Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 20/07/2015, 08:05 (GMT+7)
Công tác huấn luyện lực lượng dự bị động viên ở Sư đoàn 306 và một số vấn đề đặt ra hiện nay

Thực hiện tốt công tác huấn luyện cho lực lượng dự bị động viên sẽ thiết thực góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân dự bị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ động viên trong mọi tình huống. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ này đang có nhiều vấn đề đặt ra cần nghiên cứu, giải quyết.

Quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng và nhiệm vụ được giao; những năm qua, Sư đoàn 306 (Quân đoàn 2) đã có nhiều chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện quân nhân dự bị - nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đơn vị và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, Sư đoàn tập trung đổi mới từ sắp xếp cán bộ khung huấn luyện, lập kế hoạch, quản lý, điều hành, nội dung, chương trình, đến bảo đảm cơ sở vật chất huấn luyện. Công tác tập huấn, diễn tập được đổi mới theo hướng sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng đối tượng, địa bàn. Quá trình huấn luyện, Sư đoàn chỉ đạo bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, bảo đảm huấn luyện toàn diện giữa chỉ huy, cơ quan và đơn vị, giữa bộ binh với các binh chủng, giữa khả năng cơ động và xử lý các tình huống. Đặc biệt, Sư đoàn coi trọng việc đổi mới công tác kiểm tra, hội thao theo hướng thực chất, chất lượng; đồng thời, gắn huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, tư tưởng bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo. Nhờ đó, kết quả huấn luyện của Sư đoàn không ngừng được nâng cao. Năm 2014 có 100% nội dung huấn luyện đạt yêu cầu, trong đó có 76,9% khá, giỏi; đợt 1 năm 2015: 100% đạt yêu cầu, trong đó có 78% khá, giỏi, được Bộ Quốc phòng, Quân đoàn đánh giá cao. Sư đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác huấn luyện của Sư đoàn còn bộc lộ một số hạn chế. Nhận thức của một số cán bộ, chiến sĩ và quân nhân dự bị về nhiệm vụ huấn luyện còn chưa triệt để, nhất là trong hội thao, diễn tập; công tác bảo đảm huấn luyện có nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu; việc quản lý, điều hành có lúc chưa chặt chẽ, khoa học và chưa sát tình hình, v.v. Những hạn chế và khó khăn nêu trên của Sư đoàn có lẽ cũng là tình hình chung của các đơn vị có cùng nhiệm vụ trong toàn quân hiện nay. Từ thực tiễn đó của Sư đoàn 306, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện, góp phần xây dựng lực lượng dự bị động viên ngày càng vững mạnh, chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề về giải pháp huấn luyện để cùng nghiên cứu, vận dụng:

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và quân nhân dự bị đối với nhiệm vụ huấn luyện. Xuất phát từ đặc điểm đối tượng huấn luyện là quân nhân dự bị, với nhiều thành phần, hoàn cảnh khác nhau, trình độ nhận thức, kiến thức quân sự và tuổi đời không đồng đều, thời gian huấn luyện tại đơn vị ngắn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu,... nên đòi hỏi phải tổ chức và có phương pháp huấn luyện khoa học, cán bộ khung A phải nỗ lực rất nhiều. Vì thế, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và quân nhân dự bị đối với nhiệm vụ huấn luyện là vấn đề rất quan trọng.

Trước hết, cần coi trọng việc phát huy vai trò của các tổ chức đảng, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp, hội đồng quân nhân và các tổ chức quần chúng trong giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ làm công tác huấn luyện quân dự bị động viên. Bởi lẽ, trong thực tế, có đồng chí xác định tư tưởng chưa tốt, cho rằng về đơn vị dự bị động viên khó phát triển; hơn nữa, công tác huấn luyện theo đợt nên không thường xuyên quản lý bộ đội, từ đó dễ nảy sinh tư tưởng ngại khó, ngại khổ. Đối với quân nhân dự bị động viên, cần chú trọng giáo dục chính trị cơ bản kết hợp với lồng ghép trong huấn luyện, sinh hoạt, học tập. Nội dung giáo dục, tuyên truyền tập trung quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về quân sự, quốc phòng, trực tiếp là Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, tình hình nhiệm vụ của Quân đội, của đơn vị, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù và yêu cầu về công tác huấn luyện lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới. Qua đó làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò công tác huấn luyện đối với xây dựng lực lượng dự bị động viên; coi đó là khâu then chốt trong nâng cao chất lượng tổng hợp đối với lực lượng này; từ đó, nâng cao quyết tâm, trách nhiệm để phấn đấu đạt thành tích cao nhất. Trong quá trình thực hiện, cùng với nội dung, chương trình giáo dục chính trị theo quy định, các đơn vị cần lồng ghép giáo dục truyền thống về nghệ thuật đánh giặc giữ nước của lực lượng vũ trang các địa phương, tổ chức các đồng chí quân nhân dự bị ưu tú, có tuổi đời và uy tín với tập thể để tham gia vào nâng cao hiệu quả giáo dục. Bên cạnh đó, còn tổ chức tốt các phong trào thi đua, hướng vào xung kích trong thực hiện nhiệm vụ trung tâm; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, khen thưởng, biểu dương, nhân điển hình tiên tiến kịp thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong huấn luyện. Cùng với đó, phải chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên ngay từ cơ sở, nơi quân nhân dự bị công tác và làm việc; trong đó có nêu các gương điển hình tiên tiến trong huấn luyện quân nhân dự bị các giai đoạn và từng năm. Thực tế cho thấy, đây là cách làm đạt hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị và địa phương bằng các kế hoạch, phân công, phân nhiệm cụ thể.

Hai là, đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, tổ chức và phương pháp huấn luyện đối với quân nhân dự bị. Huấn luyện dự bị động viên thực chất là quá trình ôn cũ, bổ sung kiến thức mới, trong thời gian ngắn nhưng vẫn phải bảo đảm sau động viên huấn luyện bổ sung, đơn vị dự bị động viên có thể bước vào nhiệm vụ chiến đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì vậy, đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, tổ chức và phương pháp huấn luyện có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dự bị động viên. Đối với Sư đoàn 306, là đơn vị nằm trong đội hình của binh đoàn chủ lực cơ động nên nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu càng đòi hỏi những yêu cầu cao hơn. Để làm được điều đó, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu, đề xuất nội dung, chương trình, kế hoạch huấn luyện sát với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị và từng đối tượng theo hướng: ưu tiên thời gian cho nội dung khó, nội dung còn yếu và huấn luyện thực hành. Cùng với việc rà soát kiện toàn tổ chức biên chế phục vụ cho huấn luyện, Sư đoàn coi trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ cả khung A và khung B. Trong đó, đối với cán bộ khung B bảo đảm nắm vững phương pháp huấn luyện, kỹ năng soạn thảo giáo án và năng lực thực hành huấn luyện phân đội theo phân cấp. Trên cơ sở tiếp tục bám sát phương châm đã đề ra, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện tập trung và chia nhóm đối tượng theo từng nội dung, nhằm giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian huấn luyện thực hành, bảo đảm sát đối tượng, địa bàn và yêu cầu, nhiệm vụ. Quá trình huấn luyện, ngoài việc giao nhiệm vụ, các đơn vị cần phân công cán bộ khung A có trình độ giỏi để theo dõi, kèm cặp, giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, cán bộ các cấp thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra huấn luyện, đánh giá kết quả chính xác, rút kinh nghiệm kịp thời sau từng nội dung, khoa mục huấn luyện. Các đơn vị thực hiện tốt việc kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện bản lĩnh, thể lực, kỷ luật, thực hiện tốt dân chủ trong huấn luyện, xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành các chế độ quy định.

Ba là, làm tốt công tác bảo đảm huấn luyện. Đây là điều kiện tác động không nhỏ tới việc nâng cao chất lượng huấn luyện lực lượng dự bị động viên. Về yêu cầu, công tác bảo đảm phải toàn diện, đầy đủ, chất lượng và phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị. Để đạt được yêu cầu trên, cần đầu tư thích đáng vào việc xây dựng thao trường bảo đảm đạt chuẩn, đủ để các đơn vị huấn luyện; mô hình, học cụ được chuẩn bị đầy đủ, chất lượng tốt; đẩy mạnh bổ sung các phương tiện huấn luyện hiện đại, tạo tính trực quan trong huấn luyện, đưa bộ đội vào sát thực tế chiến đấu hơn, v.v. Trong khi đó, Sư đoàn 306 là đơn vị khung thường trực, nên địa bàn đóng quân hẹp, cơ sở vật chất, doanh trại ít được đầu tư (có một trung đoàn được xây dựng cơ bản), cơ sở vật chất huấn luyện còn nhiều khó khăn, v.v. Để khắc phục tình trạng này, Sư đoàn đã tập trung toàn bộ cơ sở vật chất huấn luyện cũng như lực lượng bảo đảm đủ cho một trung đoàn tổ chức huấn luyện theo phương thức “Tròn khâu”. Đây là cách làm sáng tạo, vừa khắc phục được tình trạng thiếu về vật chất, thao trường, vừa bảo đảm chất lượng huấn luyện. Đồng thời, Sư đoàn cũng đã quan tâm, bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn, chế độ, đặc biệt là tiền lương, phụ cấp của quân nhân dự bị trong thời gian huấn luyện và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội để quân nhân dự bị yên tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện.

Cũng như các đơn vị khác, công tác huấn luyện lực lượng dự bị động viên của Sư đoàn 306 đang bị tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, nền khoa học - công nghệ phát triển nhanh, v.v. Do vậy, để nâng cao chất lượng huấn luyện lực lượng dự bị động viên hiện nay, cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, từ nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đổi mới nội dung, phương pháp đến bảo đảm huấn luyện. Các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với điều kiện cụ thể, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tá TRẦN HOÀI SƠN, Sư đoàn trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.