Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 19/02/2024, 10:55 (GMT+7)
Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và những vấn đề đặt ra

Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương được các tỉnh, thành phố chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trước yêu cầu bảo vệ từng địa bàn, địa phương trong mọi tình huống, ngay từ thời bình và khi có chiến tranh xảy ra cũng như sự phát triển của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã, đang đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc diễn tập quan trọng này.

Thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng về xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tỉnh, thành phố) thành khu vực phòng thủ vững chắc, những năm qua, cùng với tập trung xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận, cấp ủy, chính quyền các địa phương thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt diễn tập khu vực phòng thủ ở các cấp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra và đúc rút nhiều kinh nghiệm bổ ích. Nội dung diễn tập có nhiều đổi mới, ngày càng phong phú, sát với các tình huống về quốc phòng, an ninh ở từng địa phương, như: phòng, chống khủng bố, biểu tình, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, chuyển địa phương sang các trạng thái quốc phòng, chuẩn bị và thực hành tác chiến phòng thủ bảo vệ địa bàn. Nhiều địa phương đã đưa vào diễn tập các nội dung mới, sát với đặc điểm địa bàn, nhất là các tình huống về an ninh phi truyền thống (phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố cháy, nổ, tràn dầu…). Phương pháp diễn tập khu vực phòng thủ cũng có nhiều đổi mới khi không chỉ coi trọng diễn mà đã gắn kết chặt chẽ giữa diễn và tập; thực hiện chủ yếu phương pháp đạo theo diễn nên đã phát huy tính tích cực chủ động của người tập. Vì vậy, chất lượng các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ ngày càng được nâng lên, đi vào chiều sâu, thực chất; nhận thức, trách nhiệm cũng như năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền, vai trò làm tham mưu và tổ chức thực hiện xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh trong các trạng thái quốc phòng của lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể được nâng cao. Một số địa phương áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số vào lãnh đạo, điều hành, chỉ huy diễn tập; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các đơn vị chủ lực của quân khu, của Bộ trong diễn tập khu vực phòng thủ trên từng địa bàn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng diễn tập, nhất là khả năng phối hợp, hiệp đồng với bộ đội chủ lực trong hoạt động tác chiến và bảo đảm cho tác chiến bảo vệ địa phương, v.v.

Tuy nhiên, thực tiễn diễn tập khu vực phòng thủ vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Theo Điều 56 Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ thì các bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, song trên thực tế, việc tham gia chỉ đạo, đạo diễn của các cơ quan này đối với các ban, sở, ngành cấp tỉnh trong diễn tập còn rất hạn chế, hầu như chưa có sự vào cuộc. Tình trạng làm thay cho các ban, sở ngành (trong công tác chuẩn bị) vẫn xảy ra, dẫn đến khi thực hành diễn tập, người tập còn lệ thuộc vào các kịch bản đã đ­ược chuẩn bị sẵn, không phát huy được tính chủ động, tích cực, sáng tạo. Ngoài ra, việc xây dựng một số hạng mục, công trình phục vụ diễn tập của một số địa phương rất công phu, nhưng chưa tính đến hướng sử dụng lâu dài, dẫn đến lãng phí ngân sách và tạo dư luận không tốt.

Thời gian tới, trước sự biến động và tác động nhiều chiều của tình hình thế giới, khu vực đòi hỏi nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển mới, đặt ra yêu cầu cao. Trong đó, việc tổ chức phòng thủ quân khu và xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc theo phương châm “xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh” là nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì vậy, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ là vấn đề vừa cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản lâu dài và phải xác định đó là bước tập dượt quan trọng trong tổ chức xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trên một số vấn đề sau.

Một là, tiếp tục đổi mới nội dung diễn tập

Theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Vì vậy, trong diễn tập khu vực phòng thủ cần nghiên cứu và chuẩn bị nội dung diễn tập một cách toàn diện và phù hợp, trước hết là phù hợp với điều chỉnh tổ chức biên chế, trang bị mới của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, trực tiếp là của cơ quan quân sự, công an và lực lượng dân quân tự vệ ở các tỉnh, huyện.

Trên cơ sở xác định nội dung diễn tập toàn diện, các tỉnh, thành phố cần căn cứ vào đặc điểm cụ thể của từng địa bàn để tập trung vào các nội dung mà địa phương mình đang cần, ngay trong thời bình và cần cho bảo vệ địa bàn khi có tình huống quốc phòng, an ninh, nhất là khi chiến tranh xảy ra. Như vậy, ngoài những nội dung đang diễn tập hiện nay, cần nghiên cứu các nội dung mới, tập trung vào giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ngay từ trạng thái thường xuyên, trạng thái có tình huống. Điều này được đúc rút từ thực tiễn, bởi khi xảy ra các tình huống trên, nhiều địa phương còn lúng túng về sử dụng lực lượng, cơ chế phối hợp và trong khi diễn tập khu vực phòng thủ hiện nay hầu như các địa phương chưa tập ở hai trạng thái quốc phòng này.

Mặt khác, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang trên thế giới gần đây cho thấy, xu hướng sử dụng phương tiện bay không người lái ngày càng rộng rãi, trở thành mối đe dọa hết sức nguy hiểm. Cùng với đó là việc huy động các loại súng pháo tầm thấp, thế hệ cũ (có từ trong chiến tranh thế giới thứ hai) được các bên tham chiến tái trang bị và sử dụng đã phát huy hiệu quả để đối phó với phương tiện bay không người lái của đối phương. Vì vậy, diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố thời gian tới cần bổ sung nội dung quan sát, trinh sát, phát hiện, khống chế, tiêu diệt các phương tiện bay không người lái, nhất là khi địch sử dụng chiến thuật bay bầy đàn tiến công cảm tử ở độ cao thấp bằng hỏa lực súng máy phòng không theo biên chế hiện tại của các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân tự vệ để phát huy hiệu quả cao nhất.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố với diễn tập của các đơn vị chủ lực của quân khu và của Bộ trên địa bàn, nhằm nâng cao hơn nữa khả năng phối hợp, hiệp đồng trong tác chiến. Bộ Quốc phòng cần chỉ đạo các quân khu, đơn vị chủ lực của Bộ thống nhất thời gian diễn tập khu vực phòng thủ và diễn tập của đơn vị chủ lực để đưa vào chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng hằng năm làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, tăng cường diễn tập đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; gắn kết diễn tập đối phó an ninh truyền thống với an ninh phi truyền thống sát với đặc điểm địa bàn. 

Hai là, tiếp tục đổi mới về phương pháp diễn tập

Trước hết, cần đổi mới phương pháp bồi dưỡng diễn tập. Thực tiễn nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh được tiến hành trong mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng của địa phương. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp sẽ có sự thay đổi, phát triển, do đó nhất thiết phải tiến hành thực hiện công tác bồi dưỡng lý luận chung về khu vực phòng thủ và diễn tập khu vực phòng thủ trước diễn tập. Nội dung cần tập trung vào bồi dưỡng vị trí vai trò chiến lược của khu vực phòng thủ; các trạng thái quốc phòng, hoạt động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, sở, ngành trong các trạng thái quốc phòng; tổ chức phương pháp diễn tập. Khi bồi dưỡng riêng cho từng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, ban chỉ đạo, đạo diễn, tổ nội dung và cơ quan Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố chỉ định hướng những vấn đề cơ bản và yêu cầu đạt được, làm cơ sở để ban, ngành, đoàn thể phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người tập tự chuẩn bị nội dung theo tình huống và chức năng nhiệm vụ của ngành; kiên quyết không làm thay, không chuẩn bị sẵn kịch bản cho người tập. Cùng với đó, căn cứ vào nội dung tập huấn, bồi dưỡng, dự kiến các tình huống và vấn đề huấn luyện trong diễn tập đặt ra, các bộ phận tổ chức luyện tập từ phân đoạn đến tổng hợp, hợp luyện giữa các bộ phận đến diễn tập thử để bổ sung về nhận thức, nội dung và phương pháp của người tập trước khi vào thực hành diễn tập. Quá trình thực hành diễn tập, cần kết hợp chặt chẽ diễn theo đạo và đạo theo diễn; trong đó, lấy phương pháp đạo theo diễn là chủ yếu, chỉ thực hiện diễn theo đạo đối với nội dung mới, lần đầu diễn tập. Ban chỉ đạo, ban đạo diễn cần bám sát khung tập, theo dõi hành động của người tập, phát các tình huống bổ sung để đưa khung tập vào gần sát với tình huống thực tế trong các trạng thái quốc phòng, tình trạng chiến tranh để định hướng và buộc người tập phải xử lý các tình huống theo đúng nguyên tắc lý luận và ý định của ban chỉ đạo, đạo diễn diễn tập, góp phần nâng cao chất lượng các cuộc diễn tập.

Ba là, tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị cho diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố

Là hình thức huấn luyện cao nhất, tổng hợp và toàn diện nhất nên công tác chuẩn bị diễn tập luôn có vai trò quyết định đến kết quả các cuộc diễn tập nói chung, diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố nói riêng, đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo, toàn diện, cụ thể, tỉ mỉ trên các nội dung, nhiệm vụ và các mặt bảo đảm. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, ở cơ quan, đơn vị, địa phương nào chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị thì diễn tập đạt kết quả tốt và ngược lại. Vì vậy, thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp để thực hiện tốt nội dung này. Trước hết, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nhiệm vụ diễn tập cho các cấp, ngành và nhân dân trên địa bàn, qua đó, huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ngành của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác chuẩn bị và thực hành diễn tập. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các bước làm công tác chuẩn bị diễn tập như: chuẩn bị văn kiện diễn tập, khu vực (địa điểm) diễn tập; bồi dưỡng các đối tượng trước khi diễn tập, kiểm tra công tác chuẩn bị và diễn tập thử. Trong chuẩn bị diễn tập, cần tiếp tục quan tâm bảo đảm kinh phí cho xây dựng một số công trình trong các thành phần thế trận quân sự của khu vực phòng thủ cần thiết trong thời bình, phục vụ thiết thực công tác huấn luyện và bảo đảm trực tiếp  giai đoạn đầu chiến tranh, như: trường bắn, khu sơ tán, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, công trình chiến đấu,…; kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội để tăng tính hiệu quả, tránh lãng phí về ngân sách trong thực hiện nhiệm vụ diễn tập; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chỉ huy chuẩn bị và thực hành diễn tập.

Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố là một trong những giải pháp quan trọng góp phần xây dựng khu vực phòng thủ các địa phương ngày càng vững chắc. Đây là vấn đề cấp thiết, cần tiếp tục được nghiên cứu thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Đại tá, TS. NGUYỄN THẾ MAU, Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.