Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:09 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Chiến tranh tương lai (nếu xảy ra) với sự phát triển mạnh mẽ của vũ khí, trang bị và robot có ứng dụng trí tuệ nhân tạo, sẽ làm thay đổi đáng kể hình thái, quy luật và phương thức tiến hành chiến tranh so với chiến tranh “truyền thống”. Đây là vấn đề mới, quan trọng, cần sớm được quan tâm nghiên cứu.
Trí tuệ nhân tạo - AI là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính, do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh và có được trí tuệ như con người. Hiện tại, trí tuệ nhân tạo không phải là vấn đề xa lạ, mà đã, đang là công nghệ mũi nhọn chiến lược trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, trong quân sự, chúng đang được phát triển ngày càng hoàn thiện và ứng dụng nhiều trong thực tiễn. Bên cạnh việc tạo ra các loại vũ khí thông minh hóa, trí tuệ nhân tạo còn thể hiện vai trò quan trọng trong các tiến trình phức tạp của chiến tranh, như: đánh giá tình hình, xử lý thông tin, chỉ huy điều hành, hỗ trợ quyết sách, tăng cường hệ thống tác chiến tự động, v.v. Điều đó sẽ tác động toàn diện tới các mặt hoạt động, có thể làm thay đổi căn bản quy luật, phương thức tiến hành chiến tranh tương lai. Để có cách nhìn toàn diện, cần nhận thức rõ những đặc trưng chủ yếu của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự, được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau:
1. Trang bị vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo trở thành trang bị vũ khí tác chiến chủ yếu. Thực tế trong những cuộc chiến tranh gần đây (chiến tranh Vùng Vịnh, chiến tranh Kosovo và chiến tranh Afghanistan) cho thấy, các loại vũ khí, trang bị, robot quân sự sử dụng trí tuệ nhân tạo được đưa vào chiến đấu ngày càng nhiều và từng bước khẳng định vai trò quan trọng của nó trên các chiến trường. Với xu thế đó, nhiều loại robot tác chiến trên các môi trường đang được một số cường quốc quân sự nghiên cứu, phát triển và đưa vào biên chế, như: máy bay không người lái - UAV, thiết bị không người lái dưới nước - AUV, vệ tinh gián điệp, v.v. Đặc điểm cơ bản nhất của các loại robot trang bị AI này là có “bộ não” gần giống con người, có khả năng “tư duy, phán đoán nhất định” và có thể tự động tiến hành nhiều công việc trong môi trường phức tạp theo cách con người đã cấy vào nó. Ngoài chức năng trinh sát, tìm kiếm, chúng còn thực hiện cả chức năng tiến công mục tiêu hoặc làm mồi nhử, nghi binh, gây nhiễu hay tiến công kiểu khủng bố. Tương lai gần, với sự phát triển của công nghệ nano, các robot hay vũ khí quân sự có trí tuệ nhân tạo sẽ được chế tạo với kích thước rất nhỏ, nên khả năng che giấu bí mật và đánh lừa rất cao; có thể được “cài, cắm” trong các cơ quan trọng yếu của đối phương để thường xuyên đánh cắp thông tin tình báo; khi cần thiết, có thể điều khiển cho những thiết bị này phát nổ. Mặt khác, do vũ khí nano nhỏ, gọn, dễ vận chuyển, triển khai nên chỉ cần 01 máy bay không người lái hoặc 01 quả tên lửa hành trình có thể đưa hàng vạn robot nano đến bên sườn hoặc trên bầu trời đối phương (tương đương với triển khai 01 quân đoàn có sức chiến đấu cực mạnh) để tiến công bất ngờ, nên khả năng uy hiếp và phá hoại là vô cùng lớn.
2. Tác chiến sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể trở thành phương thức tác chiến chủ đạo. Cùng với sự hoàn thiện về công nghệ và kinh nghiệm sử dụng trong thực tiễn chiến đấu, phương thức tác chiến trí tuệ nhân tạo đã được nghiên cứu và ngày càng phát triển. Điển hình là khái niệm tác chiến “bầy đàn”, “sát thương dạng phân tán” do quân đội Mỹ nghiên cứu phát triển. Đặc điểm cơ bản của phương thức tác chiến này là sử dụng số lượng lớn hỗn hợp hệ thống máy bay không người lái với tính năng, tác dụng khác nhau; tổ chức thành các nhóm tác chiến kết hợp các thủ đoạn: nghi binh, gây nhiễu điện tử, tiến công mạng, giáng đòn hỏa lực, v.v. Nhóm vũ khí, trang bị này căn cứ theo yêu cầu nhiệm vụ, hoàn cảnh chiến trường và đặc điểm mục tiêu để phân công nhiệm vụ một cách thông minh giữa các hệ thống tác chiến không người lái khác nhau, sau đó hiệp đồng tấn công “tổng lực” hoặc “phân tán” trên nhiều hướng làm cho khả năng phòng ngự của đối phương không đủ để ứng phó. Thực tiễn cuộc chiến tranh giữa Azerbaijan và Armenia cho thấy, phương thức tấn công “bầy đàn” đã được Azerbaijan áp dụng và thu được thắng lợi. Theo đó, Azerbaijan đã cải tiến 11 máy bay cũ thành máy bay không người lái làm mồi nhử, bay vào không phận Nagony - Karabakh khiến lực lượng phòng không Armenia phải khai hỏa dẫn đến lộ vị trí đóng quân và nhanh chóng bị bầy đàn UAV hiện đại khác tiến công tiêu diệt. Hiện nay, mặc dù phương thức tác chiến trí tuệ nhân tạo vẫn đang được nghiên cứu, phát triển, nhưng theo nhận định của các chuyên gia quân sự thì đây là phương thức tác chiến có rất nhiều tiềm năng cần khai phá; tương lai có thể trở thành phương thức tác chiến chủ đạo.
3. Sử dụng trí tuệ nhân tạo cho việc ra quyết sách chỉ huy điều hành tác chiến. Trước tình thế chiến trường thông tin thay đổi nhanh chóng, lượng dữ liệu thông tin tác chiến lớn, liên quan chặt chẽ với nhau, nếu chỉ dựa vào con người để nhận biết sẽ ngày càng khó khăn, thậm chí là bất khả thi. Do đó, phương pháp và thủ đoạn quyết sách chỉ huy điều hành truyền thống ngày càng khó thích ứng với nhu cầu của chiến tranh thông tin hóa. Trong khi đó, công nghệ xử lý dữ liệu trí tuệ nhân tạo có ưu thế vượt trội trong tìm kiếm, lưu trữ, tính toán, khai thác nguồn dữ liệu khổng lồ, đặc biệt là thích ứng với xử lý các loại dữ liệu mục tiêu từ hình ảnh vệ tinh, tín hiệu ra đa. Trí tuệ nhân tạo có thể chuyển hóa nhanh chóng lượng dữ liệu khổng lồ thành thông tin quân sự, cung cấp cho sĩ quan và binh sĩ các cấp khiến việc quyết sách khoa học hơn, phản ứng nhanh chóng hơn, hành động hiệu quả hơn. Với tính ưu việt đó, trí tuệ nhân tạo đã, đang được các nước lớn trên thế giới nghiên cứu, trang bị cho hệ thống quản lý thông tin quân sự, mạng hóa dùng trong chỉ huy, điều hành và hỗ trợ quyết sách thông minh hóa,… được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Theo nhiều nguồn tin gần đây, Mỹ đã nghiên cứu chế tạo một loại robot sử dụng trí tuệ nhân tạo có tên gọi là “Nhà chiến lược”, thông qua hệ thống máy vi tính, liên tục thu thập và phân tích các tư liệu tình báo lấy từ vệ tinh, máy bay trinh sát, ra đa và các biện pháp thám trắc để phân tích, tổng hợp, lựa chọn các giải pháp tối ưu giúp người chỉ huy tham khảo, ra quyết sách.
Như vậy, với sự phát triển của khoa học - công nghệ quân sự, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thì việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực quân sự vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Hiện nay, các cường quốc quân sự, như: Mỹ, Nga, Trung Quốc đều coi trí tuệ nhân tạo là công nghệ mũi nhọn chiến lược ứng dụng vào lĩnh vực quân sự, từ đó nhanh chóng nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí, trang bị thông minh hóa, thông qua triển khai cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự, để chiếm ưu thế trong các cuộc chạy đua vũ trang. Trong tương lai gần, trí tuệ nhân tạo có thể được ứng dụng rộng rãi trong quân sự. Khi đó, tính năng, hiệu quả tác chiến của vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự có trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi, mang tính bước ngoặt cả phương thức tác chiến và hình thái chiến tranh. Đó, là điều mà các học giả quân sự thế giới đang dự báo và xa hơn nữa, họ cho rằng: nguy cơ của thế chiến thứ ba sẽ do trí tuệ nhân tạo gây ra? Vấn đề này, đã được một số nguyên thủ quốc gia và nhiều chiến lược gia quân sự các nước dự báo về xu thế đó. Nhất là, khi các vũ khí robot có khả năng tự hoạt được phổ biến rộng rãi và với mức tự hoạt rất khác nhau. Chúng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh, hoặc biến cố lớn một cách ngẫu nhiên, dẫn tới một hiểm họa cho xã hội. Điều đáng ngại hơn, do tính tự hoạt, nên các AI có khả năng phát đi một cảnh báo giả, thúc giục các quốc gia tham chiến, nhằm giành lợi thế, ngay cả khi họ không hề có ý định thực hiện.
Nhận thức rõ điều đó và với quan điểm: đây là thời điểm mang tính lịch sử, cần hành động theo tinh thần “bây giờ hoặc không bao giờ”, ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/2021/QĐ-TTg về “Ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Từ những nghiên cứu thực tiễn và dự báo chiến tranh tương lai cho thấy, bên cạnh con người là nhân tố quyết định thì trí tuệ nhân tạo có thể trở thành nhân tố quan trọng để giành thắng lợi. Vì thế, chúng ta cũng cần chuẩn bị tốt mọi mặt, cả về vật chất và tinh thần ngay từ thời bình, để sẵn sàng đánh thắng mọi cuộc chiến tranh kể cả chiến tranh sử dụng vũ khí, trang bị có trí tuệ nhân tạo - như “Cây nhiệt đới” của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây. Muốn thế, cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, sớm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 127/2021/QĐ-TTg, ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung nguồn lực thực hiện đồng bộ ba trụ cột để thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo là: giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và thông tin truyền thông.
Hai là, chú trọng đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cải tiến, chế tạo vũ khí và các thiết bị quân sự có ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là các vũ khí, trang bị cảnh báo từ sớm, phòng thủ từ xa.
Ba là, thường xuyên nắm chắc sự phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào vũ khí trang bị, robot quân sự cũng như những thay đổi về quan điểm tác chiến trong chiến tranh của các nước trên thế giới; trên cơ sở đó, nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật, kết hợp với chiến thuật để phòng, chống và sẵn sàng đối phó hiệu quả với các vũ khí, phương tiện hay robot của đối phương có ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Bốn là, quản lý, bảo quản và kiểm tra chặt chẽ, đúng quy trình các vũ khí, trang bị, robot quân sự có ứng dụng trí tuệ nhân tạo; tránh việc tự hoạt ngẫu nhiên gây ra những tình huống tác chiến khó lường không định trước.
Năm là, tích cực hợp tác quốc tế trong việc phối hợp đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào vũ khí trang bị quân sự.
Sáu là, làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong hoạt động quân sự nói riêng, chiến tranh tương lai nói chung để phòng, tránh và đánh thắng mọi cuộc chiến tranh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Trên đây là một số nhận thức và giải pháp bước đầu về trí tuệ nhân tạo và chiến tranh trí tuệ nhân tạo, xin được trao đổi cùng bạn đọc.
Đại tá, TS. HUỲNH MINH CHIẾN, Quân chủng Phòng không - Không quân
Chiến tranh,trí tuệ nhân tạo,khoa học máy tính,vũ khí tác chiến
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc