Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 09/04/2012, 02:03 (GMT+7)
Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh

Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với bất kỳ lĩnh vực nào chỉ được phát huy cao nhất khi lĩnh vực đó được thể chế thành luật và được bảo vệ bởi quyền lực nhà nước. Giáo dục quốc phòng - an ninh là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, là con đường chủ yếu để giáo dục cho toàn dân về ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, xây dựng và ban hành Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh là đòi hỏi tất yếu của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đồng thời là yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Thực hiện Nghị quyết Quốc hội khóa XIII về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ năm 2012, Bộ Quốc phòng Ban hành Quyết định số 436/QĐ-BQP, ngày 14 tháng 02 năm 2011 về việc thành lập Ban soạn thảo Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN). Việc triển khai xây dựng Luật Giáo dục QP-AN dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn sau đây:

1- Cơ sở lý luận.    

Nhận thức là một quá trình, đồng thời là cơ sở của hành động và chỉ đạo hành động. Bằng lực lượng vật chất, tinh thần to lớn, nhân dân ta, dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã giành độc lập, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945; sau đó, đã đánh bại hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để bảo vệ nền độc lập. Lực lượng vật chất, tinh thần to lớn ấy không tự nhiên mà có. Sự thật là, trong quá trình chỉ đạo cách mạng, Đảng ta không ngừng tuyên truyền, giác ngộ cán bộ và quần chúng nhân dân về lòng yêu nước, yêu CNXH với những khẩu hiệu như: “Kháng chiến kiến quốc”, “Tay cày, tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”,v.v. Chính những khẩu hiệu đó đã trở thành những lời hiệu triệu và hun đúc tinh thần cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tư duy lý luận của Đảng về giáo dục quốc phòng còn được thể hiện bằng các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cụ thể. Năm 1961, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 219/CP trong đó xác định huấn luyện quân sự là một môn học chính trong nhà trường. Năm 1966, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ban hành Chương trình Huấn luyện quân sự thống nhất trong các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, với nội dung chủ yếu là truyền đạt, huấn luyện kiến thức quân sự phổ thông và kỹ năng quân sự cơ bản cho học sinh, sinh viên nhằm rút ngắn thời gian huấn luyện quân sự khi thanh niên nhập ngũ, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh.

Sau khi nước nhà được thống nhất, nhất là trong công cuộc Đổi mới, nhận thức, tư duy lý luận của Đảng về vai trò của giáo dục quốc phòng càng thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn. Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII), nêu rõ: “Tăng cường công tác giáo dục về quốc phòng cho toàn dân, trước hết là đối với cán bộ các ngành, các cấp của Đảng và Nhà nước”1. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ CNH,HĐH, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ra Chỉ thị số 62-CT/TW, ngày 12-02-2001 về Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trong tình hình mới. Đây là lần đầu tiên Đảng ta xác định giáo dục quốc phòng toàn dân là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân và chỉ rõ: “Phải định kỳ giáo dục sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành và thế hệ trẻ, làm cho mọi cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp, các ngành và nhân dân có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về việc xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân…”2. Và, trên cơ sở tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc XHCN, nhất là sự phát triển của mối quan hệ giữa QP-AN và đối ngoại, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới nêu rõ: “Thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ Tổ quốc, trước hết tập trung hoàn chỉnh pháp luật về quốc phòng, an ninh, đối ngoại”3. Tiếp đó, ngày 03-5-2007, Bộ Chính trị (khóa X) ra Chỉ thị số 12-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Chỉ thị nhấn mạnh: “Giáo dục quốc phòng, an ninh là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, việc phổ cập và tăng cường giáo dục quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, phải được chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng…,”4. Như vậy có thể thấy, tư duy lý luận của Đảng về giáo dục ý thức bảo vệ Tổ quốc cho cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên luôn có sự phát triển phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng, từ huấn luyện quân sự phổ thông cho học sinh, sinh viên, giáo dục quốc phòng đến giáo dục quốc phòng, an ninh cho toàn dân.

Mặt khác, chúng ta cũng cần thấy việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là đòi hỏi tất yếu của tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Hệ thống pháp luật trong Nhà nước đó thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân mà người đại diện là tổ chức chính trị được nhân dân thừa nhận - Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; do đó, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam còn là sự thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Xây dựng và củng cố nền QP-AN là công việc hệ trọng của quốc gia, dân tộc, liên quan đến sự an nguy, mất còn của đất nước. Điều đó có nghĩa là, quan điểm, đường lối QP-AN của Đảng, trong đó có công tác giáo dục QP-AN, phải được luật hóa để đảm bảo tính pháp lý, hiệu lực thi hành và phải được bảo vệ bởi quyền lực nhà nước.

Đó là những cơ sở lý luận quan trọng để Đảng và Nhà nước ta từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về QP-AN, trong đó có Luật Giáo dục QP-AN, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.

2- Cơ sở thực tiễn.

Trên thực tế, những năm gần đây, Đảng ta không ngừng chăm lo đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về QP-AN. Chỉ tính từ năm 2004 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã ban hành nhiều VBQPPL về QP-AN, trong đó có Luật An ninh quốc gia (năm 2004), Luật Quốc phòng (năm 2005), Luật Dân quân tự vệ (năm 2009). Về giáo dục QP-AN, thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị, nhất là Chỉ thị số 62-CT/TW, Chỉ thị số 12-CT/TW, cùng với đó là Nghị định số 15/2001/NĐ-CP, Nghị định 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ và nhiều văn bản khác, hơn 10 năm qua, công tác này đã đạt được kết quả rất quan trọng. Giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN đã được triển khai theo hướng cơ bản, toàn diện, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp được thành lập và đã phát huy tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giáo dục QP-AN. Nhờ công tác giáo dục QP-AN đi vào nền nếp, nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân về bảo vệ Tổ quốc có bước chuyển biến rõ nét; nền quốc phòng toàn dân, thế trận QP-AN ngày càng được củng cố và tăng cường. Kết quả đó đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước hội nhập và phát triển.

Tuy nhiên, qua tổng kết 10 năm thực hiện, công tác giáo dục QP-AN cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Các VBQPPL về giáo dục QP-AN chỉ dừng lại ở cấp nghị định của Chính phủ và các văn bản, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành. Do đó, tính pháp lý của chúng chưa cao, chế tài chưa đủ mạnh, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng chưa cụ thể, toàn diện... Vì thế, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong thực tiễn phải dùng đến thẩm quyền của tổ chức đảng, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, mặt trận Tổ quốc các cấp…, để tổ chức thực hiện. Đối tượng bồi dưỡng, giáo dục QP-AN mới được xác định ở các nhóm cơ bản, chủ yếu tập trung ở học sinh, sinh viên và cán bộ chủ trì các cấp. Lưu học sinh, cán bộ công tác ở nước ngoài; học sinh,    sinh viên các học viện, nhà trường tôn giáo, các trường do nước ngoài đầu tư tại Việt Nam; các  đối tượng trong các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp ngoài nhà nước, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, chủ hộ tàu (đội tàu, nghiệp đoàn), chủ xưởng (hợp tác xã); v.v chưa được xác định là đối tượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cụ thể. Công tác đảm bảo ngân sách và chế độ cho công tác giáo dục QP-AN chưa được chú trọng đúng mức, chưa có cơ sở huy động các nguồn lực trong xã hội để đi đến xã hội hóa công tác này. Chính vì vậy, cơ quan, địa phương nào nhận thức đúng vai trò của công tác giáo dục QP-AN thì việc dự toán ngân sách cho giáo dục QP-AN đảm bảo được  và ngược lại. Cùng với đó, do thiếu quy định chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giáo dục QP-AN, nên số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ này chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn, v.v.

Trong khi còn tồn tại những hạn chế nêu trên, thì yêu cầu giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN đòi hỏi ngày càng cao. Đất nước ta đã hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới trên hầu hết các lĩnh vực và đang từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhiều doanh nghiệp đã và đang có sự thay đổi về mô hình quản lý, hình thức sở hữu. Một số tổ chức, đơn vị, địa phương do ảnh hưởng từ mặt trái của kinh tế thị trường nên đã có biểu hiện chạy theo lợi ích trước mắt, không thấy được lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc.    

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế về công tác giáo dục QP-AN có nhiều, song nguyên nhân chủ yếu là vì các VBQPPL về giáo dục QP-AN chưa được thể chế thành luật, nên tính quy phạm thấp, tức là thiếu những quy tắc xử sự cụ thể mà chủ thể phải thực hiện. Tuy Chính phủ ban hành các nghị định, nhưng phần lớn các nghị định lại được giao cho bộ, ngành, địa phương hướng dẫn thực hiện. Thực tế này dẫn đến tình trạng thực hiện không kịp thời, thậm chí do phải qua văn bản của nhiều cấp nên tính minh xác, minh định thường cũng rất khó bảo đảm.

Với cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, đã đến lúc chúng ta phải ban hành Luật Giáo dục QP-AN nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục QP-AN; nâng cao quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc củng cố QP-AN, bảo vệ Tổ quốc. Qua một năm nghiên cứu lý luận và khảo sát thực tiễn, Ban soạn thảo Luật Giáo dục QP-AN đã tiến hành soạn thảo nội dung của dự thảo Luật gồm 9 chương, 48 điều, bảo đảm đúng quan điểm, đường lối, chính sách QP-AN của Đảng; đồng thời, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ và không chồng chéo, trùng lắp hoặc mâu thuẫn với các luật, đạo luật liên quan, cũng như bảo đảm tính kế thừa, phát triển. Trong quá trình xây dựng Luật, Ban soạn thảo luôn đề cao dân chủ, tranh thủ ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng luật giáo dục quốc phòng của một số nước. Hiện nay, Dự thảo Luật Giáo dục QP-AN đã được thông qua lần thứ ba, được gửi đến 85 cơ quan, tổ chức thuộc Trung ương, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 22 cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Quốc phòng và được hội thảo tại 14 đơn vị. Bộ Quốc phòng đã hoàn chỉnh hồ sơ Dự thảo Luật Giáo dục QP-AN chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định. Với đầy đủ các trình tự đó, Dự thảo Luật Giáo dục QP-AN sẽ được Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII xem xét. Tuy vậy, việc ban hành Luật Giáo dục QP-AN chỉ mới là điều kiện cần; vấn đề quan trọng hơn là  Luật phải được các cấp, các ngành và toàn dân thi hành nghiêm túc. Chỉ khi đó, Luật Giáo dục QP-AN mới có giá trị thực tế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với nhiệm vụ củng cố nền QP-AN, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trung tướng HOÀNG CHÂU SƠN

Cục trưởng cục Dân quân tự vệ, BTTM

         

1 - Văn kiện Đảng - Toàn tập, Tập 52, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 227.

2, 4 - Bộ Tổng tham mưu - Cục Dân quân tự vệ - Hệ thống văn bản hiện hành về công tác quốc phòng, dân quân tự vệ và công tác giáo dục quốc phòng ở các bộ, ngành và các địa phương,  Nxb QĐND, H. 2005, tr. 17. 

3 - Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương - Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám BCHTƯ Đảng khóa IX, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 58.


 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.