Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 14/06/2021, 10:26 (GMT+7)
Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong Quân đội hiện nay

Bảo vệ môi trường là nhân tố đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh và thúc đẩy hội nhập quốc tế của đất nước. Những diễn biến môi trường có quan hệ mật thiết với việc đảm bảo sức khỏe bộ đội, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; vì vậy, cần xác định các giải pháp đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quán triệt nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác bảo vệ môi trường, toàn quân luôn tích cực tổ chức thực hiện, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đưa công tác này vào nền nếp; đồng thời, tham gia tích cực, có hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường ở các địa phương nơi đóng quân. Nổi bật trong giai đoạn 2016 - 2020 là đã tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức thành ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của cán bộ, chiến sĩ. Toàn quân lập, thẩm định 146 báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư quốc phòng bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, đúng tiến độ. Nghiên cứu, ứng dụng 26 mô hình, giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong kiểm soát, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường tại các đơn vị bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, kho tàng, bệnh viện, cải thiện môi trường tại trung tâm huấn luyện, trường bắn. Tổ chức thực hiện 12 nhiệm vụ điều tra, đánh giá, quan trắc môi trường trên biển, quan trắc hóa chất độc - phóng xạ, mưa axit, nghiên cứu bảo vệ tài nguyên, môi trường, gắn với đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Xử lý bom, mìn, vật nổ tồn sau chiến tranh ở các tỉnh ô nhiễm nặng, như: Quảng Bình, Bình Định, Hà Giang...; xử lý chất độc hóa học/dioxin khu vực sân bay Đà Nẵng, khởi động xử lý ở khu vực sân bay Biên Hòa, sân bay Asho (Thừa Thiên - Huế); tham gia ứng phó kịp thời, có hiệu quả sự cố môi trường ở một số địa phương, v.v.

Thượng tướng Phan Văn Giang phát biểu tại buổi Lễ phát động phong trào trồng cây hưởng ứng Chương trình trồng một tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh của Thủ tướng Chính phủ

Trong thời gian tới, những vấn đề: ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng tiếp tục diễn biến phức tạp, gay gắt; nguy cơ suy giảm tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, hệ sinh thái, cạn kiệt, tranh chấp tài nguyên thiên nhiên trên đất liền, trên biển, đảo có thể diễn ra ở các quy mô khác nhau; thiên tai, dịch bệnh cùng với những vấn đề an ninh phi truyền thống sẽ tác động mạnh đến sự nghiệp phát triển của đất nước và việc thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Vì vậy, để thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu của Nhà nước và Bộ Quốc phòng về bảo vệ môi trường, các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu tổ chức thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nắm vững những vấn đề quan tâm thực hiện đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong Quân đội. Đó là: (1) Tổ chức phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường trong các hoạt động quân sự, quốc phòng; (2) Tổ chức duy trì hoạt động của các công trình, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các đơn vị Quân đội; (3) Bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường ở các đơn vị Quân đội, kết hợp với phục vụ nhân dân ở những vùng khó khăn; (4) Nghiên cứu sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển, đảo; (5) Nâng cao chất lượng quan trắc môi trường; (6) Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ứng phó sự cố môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; (7) Xử lý tồn lưu chất độc da cam/dioxin, CS, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh; (8) Tích cực tham gia có hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường của Quốc gia và ở các địa phương nơi đóng quân.

Hai là, quán triệt, thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trong các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng về công tác bảo vệ môi trường. Tập trung quán triệt, tổ chức thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/11/2020; Nghị quyết số 06/NQ-CP, ngày 21/01/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường” theo Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tiễn của Quân đội. Đồng thời, tiếp tục quán triệt, tham mưu tổ chức thực hiện Nghị quyết số 791-NQ/QUTW, ngày 30/12/2012 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo; các chỉ thị, thông tư của Bộ Quốc phòng: số 88/CT-BQP, ngày 17/11/2016 về việc phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường đối với các cơ quan, đơn vị và công tác lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trong Quân đội; số 133/2015/TT-BQP, ngày 27/11/2015 ban hành Điều lệ Công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, cần quán triệt rõ công tác bảo vệ môi trường là một mặt công tác, nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của Quân đội; trên cơ sở đó, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chỉ huy cấp trên về quản lý, chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức thực hiện ở cấp mình.

Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong bảo vệ môi trường. Chú trọng phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường để hiểu đúng và đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong tổ chức thực hiện. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền về bảo vệ môi trường; lồng, ghép trong các hoạt động tạo sự thu hút, hiệu quả. Cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cấp, ngành và cá nhân để xảy ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng do không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong phê duyệt các dự án đầu tư; gắn xem xét ý thức trách nhiệm và kết quả bảo vệ môi trường trong việc đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng tập thể và cá nhân.

Bốn là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật trong Quân đội. Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, lồng ghép yêu cầu công tác bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách quốc phòng theo định hướng phát triển bền vững; hoàn thiện các quy định về công tác bảo vệ môi trường; tập trung sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2014, bảo đảm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, phù hợp với tổ chức biên chế, điều kiện thực tiễn. Cùng với đó, cần nghiên cứu xây dựng Chiến lược bảo vệ môi trường của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2021 - 2030 làm cơ sở để các cấp, ngành trong toàn quân cụ thể hóa các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới trước những thách thức lớn về an ninh phi truyền thống liên quan đến ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự xã hội, chủ quyền quốc gia, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Năm là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về môi trường, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong bảo vệ môi trường. Trước mắt, tập trung nghiên cứu những vấn đề quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên, môi trường phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng; các yếu tố môi trường phục vụ bảo vệ sức khoẻ bộ đội, quản lý vũ khí, khí tài, trang thiết bị kỹ thuật quân sự; giải pháp công nghệ xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại trong bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, huấn luyện quân sự; sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tái chế, tái sử dụng chất thải; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo. Xây dựng lực lượng và tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, biến đổi khí hậu; cảnh báo, ứng phó với ô nhiễm và sự cố môi trường do hậu quả của các tác nhân hóa học, sinh học, hạt nhân; sử dụng lực lượng Quân đội tham gia quan trắc môi trường quốc gia, kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới, kiểm soát ô nhiễm trên biển.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường. Hằng năm, cơ quan, đơn vị chức năng cần lựa chọn các nội dung trọng tâm để thực hiện thanh tra việc chấp hành các quy định về đánh giá tác động môi trường, xử lý chất thải, quy định về phòng, chống, khắc phục suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trong quá trình khai thác, sử dụng các thành phần môi trường; thanh tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của các ngành, các cơ quan, đơn vị. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và đấu tranh phòng, chống tội phạm môi trường.

Bảy là, đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường. Đó là ngân sách quốc phòng, ngân sách nhà nước chi sự nghiệp môi trường, sự nghiệp khoa học, sự nghiệp kinh tế, đầu tư phát triển, phí môi trường, quỹ bảo vệ môi trường, chương trình, mục tiêu quốc gia, hợp tác quốc tế và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Đồng thời, bảo đảm mức, cơ cấu đầu tư hợp lý cho bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư quốc phòng và kinh phí để vận hành các hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường từ kinh phí hoạt động thường xuyên, từ khoản chi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của đơn vị.

Tám là, chủ động, tích cực hợp tác trong nước, quốc tế nhằm thu hút nguồn lực cho bảo vệ môi trường. Chú trọng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ môi trường, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ môi trường, ứng phó với sự cố môi trường, an ninh môi trường và biến đổi khí hậu, xử lý tồn lưu chất độc da cam/dioxin, CS, bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh, cung cấp thông tin, tư liệu, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức môi trường. Tham gia tổ chức thực hiện có hiệu quả các diễn đàn hợp tác trong nước, quốc tế về bảo vệ môi trường quân sự; chủ động, sáng tạo trong việc đề xuất các sáng kiến hợp tác song phương, đa phương, khu vực và quốc tế liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát ô nhiễm, sự cố môi trường liên vùng, xuyên biên giới.

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ thường xuyên, vừa có tính cấp bách, lâu dài, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn xác định các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, kịp thời trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần đảm bảo sức khoẻ bộ đội, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGÔ VĂN GIAO, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.