Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 23/12/2024, 08:55 (GMT+7)
Diễn tập vòng tổng hợp có bắn đạn thật ở Sư đoàn 9 - mấy vấn đề cần quan tâm

Diễn tập vòng tổng hợp có bắn đạn thật là hình thức huấn luyện cao nhất, mang tính toàn diện, cơ sở thực tiễn quan trọng đánh giá chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị và trình độ, năng lực của cán bộ, chỉ huy các cấp. Thông qua đó, rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy; xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch và thực hành huấn luyện chiến đấu tại các cơ quan, đơn vị. Vì vậy, các đơn vị cần nghiên cứu từ thực tế để có giải pháp nâng cao hiệu hiệu quả hoạt động quan trọng này.

Sư đoàn bộ binh 9 là đơn vị chủ lực, đủ quân, cơ động chiến dịch, chiến lược của Quân đoàn 34 và của Bộ. Những năm qua, cùng với thực hiện điều chỉnh tổ chức lực lượng theo kế hoạch đã xác định, Sư đoàn tập trung mọi nỗ lực, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; trong đó, đột phá vào nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, coi trọng tổ chức các cuộc diễn tập vòng tổng hợp có bắn đạn thật. Đây là nhiệm vụ mang tính tổng hợp cao, hết sức nặng nề, với không ít khó khăn do phải chuyển đơn vị vào các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, hành quân xa, mang vác nặng, qua nhiều loại địa hình phức tạp. Quá trình diễn tập, các đơn vị phải thực hiện cơ động cả bằng cơ giới, hành quân bộ, vượt sông; thực hiện xử trí nhiều tình huống phức tạp; hiệp đồng với nhiều lực lượng, sử dụng số lượng lớn phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật; thực hành các hình thức, nhiệm vụ chiến thuật khác nhau, với các tình huống phức tạp, v.v. Mặc dù vậy, nhưng với tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, Sư đoàn đã tích cực nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương pháp, hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp có bắn đạn thật1; trong đó, tập trung điều chỉnh, bổ sung nội dung đầu bài, đề mục diễn tập, phương pháp tổ chức bảo đảm sát với biên chế, trang bị, đối tượng, phương án, địa bàn tác chiến, trong điều kiện địch sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao; chỉ đạo thực hiện phương pháp “đạo theo diễn” trong một số giai đoạn, nội dung diễn tập. Thông qua diễn tập đã đánh giá đơn vị có đủ khả năng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9 thực hành diễn tập sát với thực tế địa bàn tác chiến. Ảnh: qdnd.vn

Tuy nhiên, qua thực tế diễn tập vòng tổng hợp có bắn đạn thật của Sư đoàn, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Kết cấu tưởng định đầu bài tập có nội dung chưa sát, chưa khoa học; thực hành phòng tránh, đánh địch tiến công hỏa lực bằng vũ khí công nghệ cao cũng như công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng, bộ phận còn bộc lộ lúng túng, chưa nhuần nhuyễn; phương pháp đạo diễn chưa linh hoạt, còn “xuôi chiều”, v.v. Từ thực tiễn tổ chức và thực hành diễn tập của đơn vị, để nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu nói chung, diễn tập vòng tổng hợp có bắn đạn thật nói riêng, bài viết trao đổi, chia sẻ và đề cập một số vấn đề xoay quanh nội dung này như sau.

Trước hết, cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống đầu bài, văn kiện diễn tập theo hướng đa dạng hình thức chiến thuật; chú trọng khảo sát, xây dựng đầu bài trên địa bàn mới và đảm bảo nội dung toàn diện cho cả lực lượng chiến đấu và lực lượng bảo đảm. Đây là vấn đề quan trọng, bởi với mỗi đối tượng tác chiến khác nhau thì tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị, thủ đoạn tác chiến của ta, địch sẽ khác nhau, theo đó việc vận dụng các hình thức chiến thuật của ta phải được lựa chọn phù hợp với hình thái địch, đặc điểm địa hình thực tế. Thông thường, trong các cuộc diễn tập chiến thuật đã được thực hiện ở các đơn vị nói chung, ở Sư đoàn 9 nói riêng, cho thấy khi xây dựng tưởng định về địch chỉ xác định một đối tượng chiến đấu làm cơ sở để huấn luyện, diễn tập. Trong khi đó, diễn tập vòng tổng hợp đòi hỏi phải xác định từ 2 hình thức chiến thuật trở lên, tương ứng với mỗi hình thức chiến thuật phải xác định một đối tượng địch cụ thể; trong thời gian từ 09 đến 12 ngày đêm hoặc hơn. Mặt khác, cần xác định cung, chặng đường hành quân di chuyển bằng phương tiện cơ giới, hành quân bộ, vượt sông theo các dạng địa hình khác nhau; trong quá trình hành quân phải xử trí các tình huống chiến đấu cụ thể với đối tượng địch nhất định.

