Thứ Năm, 24/04/2025, 09:10 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
1. Đấu tranh quốc phòng là một phương thức cơ bản của nền quốc phòng toàn dân, nhằm ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch cùng mọi ý đồ, hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. ĐTQP bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một bộ phận của ĐTQP, diễn ra thường xuyên và lâu dài trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, ĐTQP bảo vệ chủ quyền biển, đảo vừa phải tuân thủ nội dung, phương thức của ĐTQP nói chung, vừa phải được vận dụng cho phù hợp với đặc thù của môi trường biển, đảo. Trong thời bình, ĐTQP bảo vệ chủ quyền biển, đảo diễn ra chủ yếu bằng hình thức phi vũ trang trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh (QP-AN), đối ngoại, văn hóa, tư tưởng, pháp lý...; do toàn dân thực hiện, lực lượng vũ trang (LLVT) đóng vai trò nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước.
Trong bối cảnh HNQT ngày càng sâu, rộng hiện nay, vận dụng phương thức ĐTQP bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần quán triệt và nắm vững quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực HNQT; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế... Tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng; thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ, ranh giới biển và thềm lục địa với các nước liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử của khu vực”1. Theo đó, vấn đề mấu chốt là chúng ta phải nhận thức đầy đủ tính chất đan xen phức tạp giữa hai mặt hợp tác và đấu tranh; giữa đối tác và đối tượng, nhất là sự chuyển hóa không dễ nhận biết của nó: khi nào là đối tác, khi nào là đối tượng, và trong một số đối tác có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta, với mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác. Trên cơ sở đó, vận dụng phương thức, biện pháp đấu tranh cho phù hợp, nhằm không ngừng mở rộng diện đối tác, thu hẹp diện đối tượng mà không phải tiến hành đấu tranh vũ trang; vừa giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vừa duy trì sự ổn định chính trị - xã hội trong nước và môi trường quốc tế thuận lợi để tập trung vào nhiệm vụ trung tâm là phát triển KT-XH.
Bên cạnh biện pháp đấu tranh phi vũ trang, trong nhận thức cũng như hành động, chúng ta cần thường xuyên nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó kịp thời, thắng lợi với các loại “xung đột cường độ thấp” bằng biện pháp đấu tranh vũ trang. Bởi trên thực tế, các quốc gia tuy cùng chia sẻ một số lợi ích chung, song luôn có những lợi ích riêng, nhiều khi “vênh nhau”, thậm chí trái chiều nhau, có thể dẫn đến những tình huống quốc phòng đặc biệt: xung đột giữa LLVT và bán vũ trang của các bên, nhất là trong việc giữ gìn, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Trong đó, quan hệ quốc tế của nước ta với các nước liên quan trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng không phải là ngoại lệ.
Trên cơ sở nâng cao nhận thức, nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chúng ta kiên quyết không để mất một tấc đất, tấc biển, nhưng vấn đề khó khăn đặt ra là phải đồng thời giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Để giải quyết vấn đề này, quan điểm nhất quán của Đảng ta là kiên trì và nỗ lực giải quyết các tranh chấp chủ quyền, lợi ích trên biển với các bên liên quan thông qua đối thoại hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; đồng thời, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); kiên trì xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan vì lợi ích chung; kiên quyết không để xảy ra xung đột. Tính chính nghĩa, lẽ phải của những mục tiêu và phương thức đấu tranh vì hòa bình, bằng biện pháp hòa bình mà chúng ta theo đuổi là cơ sở để tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc (cả về kinh tế, QP-AN và chính trị - tinh thần); đồng thời, tranh thủ được sự đồng tình của cộng đồng quốc tế, những người có lương tri trên thế giới. Trong tình hình hiện nay, hơn lúc nào hết, tinh thần yêu nước cháy bỏng và khối đoàn kết toàn dân tộc trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần được thể hiện vào việc bảo đảm cả hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh. Nhân dân ta vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn; đó là tài sản quý báu của dân tộc. Thế nhưng, trong bối cảnh phức tạp hiện nay, việc bày tỏ lòng yêu nước sao cho đúng cách, có lợi nhất; đặc biệt, không để các thế lực thù địch lợi dụng là điều cần phải suy nghĩ và cân nhắc kỹ. Nếu thể hiện lòng yêu nước thông qua việc biểu tình tự phát, “manh động”, vô hình trung sẽ tạo ra sự phân tâm hoặc bất ổn cho xã hội, gây trở ngại cho việc củng cố tiềm lực, triển khai chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa và làm cho sức mạnh dân tộc bị suy yếu, chia rẽ.
2. Để thực hiện ĐTQP đạt hiệu quả, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong bối cảnh HNQT, điều quan trọng trước hết là phải phối hợp chặt chẽ các hoạt động đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là giữa QP-AN và đối ngoại. Các ngành chức năng mà trọng tâm là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cần xây dựng, hoàn thiện quy chế phối hợp, cả công tác nghiên cứu cơ bản, phân tích và dự báo chiến lược về tình hình thế giới, khu vực, chiều hướng diễn biến của các mối quan hệ quốc tế, về đối tác và đối tượng của cách mạng...; từ đó, tham mưu kịp thời cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chiến lược và các đối sách xử lý thắng lợi các tình huống về QP-AN và đối ngoại. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại trên các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, QP-AN..., trong một chiến lược quốc gia thống nhất. Trong bối cảnh HNQT hiện nay, cần tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước, nhất là các nước trong khu vực và một số nước có vai trò quan trọng trên thế giới để tăng cường sự hiểu hiết và tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia. Theo đó, Hải quân, Cảnh sát biển cần tăng cường giao lưu với các đối tác, tổ chức các hoạt động phối hợp tuần tra, diễn tập, cứu hộ - cứu nạn trên biển, nhằm góp phần giữ vững môi trường ổn định và triệt tiêu nguy cơ xung đột trên biển.
Cùng với đó, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng thực lực về kinh tế biển, thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để phát triển các ngành kinh tế biển, trước mắt là lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến các sản phẩm dầu khí; phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, kinh tế hàng hải và công nghiệp đóng tàu; khai thác đánh bắt hải sản; phát triển du lịch và kinh tế đảo. Cần tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương đánh bắt cá xa bờ, kết hợp bảo vệ chủ quyền vùng biển với những giải pháp đồng bộ: đóng tàu đủ tiêu chuẩn, bao tiêu sản phẩm, bảo đảm hậu cần, bảo vệ, cứu hộ - cứu nạn cho tàu thuyền các doanh nghiệp và ngư dân khi có tình huống thiên tai, cướp biển xảy ra. Đẩy nhanh việc hoàn thành quy hoạch vùng ven biển, lựa chọn những thành phố, thị xã ven biển có vị trí thích hợp xây dựng thành các trung tâm kinh tế, các hải cảng lớn tương ứng với vai trò vừa là “bàn đạp” tiến ra biển, vừa là “đầu tàu” lôi kéo các vùng kinh tế khác phát triển. Ngoài ra, phải đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, bến đỗ tàu, trường học, trạm y tế..., tạo điều kiện thuận lợi thu hút ngày càng nhiều dân cư đến ở và lập nghiệp lâu dài trên các đảo, quần đảo, nhất là quần đảo xa bờ.
Tăng cường xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển vững mạnh, nhất là Hải quân và Không quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và lực lượng Kiểm ngư đủ sức hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao là một nội dung phải được đặc biệt chú trọng. Riêng Hải quân nhân dân - một trong những lực lượng nòng cốt bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc cần phải tập trung kiện toàn về tổ chức biên chế, xây dựng theo hướng tinh gọn, cơ động, linh hoạt cao, có sức chiến đấu mạnh; chú trọng tính hợp lý, đồng bộ, cân đối, đủ thành phần; bố trí lực lượng có trọng điểm trên hướng chủ yếu, khu vực quan trọng, bảo đảm phòng thủ từ xa đến gần, từ nhiều hướng. Phải chú trọng nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới đáp ứng yêu cầu bảo đảm kỹ thuật trong huấn luyện bộ đội, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi; đồng thời, nghiên cứu, vận dụng nghệ thuật tác chiến của Hải quân và các LLVT khác trên chiến trường biển, đảo một cách sáng tạo, linh hoạt để đánh thắng địch trong mọi tình huống đấu tranh vũ trang. Đi đôi với xây dựng lực lượng, cần đẩy mạnh xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên biển; trong đó, coi việc gắn kết chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN là một mặt trọng yếu, một phương châm chiến lược, được cụ thể hóa trong mọi mặt hoạt động sản xuất trên biển (từ khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản, dầu khí, đánh bắt, nuôi trồng hải sản cho đến vận tải đường biển, du lịch biển). Bên cạnh đó, cần chú ý bố trí các lực lượng bảo đảm sự cân đối, hợp lý để từng lực lượng có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy được sở trường, thế mạnh riêng và bảo đảm khả năng phối hợp, hiệp đồng, hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, coi trọng xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố ven biển, đặc biệt là xây dựng các đảo và quần đảo trở thành các “pháo hạm” kiên cố không thể bị đánh chìm; tích cực bổ sung, hoàn thiện kế hoạch phòng thủ bảo vệ biển, đảo để bảo đảm giữ vững chủ quyền, ngăn chặn các xung đột vũ trang trên biển.
PHẠM TRANG - QUANG CHUYÊN
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 138-139.
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo 16/04/2025
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1 14/04/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm 26/03/2025
Bàn về tạo, lập thế trận quân sự trong tác chiến phòng thủ quân khu 20/03/2025
Về tổ chức, sử dụng lực lượng đánh trận then chốt, chiến dịch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 17/03/2025
Mấy vấn đề về “xây dựng điểm” công tác kỹ thuật toàn quân 13/03/2025
Một số vấn đề về công tác tuyên truyền đặc biệt của Quân đội hiện nay 10/03/2025
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả đấu tranh của lực lượng tác chiến thông tin, Bộ Tư lệnh 86 28/02/2025
Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở trong nhà trường Quân đội hiện nay 20/02/2025
Về nâng cao hiệu quả bảo đảm kỹ thuật thông tin cho tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 06/02/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo