Thứ Bảy, 23/11/2024, 15:56 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp thu, vận dụng kinh nghiệm đấu tranh của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn thế giới, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Công đoàn Việt Nam, từ khi ra đời (28-7-1929) đến nay, đã không ngừng sáng tạo, chỉ đạo phong trào công nhân và hoạt động công đoàn giành được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng tạo lên thắng lợi vĩ đại của toàn dân tộc trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Công đoàn Việt Nam cũng lãnh đạo góp phần xây dựng lực lượng tự vệ Việt Nam - Lực lượng hậu bị chiến lược của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Giai đoạn 1930-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân và Công hội đỏ đã vượt qua những khó khăn, thử thách kết hợp đấu tranh bất hợp pháp với đấu tranh công khai hợp pháp để khôi phục phong trào cách mạng; chuyển từ những cuộc đấu tranh kinh tế, đòi tự do, dân chủ sang đấu tranh vũ trang nhằm lật đổ chính quyền thực dân. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh, bãi công một tuần lễ của công nhân hãng dầu Cô-ni ở Nhà Bè, Sài Gòn (tháng 02-1930); biểu tình, đình công của nửa vạn công nhân đồn điền Phú Riềng với lực lượng vũ trang (xích vệ) bảo vệ (ngày 03-02-1930); cuộc bãi công của 6.000 công nhân nhà máy sợi Nam Định (từ 25-3 đến giữa tháng 4-1930),… Các cuộc bãi công của công nhân ở Sài Gòn những năm 1930, 1931 đã thành lập các đội tự vệ vũ trang công nhân.
Năm 1945, phong trào đấu tranh của công nhân, với mục đích đòi hỏi về kinh tế, dân chủ, đã bằng nhiều cách lấy vũ khí của địch trang bị cho tự vệ công nhân và du kích. Tiêu biểu là công nhân Nam Kỳ đã bí mật lấy hàng trăm khẩu tiểu liên ở kho súng Pyrotechnique của Nhật ở Sài Gòn để trang bị cho các đội tự vệ công nhân; công nhân hỏa xa và công nhân hãng thầu Brossard Maupin ở Trung kỳ đã bí mật cung cấp vũ khí cho đội du kích Ba Tơ (Quảng Ngãi)… Các đội tự vệ công nhân bí mật luyện tập quân sự trong các xóm lao động, ở các làng ngoại thành. Căn cứ địa lớn nhất, mạnh nhất của giai cấp công nhân thời kỳ tiền khởi nghĩa là chiến khu Đông Triều.
Trước tháng Tám 1945, các tổ chức Hội công nhân cứu quốc và lực lượng vũ trang bí mật của công nhân đã phát triển mạnh mẽ trong các xí nghiệp, đường phố; kiên trì đấu tranh chống tấn công khủng bố của kẻ thù để duy trì, củng cố lực lượng, chuẩn bị đón thời cơ. Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của các Ủy ban Khởi nghĩa, Ủy ban Quân sự cách mạng do Đảng thành lập và lãnh đạo, với vai trò nòng cốt và tiên phong của các tổ chức công nhân cứu quốc, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở các thành phố, khu công nghiệp đã diễn ra nhanh chóng. Chỉ ba ngày sau khi phát xít Nhật đầu hàng, nhân dân thành phố Hà Nội đã giành được chính quyền (19-8-1945), cổ vũ các địa phương trong cả nước tiến lên giành toàn thắng.
Trong những ngày đầu cách mạng tháng Tám, lực lượng tự vệ công nhân tích cực tham gia xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng và chiến đấu chống thực dân Pháp. Lực lượng tự vệ tham gia bảo vệ vận động Tổng tuyển cử (1946). Ở Hà Nội, nhiều chiến sĩ tự vệ công nhân hoạt động trong các đội diệt ác, trừ gian, dũng cảm, mưu trí trấn áp bọn phản cách mạng có âm mưu phá hoại Tổng tuyển cử, bảo đảm bầu cử thành công với 92% cử tri đi bỏ phiếu. Tại Hải Phòng, tự vệ công nhân làm nhiệm vụ bảo vệ hòm phiếu, đã ngăn cản sự phá hoại bầu cử của quân Tưởng và các lực lượng phản động khác. Đặc biệt, ở Sài Gòn - Chợ Lớn, nhiều thùng phiếu được các chiến sĩ tự vệ công nhân bảo vệ suốt cả ngày và đêm. Trong đợt vận động bầu cử Quốc hội đầu tiên, có 38 cán bộ, đoàn viên công đoàn là tự vệ đã bị địch bắn chết, 40 người bị mất tích.
Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ Hai, lực lượng tự vệ công nhân luôn đi đầu trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ở Sài Gòn - Chợ Lớn, khi thực dân Pháp trắng trợn đánh úp Sài Gòn, các đội xung phong công đoàn và tự vệ xung phong Thành phố đã trực tiếp chiến đấu, lập ra các đơn vị vũ trang: Trần Cao Vân, Hoàng Thọ, Nguyễn Văn Giỏi, Nguyễn Năng Tạo… (về sau hợp thành các trung đoàn vệ quốc quân 306, 312, 303). Tại các hộ (tên gọi tổ chức hành chính khu phố do ta đặt ra tại Sài Gòn - Chợ Lớn) số 3, 13,16,17,18 và nhiều đội vũ trang của công nhân được thành lập. Để nâng cao tinh thần chiến đấu cho các chiến sĩ tự vệ công nhân, nhiều lớp quân chính đã được mở tại mặt trận, do đồng chí Lý Chính Thắng, Thư ký Tổng Công đoàn Nam Bộ trực tiếp phụ trách. Một số công nhân đồn điền đã xung phong tòng quân, về thẳng mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn để chiến đấu. Gần 3.000 thanh niên công nhân đồn điền gia nhập bộ đội và vận chuyển máy móc thiết bị ra chiến khu để lập công xưởng, trên 10.000 công nhân trẻ các đồn điền cao su đã gia nhập các đơn vị vũ trang thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tại các thành thị Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, công nhân đường sắt, các nhà máy, xí nghiệp và đồn điền đã hăng hái trực tiếp cầm vũ khí đánh giặc, góp phần xây dựng nên những công binh xưởng đầu tiên ở địa phương, như: Xưởng Hoàng Hoa Thám, Quang Trung (Bình Định); Đoàn Ngọc Lan (Phú Yên); Cao Thắng (Khánh Hòa); Hòn Dơ (Ninh Thuận); Khu 15 (Tây Nguyên)… Chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ trở thành nơi hội tụ chiến đấu của công nhân Việt Nam, có gần 80% cán bộ, chiến sĩ là công nhân, viên chức và học sinh từ các tỉnh miền Bắc.
Với chủ trương, xí nghiệp nào, trại sản xuất nào cũng phải tổ chức đội tự vệ hay đội du kích của công nhân, lực lượng tự vệ công nhân được thành lập ở hầu hết các nhà máy, xí nghiệp, tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp, bảo vệ Đảng, Nhà nước. Khi thực dân Pháp tấn công đánh chiếm thành phố Hải Phòng, tự vệ công nhân thành phố Cảng đã tổ chức “Đội thủy thủ Yết Kiêu”, đánh địch ở khắp địa bàn Thành phố. Tại Hà Nội, các Đội tự vệ thành Hoàng Diệu, Nhà máy điện Yên Phụ có hơn 70% quân số trong lực lượng tự vệ chiến đấu là công nhân lao động. Ở Nam Định, khu mỏ Quảng Ninh, mỗi đội có hơn 3.000 tự vệ công nhân các nhà máy, xí nghiệp… đã kịp thời phối hợp với lực lượng vũ trang bẻ gẫy nhiều mũi tiến quân của địch.
Trong chiến đấu và sản xuất, nhiều cá nhân, tập thể đã phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tạo ra nhiều loại vũ khí, khí tài phục vụ tốt cho nhiệm vụ chiến đấu trên các chiến trường, góp phần quan trọng vào những chiến công vang dội của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở ra thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam.
Giai đoạn 1954-1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với nhân dân cả nước, đội ngũ công nhân lao động miền Bắc, trong đó lực lượng tự vệ công nhân làm nòng cốt, đã khắc phục khó khăn, nhanh chóng khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng và củng cố quan hệ quan hệ sản xuất mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, lực lượng tự vệ đã luôn đi đầu trong phong trào cách mạng, tham gia vận động chính trị rộng lớn ở miền Bắc và hỗ trợ đắc lực cho cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam tích cực đấu tranh vì hòa bình, thống nhất đất nước.
Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, lực lượng tự vệ cùng với công nhân, viên chức, lao động, đã lao động quên mình, ngày đêm bảo vệ tài sản của nhà nước, bảo vệ sản xuất, bảo đảm giao thông, sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của địch. Đồng thời, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Khi kẻ thù tiến hành khủng bố trắng, đàn áp dã man với những chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” đẫm máu, phong trào đấu tranh của công nhân lao động miền Nam, trong đó lực lượng tự vệ làm nòng cốt, vẫn giữ vững và không ngừng phát triển. Thực hiện phương châm: kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và binh vận, đã cổ vũ, lôi cuốn mạnh mẽ phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân miền Nam, làm cho ngụy quân, ngụy quyền lâm vào khủng hoảng, suy yếu, góp phần quan trọng đánh bại các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng tự vệ, du kích đã cùng với công nhân lao động và nhân dân miền Nam nhất loạt nổi dậy chiếm xưởng máy, đồn điền, công sở, chống địch di tản, cướp phá xí nghiệp, nhà máy… góp phần cùng quân và dân đánh tan quân ngụy, đánh đổ chính quyền Mỹ - ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến tranh biên giới Tây Nam (1978), công nhân lao động và lực lượng tự vệ các tỉnh: Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, thành phố Hồ Chí Minh… đã lao động quên mình, tham gia xây dựng các tuyến phòng ngự, vận chuyển tiếp tế và chi viện phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu. Lực lượng tự vệ các nông trường, lâm trường, xí nghiệp các tỉnh biên giới đã phối hợp với lực lượng bộ đội địa phương bảo vệ người và tài sản, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu sử dụng lực lượng quân sự quy mô lớn, góp phần đánh bại tập đoàn phản động Pôn Pốt.
Trong chiến tranh biên giới phía Bắc (1979), tự vệ các cơ quan, nông trường, lâm trường, nhà máy, xí nghiệp… đã sát cánh cùng lực lượng vũ trang và du kích địa phương đánh địch ngay từ phút đầu, ngày đầu. Nhiều nơi, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt suốt 02 đến 03 ngày liền, một số đơn vị tự vệ quân số ít hơn địch nhiều lần, nhưng vẫn kiên cường bám trụ, đánh lại nhiều đợt tấn công của kẻ địch, bảo vệ an toàn cơ sở sản xuất, bảo vệ nhân dân. Tiêu biểu có, Đội tự vệ Tân Yên, Nông trường Văn Lãng, Lâm trường Ba Sơn, Lâm trường Lộc Bình (Lạng Sơn); Đội tự vệ Thượng Phùng, Nông trường Mèo Vạc (Hà Giang); Lâm trường Pha Long, Lâm trường Đăng Khao, Lâm trường Nậm Chảy (Lào Cai); Mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), v.v.
Bước vào thời kỳ đổi mới, giai cấp công nhân nói chung, đội ngũ tự vệ nói riêng đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng; gương mẫu, đi đầu thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng. Trước những diễn biến phức tạp, nhất là và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch nhằm vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện âm mưu xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, giai cấp công nhân, trong đó có đội ngũ tự vệ, luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng, trung thành với con đường cách mạng do Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, dân quân tự vệ đã rất mực trung thành với Đảng, với Tổ quốc, lập lên nhiều chiến công to lớn, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”1 .
TS. ĐẶNG NGỌC TÙNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ______________
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2001, tr.132.
dân quân tự vệ,giai cấp công nhân
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc