Thứ Năm, 24/04/2025, 11:56 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020, xác định: “Trước mắt, thực hiện mô hình tổ chức cơ quan điều tra theo pháp luật hiện hành. Nghiên cứu chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới tổ chức lại các cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối”. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện việc tổ chức cơ quan điều tra theo yêu cầu cải cách tư pháp.
Chế định Cơ quan điều tra (CQĐT) Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân luôn có trong pháp luật Tố tụng hình sự (TTHS) Việt Nam. CQĐT của VKS nhân dân là cơ quan chuyên trách trong hệ thống CQĐT hình sự. Bộ luật TTHS năm 2003, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 quy định tổ chức và thẩm quyền CQĐT của VKS nhân dân tối cao: CQĐT của VKS nhân dân tối cao gồm CQĐT VKS nhân dân tối cao được tổ chức tại VKS nhân dân tối cao và CQĐT VKS Quân sự Trung ương được tổ chức tại VKS Quân sự Trung ương, có thẩm quyền “Điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp”1. Điều 18 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 nêu rõ: CQĐT VKS Quân sự Trung ương điều tra các vụ án hình sự về một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
Nghị quyết 64/2013/QH13, ngày 28-11-2013 của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quy định các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS năm 2003, Luật Tổ chức VKS nhân dân năm 2002 và ban hành Luật Tổ chức điều tra hình sự.
Một vấn đề còn có ý kiến khác nhau khi nghiên cứu sửa đổi, bổ sung bộ luật, luật nêu trên đó là chế định CQĐT VKS nhân dân. Khi nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013, chúng tôi thấy cần thiết phải có chế định CQĐT của VKS nhân dân trong Bộ luật TTHS, Luật Tổ chức VKS nhân dân và Luật Tổ chức điều tra hình sự vì các lý do cơ bản sau đây:
Thứ nhất, việc tổ chức CQĐT ở VKS nhân dân và giao cho cơ quan này có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ cơ quan tư pháp xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của VKS nhân dân: “VKS nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”2. Thực hành quyền công tố là các hoạt động TTHS của VKS nhân dân để thực hiện quyền buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội nhằm bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Hoạt động điều tra luôn gắn liền với hoạt động công tố của VKS trong TTHS. Với tư cách là cơ quan thực hành quyền công tố, VKS là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về việc truy tố người phạm tội ra trước Tòa án. Các CQĐT dù được tổ chức ở bộ, ngành nào cũng nhằm phục vụ công tố, giúp cơ quan công tố truy tố vụ án và buộc tội người phạm tội trước Tòa án. Mặt khác, VKS nhân dân có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm cho hoạt động tư pháp thực hiện đúng pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh. Trong khi thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp, VKS nhân dân có ưu thế trong việc phát hiện các vi phạm, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và bảo đảm khách quan trong việc xử lý. Thực tiễn gần 55 năm hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân đã chứng minh, công tác điều tra tội phạm của VKS nhân dân là một trong những mặt công tác quan trọng, cần thiết, là cơ sở để bảo đảm cho VKS nhân dân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống loại tội phạm đặc biệt, nguy hiểm, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Thứ hai, chủ thể của tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp chủ yếu là cán bộ trong các cơ quan tư pháp, những người có kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu pháp luật, có khả năng che giấu hành vi phạm tội trước, trong và sau khi thực hiện tội phạm. Đồng thời, chống đối quyết liệt hoặc lợi dụng thân quen với cán bộ cơ quan tư pháp để mong được sự bao che, xử lý nhẹ khi bị phát hiện. Tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp phát sinh trong hoạt động tư pháp và xảy ra trong chính các cơ quan tư pháp nên công tác phát hiện, điều tra, xử lý loại tội phạm này rất phức tạp. Trong tiến trình cải cách tư pháp, chất lượng hiệu quả, hoạt động của các cơ quan tư pháp ngày càng được nâng lên; đội ngũ cán bộ tư pháp được củng cố, tăng cường về số lượng, bảo đảm chất lượng, thường xuyên được bồi dưỡng cả về chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, thực trạng nền tư pháp nước ta còn có những hạn chế, tồn tại. Đáng chú ý là, một số cán bộ tư pháp do không tự giác rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lập trường tư tưởng, bản lĩnh, trách nhiệm nghề nghiệp,… nên nảy sinh tiêu cực khi thực hiện nhiệm vụ dẫn đến phạm tội. Từ năm 2005 đến năm 2013, CQĐT của VKS nhân dân tối cao đã phát hiện, tiếp nhận 4.311 thông tin về tội phạm, trong đó có 768 tố giác, tin báo về loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. CQĐT VKS Quân sự Trung ương phát hiện, tiếp nhận 174 thông tin về tội phạm, trong đó có 40 tố giác, tin báo về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Từ các thông tin đó, các CQĐT của VKS nhân dân đã khởi tố 239 vụ/311 bị can; trong đó, tội xâm phạm hoạt động tư pháp là 103 vụ/133 bị can (43,09%), còn lại là các tội phạm tham nhũng, thiếu trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền,… trong hoạt động tư pháp. Kết quả hoạt động của CQĐT của VKS nhân dân góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; thông qua việc điều tra các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, kinh nghiệm, kỹ năng, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ CQĐT của VKS nhân dân được nâng lên. Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của CQĐT của VKS nhân dân luôn đảm bảo tính khách quan, triệt để, hiệu quả, đúng pháp luật và có ý nghĩa to lớn, góp phần bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động của các cơ quan tư pháp và làm trong sạch đội ngũ cán bộ tư pháp.
Thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, CQĐT của VKS nhân dân đã được thu gọn đầu mối, hiện chỉ tổ chức ở cấp Trung ương. Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo củng cố tổ chức, tăng cường năng lực cho CQĐT của VKS nhân dân. Ngày 16-8-2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết 522e/NQ-UBTVQH13 cho phép bổ sung thêm biên chế và tăng số lượng Điều tra viên cho CQĐT VKS nhân dân tối cao. Nghị quyết 640/NQ-UBTVQH13 ngày 29-7-2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa 13) phê chuẩn việc đổi tên gọi của Cục điều tra VKS nhân dân tối cao thành Cục điều tra CQĐT VKS nhân dân tối cao. Đối với Quân đội, ngày 02-4-2013, Quân ủy Trung ương có chủ trương: “Nghiên cứu xây dựng đề án đổi mới tổ chức hoạt động của CQĐT VKS Quân sự Trung ương. Xây dựng CQĐT, cán bộ, Điều tra viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiện đại, luôn đề cao tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và cải cách tư pháp”3. Trong Báo cáo Tổng kết 30 năm đổi mới CQĐT, Thi hành án hình sự trong Quân đội, Bộ Quốc phòng đề nghị: Giữ nguyên mô hình tổ chức CQĐT VKS Quân sự Trung ương như hiện nay. Đề xuất tổ chức các bộ phận điều tra ở ba miền Bắc, Trung, Nam và bộ phận nghiệp vụ, bộ máy giúp việc CQĐT, nhằm tăng cường lực lượng cho công tác phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và điều tra vụ án4.
Thứ ba, tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới, nhiều quốc gia, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Đức,… đều quy định VKS/Viện Công tố có CQĐT, thẩm quyền điều tra đối với một số loại tội phạm. Một số quốc gia chọn giải pháp tổ chức CQĐT chuyên biệt, độc lập trong VKS/Viện Công tố để điều tra những tội phạm cụ thể. Đây cũng là một trong những cơ sở để chúng ta nghiên cứu, tham khảo, vận dụng khi tổ chức lại các CQĐT theo hướng thu gọn đầu mối và xây dựng các bộ luật, luật nêu trên.
Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp cần tiếp tục quy định chế định CQĐT của VKS nhân dân trong Bộ luật TTHS, Luật Tổ chức VKS nhân dân, Luật Tổ chức điều tra hình sự; giữ nguyên mô hình tổ chức, thẩm quyền điều tra của CQĐT của VKS nhân dân như hiện nay, tăng cường năng lực cho CQĐT VKS nhân dân tối cao và CQĐT VKS Quân sự Trung ương. Đồng thời, Luật Tổ chức điều tra hình sự cần quy định cụ thể về bộ máy CQĐT của VKS nhân dân, về loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp, để đảm bảo tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan này, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Đại tá MAI VĂN MINH, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương _______________
1 - Khoản 3, Điều 110 Bộ luật TTHS năm 2003.
2 - Khoản 1, Điều 107 Hiến pháp năm 2013.
3 - Đề án 194, ngày 02-4-2013 của Quân ủy Trung ương.
4 - Báo cáo 1062/BC-BQP, ngày 13-02-2014 của Bộ Quốc phòng về Tổng kết quá trình đổi mới CQĐT, Cơ quan thi hành án hình sự trong Quân đội.
cải cách,tư pháp,điều tra,kiểm sát
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay 24/04/2025
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo 16/04/2025
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1 14/04/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm 26/03/2025
Bàn về tạo, lập thế trận quân sự trong tác chiến phòng thủ quân khu 20/03/2025
Về tổ chức, sử dụng lực lượng đánh trận then chốt, chiến dịch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 17/03/2025
Mấy vấn đề về “xây dựng điểm” công tác kỹ thuật toàn quân 13/03/2025
Một số vấn đề về công tác tuyên truyền đặc biệt của Quân đội hiện nay 10/03/2025
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả đấu tranh của lực lượng tác chiến thông tin, Bộ Tư lệnh 86 28/02/2025
Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở trong nhà trường Quân đội hiện nay 20/02/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay