Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 22/12/2022, 10:05 (GMT+7)
Đánh tiêu diệt về chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc - mấy suy nghĩ và bình luận

Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), cùng với coi trọng nghiên cứu, huấn luyện tác chiến quy mô nhỏ và vừa, kết hợp với sử dụng cách đánh truyền thống nhằm sát thương, tiêu hao, tiêu diệt bộ phận quân địch, rất cần đầu tư đúng mức trong nghiên cứu, huấn luyện tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng hiện đại, quy mô lớn để thực hiện đánh tiêu diệt địch về chiến lược ở các trọng điểm, tạo đột biến chiến lược, kết thúc chiến tranh.

Đánh tiêu diệt về chiến lược là một trong những quy luật cơ bản của chiến tranh. Chỉ có đánh tiêu diệt về chiến lược (tiêu diệt lớn) mới có thể làm chuyển biến cục diện chiến trường và kết thúc chiến tranh. Khi đề cập đến giá trị của đánh tiêu diệt về chiến lược trong chiến dịch Tây Nguyên (năm 1975), Thượng tướng Hoàng Minh Thảo viết: “Quy luật đánh tiêu diệt chiến lược và quyết chiến chiến lược được vận dụng thắng lợi ở Tây Nguyên đã tiếp tục phát huy tác dụng mạnh mẽ trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Và cuối cùng, quy luật đó đã được vận dụng và phát huy đến mức cao nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”1.

Chúng ta biết, chiến tranh thường bao gồm tổng hợp các hoạt động tác chiến và đấu tranh dưới nhiều quy mô, hình thức khác nhau, trong đó có các đòn đánh tiêu diệt về chiến lược. Tuy nhiên, ở mỗi cuộc chiến tranh, tùy thuộc vào bối cảnh, điều kiện, đối tượng tác chiến, thế và lực của đất nước mà đánh tiêu diệt về chiến lược được thực hiện ở các cấp độ khác nhau. Nhìn lại các cuộc chiến tranh trên thế giới, thắng lợi phần lớn đều thuộc về quân đội các nước thực hiện xuất sắc các đòn đánh tiêu diệt về chiến lược. Điển hình, như: Chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong trận Stalingrad (năm 1942), nhờ tiêu diệt lớn cụm tập đoàn quân Đức nên Hồng quân Liên Xô đã tạo ra bước ngoặt cho chiến tranh; thắng lợi của Chiến dịch Kursk (năm 1943) với trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử chiến tranh đã đưa Hồng quân Liên Xô bước vào chiến lược tiến công trên toàn mặt trận Xô - Đức và thắng lợi của Chiến dịch Berlin (năm 1945), tiêu diệt lớn lực lượng quân Đức, kết thúc chiến tranh.

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, nguyên nhân cơ bản tạo nên thắng lợi là nhờ vào các hoạt động quân sự và đấu tranh hết sức đa dạng, phong phú, linh hoạt, khôn khéo ở các quy mô, cấp độ khác nhau với nghệ thuật quân sự: lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh. Trong đó có nghệ thuật quân sự đặc sắc, tiến hành thắng lợi các trận đánh tiêu diệt về chiến lược, quyết chiến chiến lược. Nổi bật là các trận: Bạch Đằng (năm 981), Như Nguyệt (năm 1077), Chương Dương, Thăng Long, Tây Kết, Vạn Kiếp (năm 1285), Bạch Đằng (năm 1288), chiến thắng Tốt Động - Chúc Động (năm 1426), Chi Lăng - Xương Giang (năm 1427), Ngọc Hồi, Đống Đa (năm 1789),… đều là những trận đánh tiêu diệt lớn, làm thay đổi căn bản cục diện chiến trường, kết thúc chiến tranh. Thời đại Hồ Chí Minh, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chúng ta đã tiến hành thắng lợi nhiều chiến dịch đánh tiêu diệt lớn quân địch, đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva, kết thúc chiến tranh. Khi tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù phải đương đầu với một kẻ địch có tiềm lực hơn hẳn về kinh tế, quân sự, nhất là về vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại nhất lúc bấy giờ, ta đã tiến hành hết sức đa dạng, linh hoạt các hoạt động tác chiến và đấu tranh. Nhờ vào những chiến dịch trực tiếp đánh Mỹ, với các trận đánh then chốt, then chốt quyết định, ta đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng các lữ đoàn, sư đoàn Mỹ, đã làm phá sản các biện pháp tác chiến chiến lược, khiến địch từng bước suy yếu, sa lầy và thất bại. Đặc biệt, với thắng lợi có một không hai trong lịch sử của Chiến dịch phòng không cuối năm 1972, được coi là “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân về nước. Khi tác chiến với quân ngụy Sài Gòn (có sự hỗ trợ, chi viện đắc lực của Mỹ), giai đoạn cuối chiến tranh, ta tiến hành các chiến dịch chiến lược, đánh tiêu diệt nhiều sư đoàn, làm tan rã các quân đoàn địch, tạo đột biến về chiến lược, phá vỡ thế trận chiến lược, tạo thế trận và thời cơ chiến lược có lợi để tiến hành thắng lợi chiến dịch quyết chiến chiến lược - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc chiến tranh.

Đối với chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), khi thảo luận về đánh tiêu diệt chiến lược đang còn có những ý kiến khác nhau, nhưng phần lớn đều đồng tình với tác chiến quy mô nhỏ và vừa là chủ yếu; thực hiện đánh sát thương, tiêu hao, tiêu diệt bộ phận quân địch, buộc địch bị suy yếu, sa lầy và thất bại. Sự “đồng tình” đó không phải không có lý do, bởi đánh tiêu diệt về chiến lược trước một kẻ địch là các thế lực hiếu chiến, xâm lược và đồng minh, sử dụng chủ yếu vũ khí công nghệ cao, trong khi vũ khí, trang bị của chúng ta còn hạn chế, lại không có sự chi viện, hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa như chiến tranh giải phóng trước đây là một khó khăn rất lớn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, cần phải có đánh tiêu diệt về chiến lược ở các trọng điểm và chỉ có đánh tiêu diệt về chiến lược, mới có thể làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh và các biện pháp tác chiến chiến lược khác của địch, tạo đột biến về chiến lược có lợi cho ta; thậm chí, ngay cả khi quân địch đã suy yếu, sa lầy cũng cần phải đánh tiêu diệt lớn. So với chiến tranh giải phóng trước đây, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có điều kiện thuận lợi hơn để đánh tiêu diệt về chiến lược, đó là ta có sự chuẩn bị về tiềm lực và sức mạnh tổng hợp của đất nước; trong đó, sức mạnh quân sự là đặc trưng, sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân là nòng cốt, cơ bản. Xét về lực lượng tác chiến, chiến tranh giải phóng chúng ta phải đi từ nhỏ đến lớn, tác chiến lục quân là chủ yếu. Ngày nay, chúng ta có lực lượng mạnh ngay từ đầu, nhất là lực lượng cơ động chiến lược được xây dựng tinh, gọn, mạnh, cơ động, trang bị hiện đại, đặc biệt là Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân và một số lực lượng khác. Đây là những lực lượng cơ bản thực hiện các đòn đánh tiêu diệt về chiến lược. Về thế trận, trong chiến tranh giải phóng, chúng ta phải giành dân, mở đất, còn ngày nay: đất, trời, biển, đảo,... đều của ta, chúng ta làm chủ một đất nước thống nhất với thế trận tác chiến đã được chuẩn bị cơ bản từ thời bình (trong đó có chuẩn bị cho đánh tiêu diệt lớn ở các trọng điểm) và từng bước bổ sung, hoàn thiện khi có chiến tranh. Cũng có ý kiến lo ngại về khả năng làm chủ trên không, trên biển, trên không gian mạng của địch, nhưng thực tiễn chiến tranh cho thấy, người làm chủ mặt đất mới là người chiến thắng. Lo ngại về vũ khí công nghệ cao của địch là có cơ sở, nhưng vũ khí công nghệ cao cũng có những hạn chế nhất định và vũ khí dù hiện đại đến đâu cũng phải do con người sử dụng, con người mới là nhân tố quyết định.

Khi tiến hành chiến tranh, có thể chúng ta không có sự chi viện, hỗ trợ như trước. Đây là một khó khăn, nhưng thực tiễn cho thấy, nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh lại tùy thuộc chủ yếu vào sức mạnh nội lực; vào nỗ lực, ý chí và quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội. Từ những suy nghĩ trên, có thể thấy, cùng với tác chiến quy mô nhỏ và vừa với cách đánh truyền thống là chủ yếu, trong chiến tranh tương lai, chúng ta có những điều kiện nhất định để tác chiến quy mô lớn, đánh tiêu diệt lớn quân địch ở các trọng điểm chiến lược. Vì thế, cần phải tạo điều kiện và thời cơ tổ chức các trận đánh lớn nhằm tiêu hao lớn, tiêu diệt bộ phận quan trọng, đánh bại các biện pháp chiến lược của địch; mở các chiến dịch quy mô nhỏ, vừa là chủ yếu, chiến dịch chiến lược, chiến dịch quyết chiến chiến lược ở thời cơ, địa bàn, chiến trường lựa chọn.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đánh tiêu diệt về chiến lược cần được tiến hành trên cơ sở tác chiến rộng khắp, liên tục ở các quy mô, tạo ra thế trận và thời cơ để mở các chiến dịch, chiến dịch chiến lược tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng hiện đại, trong đó có thực hiện thắng lợi các trận then chốt, then chốt quyết định, nhằm tiêu diệt nhiều tiểu đoàn, một số lữ đoàn, đánh thiệt hại nặng các sư đoàn địch. Với đối tượng tác chiến là các thế lực hiếu chiến, xâm lược và đồng minh tay sai, đánh tiêu diệt như vậy mới có thể tạo ra đột biến về chiến lược, tác động mạnh, phá sản các biện pháp tác chiến chiến lược, ảnh hưởng lớn đến tham vọng, ý chí xâm lược của địch. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo từng cho rằng: “Chiến đấu hiệp đồng binh chủng, quân chủng là một yêu cầu tất yếu và ngày càng phát triển của chiến tranh hiện đại trong thời đại công nghiệp hóa ở trình độ cao”2. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng xác định, Việt Nam đến năm 2030 “là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”3. Đó là cơ sở rất quan trọng để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện đại, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng hiện đại.

Để thực hiện có hiệu quả đánh tiêu diệt về chiến lược, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau: (1). Kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, phải chủ động chuẩn bị từ thời bình, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận; coi trọng xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố, phòng thủ quân khu vững chắc. (2). Tập trung xây dựng lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động chiến lược; trong đó, lực lượng cơ động chiến lược cần phải tinh, gọn, mạnh, cơ động, hiện đại với những sư đoàn bộ binh, bộ binh cơ giới mạnh, các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân và các lữ đoàn binh chủng hiện đại - lực lượng chủ yếu tiến hành các chiến dịch, chiến dịch chiến lược đánh tiêu diệt lớn quân địch ở các trọng điểm. (3). Tích cực chuẩn bị thế trận tác chiến trên chiến trường cả nước, tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, gắn với thế trận an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” vững chắc. (4). Coi trọng chuẩn bị và bố trí thiết bị chiến trường ở các địa bàn trọng điểm dự kiến tiến hành các chiến dịch chiến lược, sẵn sàng chuyển thế trận quốc phòng toàn dân thành thế trận chiến tranh nhân dân. (5). Dự kiến và chuẩn bị nhiều phương án tác chiến chiến lược, huấn luyện, diễn tập theo các phương án; trong đó, coi trọng nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, tạo và nắm thời cơ tác chiến chiến lược; tổ chức, sử dụng, bố trí lực lượng và chuyển hóa thế trận, lực lượng cơ động chiến lược linh hoạt; kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến của lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động chiến lược để đánh tiêu diệt về chiến lược. (6). Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học - nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; kết hợp coi trọng nghiên cứu về tác chiến quy mô nhỏ, vừa sử dụng các cách đánh truyền thống với đầu tư thích đáng nghiên cứu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng hiện đại, trong đó có các trận đánh tiêu diệt lớn quân địch ở các trọng điểm.

Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH
___________________

1 - Thượng tướng, Giáo sư, Hoàng Minh Thảo – Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 141.

2 - Sđd, tr. 145.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 36.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.