Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Ba, 22/06/2021, 07:50 (GMT+7)
Chiến tranh phức hợp và hàm ý chính sách quốc phòng

Chiến tranh phức hợp - một dạng chiến tranh mới, khó nhận biết và rất nguy hiểm. Vì vậy, nghiên cứu, phân tích, đánh giá loại hình chiến tranh đặc biệt này làm cơ sở cho việc đề xuất, hoạch định đường lối, chiến lược, sách lược phòng, chống là rất cần thiết.

Về chiến tranh phức hợp

Tướng Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga đã nghiên cứu các biến động chính trị - xã hội ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi, sự kiện mà phương Tây gọi là “Mùa xuân Ả Rập”, nhận thấy vai trò quan trọng của các phương tiện phi quân sự trong hoạt động quân sự, đặt chính trị và xung đột vũ trang vào cùng một phạm trù, xóa bỏ ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, trên cơ sở đó đã đưa ra quan niệm về chiến tranh phức hợp1. Thực tiễn đã minh chứng, nước Nga thực hiện chiến lược cạnh tranh phi truyền thống, chống lại đối phương, nhất là đối phương mạnh hơn thông qua các công cụ công nghệ mới. Để ngăn chặn sự lan rộng của các cuộc cách mạng màu tới nước Nga và các nước có chế độ thân thiện với Điện Kremlin, Moscow thực hiện chặn mạng xã hội, sử dụng mạng truyền thông vạch trần âm mưu, thủ đoạn đánh đòn tâm lý vào đối phương ngay thời kỳ đầu chiến tranh; chú trọng hai yếu tố chính: “hành động hạn chế” và “phòng thủ tích cực”. Nghiên cứu về cách thức tiến hành của Nga, Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA) cũng coi đó là cuộc chiến tranh phức hợp và khẳng định nước Nga đã và đang áp dụng các phương tiện chiến tranh thông thường và phi thông thường để tiến hành một cuộc cạnh tranh chiến lược, nhằm đạt được chương trình nghị sự của mình. Một nghiên cứu khác cho rằng, thuật ngữ chiến tranh phức hợp ban đầu được dùng để chỉ các tác nhân phi nhà nước có năng lực quân sự tiên tiến, như: trong cuộc chiến Israel - Lebanon (năm 2006), Hezbollah đã sử dụng chiến tranh du kích, công nghệ sáng tạo, thông tin,... để chống lại Israel. Đây là cơ sở để năm 2007, nhà khoa học quân sự người Mỹ (Frank Hoffman) mở rộng thuật ngữ “mối đe dọa lai” và “chiến tranh phức hợp” mô tả việc sử dụng nhiều chiến thuật cùng một lúc nhằm chống lại đối phương.

Như vậy, mặc dù chưa thống nhất về nội hàm, song đa số các quan niệm đều cho rằng, chiến tranh phức hợp là cuộc chiến “tổng lực” ở tất cả lĩnh vực, do một hoặc nhiều nước tiến hành đối với một hoặc một số quốc gia; có sự kết hợp đa dạng giữa các phương tiện chiến tranh truyền thống và phi truyền thống, ở nhiều quy mô; trong đó, chiến tranh kinh tế, thông tin, tâm lý, không gian mạng, bạo loạn lật đổ, khủng bố đóng vai trò quan trọng. Từ những nghiên cứu trên, có thể rút ra một số đặc tính chủ yếu về “Chiến tranh phức hợp”:

1. Cuộc chiến tranh “tổng lực” trên tất cả lĩnh vực; trong đó, chiến tranh thông tin được các bên sử dụng một cách rộng rãi, triệt để. Với việc tận dụng sự phát triển về thông tin, khai thác các lỗ hổng công nghệ thông tin, các bên tiến hành tiến công mạnh mẽ trên môi trường mạng, tạo sự hỗn loạn thông tin từ các mục tiêu, như: ngân hàng, doanh nghiệp, các tổ chức học thuật, cơ quan chính phủ, các cơ sở hạ tầng trọng yếu của quốc gia, v.v. Để làm suy yếu đối phương, chiến tranh thông tin còn gồm cả các hoạt động “không gian lai”, như: gây nhiễu tín hiệu hệ thống định vị toàn cầu (GPS), truyền tín hiệu GPS giả, thông qua việc tung ra một lượng lớn tin tức giả mạo tác động tiêu cực đến dư luận ở những thời điểm quan trọng (bầu cử, xây dựng hiến pháp, chính phủ công bố thực hiện một số quyết định có tác động trực tiếp đến lợi ích quốc gia, dân chúng, v.v). Đồng thời, các cuộc tiến công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) cũng có thể được thực hiện nhằm vào các trang web của chính phủ để ngăn công chúng truy cập thông tin chính xác, v.v. Trên thực tế, thời gian qua các tổ chức khủng bố cực đoan đã lợi dụng Internet, nhất là mạng xã hội để triển khai các hoạt động: tình báo, tuyển mộ, động viên rộng khắp,... và đã đạt hiệu quả nhất định. Hiện nay, chiến tranh thông tin đã, đang được các bên, chủ yếu là các bên có tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, cạnh tranh chiến lược về kinh tế, chính trị, quân sự,… tích cực sử dụng nhằm cáo buộc nhau vi phạm các điều ước quốc tế nói chung, các điều ước song phương nói riêng, thậm chí còn vu cáo đối phương vi phạm các tiêu chuẩn do mình đặt ra, v.v. Để minh chứng, tạo niềm tin trong dân chúng của đối phương, họ còn sử dụng công nghệ dàn dựng các đoạn video - clip làm bằng chứng rồi tung lên mạng pha loãng thông tin, định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng ngược.

2. Cưỡng bức về chính trị và kinh tế, làm xói mòn sức mạnh kinh tế của đối phương là hành động được vận dụng khá phổ biến. Điển hình là, Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Để đáp trả, Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực thương mại và tài chính, định hướng lại châu Âu về các nguồn mua khí đốt thay thế, kích thích các nhà khoa học, các chuyên gia có trình độ cao rời khỏi Nga, di cư sang Mỹ hoặc các nước tiên tiến khác. Đồng thời, đẩy mạnh chính sách tuyên truyền chống nhà nước Nga, thúc đẩy sự thất vọng của dân chúng Nga đối với chính sách của Chính phủ, làm suy yếu niềm tin của người dân vào hệ thống bầu cử Nga, kích động các cuộc biểu tình và các hoạt động chống đối ở Nga, v.v. Tương tự với Trung Quốc, Mỹ cùng phương Tây cáo buộc nước này sử dụng chính sách ngoại giao gài bẫy rồi lôi kéo các nước tham gia Sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường”; chỉ rõ âm mưu gia tăng sự lệ thuộc của các nước vào Trung Quốc, tối đa hóa lợi ích cho Trung Quốc; đồng thời, thực hiện tổng thể các biện pháp nhằm xói mòn sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, v.v.

3. Có sự tương tác giữa hoạt động quân sự và dân sự trong cùng một thời điểm. Đặc tính này được biểu hiện rất rõ ở hoạt động của một số cường quốc, nhất là cường quốc quân sự tại các điểm nóng trên thế giới, như: Syria, Afghanistan, khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Đông Âu, đặc biệt trên Biển Đông những năm gần đây. Để đạt được mục tiêu địa chiến lược của mình, một số cường quốc gia tăng các hoạt động: quân sự, chính trị, ngoại giao và kinh tế; trong đó, những hoạt động quân sự đã được dân sự hóa, hòng đánh lừa dư luận, cộng đồng quốc tế. Hiện thực hóa mục tiêu, mục đích của mình trên Biển Đông, các cường quốc đều triệt để áp dụng chiến tranh phức hợp ở cả cấp độ chiến thuật và chiến lược với mọi quy mô. Ở cấp chiến thuật, họ sử dụng chiến thuật “bắp cải”, “vùng xám”, “bảo vệ tự do hàng hải”, v.v. Ở cấp chiến lược, họ thực hiện “cắt lát xúc xích”, “vành đai, con đường”, “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở”; “Chính sách hướng Đông”, “Lập vùng nhận dạng phòng không - ADIZ”, v.v. Tóm lại, thực hiện chiến tranh phức hợp, các cường quốc cũng như các nước “nhỏ, yếu”, đang phát triển sẽ triển khai tất cả lực lượng: thông thường và phi thông thường cùng một lúc, trên mọi môi trường, lĩnh vực, tạo sức mạnh tổng hợp tại một “điểm nóng” nhằm áp đảo đối phương để đạt được mục đích của mình.

Hàm ý chính sách quốc phòng

Chiến tranh phức hợp là một hiện tượng khá mới trong lịch sử nhân loại; nó có sức tàn phá sâu xa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi nền tảng xã hội. Hiệu quả của chiến tranh phức hợp đến đâu còn phụ thuộc rất lớn vào sức mạnh tổng hợp, tình hình nội bộ cùng với sự ưu việt của chế độ chính trị ở quốc gia được xem là đối tượng tác chiến. Trong thời đại phát triển của công nghệ, việc sử dụng kết hợp công nghệ số và cuộc chiến thông tin trên Internet càng làm cho vấn đề này trở nên phức tạp hơn, nhất là khi không gian mạng đang trở thành “không gian chiến lược mới”, “vùng lãnh thổ đặc biệt” gắn chặt với các chủ quyền về đất liền, biển, đảo, trên không, v.v. Bởi vậy, mỗi quốc gia trong cuộc chiến đặc biệt này cần có các bước đi chủ động, có chiến lược, sách lược ngăn chặn hiệu quả các kịch bản của chiến tranh phức hợp. Coi trọng giữ vững nền tảng tư tưởng và định hướng công chúng theo chủ trương, chính sách của chính quyền đương nhiệm. Một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu và cần thiết là tăng cường cung cấp thông tin chính xác, ngăn chặn việc phổ biến thông tin sai lệch, thiết lập các kênh để làm rõ các tin đồn, tin không chính thống, tin giả, v.v. Tập trung nguồn lực, xây dựng lực lượng tổng hợp nhất là lực lượng thông tin mạng đủ mạnh để bảo vệ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, bí mật quốc gia; thường xuyên đánh giá kết quả hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về vấn đề này, đặc biệt coi trọng vai trò của công tác tư tưởng, định hướng dư luận.

Về cơ bản chiến tranh phức hợp do các thế lực cường quyền tiến hành có chủ đích, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là các nước “nhỏ, yếu”, đang phát triển không thể sử dụng loại hình chiến tranh này. Thực tiễn những năm qua, có một số nước được cho là có tiềm lực tổng hợp hạn chế, nhưng đã áp dụng hình thái chiến tranh này một cách linh hoạt, hiệu quả, khiến một số cường quốc, kể cả cường quốc quân sự cũng phải lo ngại, đầu tư tìm giải pháp bảo vệ lợi ích  của mình. Bởi vậy, mỗi quốc gia, nhất là những quốc gia “nhỏ, yếu” phải xây dựng cho mình một chiến lược phòng thủ chủ động, có nhiều giải pháp sát thực để vô hiệu hóa loại hình chiến tranh này. Nhận diện và đánh giá một cách đúng đắn, toàn diện những tác động, ảnh hưởng, nguy cơ từ cuộc chiến đó đến lợi ích, an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc; có đối sách kịp thời, chủ động, khôn khéo, sẵn sàng tiến hành “chiến tranh phức hợp đối phó với chiến tranh phức hợp”.

Đối với nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo truyền thống, nghệ thuật quân sự Việt Nam, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đường lối chiến tranh nhân dân thời hiện đại. Phát huy sức mạnh tổng hợp trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội, như: kinh tế, quân sự, khoa học, công nghệ, môi trường, văn hóa, xã hội, v.v. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân; quan tâm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết đoàn kết trong Đảng, trong hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở đó, tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân”; quan hệ đối ngoại tích cực, chủ động, linh hoạt và cân bằng, tạo sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong điều kiện mới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, nhất là khoa học quân sự đã xuất hiện một số loại hình chiến tranh mới, trong đó có chiến tranh phức hợp. Để đối phó thắng lợi với loại hình chiến tranh này, cần đẩy mạnh nghiên cứu nhận biết chính xác, kịp thời đưa ra quyết sách bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN VĂN OANH, Cục trưởng Cục Nhà trường
__________________

1 - Báo Military - Industrial Kurier (Nga) - The evolution of Russian hybrid warfare: Introduction (Sự phát triển chiến tranh phức hợp của Nga: Giới thiệu), https://cepa.org/, ngày 29/01/2021.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.