Thứ Bảy, 23/11/2024, 17:44 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” có vai trò rất to lớn, định hướng hoạt động của mặt trận văn hóa - một trong ba mặt trận đấu tranh cơ bản của cách mạng Việt Nam. Tác phẩm có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng bản sắc văn hóa quân sự Việt Nam hiện nay.
1. “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (gọi tắt là Đề cương văn hóa Việt Nam) xác định những vấn đề lý luận cơ bản định hướng hoạt động tư tưởng văn hóa nói chung, làm cơ sở để xây dựng bản sắc văn hóa quân sự (VHQS) Việt Nam nói riêng.
Nắm vững và quán triệt sâu sắc những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, Đảng ta khẳng định: “nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc)”[1]. Do vậy, trong cải tạo xã hội, cần kết hợp đồng bộ cả ba lĩnh vực trên; cuộc cách mạng trên lĩnh vực văn hóa không tách rời cuộc cách mạng trên lĩnh vực chính trị và kinh tế. Đề cương văn hóa chỉ rõ: cách mạng chính trị phải giành thắng lợi trước rồi cách mạng kinh tế và cách mạng văn hóa mới có điều kiện thực hiện thắng lợi; đồng thời, thực hiện thành công cách mạng văn hóa mới hoàn thành được việc cải tạo xã hội. Đó là một sự nghiệp vĩ đại, sâu sắc, lâu dài và nhiều khó khăn, gian khổ.
Trong điều kiện đất nước bị thực dân, đế quốc đô hộ, cách mạng Việt Nam đặt lên hàng đầu mục tiêu: lật đổ giai cấp thống trị và giành chính quyền về tay nhân dân. Đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc trở thành giá trị chung của cả dân tộc và là điều kiện tiên quyết để nhân dân ta xây dựng nền kinh tế mới và nền văn hóa mới. Đề cương cũng nhấn mạnh: cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam chỉ có thể đưa văn hóa Việt Nam tới trình độ dân chủ và có tính chất dân tộc, hoàn toàn độc lập, dựng nên một nền văn hóa mới, nhưng đó cũng chưa phải là nền văn hóa XHCN, mà nó chỉ có thể đạt được trong cách mạng XHCN sau này. Văn hóa dân chủ mới là bước quá độ lên văn hóa XHCN.
Nhận rõ văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội, Đảng đề ra Đề cương văn hóa và làm cho nó trở thành một loại vũ khí sắc bén để chống lại những âm mưu văn hóa ngu dân và nô dịch của phát-xít, thực dân; đánh bại những khuynh hướng văn hóa sai lầm, tác hại đến sự nghiệp giành độc lập dân tộc và tiến lên xây dựng một nền văn hóa mới.
Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang và hoạt động quân sự luôn là những nhân tố có vai trò quan trọng. Do vậy, hoạt động quân sự cách mạng chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc, là cơ sở trực tiếp hình thành, phát triển bản sắc VHQS Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân, cách mạng triệt để, nhân văn sâu sắc. Cuộc chiến tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam hơn 80 năm qua là sự nghiệp sáng ngời chân lý, đã kết tinh được những giá trị VHQS đặc sắc nhất của truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và không ngừng sáng tạo ra những giá trị mới mang sức mạnh chân - thiện - mỹ. Những giá trị VHQS đó trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc các thế hệ người Việt Nam bước vào cuộc chiến đấu với niềm tin son sắt, trí thông minh và lòng quả cảm, viết nên trang sử vàng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.
2. Đề cương văn hóa Việt Nam xác định rõ những nguyên tắc lớn trong xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam phù hợp với yêu cầu của cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và là cơ sở để định hình bản sắc VHQS Việt Nam.
Đề cương văn hóa chủ trương xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam (bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật), từ khả năng biến thành hiện thực: "Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới"[2]. Đề cương xác định rõ 3 nguyên tắc: "Dân tộc hóa", "Đại chúng hóa", "Khoa học hóa", nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta trước đây cũng như sự nghiệp đổi mới, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay.
Đề cương văn hóa Việt Nam xác định cần xây dựng nền văn hóa Việt Nam mang tính dân tộc, chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập. Nền văn hóa Việt Nam được dân tộc hóa nhằm chấn hưng tinh thần dân tộc, chống tư tưởng tự ti và miệt thị văn hóa dân tộc. Qua đó, không ngừng nâng cao lòng yêu nước, khí phách anh hùng, độc lập, tự chủ, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, quyết tâm bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Đó cũng là những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, trở thành những giá trị cốt lõi làm nên bản sắc VHQS Việt Nam, như: yêu nước, tự chủ, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do, của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Biết bao thế hệ cách mạng, lớp cha trước, lớp con sau đã giữ vững lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, làm cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng mang đậm bản sắc VHQS Việt Nam.
Đề cương văn hóa Việt Nam còn xác định rõ nguyên tắc đại chúng hóa - chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng nhân dân. Văn hóa mới, văn hóa cách mạng hướng mọi sáng tạo nghệ thuật và hoạt động văn hóa nhằm vào phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, cán bộ, chiến sĩ cách mạng, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân, tạo sự phấn khởi, hăng hái trong thực hành các nhiệm vụ cách mạng. Tư tưởng nhân văn, nhất quán của Đảng là: nghệ thuật vị nhân sinh; chống lại khuynh hướng tư sản hóa văn hóa, “nghệ thuật vị nghệ thuật”, xa rời thực tiễn, thủ tiêu nhiệt tình đấu tranh cách mạng, kêu gọi đầu hàng, thoái chí. Nguyên tắc "Đại chúng hóa" chính là cơ sở để không ngừng nâng cao tính nhân dân trong các cuộc chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm lược. Nét đặc sắc trong VHQS Việt Nam là phát động được khối quần chúng nhân dân đông đảo cùng tham gia các hoạt động quân sự, tạo sức mạnh của bạo lực cách mạng luôn ở thế tiến công, áp đảo mọi hành động bạo lực phản cách mạng; kết hợp được sức mạnh đông đảo của nhân dân với sức mạnh của các đơn vị quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, trở thành đội quân bách chiến bách thắng.
Đề cương văn hóa Việt Nam còn xác định rõ tính khoa học trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam, làm cho nó không ngừng bám sát thực tiễn cuộc sống; đồng thời, chống lại những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ. Đất nước ta đã trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, chịu ảnh hưởng của nhiều trào lưu văn hóa; hệ tư tưởng phong kiến, thực dân, tư sản tồn tại dai dẳng hàng thế kỷ. Bởi vậy, việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, khoa học là việc làm cần thiết trong chế độ mới. Để làm được điều đó, vấn đề đặt ra là phải thấy được tính chất phản động, phản khoa học của các dòng văn hóa thuộc địa, lai căng, nhân danh thánh thần. Tính khoa học được thể hiện ở việc hướng dẫn các hoạt động văn hóa mới Việt Nam biết kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những giá trị tốt đẹp trong các dòng văn hóa, thúc đẩy tính tích cực của các chiến sĩ cách mạng luôn vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Đối đầu với những đội quân xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn Quân đội ta gấp nhiều lần, đòi hỏi chúng ta không chỉ chiến đấu và chiến thắng bằng ý chí quyết tâm, mà còn phải và chủ yếu bằng trí thông minh, tinh thần sáng tạo độc đáo Việt Nam; vừa biết sử dụng thành thạo, linh hoạt các loại vũ khí trang bị hiện đại với hiệu quả cao nhất, vừa biết lấy đoản chế trường, lấy ít địch nhiều, thực hành bám thắt lưng địch mà đánh, v.v.
Những định hướng cơ bản đó hợp thành cơ sở để định hướng quá trình đổi mới, làm cho văn hóa Việt Nam ngày càng hiện đại, vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời, là cơ sở xây dựng bản sắc VHQS Việt Nam mang đậm triết lý sống của dân tộc Việt Nam: luôn tự lực tự cường để đấu tranh giành và giữ vững chính quyền cách mạng; luôn coi trọng hòa hiếu với các nước láng giềng, thân thiện để mong sao muôn đời không còn lửa chiến tranh; thực hiện vừa đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, vừa chiến thắng những thói hư tật xấu trong bản thân mỗi chiến sĩ cách mạng. Nhờ xây dựng nền văn hóa mới, đã tạo nên sự gắn bó chặt chẽ văn hóa với chính trị cách mạng, làm cho hoạt động VHQS Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Qua đó, làm cho hoạt động quân sự cách mạng mang những giá trị văn hóa sâu sắc, nhân lên sức mạnh của toàn dân đánh giặc, biến mỗi làng xóm thành một pháo đài, mỗi người dân thành một dũng sĩ tiêu diệt quân xâm lược.
3. Đề cương văn hóa Việt Nam luôn quán triệt tính Đảng sâu sắc, nhằm định hướng đúng đắn nền văn hóa mới Việt Nam, cũng như giữ vững bản sắc VHQS Việt Nam hiện nay.
Trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Đảng ta đã xác định những quan điểm, tư tưởng, nội dung, định hướng cơ bản để văn hóa Việt Nam có phương hướng hoạt động đúng đắn, góp phần thúc đẩy cách mạng giành thắng lợi, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đề cương đòi hỏi trong hoạt động văn hóa của nhân dân, của mỗi tổ chức và cá nhân cần quán triệt sâu sắc tính Đảng Cộng sản. Theo đó, nền văn hóa mới Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo[3].
Hiện nay, để xây dựng VHQS Việt Nam nói chung, giữ gìn và phát huy bản sắc VHQS Việt Nam nói riêng, mỗi tổ chức và cá nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam phải luôn quán triệt sâu sắc nguyên tắc tính Đảng Cộng sản: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là điều kiện bảo đảm vững chắc sự gắn bó hữu cơ giữa định hướng chính trị và hoạt động VHQS, phát huy bản sắc VHQS Việt Nam.
Giữ vững và phát huy bản sắc VHQS Việt Nam trong thời kỳ mới đòi hỏi phải tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong các hoạt động quân sự; đảm bảo cho Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là mục tiêu mà VHQS Việt Nam cần hướng tới. Vì vậy, phải động viên mọi lực lượng cùng tham gia xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình”, âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội…; khắc phục có hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một số cán bộ, đảng viên, chiến sĩ; chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Qua đó, làm cho hoạt động quân sự của các lực lượng mang đậm nét bản sắc VHQS Việt Nam./.
Đại tá, PGS, TS. PHẠM VĂN NHUẬN
Viện Khoa học Xã hội nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng
____________
1- ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 316.
2- Sđd, tr. 318.
3- Sđd, tr. 321
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc