đích, yêu cầu đề ra; trước mắt, bảo đảm cho học viên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trên các cương vị tập bài.

alt

Huấn luyện chiến thuật đại đội bộ binh hiệp đồng với xe tăng tiến công địch phòng ngự ở địa hình rừng bằng miền Đông Nam Bộ

Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo Phòng Đào tạo, các khoa giáo viên bám sát đặc điểm đối tượng tác chiến, những âm mưu thủ đoạn chiến thuật mà đối phương sử dụng và điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu ở khu vực tập bài để xây dựng phương án diễn tập phù hợp, hiệu quả. Căn cứ vào các đặc điểm đó, Nhà trường chủ động thay đổi phương án diễn tập, tránh lặp lại những phương án quen thuộc, địa hình tác chiến quen thuộc, giúp học viên nâng cao khả năng tư duy sáng tạo trong lựa chọn, bố trí đội hình chiến đấu thích hợp. Tùy theo mục tiêu, yêu cầu của các cuộc diễn tập, Nhà trường đề ra các biện pháp cụ thể, dự kiến các tình huống chiến đấu, bồi dưỡng phương pháp chỉ huy bộ đội trú quân chiến đấu, xây dựng công sự trận địa theo đúng quy định. Trong thực hành diễn tập, học viên thay nhau đảm nhiệm các cương vị chỉ huy, thực hiện các nhiệm vụ theo tình huống đạo diễn của giảng viên. Để tránh tình trạng dập khuôn, chỉ “diễn theo đạo”, Nhà trường khuyến khích học viên phát huy sự sáng tạo trong xử trí các tình huống, bảo đảm vừa vận dụng lý luận nghệ thuật quân sự, vừa có tính thực tiễn cao, phù hợp với yêu cầu, mục đích của mỗi cuộc diễn tập, nhất là tính quyết đoán của người chỉ huy, ý chí quyết tâm thực hiện mục tiêu chiến đấu. Ban Giám hiệu Nhà trường giao cho các khoa giáo viên và đơn vị quản lý học viên xác định những nội dung cụ thể trong việc rèn luyện năng lực tư duy và khả năng tổ chức, điều hành tác chiến của người chỉ huy trên cương vị thực tập. Những nội dung khó, các tình huống phức tạp, Nhà trường chỉ đạo chặt chẽ công tác phân đoạn diễn tập, bình xét kết quả từng khâu, từng bước, từng giai đoạn, từng khung tập để rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những nội dung còn yếu. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại, Nhà trường chỉ đạo các đơn vị chú trọng rèn luyện, nâng cao khả năng xử trí tình huống cơ động phòng tránh, đánh trả, ngụy trang, nghi binh, bảo vệ đội hình trong tác chiến dài ngày và trường hợp địch sử dụng vũ khí công nghệ cao,...

Nhằm giúp cho học viên trên cương vị chỉ huy nắm được thứ tự nội dung công việc trên từng cương vị diễn tập và biết xử trí linh hoạt các tình huống xảy ra trong quá trình chiến đấu..., Nhà trường chủ động tổ chức luyện tập thuần thục hành động của quân xanh và bộ phận phục vụ; đặc biệt chú trọng công tác hiệp đồng, bảo đảm an toàn, nhất là trong các cuộc diễn tập có bắn đạn thật. Không những thế, Nhà trường còn nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả diễn tập của đơn vị và từng cá nhân theo giáo trình chuẩn, sát với từng đối tượng đào tạo. Đồng thời, coi chất lượng diễn tập là “thước đo” kết quả thực chất của quá trình dạy-học, phản ánh rõ nét nhất những ưu, nhược điểm trong nội dung, chương trình huấn luyện và phương pháp chỉ đạo huấn luyện, diễn tập của Nhà trường.

alt

Thủ trưởng Nhà trường tặng hoa cho các đại biểu tham gia Giao lưu “Rạng ngời phụ nữ Trường Sĩ quan Lục quân 2 Anh hùng” (tháng 3/2011)

Tổ chức tốt các phong trào thi đua trong diễn tập là hoạt động thiết thực, bổ ích được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường quan tâm chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ. Nhà trường đã chú trọng vận dụng và thực hiện tốt việc quán triệt mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung, xây dựng quyết tâm thi đua, tổ chức phát động và thực hiện tốt các chỉ tiêu thi đua trong diễn tập chiến thuật cho học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội bậc đại học. Trong đó, có phong trào xuyên suốt thời gian diễn tập, có phong trào đột kích theo từng nhiệm vụ, từng giai đoạn, tập trung đột phá vào khâu yếu, mặt yếu,... Các phong trào đó được xác định ngay từ giai đoạn chuẩn bị và duy trì nghiêm túc đến khi kết thúc diễn tập. Trong  suốt quá trình diễn tập, phong trào thi đua được cụ thể hoá bằng những chỉ tiêu phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng giai đoạn và bám sát nhiệm vụ trọng tâm, hướng vào hoàn thành tốt mục đích, yêu cầu của đợt diễn tập. Mặc dù còn phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy tốt các mặt công tác đảng, công tác chính trị, nhưng các phong trào thi đua trong diễn tập chiến thuật đã động viên, khích lệ, xây dựng tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ diễn tập. Quan trọng hơn là sau khi tốt nghiệp, ra trường về đơn vị công tác, đội ngũ cán bộ này biết vận dụng vào các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, nhất là việc xây dựng các phong trào thi đua của đơn vị.

Ngoài ra, Nhà trường còn chỉ đạo các đơn vị thực hành diễn tập tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; trách nhiệm của công dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thành tựu kinh tế-xã hội của đất nước, của địa phương,... Từ đó, gây dựng tình cảm tốt đẹp giữa Nhà trường với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi thực hành dã ngoại, diễn tập.

Tiến hành rút kinh nghiệm kịp thời sau mỗi đợt diễn tập là một nội dung trong quy trình diễn tập, được Nhà trường thực hiện nghiêm túc. Sau mỗi đợt diễn tập, Nhà trường chỉ đạo rút kinh nghiệm theo từng cấp, đánh giá cụ thể mạnh, yếu trên từng mặt, từng giai đoạn và toàn bộ cuộc diễn tập. Qua đó, chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và từng bộ phận; đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ để vận dụng chỉ đạo và thực hành diễn tập các khóa tiếp theo đạt chất lượng cao hơn.

Thiếu tướng, PGS, TS. VŨ ĐỨC HINH

Hiệu trưởng Nhà trường

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.