Thứ Sáu, 22/11/2024, 14:50 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Diễn tập cuối mỗi khóa học là giải pháp thiết thực nhằm củng cố kiến thức toàn diện, năng lực thực hành, nhất là trình độ chỉ huy tham mưu - tác chiến của học viên các trường Quân đội nói chung, Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp nói riêng. Qua đó, giúp Nhà trường kịp thời bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của diễn tập cuối mỗi khóa học (sau đây gọi tắt là diễn tập cuối khóa) trong nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, biện pháp đồng bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc về chất lượng trong huấn luyện, đào tạo. Đặc biệt, những năm gần đây, công tác diễn tập cuối khóa đã có nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức và cách thức tiến hành,… góp phần quan trọng hình thành phẩm chất, năng lực cho đội ngũ sĩ quan phân đội chuyên ngành Tăng Thiết giáp vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Diễn tập cuối khóa được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, phân công, phân cấp cụ thể, cả về công tác chuẩn bị và triển khai các mặt bảo đảm. Hằng năm, nhiệm vụ diễn tập được Đảng ủy Nhà trường, cấp ủy các cơ quan, đơn vị có liên quan đưa vào nghị quyết lãnh đạo và xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Trước đặc thù diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp cuối khóa của học viên phải tiến hành hoàn toàn ngoài thực địa, trên phạm vi rộng, qua những địa hình khác nhau của nhiều địa phương, với nhiều nội dung: thực hành cơ động, làm công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu trong 2 đến 3 hình thức chiến thuật và thực hành chiến đấu có bắn đạn thật trên xe, nên ngay từ đầu năm học, Nhà trường đã luôn chủ động chuẩn bị sớm, chu đáo và toàn diện cho diễn tập; tập trung xây dựng, ban hành chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn tổ chức diễn tập cuối khóa, làm cơ sở để giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị. Cùng với làm tốt công tác quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các đối tượng về mục đích, yêu cầu nhiệm vụ diễn tập, Nhà trường chỉ đạo các bộ phận rà soát, xác định những nội dung trọng tâm, khâu yếu để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thiết thực, hiệu quả, bảo đảm cho công tác chuẩn bị được chu đáo, chặt chẽ, cụ thể. Trong đó, hết sức coi trọng việc lựa chọn cán bộ, giảng viên tham gia diễn tập, thành lập Ban Chỉ đạo diễn tập, các khung đạo diễn, các tổ giúp việc; tiến hành xây dựng kế hoạch điều hành diễn tập, xây dựng tưởng định, đầu bài, đáp án, v.v. Các cơ quan, khoa chuyên ngành, theo chức năng, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, chú trọng bồi dưỡng, củng cố lý luận, phương pháp tổ chức diễn tập cho các khung đạo diễn (cán bộ, giáo viên), khung diễn (học viên). Nhà trường yêu cầu, đạo diễn phải nắm chắc quy trình, ý định diễn tập; kế hoạch điều hành, các vấn đề huấn luyện trong diễn tập; phương pháp đạo diễn người tập, dự kiến các tình huống và cách xử lý theo từng nhiệm vụ chiến đấu trong các hình thức chiến thuật; cách đánh giá, cho điểm, v.v. Đối với người diễn, phải nắm chắc nội dung, trình tự các bước trong công tác tham mưu tác chiến, gắn với chức trách của từng vị trí, như: trung đội trưởng, đại đội trưởng, chính trị viên, chính trị viên phó và phó đại đội trưởng; đồng thời, sẵn sàng làm “đáy” thành viên kíp xe và bộ binh phục vụ khung diễn, v.v. Để diễn tập đạt kết quả cao, Nhà trường chủ động tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện bổ sung cho học viên những nội dung cần thiết, như: công tác tham mưu, tổ chức hành quân đường dài mang vác nặng, trú quân dã ngoại, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, kỹ năng gói buộc quân tư trang, bơi vượt sông, v.v. Đặc biệt, trong xây dựng các tưởng định chiến thuật, Nhà trường chú trọng việc thiết kế, lựa chọn các tình huống diễn tập sát với thực tế chiến đấu và cập nhật những vấn đề mới về nghệ thuật quân sự, cách đánh của Bộ đội Tăng Thiết giáp trong tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng phù hợp với trình độ của cán bộ, giáo viên, học viên và biên chế, trang bị hiện có. Trong điều kiện khó khăn về bảo đảm thao trường diễn tập, Nhà trường đã chủ động liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân,… thực hiện tốt việc phối hợp, hiệp đồng để lựa chọn các cung đường cơ động, các khu vực tập trung, tập kết lực lượng phục vụ diễn tập, v.v. Với nỗ lực cao, đến nay, Nhà trường đã xây dựng được hệ thống văn kiện và “thao trường diễn tập” khá đồng bộ, với đầu bài tưởng định ở tất cả các hình thức chiến thuật, đảm bảo nội dung diễn tập hằng năm luôn đổi mới, sáng tạo, tránh trùng lặp ở các khóa học, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Cùng với làm tốt công tác chuẩn bị, Nhà trường đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong điều hành diễn tập và xác định đó là khâu đột phá, nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo nói chung, diễn tập cuối khóa nói riêng. Để thực hiện mục tiêu huấn luyện toàn diện, việc phân vai tập trong từng nội dung, giai đoạn diễn tập được tiến hành bằng bốc thăm ngẫu nhiên thay cho việc chỉ định từ trước. Điều này đặt ra yêu cầu cho mọi học viên đều phải tự mình phấn đấu trong cả quá trình đào tạo để sẵn sàng nhập vai, tránh học tủ, học lệch. Về phương pháp diễn tập, do đặc thù của Bộ đội Tăng Thiết giáp là binh chủng kỹ thuật, tác chiến trong đội hình binh chủng hợp thành nên Nhà trường vẫn chủ trương thực hiện phương pháp kết hợp trong từng giai đoạn là chủ yếu. Để biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, Nhà trường yêu cầu đạo diễn (giảng viên) chú trọng khơi gợi, định hướng, dẫn dắt các vai diễn (học viên) phát huy khả năng tư duy, sáng tạo để vận dụng phương pháp “đạo theo diễn” ở từng nội dung cụ thể một cách linh hoạt, không rập khuôn theo sự chuẩn bị trước; trong đó, hết sức coi trọng việc phát huy vai trò của Tổ tình huống (đạo diễn đáy). Bộ phận này luôn theo sát hành động của người tập, kịp thời phát các tình huống bổ sung, nhằm đưa học viên vào sát thực tế chiến đấu hoặc thông qua tình huống phụ để dẫn dắt học viên khi “chệch hướng” nội dung tập, v.v. Cùng với những điều chỉnh, đổi mới đó, để xác định thời gian cho diễn tập đạt hiệu quả cao nhất, Nhà trường đã có sự điều chỉnh quy trình huấn luyện. Cụ thể: tổ chức cho học viên cuối khóa diễn tập vòng tổng hợp trước khi đi thực tập tại đơn vị thay cho sau khi đi thực tập ở đơn vị về mới diễn tập. Thực tế cho thấy, sau diễn tập vòng tổng hợp, học viên được củng cố toàn diện về lý luận, năng lực thực hành, vận dụng lý luận vào thực tiễn và có bước chuyển nhảy vọt về “chất”. Sự điều chỉnh trên đã đem lại hiệu quả tích cực, giúp học viên tự tin, chững chạc, đủ khả năng hoàn thành tốt cương vị khi thực tập, khắc phục được những hạn chế trước đây, nhất là năng lực thực hành quản lý, chỉ huy tại đơn vị cơ sở.
Những kết quả diễn tập cuối khóa nêu trên đã góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng đào tạo sĩ quan phân đội Tăng Thiết giáp trình độ đại học, được các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp và Bộ Quốc phòng ghi nhận, đánh giá cao. Hằng năm, trong tổng số học viên tốt nghiệp ra trường, có trên 97% đạt khá và giỏi; hầu hết sĩ quan ra trường về đơn vị công tác đều hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn tổ chức diễn tập cuối khóa cho học viên của Nhà trường đã, đang đặt ra một số vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết cả ở tầm vĩ mô và vi mô, đáp ứng đầy đủ yêu cầu, tính cấp thiết của một cuộc diễn tập, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Cụ thể:
Diễn tập cuối khóa cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các nhà trường Quân đội nói chung, Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp nói riêng có tính tổng hợp cao, gồm nhiều nội dung, nhiều giai đoạn, hình thức chiến thuật và tiến hành ngoài thực địa, yêu cầu về thao trường lớn, địa hình đa dạng để phù hợp với các hình thức chiến thuật, nhất là các khu vực phục vụ tập kết, triển khai xe tăng chiến đấu, v.v. Tuy nhiên, do chủ trương phát triển kinh tế của địa phương nên hiện nay đất đồi, rừng đều được quy hoạch, giao cho các tập thể, cá nhân quản lý, sử dụng. Bởi vậy, việc lựa chọn địa bàn, địa hình và thương thảo với chủ đất, chủ rừng để làm thao trường cho diễn tập cuối khóa của Nhà trường rất khó khăn (đây cũng là khó khăn chung của nhiều trường Quân đội). Do hạn chế về thao trường, Nhà trường không thể thực hiện được đầy đủ một số nội dung trong diễn tập về hành, trú quân chiến đấu, làm công tác chuẩn bị chiến đấu; thực hành triển khai thực hiện các hình thức chiến thuật có xe tăng (thực xe), v.v. Đây là vấn đề đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng việc giải quyết còn nhiều bất cập, không thể một sớm, một chiều, thậm chí ở nhiều nội dung còn ngoài tầm với và khả năng của Nhà trường.
Một vấn đề nữa đặt ra là, trong nghệ thuật tác chiến của Quân đội ta và từ thực tiễn chiến đấu, Tăng Thiết giáp cùng với bộ binh là lực lượng đột kích chủ yếu trong đội hình chiến đấu của binh chủng hợp thành, thực hiện các chiến dịch tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng, v.v. Tuy vậy, việc tổ chức diễn tập cuối khóa cho học viên - hình thức huấn luyện, sát hạch cao nhất của Nhà trường cũng như các trường bạn đều tiến hành độc lập, theo kiểu “trường nào biết trường đó”. Chính vì thế, các cuộc diễn tập này chưa tạo được môi trường thực sự sát với thực tế chiến đấu, tạo ra sự liên kết, phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng để đưa học viên vào “cọ xát”, v.v. Bên cạnh đó, do hạn chế về thao trường và kinh phí bảo đảm cho diễn tập còn hạn hẹp nên việc triển khai số lượng xe tăng trong diễn tập còn ít. Điều đó dẫn đến chỉ có một bộ phận học viên được thực hành chỉ huy xe tăng trong các nội dung cơ động, triển khai, đánh chiếm các mục tiêu và thực hành bắn chiến đấu - nội dung diễn tập đặc biệt nhất, nhằm rèn luyện kỹ năng chỉ huy cho người sĩ quan Tăng Thiết giáp. Số học viên còn lại phải thực hiện đóng vai thành viên kíp xe và bộ binh hoặc tham quan là chủ yếu. Những tồn tại, bất cập trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả diễn tập, cũng như mục tiêu đào tạo của Nhà trường.
Nhận rõ khó khăn, bất cập đó, thời gian qua, Nhà trường đã có nhiều biện pháp tích cực để khắc phục, nhằm bảo đảm tốt nhất cho diễn tập. Tuy nhiên, đó vẫn là các biện pháp tình thế. Để thực hiện tốt chủ trương “đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo”, đáp ứng yêu cầu xây dựng Binh chủng, Quân đội trong tình hình mới, theo chúng tôi, cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng có thể nghiên cứu, tham mưu với Bộ trong việc quy hoạch, xây dựng thao trường tổng hợp, đủ điều kiện phục vụ cho diễn tập của các học viện, nhà trường và toàn quân, đưa hoạt động này đi vào chính quy, khắc phục tình trạng khó khăn về thao trường như hiện nay. Đồng thời, chỉ đạo việc nghiên cứu, tổ chức thí điểm cuộc diễn tập vòng tổng hợp cuối khóa chung cho một số học viện, nhà trường; trong đó, lấy Trường Sĩ quan Lục quân 1 làm nòng cốt. Đây là vấn đề mới, khó và khá phức tạp, muốn thực hiện được, đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức, nhất là phải có thao trường tổng hợp đủ điều kiện như đã nêu ở trên. Tuy nhiên, nếu làm được điều đó, sẽ tạo bước đột phá không chỉ trong tổ chức diễn tập cuối khóa, mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ công tác giáo dục và đào tạo của các nhà trường Quân đội.
Đại tá, TS. NGUYỄN NGỌC LINH, Hiệu trưởng Nhà trường
Trường Sĩ quan,Tăng thiết giáp,diễn tập cuối khóa
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc