Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 16/09/2021, 15:37 (GMT+7)
Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở Học viện Chính trị

“Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...”1. Quán triệt tinh thần trên, Học viện Chính trị có nhiều giải pháp nhằm đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Trong những năm qua, Học viện thường xuyên quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về giáo dục, đào tạo. Trọng tâm là Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020, các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; Kết luận số 57-KL/TW, ngày 08/3/2013 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI); Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014, Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư, v.v. Tiến hành đổi mới đồng bộ, toàn diện các thành tố của quá trình giáo dục, đào tạo; “Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có chất lượng, hiệu quả khâu đột phá đổi mới chương trình, nội dung gắn với đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học”2. Trên cơ sở quy định khung chương trình đào tạo cho các bậc học của quốc gia, nhiệm vụ chính trị của Học viện và kết quả khảo sát nắm thông tin phản hồi về chất lượng đào tạo ở các đơn vị trong toàn quân, từ năm 2016 đến nay, Học viện đã tiến hành xây dựng mới 07 chương trình đào tạo trình độ đại học; 02 chương trình đào tạo, hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị; rà soát, điều chỉnh, bổ sung khắc phục sự trùng lặp 18 chương trình môn học đào tạo trình độ đại học, sửa đổi chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ 02 lần; xây dựng 01 chương trình đào tạo thạc sĩ Hồ Chí Minh học. Nghiên cứu, biên soạn mới, chỉnh sửa bổ sung nâng cấp hàng trăm giáo trình, tài liệu dạy học, tham khảo phù hợp với mục tiêu, chương trình đào tạo từng đối tượng, mang tính đặc thù của Quân đội; bảo đảm tính tư tưởng chính trị, tính khoa học, tính giáo dục.

Điểm đột phá đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở Học viện là đã chuyển mạnh từ giảng dạy chủ đề sang chuyên đề, nâng cao chất lượng bài giảng; tổ chức tốt bài giảng mẫu. Các chuyên đề bài giảng đã kịp thời cập nhật những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn, kết hợp sử dụng tổng hợp các phương pháp dạy học và ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Mục tiêu, yêu cầu đào tạo được đổi mới và từng bước được hoàn thiện, quy trình đào tạo ngày càng chính quy, thống nhất, bảo đảm học viên ra trường có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức trách.

Bên cạnh những ưu điểm là cơ bản, trong quá trình tổ chức thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế: chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị vẫn nặng về lý thuyết, chưa coi trọng đúng mức phát triển kỹ năng thực hành, phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học; còn có sự trùng lặp nội dung giữa các môn học, bậc học; tỷ lệ giữa lý thuyết và thực hành chưa cân đối. Phương pháp giảng dạy của một số giảng viên chưa sát với đối tượng, chưa kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp dạy học truyền thống với hiện đại. Một số học viên chưa thích ứng với phương pháp dạy học tích cực; chưa chủ động tự học tập, tự nghiên cứu, v.v.

Quán triệt quan điểm Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về đổi mới mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục - đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, Học viện thực hiện phương châm “khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại”, tiến hành đồng bộ đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Một là, xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp tục thực hiện Đề án Kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng những năm tiếp theo. “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, chất lượng toàn diện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, kiến thức, năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm công tác và sức khỏe đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện”3. Bảo đảm sự chuyển tiếp vững chắc giữa các thế hệ, có lực lượng dự trữ 10% trở lên, khắc phục sự mất cân đối về cơ cấu độ tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm thực tiễn. Làm tốt việc lựa chọn, tạo nguồn, xây dựng đội ngũ giảng viên tiêu biểu về phẩm chất chính trị; được đào tạo cơ bản, có hiểu biết sâu rộng hệ thống tri thức khoa học chuyên ngành; có kỹ năng kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu. Coi trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành có trình độ, năng lực mở rộng hợp tác trong giảng dạy, nghiên cứu với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài Quân đội; thường xuyên công bố kết quả nghiên cứu của cá nhân trên các báo, tạp chí, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025, cán bộ quản lý, giảng viên có trình độ sau đại học đạt trên 67%, riêng đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu đạt từ 70% - 80%, trong đó có trên 40% tiến sĩ, 50 - 55 giáo sư, phó giáo sư, v.v. Đến năm 2030, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt yêu cầu chuẩn hóa; có trình độ ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu chức danh đảm nhiệm.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu đổi mới mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần bổ sung, điều chỉnh mục tiêu đào tạo theo đúng quan điểm của Đảng: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”4, kết hợp giữa “dạy người - dạy chữ dạy nghề”, nhằm hướng tới mục tiêu kép: (1) Nâng cao trình độ lý luận chính trị của người học; (2) Nâng cao phẩm chất, năng lực toàn diện, kỹ năng nghề nghiệp, phương pháp tác phong công tác. Việc đổi mới chương trình, nội dung cần mạnh dạn loại bỏ những kiến thức đã lạc hậu, ít thiết thực; chọn lọc những kiến thức, thành tựu khoa học chuyên ngành, liên ngành có liên quan đến mục tiêu đào tạo để kết cấu thành các chuyên đề, bài giảng. Giảm đáng kể giờ lên lớp lý thuyết, tăng thời lượng cho các hình thức tổ chức dạy học thực hành, vừa bảo đảm “cơ bản, hệ thống, thống nhất, thiết thực, chuyên sâu”, vừa phải cập nhật, liên thông, khắc phục sự trùng lặp nội dung giữa các môn học, bậc học và đối tượng đào tạo, bồi dưỡng.

Ba là, đổi mới hình thức tổ chức gắn với đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát huy tối đa tính tự giác và sự sáng tạo của người học. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở Học viện hầu hết là những cán bộ đã trải qua thực tiễn công tác trong và ngoài Quân đội, nên việc lựa chọn hình thức tổ chức, phương pháp dạy học thích hợp là điều hết sức quan trọng. Căn cứ mục tiêu đào tạo của từng đối tượng, tổ chức đa dạng các hình thức lớp học: đào tạo cơ bản dài hạn, bổ túc kiến thức, tập huấn,... và đa dạng các hình thức dạy học: giảng lý thuyết trên lớp, xêmina, tự học - tự nghiên cứu, thực hành, thực tập, viết thu hoạch, tiểu luận; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan mô hình điểm, sáng tạo ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, v.v. Kết hợp sử dụng phương pháp dạy học truyền thống và hiện đại, chuyển mạnh từ dạy học theo “chủ đề” sang dạy học theo “chuyên đề”; chú trọng đẩy mạnh sử dụng phương pháp dạy học tích cực, nêu vấn đề; phát huy có hiệu quả các phương tiện dạy học hiện đại; chuyển đổi từ dạy các “khuôn mẫu” sang dạy cách thức “sáng tạo”, “phát minh” nhằm phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học. Kiên quyết khắc phục lối dạy “độc thoại”, “thầy đọc, trò ghi”, nặng về truyền đạt lý thuyết, thông tin một chiều, “lý luận xa rời thực tiễn”. Trong từng chuyên đề - bài giảng, giảng viên cần lượng hóa thông tin, xác định nội dung cốt lõi “điểm nhấn” để phân tích, luận giải sao cho “đủ độ” đối với từng đối tượng; sử dụng ngôn ngữ trong sáng, đúng chuyên ngành, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động của học viên trong tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận chính trị. Đây là vấn đề giữ vai trò quan trọng trực tiếp đến hiệu quả đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp của Học viện cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và tạo môi trường sư phạm thuận lợi; định hướng cho học viên nắm vững phương pháp tự học, tự nghiên cứu theo đúng tinh thần “Lấy tự học làm cốt”; kiên quyết “chống tư tưởng sợ khó, sợ khổ, lười học trong cán bộ, đảng viên”; khích lệ học viên nâng cao tinh thần ham học, ra sức trau dồi những kiến thức mới; chống thói lười học tập, lười suy nghĩ. Đối với học viên, cùng với nâng cao nhận thức trách nhiệm, xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng, cần xác định việc tự học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân. Thường xuyên tự đánh giá trung thực, khách quan trình độ lý luận chính trị của cá nhân; tự nhận rõ ưu điểm, hạn chế, xác định kế hoạch và phương pháp tự học tập, nghiên cứu phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất.

Năm là, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Theo đó, chủ động xây dựng, hoàn thiện quy chế giáo dục và đào tạo; xây dựng quy trình thực hiện công tác khảo thí, bảo đảm chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn ISO 9000 - 2008. Đa dạng hóa các hình thức thi, kiểm tra phù hợp với từng đối tượng, từng học phần. Đổi mới cách thức xây dựng đề thi theo hướng mở để đánh giá chính xác năng lực tư duy sáng tạo của người học. Đổi mới cách viết giáo trình, tài liệu dạy học phù hợp với từng đối tượng, trong đó chứa đựng cả nội dung cơ bản và định hướng cách dạy, cách học. Từng bước đẩy mạnh, nâng cao chất lượng biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học điện tử. Coi trọng đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng hiện đại và đồng bộ theo hướng xây dựng “nhà trường thông minh”, “thư viện thông minh”, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.

Thực hiện đồng bộ các nội dung, giải pháp trên, góp phần đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở Học viện Chính trị theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Thượng tá, ThS. VŨ VĂN TÁM
_______________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 136.

2 - Đảng bộ Học viện Chính trị - Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị lần thứ XVI, Hà Nội, tháng 10/2020, tr. 31.

3 - Đảng ủy Học viện Chính trị - Nghị quyết số 35/NQ-ĐU về xây dựng đội ngũ cán bộ ở Học viện Chính trị giai đoạn 2019 - 2030, Hà Nội, ngày 18/6/2019, tr. 4.

4 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 232.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.