Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:27 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Giáo dục và phát huy các giá trị truyền thống là đặc trưng của văn hóa dân tộc Việt Nam, nhằm lưu giữ, bảo tồn những giá trị tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước bốn nghìn năm qua. Học xưa để hiểu nay, học cũ để làm mới vừa là yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, vừa là vấn đề cấp bách và là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của Đảng ta trong công cuộc đổi mới đất nước.
Trong lĩnh vực quân sự, cùng với công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống có vai trò rất quan trọng, là yêu cầu khách quan trong tổng thể quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, trước hết là xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tạo cơ sở giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.
Trường Sĩ quan Lục quân 1 vinh dự được mang tên người Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn. Nhận thức sâu sắc vai trò của các giá trị truyền thống, trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Nhà trường thường xuyên quan tâm giáo dục truyền thống cho các đối tượng bằng nhiều hình thức và phương pháp linh hoạt, phong phú, đa dạng. Qua đó, phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, đưa công tác giáo dục truyền thống đi vào nền nếp, hiệu quả, góp phần ổn định chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giảng viên, học viên; khơi dậy niềm tự hào của họ khi được học tập và công tác dưới mái trường anh hùng; xác định động cơ, thái độ học tập, rèn luyện đúng đắn, khắc phục được những vụ việc vi phạm kỷ luật, vi phạm quy chế giáo dục - đào tạo của Nhà trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác giáo dục truyền thống của Nhà trường thời gian qua vẫn chưa thực sự khởi sắc, chưa tương xứng với truyền thống vẻ vang của nhà trường có bề dày truyền thống 71 năm. Biểu hiện rõ nhất là chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng nói chung và giáo dục truyền thống nói riêng còn có những hạn chế; nhận thức về ý nghĩa và vai trò của truyền thống của một số cán bộ, học viên, công nhân viên, chiến sĩ chưa đồng đều. Một số cấp ủy, chỉ huy chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, dẫn đến nhận thức về các giá trị truyền thống của các đối tượng chưa sâu sắc, chưa khơi dậy được niềm tin, lòng tự hào, ý thức, động cơ học tập đúng đắn của một số học viên, v.v.
Trong giai đoạn hiện nay, Nhà trường không ngừng phát triển cả về quy mô và đối tượng đào tạo. Trong đó, mục tiêu đào tạo cho đối tượng cơ bản được xác định là: “Đào tạo những thanh niên, quân nhân có đủ tiêu chuẩn quy định trở thành sĩ quan chỉ huy tham mưu lục quân cấp phân đội trình độ đại học quân sự, có năng lực toàn diện về lãnh đạo, chỉ huy quân sự và huấn luyện bộ đội, có thể lực tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Học viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân ngành chỉ huy tham mưu lục quân, đảm nhiệm chức vụ ban đầu là trung đội trưởng, phát triển lên đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng và các chức vụ tương đương, có khả năng phát triển lâu dài ”. Cùng với đó, Nhà trường còn được Bộ Quốc phòng giao quản lý, đào tạo 17 đối tượng khác, với 32 loại chương trình đào tạo khác nhau, trong đó có những đối tượng mới như: thạc sĩ nghệ thuật quân sự; ngành quân sự cơ sở; giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh; lưu học sinh tốt nghiệp ở nước ngoài, v.v. Trước yêu cầu đó, công tác giáo dục truyền thống không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản, lâu dài mà còn là vấn đề cấp bách có ý nghĩa quyết định sự lớn mạnh của Nhà trường. Nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chỉ huy các cấp là phải thường xuyên quan tâm chăm lo giáo dục nâng cao nhận thức toàn diện, phát huy hiệu quả các giá trị truyền thống, nắm chắc những vấn đề lý luận, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác; phát huy tối đa những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, hạn chế trong giáo dục truyền thống, góp phần xây dựng và phát triển môi trường văn hóa sư phạm quân sự lành mạnh của Nhà trường. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, thời gian tới, cần tập trung vào những giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho các đối tượng về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác giáo dục truyền thống. Trong lĩnh vực quân sự, công tác giáo dục truyền thống nói chung và truyền thống tiêu biểu ở mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng là một mặt trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là một bộ phận của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ nhằm củng cố, bồi dưỡng kiến thức về lịch sử, truyền thống, khơi dậy niềm tự hào mà còn góp phần xây dựng và phát triển môi trường văn hóa quân sự. Qua đó, xây dựng phẩm chất, nhân cách người quân nhân cách mạng, góp phần tích cực xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần, làm cơ sở tạo sức mạnh tổng hợp cho Quân đội. Đây là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, Quân đội. Vì vậy, cấp ủy các cấp cần tăng cường giáo dục làm cho mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ trong Nhà trường hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, vai trò của giáo dục truyền thống đối với việc khơi dậy niềm tự hào trong mỗi cá nhân, tổ chức đối với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng, Quân đội, Nhà trường. Đồng thời, làm cho đời sống văn hóa tinh thần ở đơn vị cơ sở thêm đa dạng, phong phú, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực mạnh mẽ thôi thúc mọi người vươn lên hoàn thành tốt hơn nữa chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và phát triển môi trường văn hóa quân sự, văn hóa sư phạm lành mạnh, thực sự là “cái nôi” để đào tạo ra đội ngũ cán bộ quân sự cấp phân đội “vừa hồng”, “vừa chuyên” của Quân đội.
Đặc biệt, cần tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, giảng viên, học viên hiểu sâu sắc rằng: những giá trị truyền thống tiêu biểu của Trường Sĩ quan Lục quân 1 là biểu hiện cụ thể của văn hóa giữ nước, bắt nguồn từ truyền thống của dân tộc Việt Nam, truyền thống vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam và truyền thống Anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ trong Nhà trường đều phải nhận thức, quán triệt sâu sắc và không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nhằm phát huy hơn nữa truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, “Bộ đội Lục quân” với những phẩm chất cao đẹp: trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; quyết chiến, quyết thắng, biết đánh, biết thắng; mưu trí, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu; kiên trì, bền bỉ, sáng tạo trong công tác và lao động; gắn bó mật thiết với nhân dân, đoàn kết chặt chẽ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; có tinh thần tương thân tương ái, tình đồng chí, đồng đội cao đẹp; thủy chung, son sắt, trọn nghĩa, vẹn tình với bạn bè quốc tế, v.v. Từ đó, không ngừng trau dồi phẩm chất cách mạng, bồi dưỡng năng lực và đạo đức, lối sống, củng cố niềm tin, xây dựng bản lĩnh, ý chí của người quân nhân cách mạng.
Hai là, đa dạng hóa các hình thức giáo dục, thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục truyền thống phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ và đối tượng; gắn công tác giáo dục các giá trị truyền thống với các cuộc vận động lớn của Nhà nước, Quân đội và các phong trào thi đua ở Nhà trường. Việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục truyền thống phải linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, sát với đặc điểm, lịch sử của Nhà trường qua từng giai đoạn. Trong khi khẳng định những giá trị truyền thống phải đi đôi với việc bổ sung, phát triển những giá trị mới tốt đẹp; kế thừa và phát huy tốt giá trị các di sản, làm cho giá trị truyền thống không ngừng được làm mới trong thực tiễn. Về phương pháp, cùng với giáo dục theo chương trình cơ bản, thường xuyên, cần chú trọng lồng ghép vào nội dung sinh hoạt, học tập của các tổ chức trong Nhà trường, trong từng bài giảng của giáo viên trên lớp; qua đó, làm cho các giá trị văn hóa truyền thống lan tỏa và thấm đẫm trong nhận thức, tình cảm của mỗi người trong Nhà trường; chống dàn trải, dập khuôn, máy móc, áp đặt và thiếu linh hoạt, thiếu sáng tạo, hiệu quả thấp.
Hiệu quả của công tác giáo dục truyền thống không chỉ dừng ở việc trang bị những tri thức lịch sử mà điều quan trọng hơn là nhằm từng bước chuyển hóa nhận thức, tư tưởng, tình cảm của các đối tượng thành sức mạnh nội sinh, tạo động lực to lớn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Hay nói cách khác, đi đôi với giáo dục, phải tổ chức các phong trào hành động cách mạng để biến nhận thức thành hành động. Vì vậy, phải luôn gắn công tác giáo dục truyền thống với các cuộc vận động của đất nước, Quân đội, các phong trào thi đua, các cuộc thi tìm hiểu và lồng ghép vào các hoạt động của tổ chức trong đơn vị, nhất là Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; “Xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh”, “Học giỏi, rèn nghiêm”, v.v.
Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng trong Nhà trường. Việc giáo dục và phát huy các giá trị truyền thống chỉ có thể đạt được hiệu quả khi có sự vào cuộc của các tổ chức, lực lượng trong Nhà trường dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất bằng các biện pháp đồng bộ. Trước hết, các tổ chức đảng, với vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ quan, khoa, đơn vị, phải quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị các cấp, coi trọng lãnh đạo giáo dục truyền thống và phát huy hiệu quả các giá trị truyền thống tiêu biểu của Nhà trường cũng như của Quân đội, đất nước. Với tổ chức chỉ huy và các tổ chức quần chúng, như: Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Phụ nữ, trên cơ sở nghị quyết của cấp trên và cấp mình, nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chương trình giáo dục truyền thống cụ thể, sát hợp và tổ chức thực hiện nghiêm nội dung đã xác định; đồng thời, phải đưa công tác này trở thành hoạt động thường xuyên trong các tổ chức, lực lượng. Qua đó để mỗi cán bộ, học viên, chiến sĩ thấm sâu và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong thực tiễn công tác.
Bốn là, kiên quyết đấu tranh loại bỏ các biểu hiện tiêu cực, nhận thức lệch lạc về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, cấp ủy, chỉ huy các cấp về nhiệm vụ giáo dục và phát huy các giá trị truyền thống. Trong thực tế, ở mỗi cơ quan, đơn vị, do tác động tiêu cực của mặt trái trong đời sống xã hội, nên không tránh khỏi có những nhận thức chưa đúng về nhiệm vụ giáo dục chính trị nói chung và giáo dục truyền thống nói riêng. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cùng với việc biểu dương, khen thưởng kịp thời những thành tích của các cá nhân, tập thể, cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ những tư tưởng lệch lạc, xem nhẹ giáo dục truyền thống hay những tư tưởng, nhận thức chưa thấu đáo, coi công tác này chỉ là việc làm của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, dẫn đến hiện tượng khoán trắng cho cơ quan, lực lượng này, làm hạn chế hiệu quả của công tác giáo dục truyền thống.
Từ thực tiễn, cả kết quả đạt được và những mặt hạn chế, trong thời gian tới, Trường Sĩ quan Lục quân 1 sẽ nghiên cứu, rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống nhằm mục tiêu làm cho biểu tượng “Trung hiếu, tiên phong, mẫu mực, quyết thắng” được phát huy trong điều kiện mới; trở thành động lực thúc đẩy cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên Nhà trường phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, xây dựng Nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực.
Thượng tá, ThS. LÊ VĂN TÁCH
Lục quân 1,giáo dục truyền thống
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc