Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 18/10/2021, 08:46 (GMT+7)
Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên hiện nay

Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, quy luật phát triển của Đảng, nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Đây là việc làm cấp bách, có ý nghĩa sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định.

Có thể nhận thấy, chưa bao giờ vấn đề đấu tranh chống tham nhũng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên lại nóng bỏng như hiện nay. Kể từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) đến nay, Đảng ta đã phát hiện và thi hành kỷ luật hàng vạn cán bộ, đảng viên, trong số đó có nhiều người thuộc diện Trung ương quản lý. Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng nhằm làm trong sạch bộ máy, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu do nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về tự phê bình và phê bình chưa sâu sắc hoặc thiếu tự giác nhận khuyết điểm, trách nhiệm trong công việc; ở một số nơi nền nếp, chế độ tự phê bình và phê bình chưa được thực hiện nghiêm: “Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”1.

Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình đang trở thành yêu cầu cấp thiết để ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, góp phần làm trong sạch Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở cần “Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ,…”2.

Để tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đạt hiệu quả thiết thực, cần tập trung thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:

Một là, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tự phê bình và phê bình. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải thường xuyên giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình đối với công tác xây dựng Đảng; củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ sáng tạo của cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng nghị quyết và lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của đảng bộ, chi bộ và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Nêu ưu điểm, vạch rõ khuyết điểm của tổ chức đảng, cấp ủy và cán bộ, đảng viên, qua đó tìm biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, giúp tổ chức và mỗi người tiến bộ.

Thực chất tự phê bình và phê bình chính là giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ tổ chức đảng dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc và Điều lệ của Đảng, trong mối quan hệ của những người đồng chí cùng mục đích, lý tưởng. Tự phê bình và phê bình vừa mang tính cách mạng, khoa học, vừa mang tính nhân văn, thúc đẩy con người vươn tới sự hoàn thiện. Do đó, tự phê bình và phê bình đòi hỏi tính đảng, tính nguyên tắc cao, phải khách quan, trung thực, thẳng thắn, chân thành, công khai, có lý, có tình, nhằm trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín và củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Hiện nay, “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp”3. Bởi vậy, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình là vấn đề cấp bách, đòi hỏi cấp ủy, chi bộ cần giáo dục cho cán bộ, đảng viên nắm vững các chế độ, quy định, trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện tự phê bình và phê bình, nhất là những nội dung biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nêu ra.

Hai là, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Đây là biện pháp rất quan trọng, vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động của tổ chức đảng. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phải thực hiện nghiêm, hiệu quả tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm. Các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở cần chủ động xây dựng kế hoạch, duy trì, thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ tự phê bình và phê bình để đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên. Qua đó, ngăn ngừa, đẩy lùi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong từng cán bộ, đảng viên hiện nay.

Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình cần có động cơ trong sáng, thái độ chân thành, đánh giá đúng sự thật, không nể nang, né tránh, bao che khuyết điểm; không lợi dụng tự phê bình và phê bình để công kích, nói xấu, hạ uy tín của đồng chí, đồng đội. Phương châm tiến hành là: cấp trên phải gương mẫu tự phê bình trước, cấp dưới làm sau; tập thể làm trước, cá nhân làm sau, “cấp ủy cấp trên chủ động gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những nơi có vấn để phức tạp, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; coi trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm”4; cấp trên gương mẫu, nghiêm túc tự phê bình và phê bình cho cấp dưới noi theo. Người đứng đầu phải công minh, không để công tư lẫn lộn, không dung túng, bao che; phải tạo được chỗ dựa tin cậy, khơi dậy được không khí dân chủ, thẳng thắn; không để tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành trong hoạt động của tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị; không tùy tiện gặp đâu nói đó, việc bé xé ra to. Sau phê bình phải có biện pháp cụ thể, sát thực để khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; kết hợp giữa “xây” với “chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm nhất trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Đồng thời, thực hiện tốt việc gắn tuyên truyền, biểu dương gương “người tốt, việc tốt” với công tác phát hiện, phê phán, lên án các hành vi sai trái, nhận thức lệch lạc của cán bộ, đảng viên.

Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tự phê bình và phê bình. Nội dung, hình thức tự phê bình và phê bình phải bám sát định hướng của Đảng, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những hạn chế, yếu kém trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng; trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Trong tình hình hiện nay, nội dung cần tập trung hướng vào những vấn đề cấp bách, nổi cộm, như: đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để làm trong sạch nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng, coi đó “là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất”.

Hình thức tự phê bình và phê bình cần đa dạng, phong phú, như: thông qua các cuộc họp, hội nghị, các đợt sinh hoạt được tổ chức ở cơ quan, đơn vị và khu dân cư. Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức cần thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, như: nghe thời sự chuyên đề, học tập lý luận chính trị,... để nâng cao ý thức chính trị, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Qua đó, giúp họ nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc tự phê bình và phê bình, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên. Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định đến việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tấm gương mẫu mực về tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực, tự giác: “Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”5. Bên cạnh đó, từng cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của mình trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, quy luật phát triển; đồng thời, là chế độ thường xuyên trong sinh hoạt đảng của cán bộ, đảng viên. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên cần tích cực, chủ động, tự giác chấp hành nghiêm các chế độ, nền nếp sinh hoạt đảng, nhất là tự phê bình và phê bình, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng ta thật là đạo đức, văn minh.

Đại tá, TS. PHẠM THANH GIANG, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
_________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 179.

2 - Sđd, tr. 236.

3 - Sđd, tr. 223.

4 - Sđd, tr. 236 - 237.

5 - Sđd, tr. 237.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.