Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 22/05/2017, 07:47 (GMT+7)
Bồi dưỡng, rèn luyện phong cách công tác cho cán bộ hậu cần trung đoàn theo phong cách Hồ Chí Minh

Bồi dưỡng, rèn luyện phong cách công tác cho đội ngũ cán bộ hậu cần nói chung, cán bộ chủ chốt ban hậu cần trung đoàn bộ binh nói riêng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng để nâng cao chất lượng công tác bảo đảm hậu cần ở các đơn vị cơ sở trong toàn quân.

Cán bộ chủ chốt ban hậu cần trung đoàn bộ binh là người chỉ huy trực tiếp cơ quan hậu cần trung đoàn, có chức năng tham mưu giúp Đảng ủy, chỉ huy đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo công tác hậu cần và hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị bảo đảm công tác hậu cần cho các nhiệm vụ. Để đội ngũ cán bộ này hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, cần phải bồi dưỡng, rèn luyện về mọi mặt; đặc biệt là phong cách công tác theo phong cách Hồ Chí Minh.

Những năm qua, cấp ủy, chỉ huy và cơ quan chức năng ở các trung đoàn bộ binh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện khá tốt vấn đề này. Từ thực tiễn thấy rằng, để việc bồi dưỡng, rèn luyện phong cách công tác cho cán bộ hậu cần trung đoàn bộ binh (nhất là cán bộ chủ chốt) thiết thực, hiệu quả, trong thời gian tới, cần gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thiết nghĩ, việc làm này đạt hai mục đích, nói cách khác là có tác dụng kép. Bởi, thứ nhất, việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị là yêu cầu, trách nhiệm chính trị của mọi tổ chức, cá nhân, trong đó có cán bộ hậu cần trung đoàn; thứ hai, xét đến cùng, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ thấm đẫm tinh thần vì dân, trong khi ngành Hậu cần là ngành đảm bảo, lấy trách nhiệm phục vụ đặt lên hàng đầu. Do đó, bồi dưỡng, rèn luyện phong cách công tác cho cán bộ chủ chốt ngành hậu cần trung đoàn gắn với học tập và làm theo Bác sẽ có ý nghĩa thiết thực. Để thực hiện tốt vấn đề này, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ hậu cần cấp trung đoàn. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, vì cả lý luận và thực tiễn đã chứng minh, nhận thức đúng là cơ sở cho tổ chức các hoạt động thực tiễn có chất lượng, hiệu quả. Chất lượng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của đội ngũ cán bộ hậu cần trung đoàn bộ binh luôn gắn kết chặt chẽ với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Do đó, lãnh đạo, chỉ huy các trung đoàn bộ binh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ hậu cần nhận thức đúng về tính cấp thiết đối với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập trung vào những giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đối với công việc. Trong đó, hướng giáo dục vào tấm gương “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, mình vì mọi người, “dĩ công vi thượng”, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm của Bác. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, tình hình thực tiễn của đơn vị và gắn với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ. Tổ chức tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi đợt học tập; kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ tiêu biểu và phê bình, uốn nắn những nội dung, những trường hợp chưa làm tốt; từ đó rút ra những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, nhân rộng các điển hình tiên tiến để việc học tập và làm theo Bác trở thành phong trào sâu, rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong từng đơn vị. Giải pháp này được đúc kết từ thực tiễn nên cần được tiến hành một cách thường xuyên, nhằm đạt chất lượng, hiệu quả.

Hai là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp bồi dưỡng, rèn luyện phong cách công tác cho cán bộ. Đây là yêu cầu thường xuyên của quá trình bồi dưỡng, rèn luyện phong cách công tác cho cán bộ. Bởi, chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng, rèn luyện phong cách công tác cho cán bộ chủ chốt hậu cần không chỉ phụ thuộc vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ này, mà còn phụ thuộc rất lớn vào các hình thức, phương pháp bồi dưỡng, rèn luyện. Vì thế, lãnh đạo, chỉ huy các trung đoàn bộ binh cần đổi mới và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp cho phù hợp với đặc điểm đối tượng và đơn vị. Trong tổ chức bồi dưỡng, rèn luyện phong cách công tác cho cán bộ, cần kết hợp chặt chẽ các hình thức, phương pháp, như: đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phương pháp nêu gương của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Thông qua hội thi, hội thao nghiệp vụ ngành để lồng ghép phù hợp việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như gắn với phong trào Thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và các cuộc vận động, các phong trào thi đua của đơn vị. Nếu kết hợp tốt, đồng bộ các hình thức, phương pháp trên thì việc bồi dưỡng, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ hậu cần các trung đoàn bộ binh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ có hiệu quả thiết thực.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của cán bộ trong tự tu dưỡng, tự rèn luyện phong cách công tác. Đây là giải pháp quan trọng nhất trong hệ thống các giải pháp. Thực tiễn cho thấy, nhân tố chủ quan luôn giữ vai trò quyết định. Dù điều kiện khách quan có thuận lợi đến mấy, nhưng nếu không có sự nỗ lực chủ quan cao thì kết quả cũng sẽ thấp. Vì thế, ngoài việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức và đội ngũ cán bộ chủ trì thì mỗi cán bộ hậu cần trung đoàn bộ binh trước hết phải nêu cao tính tự giác, tự rèn luyện, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong mọi lúc, mọi nơi, mọi việc thì mới đạt được kết quả cao. Đó là sự kết hợp biện chứng cả hai phía: phấn đấu của mỗi cá nhân và quản lý, giáo dục của cấp ủy, tổ chức đảng ở các trung đoàn bộ binh. Để phát huy tính tự giác của cán bộ, những chuyên đề giáo dục cần có sự đổi mới cả về hình thức và cách tiếp cận, phải đi vào thực chất, khắc phục bệnh hình thức, chung chung. Trong hoạt động này, mỗi cán bộ cần coi trọng phát huy tính tự giác, tính tích cực đấu tranh với cái xấu, phong cách làm việc thiếu khoa học, nhất là đấu tranh với chính mình, không để bị ảnh hưởng của những tác động từ bên ngoài, qua đó tăng cường sức đề kháng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện phong cách công tác của cán bộ cần có sự quản lý, giáo dục, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ chủ trì ở đơn vị. Kiểm tra, giám sát là khâu quan trọng trong toàn bộ quy trình thực hiện việc bồi dưỡng, rèn luyện phong cách công tác theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nên phải được tiến hành thường xuyên, thực chất; kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, yếu kém.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp trong bồi dưỡng, rèn luyện phong cách công tác cho cán bộ. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị vừa là chủ thể trực tiếp, vừa là lực lượng bồi dưỡng, rèn luyện phong cách công tác cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ban hậu cần theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vì thế, các trung đoàn cần nhận thức đúng, trách nhiệm cao để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện bồi dưỡng đạt hiệu quả đề ra. Cấp ủy, tổ chức đảng phải coi đó là một trong những hoạt động của công tác xây dựng Đảng. Đảng ủy trung đoàn, chi bộ ban hậu cần là hạt nhân chính trị, lãnh đạo mọi mặt công tác của đơn vị, có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng, rèn luyện phong cách công tác cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ban hậu cần. Trong đó, cần xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, xác định hình thức, biện pháp bồi dưỡng, rèn luyện phong cách công tác cho đội ngũ cán bộ hậu cần, trọng tâm là thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII); đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm sai trái, lệch lạc, xem nhẹ việc bồi dưỡng, rèn luyện phong cách công tác cho cán bộ. Cơ quan chính trị cần làm tốt chức năng tham mưu cho đảng ủy, chỉ huy trung đoàn về kế hoạch bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ; thường xuyên theo dõi, giúp đỡ, giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh do thực tiễn đặt ra.

Trên đây là một số giải pháp chính, mang tính nghiên cứu, tham khảo về bồi dưỡng, rèn luyện phong cách công tác cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ban hậu cần trung đoàn bộ binh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để thực hiện công tác này đạt hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, thiết nghĩ cần phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt, phù hợp với tình hình cụ thể và đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi trung đoàn.

Trung tá, ThS. LÊ VIỆT THẮNG, Học viện Hậu cần

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.