Thứ Sáu, 22/11/2024, 23:39 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”1. Để thực hiện thắng lợi định hướng trên, báo chí có vai trò quan trọng. Muốn thế, những người làm báo phải thường xuyên trau dồi phẩm chất văn hóa, đạo đức nghề nghiệp, trình độ nghiệp vụ - những nhân tố thể hiện sâu sắc đặc trưng văn hóa – nghề nghiệp của Nhà báo cách mạng Việt Nam.
Đề cập đến đặc trưng văn hóa của Nhà báo cách mạng Việt Nam, trước hết, cần thống nhất khái niệm: Văn hóa là gì? Không thể thống kê chính xác cho đến nay đã có bao nhiêu khái niệm văn hóa. Song, có thể hiểu một cách khái quát nhất, dung dị nhất: Văn hóa là hiện thân của “chân, thiện, mỹ”, là hồn cốt của một dân tộc; đối với mỗi con người, văn hóa là cốt cách của người đó. Còn đối với nhà báo, văn hóa là cốt cách, được biểu hiện cụ thể ở tính nhân văn trong tác phẩm báo chí mà họ kiến tạo. Tất nhiên, để tác phẩm báo chí thấm đẫm tính nhân văn thì đòi hỏi nhà báo phải có tâm sáng, bút sắc - đặc trưng nghề nghiệp, đồng thời cũng là đặc trưng văn hóa của người làm báo cách mạng. Nếu thiếu nó, thì sản phẩm báo chí sẽ không những nghèo tính nhân văn, mà còn vô bổ, thậm chí có hại. Cũng có thể còn có ý kiến cho rằng, còn nhiều đặc trưng văn hóa nữa của người làm báo. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng, ở đây chỉ giới hạn đề cập một trong những đặc trưng văn hóa – nghề nghiệp (theo tôi là cơ bản nhất) của Nhà báo cách mạng Việt Nam - Tâm sáng, bút sắc.Với nhận thức văn hóa báo chí theo nghĩa rộng, thì Nhà báo cách mạng Việt Nam ngoài phẩm chất mang tính đặc trưng đó, còn nhất thiết phải thấm đẫm văn hóa dân tộc, tâm hồn dân tộc và nó phải được kết tinh, tỏa sáng trong tác phẩm báo chí mà họ tạo dựng. Đó cũng là bản sắc, là nét đặc thù, làm cơ sở để phân biệt giữa Nhà báo cách mạng Việt Nam và nhà báo của các nước.
Mỗi dân tộc - quốc gia có nền văn hóa mang sắc thái riêng. Việt Nam cũng vậy, hơn thế, chúng ta tự hào về nền văn hóa giàu truyền thống, đậm đà bản sắc của mình. Văn hóa Việt có sức mạnh vô cùng lớn. Lịch sử giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc đã chứng minh chúng ta thắng những kẻ ngoại xâm có tiềm lực kinh tế - quân sự hơn hẳn không chỉ bằng “giáo, mác, súng đạn”- tức là, sức mạnh quân sự - mà cội nguồn của chiến thắng đó là sức mạnh văn hóa. Điều đó lý giải cho sức sống mãnh liệt, sự trường tồn, phát triển của dân tộc ta, trong đó có văn hóa. Và, văn hóa Việt không chỉ có sức mạnh vô cùng lớn mà còn giàu tính nhân văn, được minh chứng rõ trong thực tiễn lịch sử cũng như hiện tại, thông qua cách ứng xử trong quan hệ quốc tế với các đối tác và đối tượng, thậm chí ngay cả với các nước thù địch hoặc từng là thù địch. Vì thế, chúng ta tự hào về nền văn hóa đặc sắc, giàu truyền thống. Đó là tài sản vô giá của dân tộc, của mỗi người dân Việt, được các thế hệ gìn giữ, phát triển bằng máu và nước mắt của mình. Đặc biệt, đối với nhà báo - những người trực tiếp làm công tác truyền thông, định hướng dư luận, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra nước ngoài, nhất là trong bối cảnh hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa, thì việc gìn giữ bản sắc văn hóa, ngọn lửa văn hóa dân tộc và thể hiện nó trong mỗi bài báo vừa là trách nhiệm, vừa là đạo đức văn hóa – nghề nghiệp. Làm sao để mỗi trang báo, tờ báo dù ở chuyên ngành nào, cũng luôn đậm chất nhân văn, lắng đọng hồn dân tộc mà người đọc cảm nhận được qua bút pháp, ngôn ngữ thể hiện. Làm được như vậy hẳn không dễ, nhưng chí ít cũng là điều mà những nhà báo đích thực nung nấu và hướng tới, nhằm mục đích để “sản phẩm” của mình ngày một giàu tính nhân văn hơn, nền báo chí cách mạng Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc hơn.
Với mỗi nhà báo, khi đã theo đuổi nghiệp cầm bút, nhất thiết tâm phải sáng. Đây là phẩm chất quan trọng nhất và là tiêu chí hàng đầu đối với Nhà báo cách mạng, bởi nó phản ánh cái đức của người làm báo. Không phải ngẫu nhiên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam (gồm 9 điều), tạo được sự đồng thuận của các cấp hội nhà báo và đông đảo hội viên. Thực tiễn hoạt động báo chí cho thấy, nhà báo có tâm sáng, thì sản phẩm báo chí của họ mới thực sự có giá trị đối với đời sống xã hội, đậm chất nhân văn; hơn thế, lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia mới được đảm bảo và đặt trên lợi ích cá nhân. Có tâm sáng với hàm nghĩa đạo đức, bài viết của họ mới trung thực, chính xác, giàu tính chiến đấu, “trắng ra trắng, đen ra đen”, không có chuyện “vàng thau lẫn lộn”. Đây là yêu cầu quan trọng nhất đối với người làm công tác thông tin đại chúng. Bởi, nó không những bảo tồn “thương hiệu” nhà báo, mà còn nâng cao uy tín, vị thế tờ báo và góp phần thúc đẩy nền báo chí nước nhà phát triển lành mạnh, bền vững. Ngược lại, đối với nhà báo mà tâm không sáng, vụ lợi, thì nguy hại vô chừng cho xã hội. Tất nhiên, trong bối cảnh chịu sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường hiện nay và cùng với đó là sự chống phá quyết liệt trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, thì việc nhà báo giữ được tâm sáng, không bị chao đảo trước cám dỗ của lợi ích vật chất là điều không hề đơn giản. Khi cầm bút, để giữ được tâm sáng, họ phải có dũng khí để đấu tranh thắng lợi với nhiều “kẻ thù” và với chính mình. Thực tiễn đã có không ít trường hợp như vậy. Đối lập với những hình ảnh cao đẹp đó, tiếc rằng chúng ta cũng từng biết những trường hợp (tuy không nhiều) vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bị thu hồi thẻ Nhà báo vì những lý do khác nhau, trong đó có lý do viết thiếu khách quan, thiếu trung thực, nhằm vụ lợi hoặc với dụng ý xấu làm tổn hại tới doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, lợi ích quốc gia. Ngoài những sai phạm về lợi ích vật chất, trong lĩnh vực kinh tế, đáng quan tâm là còn có những bài viết sơ hở, thiếu nhạy cảm về chính trị trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa của một số ít các nhà báo để các thế lực thù địch lợi dụng “thổi phồng”, xuyên tạc, hòng chống Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở nước ta. Điều đặc biệt nguy hiểm là có một số ít kẻ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bị địch lợi dụng nên đã bán mình, bán rẻ Tổ quốc để làm thuê cho chúng. Đó là những kẻ phi nhân văn, vô đạo đức, vô ơn đối với chế độ, với Tổ quốc, với lịch sử, đáng bị lên án.
Nhưng phải nói rằng, về cơ bản đội ngũ nhà báo của chúng ta hiện nay đều tâm sáng. Họ thực sự là những nhà báo cách mạng, nhà báo của Đảng và của nhân dân. Nhờ đó, báo chí ở tất cả các loại hình “báo viết, báo nói, báo hình, báo ảnh, báo điện tử” đã có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Nhận định trên được thực tiễn hoạt động báo chí minh chứng, dư luận đánh giá cao và được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định tại các Hội nghị báo chí hoặc qua những sự kiện lớn của đất nước, quốc tế mà báo chí tham gia tuyên truyền. Đó là điều hết sức đáng mừng, đáng tự hào đối với các nhà báo và nền báo chí cách mạng nước ta.
Cùng với tâm sáng, Nhà báo cách mạng Việt Nam còn phải cóbút sắc, tức là trình độ nghiệp vụ báo chí vững, giàu tính chiến đấu. Đểbút sắc - trình độ nghiệp vụ cao, nhà báo phải hội tụ nhiều mặt: năng khiếu, đào tạo cơ bản, kiến thức, trải nghiệm, trau dồi nghiệp vụ... Tất cả những yếu tố đó đều quan trọng, nhưng quan trọng trước hết là phải tâm huyết với nghề, dày công khổ luyện và suốt đời phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Đối với mọi nghề, muốn trở thành “thợ giỏi – nghệ nhân”, phải lao động cật lực. Nghề báo là một nghề đặc thù, lại càng phải vậy, hơn thế còn phải tâm huyết với nghề; bởi, tâm huyết là sự khởi đầu và chắp cánh cho sáng tạo. Chỉ có như vậy, nhà báo mới “giỏi nghề”, trở thành “cây bút” để sáng tạo những tác phẩm báo chí chất lượng cao, giàu tính nhân văn, thực sự có giá trị đối với đời sống xã hội. Bác Hồ kính yêu của chúng ta là một danh nhân văn hóa dân tộc và là một nhà báo như vậy - nhà báo quốc tế, Nhà báo cách mạng Việt Nam xuất sắc. Tìm hiểu cuộc đời làm báo của Người, chúng ta càng cảm phục Người ở sự khổ luyện trong quá trình học viết báo, và tiếp đó khi là nhà báo với những bài viết (ở các thể loại báo chí) hết sức sắc xảo, giàu tính chiến đấu, đậm chất nhân văn, đúng như Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết bằng câu thơ cô đọng: Vần thơ của Bác vần thơ thép/mà vẫn mênh mông bát ngát tình. Cho nên đối với nhà báo, khi học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người (theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị) không gì thiết thực hơn là học và làm theo cách viết báo của Người. Bởi lẽ đơn giản Người là Hồ Chí Minh - Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời là một nhà báo vĩ đại, hiện thân của “tâm sáng, bút sắc”. Những bài viết của Người luôn hướng tới mục tiêu cao cả vì lợi ích của Đảng, của nhân dân, của Tổ quốc Việt Nam và sự tiến bộ của nhân loại.
Đề cập về tính nhân văn trong tác phẩm báo chí - biểu hiện cụ thể và tập trung nhất của đặc trưng văn hóa - nghề nghiệp của nhà báo cách mạng, hiện cũng đang có những nhận thức khác nhau, nhưng ít trái ngược nhau, bởi dễ cảm nhận được, nhất là đối với một tác phẩm báo chí cụ thể. Hẳn sẽ có nhiều người cho rằng: một tác phẩm báo chí giàu tính nhân văn, trước hết tác phẩm đó phải trung thực, trong sáng, chất lượng. Nhận định đó đúng, nhưng chưa đủ. Lâu nay khi nhìn nhận, đánh giá một tác phẩm báo chí chúng ta thường nói: đó là một bài báo hay, mà ít nói đó là một bài báo đẹp, trong khi nếu nghiên cứu kỹ, ta thấy mệnh đề sau (bài báo đẹp) chuẩn mực hơn. Bởi xét ở góc độ văn hóa, có thể coi báo chí là một loại hình nghệ thuật đặc thù. Theo đó, một tác phẩm báo chí chất lượng cao cũng là một tác phẩm nghệ thuật, nó không chỉ hay mà còn phải đẹp qua cảm thụ của người đọc. Tác phẩm báo chí đẹp, ngoài yêu cầu về chất lượng theo tiêu chí của thể loại báo chí, còn phải giàu tính nhân văn, đậm chất biểu cảm thông qua ngôn ngữ, hành văn..., đặc biệt là chiều sâu nội dung, tư tưởng mà người viết thể hiện. Trong thực tiễn đã có nhiều tác phẩm báo chí như vậy, trong đó có những tác phẩm đạt giải cao trong Giải Báo chí Quốc gia. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng còn thấy những bài báo không thật đẹp, nghèo tính nhân văn (sử dụng ngôn từ cẩu thả, viết tắt tùy tiện, hành văn không mạch lạc, nội dung nghèo nàn trái với thuần phong mỹ tục...) trên một số tờ báo. Những bài báo đó không những làm khổ người đọc mà còn có hại.
Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, nền báo chí nước nhà đang tiếp cận và chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Để đáp ứng yêu cầu đó, rất cần có ngày càng nhiều những nhà báo “tâm sáng, bút sắc”, thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc để sáng tạo những tác phẩm báo chí chất lượng cao, giàu tính nhân văn, có giá trị đối với đời sống xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Nhằm đạt mục tiêu đó, đặc biệt là xây dựng đội ngũ nhà báo đủ về số lượng, có chất lượng cao, đồng thời đáp ứng được tiêu chí về đặc trưng văn hóa - nghề nghiệp của Nhà báo cách mạng Việt Nam, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết những vấn đề liên quan. Điều đó phụ thuộc trước hết vào cơ quan chỉ đạo, quản lý Nhà nước về báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, hệ thống đào tạo báo chí, tiếp đó là các ngành chủ quản cơ quan báo chí và cơ quan báo chí, cũng như các nhà báo. Trong thời gian tới, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản mang tính pháp lý về báo chí, nhất là Luật báo chí. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển báo chí; trong đó, xác định rõ mục tiêu, lộ trình, giải pháp cơ bản cho từng giai đoạn và lâu dài.
NGUYỄN MẠNH HÙNG
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 75-76.
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc