Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 13/07/2020, 10:15 (GMT+7)
Đổi mới cơ chế quản lý tài chính Quân đội - kết quả và những vấn đề đặt ra

Đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội theo Luật Ngân sách Nhà nước là yêu cầu tất yếu, bức thiết, nội dung quan trọng trong chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, bước đầu triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng nảy sinh không ít khó khăn, bất cập và đặt ra một số vấn đề cần giải quyết.

Với tinh thần chủ động và trách nhiệm cao, ngay sau khi Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 915-NQ/QUTW, ngày 25/8/2018 về “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo”; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 3500/QĐ-BQP, ngày 26/8/2018, phê duyệt Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội theo Luật Ngân sách nhà nước giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo” (gọi tắt là Đề án),  các ngành, cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã kịp thời tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo và các kế hoạch, chỉ thị, cụ thể hóa Nghị quyết số 915 và Đề án làm cơ sở giao nhiệm vụ, hướng dẫn đơn vị thực hiện. Đây là nội dung mới, nên giai đoạn đầu triển khai thực hiện sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Lường trước điều đó, Ngành Tài chính quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, hiệp đồng, tổ chức thực hiện; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn về nghiệp vụ cho đối tượng có liên quan. Do đó, toàn quân đã thực hiện lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách theo cơ chế mới ngay trong năm ngân sách 2019 theo đúng quy định.

Sau gần 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 915 và Đề án, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chỉ huy các cấp, sự vào cuộc nghiêm túc, đồng bộ của các ngành, cơ quan, đơn vị, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy (chủ tài khoản), cơ quan nghiệp vụ, đơn vị trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách được nâng lên một bước. Công tác xây dựng dự toán ngân sách ở các cấp được đổi mới căn bản về chủ thể lập, phân bổ ngân sách và trình tự, thủ tục, phương pháp tiến hành; chất lượng dự toán được nâng cao. Cục Tài chính đã chủ trì xây dựng phương án số kiểm tra ngân sách sát với nhiệm vụ của các ngành. Cơ quan tài chính các cấp bám sát số kiểm tra được thông báo, kịp thời cân đối, tham mưu phân bổ phù hợp, chặt chẽ. Dự toán ngân sách được phân cấp triệt để và giao một lần ngay từ đầu năm cho các cơ quan, đơn vị. Từ đó, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tạo điều kiện cho đơn vị chủ động quản lý, điều hành sử dụng kinh phí, đẩy nhanh tốc độ chi, giải ngân, thanh toán; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tài chính kiểm soát thủ tục, nội dung chi cho các nhiệm vụ. Công tác cấp phát, quản lý, thanh, quyết toán ngân sách có những chuyển biến tích cực, phát huy được vai trò của Kho bạc Nhà nước trong kiểm soát, cấp phát và thanh toán, quản lý chi tiêu. Thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới, việc các ngành mua sắm hàng hóa thông dụng cấp cho cấp dưới giảm mạnh; ngân sách được giao cho các đơn vị trực tiếp mua sắm theo thỏa thuận khung, góp phần đẩy mạnh cơ chế tiền tệ hóa công tác bảo đảm của các ngành và quản lý ngân sách, v.v.

Những kết quả đạt được trong thực hiện đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội mới là bước đầu nhưng rất đáng khích lệ; qua đó, khẳng định chủ trương đúng đắn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về vấn đề này. Tuy nhiên, do đây là nội dung mới, yêu cầu cao nên việc triển khai thực hiện còn một số vấn đề đặt ra cần giải quyết. Công tác phổ biến, quán triệt và tổ chức tập huấn ở một số cơ quan, đơn vị chưa sâu; sự phối hợp giữa cơ quan tài chính và ngành nghiệp vụ trong lập dự toán ngân sách có nội dung thiếu chặt chẽ. Hệ thống định mức phục vụ lập dự toán, phân bổ ngân sách chưa có hoặc chưa đầy đủ, nhất là hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật, định mức công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, nên việc lập, phân bổ ngân sách có nội dung thiếu cơ sở khoa học. Trong khi đó, thời điểm lập dự toán ngân sách thực hiện trước khi có kế hoạch ra quân, tuyển quân, kế hoạch bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và chỉ lệnh nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm dự toán, vì vậy dự toán ngân sách khó bao quát hết nhiệm vụ; công tác dự báo kế hoạch, nhiệm vụ chi và hướng dẫn xây dựng, thẩm định nhu cầu ngân sách thiếu căn cứ, chưa sát nhu cầu thực tế. Việc giao ngân sách cho đơn vị chi tiết tới “mục” trong hệ thống mục lục ngân sách, nên không phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo mục tiêu của Đề án đặt ra (lập, phân bổ dự toán ngân sách theo nhiệm vụ thực tế trong năm của đơn vị). Với việc giao hết dự toán ra Kho bạc Nhà nước (để giảm thiểu chi tiền mặt, tăng cường kiểm soát chi) nhưng tạo ra những bất cập, khó khăn cho đơn vị trong việc bảo đảm các nhu cầu chi đột xuất khi chưa được bố trí ngân sách, cũng như thu hồi, thanh toán tạm ứng giữa cấp trên với cấp dưới. Đối với hoạt động mua sắm tập trung, danh mục tài sản công mua sắm tập trung hiện nay vừa thừa, vừa thiếu; vật tư, hàng hóa không thuộc danh mục tài sản công mua sắm tập trung theo phương thức ký thỏa thuận khung, đơn vị được giao ngân sách, nhưng khó khăn trong mua sắm do không đủ năng lực tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, v.v.

Xuất phát từ thực tế trên, để thực hiện tốt việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội theo Luật ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tài chính, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp; tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Trước hết, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan tài chính các cấp trong tham mưu, hiệp đồng, hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Đây là nhân tố quyết định sự thành công của đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội, đặc biệt khi đây là giai đoạn đầu triển khai thực hiện. Bởi vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thực hiện nghiêm Kết luận số 205-KL/QUTW, ngày 08/3/2018 của Quân ủy Trung ương, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm trong điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách theo phân cấp. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu sắc hơn nữa chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới, trọng tâm là Nghị quyết số 915 và Đề án đến mọi cán bộ, chiến sĩ, nhất là cấp ủy, người chỉ huy, cán bộ, nhân viên cơ quan tài chính các cấp, làm cho mọi người thấy rõ ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong Quân đội, tạo sự đồng thuận, quyết tâm, trách nhiệm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Kiên quyết khắc phục biểu hiện tư tưởng ngại đổi mới và quan điểm cho rằng cơ chế mới sẽ “tập trung quyền lực” về ngành Tài chính, v.v. Cơ quan tài chính các cấp cần tham mưu cho cấp ủy, người chỉ huy rà soát, bổ sung chủ trương, biện pháp thực hiện nghị quyết chuyên đề, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 915 và Đề án. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên các ngành, đơn vị nhằm thống nhất triển khai thực hiện. Là cơ quan chủ trì lập dự toán ngân sách, ngành Tài chính tích cực hướng dẫn, chỉ đạo, tham mưu trong lập dự toán, phân bổ ngân sách cho các ngành nghiệp vụ, các đơn vị; phối hợp, tham mưu làm tốt việc phân bổ số kiểm tra, rà soát, thẩm định dự toán của các ngành, nhất là dự toán chi.

Thời gian qua, chúng ta đã chủ động vừa làm, vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm, xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện Đề án. Tuy nhiên, đó mới là bước đầu. Hiện nay, khó khăn, vướng mắc chủ yếu là những vấn đề về quy trình lập dự toán, phân bổ ngân sách; các căn cứ, yếu tố phục vụ xây dựng, thẩm định dự toán ngân sách chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc đã lạc hậu không còn phù hợp. Vì vậy, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, trước hết là Cục Tài chính cần chủ động phối hợp, bám sát tình hình thực tiễn, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản, quy định, tiêu chí, nhất là các định mức kinh tế, kỹ thuật; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa cơ quan tài chính và ngành nghiệp vụ các cấp trong lập, phân bổ dự toán ngân sách,… đảm bảo phù hợp với pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng, đặc thù quân sự, quốc phòng, tạo cơ sở pháp lý thống nhất thực hiện.

Theo lộ trình thực hiện Đề án, hệ thống định mức làm cơ sở để lập và phân bổ ngân sách phải hoàn thành, trình Bộ ban hành trước quý II năm 2023. Từ năm ngân sách 2024, việc lập, phân bổ ngân sách sẽ căn cứ vào hệ thống định mức đã được chuẩn hóa do Bộ ban hành. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề do số lượng các bộ tiêu chuẩn, định mức lớn, đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực; quy trình xây dựng, bổ sung, kiểm định phức tạp. Để thực hiện được mục tiêu này cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, đơn vị. Trước mắt, Cục Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu đề nghị Bộ Quốc phòng bổ sung, sửa đổi các nghị định, hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015; sửa đổi Điều lệ công tác Tài chính, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của ngành nghiệp vụ trong lập, phân bổ dự toán ngân sách cho phù hợp với Đề án. Phối hợp với các ngành xây dựng hệ thống định mức lập và phân bổ dự toán ngân sách chi thường xuyên; đề xuất, ban hành định mức tổng hợp dùng làm căn cứ lập và phân bổ ngân sách; hoàn thiện phương thức lập, phân bổ số kiểm tra đối với một số loại ngân sách có nội dung chi đặc thù, v.v. Đối với các tổng cục, ngành nghiệp vụ chỉ đạo toàn quân, bám sát chức năng, phạm vi quản lý, chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, hạn mức, định mức kỹ thuật, kinh tế, định mức lập, phân bổ dự toán ngân sách; chuẩn hóa nội dung chi nghiệp vụ theo từng lĩnh vực, từng cấp; rà soát, đề xuất danh mục tài sản mua sắm tập trung theo phương thức ký thỏa thuận khung,... sát với đặc thù nhiệm vụ của đơn vị. Để nâng cao chất lượng lập, phân bổ dự toán ngân sách, hằng năm, các ngành sớm định hướng nhiệm vụ, nhất là dự báo nhiệm vụ đột xuất, tăng thêm và thông báo ngân sách chi theo chương trình mục tiêu,… để đơn vị chủ động xác định nhu cầu, xây dựng phương án phân bổ số kiểm tra trước khi trình Bộ phê duyệt và triển khai kế hoạch mua sắm, sản xuất, đấu thầu, phê duyệt chủ trương, dự án đầu tư, v.v.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục phối hợp hoàn thiện cơ chế, chính sách tự chủ về tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện các quy trình, quy định về công khai tài chính, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán,… tạo cơ sở, công cụ pháp lý để quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính, nhằm thực hiện tốt lộ trình và mục tiêu Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội theo Luật Ngân sách nhà nước giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo” mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xác định.

Đại tá, TS. PHẠM BÍNH NGỌ

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.