Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 09/05/2013, 21:37 (GMT+7)
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” – giá trị lịch sử và hiện thực

Ra đời cách đây 70 năm, nhưng những tư tưởng trong “Đề cương về văn hóa Việt Nam” vẫn còn nguyên giá trị, định hướng cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

1.Từ thực tiễn hơn chục năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta nhận thấy vai trò to lớn của mặt trận văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Theo đó, phải có các tổ chức và đội ngũ cán bộ hoạt động về văn hóa, văn nghệ để gây dựng và thúc đẩy phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc nhằm chống lại văn hóa phát xít thụt lùi, văn hóa phong kiến bảo thủ, lạc hậu... phục vụ cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Do vậy, tại Hội nghị Thường vụ Trung ương từ ngày 25 đến 28-02-1943, Đảng ta xác định phải có đường lối lãnh đạo xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng. Vì thế, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã ra đời. Đây được coi là một sự kiện chính trị quan trọng, tạo nền tảng ban đầu cho xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới. Từ nhận thức đúng vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội và của phong trào cách mạng, Đề cương xác định: vǎn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; nền tảng kinh tế và chế độ kinh tế của xã hội quyết định toàn bộ vǎn hóa của xã hội đó. Vǎn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, vǎn hóa); cùng với làm cách mạng chính trị, còn phải làm cách mạng vǎn hóa; có lãnh đạo được phong trào vǎn hóa, Đảng mới định hướng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.

Với bối cảnh xã hội Việt Nam lúc đó, khi “vǎn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa”1 thống trị, thì sự ra đời của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” là cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng; là ngọn đuốc sáng soi đường, chỉ lối và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ cho toàn Đảng, toàn dân và cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Nó đã lôi cuốn và tập hợp đông đảo những người hoạt động văn hóa yêu nước vào Hội Văn hóa cứu quốc - một thành viên của Mặt trận Việt Minh - để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa vào tháng 8-1945. Chính vì vậy, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Những phương pháp cải cách vǎn hóa đề ra bấy giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau”2, tức là chuẩn bị cho “cách mạng chính trị thành công”.

Trên cơ sở thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận biện chứng duy vật, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã luận giải một cách sắc sảo tình hình tư tưởng, văn hóa, xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, chỉ ra sự tác động của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai và tội ác tột cùng của phát xít Nhật cùng thực dân Pháp cấu kết với bọn tay sai, bán nước. Đề cương cũng chỉ rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn dã man, tàn ác của phát xít Nhật và thực dân Pháp trong việc trói buộc và bức tử nền văn hóa nước ta. Qua đó, cảnh báo nguy cơ có thể bị diệt vong đối với một quốc gia dân tộc có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, nhưng đang mất độc lập, chủ quyền.

 Vì vậy, nhiệm vụ cần kíp lúc bấy giờ được Đảng ta khẳng định là phải đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của quân xâm lược và bè lũ tay sai, cứu lấy nước, giữ lấy nhà, bảo vệ cho được các giá trị văn hóa dân tộc, phẩm giá, nhân cách con người Việt Nam. Để làm tròn sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của mình, Đảng ta khẳng định: “Cách mạng vǎn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”3 và nó phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc mác xít - lêninnít. Theo đó, mục tiêu, con đường, phương pháp thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta phải nắm vững “Ba nguyên tắc:

a) Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập).

b) Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng).

c) Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ)”4. Đảng ta cũng khẳng định: “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng vǎn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm, v.v.. Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng vǎn hóa quá trớn của bọn tờrốtkít”5. Ngay sau khi “Đề cương về văn hóa Việt Nam” được công bố, những người cộng sản và các nhà văn hóa, trí thức yêu nước đã nhiệt tình ủng hộ, tổ chức nhiều cuộc vận động xây dựng nền văn hóa mới - văn hóa cách mạng. Trong các văn kiện, sách báo của Đảng, trên các phương tiện thông tin đại chúng lúc bấy giờ, đều nhất quán khẳng định giá trị tư tưởng, quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, quyết tâm thực hiện và đưa vào đời sống quan điểm, tư tưởng, mục tiêu và ba nguyên tắc của nền văn hóa Việt Nam mà Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra. Đồng thời, làm cho "xu trào văn hóa mới của Việt Nam đang cố vượt hết mọi trở lực để nảy nở... ", xâm nhập ngày càng sâu, rộng vào đời sống nhân dân và phong trào cách mạng đang lên.

2. Thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là thành tựu của công cuộc đổi mới gần 27 năm qua đã chỉ ra rằng, cái gốc của đường lối văn hóa, văn nghệ chính là “Đề cương về văn hóa Việt Nam”; và từ cái gốc rễ “nguồn cội” ấy, “cây” văn hóa, văn nghệ XHCN ở nước ta ngày càng phát triển, thu được nhiều thắng lợi. Cái gốc rễ “cội nguồn” của nền văn hóa mới, văn hóa XHCN, của đường lối văn hóa, văn nghệ ở nước ta, suy cho cùng, là đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo, nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam, văn hóa, văn nghệ XHCN đều do Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam lãnh đạo và luôn được coi là “một trong ba mặt trận” để thực hiện mục tiêu cải tạo xã hội, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Sự đúng đắn và nhất quán đó chứa đựng nhân tố phát triển liên tục, bền vững, bao hàm văn hóa Đảng trong đó và mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Kể từ khi “Đề cương về văn hóa Việt Nam” ra đời đến nay, hoạt động của các tổ chức văn hóa, văn nghệ của Đảng, nhất là hoạt động sáng tạo của các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ ngày càng phong phú. Họ luôn bám sát nhiệm vụ của cách mạng, phản ánh sắc sảo, sinh động đời sống thực tiễn đấu tranh cách mạng; kịp thời động viên, cổ vũ phong trào toàn dân thi đua tăng gia sản xuất, giết giặc lập công, xây dựng đời sống văn hóa mới. Giương cao ngọn cờ cách mạng, tắm mình trong thực tiễn, trực tiếp cầm bút và cầm súng chiến đấu, sử dụng sáng tạo phương pháp sáng tác XHCN, các văn nghệ sĩ nước ta thật sự đã trở thành những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng; đã góp phần to lớn vào việc đưa ánh sáng văn hóa của Đảng đến với đồng bào, chiến sĩ, củng cố niềm tin chiến thắng cho họ. Qua đó, thổi luồng không khí cách mạng vào đời sống xã hội Việt Nam; đưa công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị ra đời, khắc họa sinh động hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ”, phản ánh sát thực chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; có tác dụng tuyên truyền, giáo dục to lớn... Nhờ đó, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng ngày càng sáng rõ, các tổ chức văn hóa, văn nghệ ở nước ta ngày càng được củng cố, phát huy tốt hơn vai trò, tác dụng. Lý luận văn hóa, văn nghệ Việt Nam ngày càng phong phú và sắc nét. Văn hóa, văn nghệ đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Với đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang ra sức xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; làm cho văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc của nhân dân. Trước đây cũng như hiện nay, ở nước ta, văn hóa luôn luôn là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Chăm lo xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội và nó là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức, các văn nghệ sĩ giữ vai trò nòng cốt. Hiện nay, Đảng, Nhà nước, các ban, bộ ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, văn hóa, xã hội đã và đang quan tâm xây dựng mới, bổ sung, hoàn thiện nhiều văn bản nhằm điều chỉnh và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển, phù hợp với tình hình mới. Các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến địa phương cũng được kiện toàn, củng cố và tăng cường. Nhiều công trình văn hóa mới được xây dựng và đang hoạt động có hiệu quả. Đời sống văn hóa, văn nghệ ở cơ sở có bước phát triển, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cách mạng; đồng thời, tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn, xóa bỏ các sản phẩm văn hóa có nội dung xấu độc, mê tín dị đoan, không để nó thẩm thấu, lan truyền vào đời sống cộng đồng, dân cư. Việc chấn hưng nền văn hóa dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là những minh chứng khẳng định sức sống bền vững của đường lối văn hóa, văn nghệ đã được Đảng ta vạch ra từĐề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943.

Trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội lớn; song, cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mà toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đặt ra. Đi theo ánh sáng của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, chúng ta cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp văn hóa, văn nghệ. Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ cách mạng; coi sự nghiệp phát triển văn hóa, văn nghệ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội; đầu tư cho văn hóa, văn nghệ là đầu tư cho con người và cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vì vậy, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư ngân sách xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa mới; tích cực đào tạo, bồi dưỡng, phát huy các tài năng văn hóa, nghệ thuật; kích thích, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cũng như đổi mới công tác quản lý các hoạt động văn hóa, văn nghệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đồng thời, chủ động, tích cực thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, nghệ thuật; kết hợp chặt chẽ phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; tạo ra động lực mới khuyến khích sự đóng góp sức người, sức của từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và nhân dân để phát triển văn hóa, nghệ thuật. Quan tâm khuyến khích các văn nghệ sĩ lao động sáng tạo để có nhiều tác phẩm, công trình có chất lượng tốt, có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, mang tầm vóc thời đại; có biện pháp tối ưu để giữ gìn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Mặt khác, phải tiếp tục sáng tạo, bồi đắp, bổ sung những giá trị văn hóa mới, trên cơ sở mở rộng hợp tác, giao lưu văn hóa với các nước; tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tinh hoa văn hóa, nghệ thuật nước ngoài để bổ sung, làm giàu thêm bản sắc, tâm hồn, cốt cách, nhân cách người Việt Nam.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo định hướng, mục tiêu, nguyên tắc mà “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 đã vạch ra là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay. Đó cũng là quyền lợi và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

 

Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN BÁ DƯƠNG

Phó Viện trưởng Viện KHXHNVQS – Bộ Quốc phòng

 

_________

1, 2 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 317, 319.

3, 4, 5 - Sđd, tr. 318, 319.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.