Thông thường các cuộc diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật ở Sư đoàn 9 hằng năm thường xây dựng trên cung đường hành quân và địa bàn bắn đạn thật quen thuộc. Bởi vậy, các yếu tố về địch, ta, địa hình, thời tiết,… còn mang tính áp đặt chủ quan, chưa đưa cán bộ chỉ huy vào môi trường sát thực tế, nên chưa phát huy hết tính tích cực, chủ động, cũng như rèn luyện năng lực tham mưu của cơ quan và quyết định của người chỉ huy. Việc sử dụng lực lượng tham gia cũng chưa cân đối; thậm chí lực lượng hậu cần, kỹ thuật chủ yếu tham gia với vai trò bảo đảm cho diễn tập, chưa có nhiều nội dung “diễn” gắn với hành động của các lực lượng trong đội hình chiến đấu, v.v. Để khắc phục những hạn chế trên, theo chúng tôi, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống đầu bài, văn kiện diễn tập theo hướng đa dạng hình thức chiến thuật, địa bàn diễn tập. Thực hiện được chủ trương này, phải bắt đầu từ yếu tố con người trong quá trình chuẩn bị diễn tập, bao gồm: con người trong Ban chỉ đạo; Tổ nội dung; cán bộ, chiến sĩ đơn vị tham gia diễn tập. Trong đó, đặc biệt chú ý công tác lựa chọn, thành lập con người của Tổ nội dung diễn tập phải có trình độ, năng lực, nắm chắc ý định của Ban chỉ đạo và các hình thức chiến thuật, quy cách, quy định xây dựng tưởng định, các văn kiện diễn tập. Đây là khâu then chốt quyết định đến chất lượng nghiên cứu, biên soạn hệ thống đầu bài, văn kiện theo hướng đa dạng hình thức chiến thuật, địa bàn và nội dung cho các lực lượng tham gia diễn tập. Để đa dạng hình thức chiến thuật, Ban chỉ đạo diễn tập chỉ đạo Tổ nội dung phải xác định và xây dựng trong mỗi cuộc diễn tập tổng hợp từ 4 đến 5 hình thức, có 1 hình thức bắn đạn thật tại trường bắn, các hình thức chiến thuật còn lại diễn tập có sử dụng đạn hơi, thuốc nổ. Việc soạn thảo ý định diễn tập, đầu bài cơ bản, kế hoạch diễn tập, các văn kiện chỉ đạo, đạo diễn phải làm trên tất cả các nội dung: tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật; thể hiện đầy đủ đề mục; mục đích yêu cầu, nội dung và thời gian; biện pháp của người chỉ đạo; thành phần tham gia; khu vực diễn tập; bảo đảm vật chất, trang bị; nhiệm vụ và ý định chiến đấu của người chỉ huy cấp trên; nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị diễn tập, đơn vị bạn và địa phương liên quan, v.v. Đây là vấn đề không mới nhưng để thực hiện được những vấn đề nêu trên đòi hỏi ban chỉ đạo, tổ nội dung diễn tập cần có sự nghiên cứu công phu, tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng cụ thể.

Thực tế hiện nay, đối tượng tác chiến được xác định là có ưu thế về vũ khí công nghệ cao, khả năng trinh sát phát hiện vượt trội, tác chiến điện tử rộng rãi, sức cơ động cao, phản ứng nhanh, linh hoạt; bởi vậy, tính chất chiến đấu sẽ diễn ra rất khẩn trương, ác liệt, với nhiều tình huống phức tạp. Để đạt mục đích, yêu cầu đề ra, các cuộc diễn tập vòng tổng hợp nói chung, của sư đoàn nói riêng phải đưa bộ đội, đơn vị vào sát thực tiễn chiến đấu. Trong đó, vấn đề ngụy trang, nghi binh, cơ động phòng tránh giữ bí mật, bảo toàn lực lượng cần được nghiên cứu một cách cẩn trọng.  Thực tế trong tổ chức diễn tập những năm qua ở Sư đoàn 9, nội dung này mới chủ yếu được đề cập ở góc độ lý thuyết chung và thực hành ở các tình huống cơ bản mang tính chất đơn thuần, nên việc “nhập vai” của cán bộ, chiến sĩ còn dừng lại ở mức độ nhất định. Để khắc phục vấn đề này, cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung diễn tập; trong đó, chú trọng bổ sung các vấn đề, tình huống về cơ động, phòng tránh, đánh trả, ngụy trang, nghi trang, nghi binh, phòng, chống tác chiến điện tử, v.v. Trước hết, tập trung nghiên cứu, tăng cường các bài tập cơ động trong diễn tập chiến thuật ở các quy mô, theo hướng tăng dần mức độ khó trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp. Trọng tâm là nghiên cứu, xây dựng các tình huống cơ động lực lượng gắn với phòng tránh, đánh địch tiến công hỏa lực, các bài tập cơ động vượt sông và phối hợp với các lực lượng của Quân đoàn thực hành cơ động bằng xe cơ giới trong điều kiện dã ngoại, đường dài, v.v. Để đạt mục đích đề ra, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng những nội dung trên ngay trong quá trình huấn luyện; đẩy mạnh kết hợp huấn luyện cơ động, vượt sông với diễn tập tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão, nâng cao tính thực tế. Cùng với đó, có thể chủ động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, kết hợp với các biện pháp thủ công, tại chỗ để triển khai sâu, kỹ nội dung ngụy trang, nghi trang, nghi binh theo hướng làm giả như thật trong từng giai đoạn và tình huống diễn tập. Bên cạnh đó, các đơn vị phải tăng cường huấn luyện bổ sung những nội dung khó, chuyên sâu nhằm đưa các tình huống diễn tập sát thực tiễn chiến đấu; trong đó có nội dung hành quân xa, mang vác nặng, bố trí ăn ở dã ngoại nhiều ngày kết hợp với rèn luyện thể lực, v.v.

Để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), phải chuẩn bị mọi mặt tốt nhất; trong đó, trước hết phải đối phó hiệu quả với cuộc chiến tranh công nghệ cao. Vì vậy, cần áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào thực hiện nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả diễn tập. Đây là vấn đề không dễ làm hiện nay ở các đơn vị cơ sở, trong đó có Sư đoàn 9. Bởi vì, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt nguồn nhân lực và kinh phí để thực hiện còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, ở các góc độ khác nhau chúng ta vẫn có thể ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào diễn tập ở đơn vị mình một cách hiệu quả, tiết kiệm bằng cách: phát huy, khuyến khích cán bộ các cấp nghiên cứu, sáng tạo việc ứng dụng công nghệ thông qua các yêu cầu, nội dung cụ thể phục vụ trong huấn luyện, diễn tập; đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ bảo đảm; tận dụng tốt cơ quan, bộ phận chuyên môn có kiến thức về công nghệ thông tin. Đối với những tình huống phức tạp, như: cơ động, tác chiến ban đêm, chống tác chiến điện tử,… phải được chuẩn bị kỹ ở bước luyện tập; chú ý hành động kỹ thuật, chiến thuật cá nhân và phân đội nhỏ. Từ đó mới khuyến khích, phát huy tư duy sáng tạo trong vận dụng xử lý tình huống, nhất là tính quyết đoán của người chỉ huy. Mặt khác, cấp trên cần nghiên cứu, sản xuất đưa vào sử dụng các trang bị, thiết bị mô phỏng, tạo giả hiện đại để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách từ diễn tập đến thực tiễn. Thực hiện được vấn đề này sẽ tạo bước đột phá trong diễn tập, huấn luyện cho người chỉ huy, cơ quan kỹ năng cần thiết về chỉ huy, tham mưu tác chiến trong kỷ nguyên số.

Nâng cao chất lượng diễn tập vòng tổng hợp có bắn đạn thật là yêu cầu cấp thiết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nâng cao khả năng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của sư đoàn bộ binh. Đây cũng là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi rộng rãi, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quan trọng này.

Đại tá NGUYỄN QUYẾT THẮNG, Phó Sư đoàn trưng kiêm Tham mưu trưởng
____________________
        

1 - Năm 2024, Sư đoàn tổ chức 01 cuộc diễn tập vòng tổng hợp có bắn đạn thật từ cấp trung đội đến tiểu đoàn, kết quả  100% đạt giỏi, đơn vị an toàn tuyệt đối.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.