Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 30/12/2021, 07:31 (GMT+7)
Bồi dưỡng năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết của cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị ở các học viện, trường sĩ quan Quân đội

Đội ngũ cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị thuộc các học viện, trường sĩ quan Quân đội là một bộ phận quan trọng trong hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, có vai trò trực tiếp quyết định chất lượng, hiệu quả công tác quán triệt, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở cơ quan, đơn vị mình. Vì vậy, bồi dưỡng năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết cho đội ngũ này là vấn đề cơ bản, cần nghiên cứu, xác định chủ trương, biện pháp tiến hành phù hợp.

Tổ chức thực hiện nghị quyết là khâu đặc biệt quan trọng trong quy trình lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; là quá trình cụ thể hóa các phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp được nghị quyết xác định trở thành hiện thực. Thực tế cho thấy, đây là khâu khó khăn, phức tạp đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của cấp ủy, chỉ huy các cấp, của các tổ chức, các lực lượng và từng cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”1.

Đội ngũ cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị thuộc các học viện, trường sĩ quan là lực lượng nòng cốt trực tiếp xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp mình, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo, chỉ huy cấp trên về mọi mặt của đơn vị ở tất cả các khâu, các bước, từ: xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo đến chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra thực hiện nghị quyết, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thắng lợi nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Hiện nay, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của các học viện, trường sĩ quan Quân đội có sự phát triển, yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi phải nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức đảng để lãnh đạo thực hiện tốt yêu cầu: “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học tại các nhà trường. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ tương xứng với công việc, ngành đào tạo; thực hiện tốt bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học qua thực tiễn,... chú trọng rèn luyện bản lĩnh, phương pháp, tác phong chỉ huy, quản lý đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo cho học viên”2. Để thực hiện thắng lợi yêu cầu trên cần tiến hành đồng bộ các giải pháp lãnh đạo; trong đó, bồi dưỡng năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết của đội ngũ cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị là nội dung quan trọng. Với nhận thức đó, bài viết đề xuất một số vấn đề cơ bản nhằm nâng cao năng lực cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị ở các học viện, trường sĩ quan trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Một là, bồi dưỡng năng lực quán triệt nghị quyết cho cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị. Đây là nội dung quan trọng trong khâu tổ chức thực hiện nghị quyết, nhằm phát huy trí tuệ của tập thể, biến nhận thức, tình cảm thành ý chí, hành động. Hơn nữa, đặc điểm của các tổ chức đảng ở các học viện, trường sĩ quan bao gồm các đảng viên có trình độ, kiến thức, được đào tạo cơ bản,… đòi hỏi cán bộ chủ trì phải có kiến thức, năng lực và uy tín trong quán triệt nghị quyết cho cán bộ, đảng viên thuộc quyền. Vì vậy, cấp ủy các cấp cần tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chủ trì về: nhãn quan chính trị, tư duy về quân sự, quốc phòng, năng lực sư phạm, kỹ năng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục; phương pháp phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, các tổ chức ở đơn vị trong quán triệt, thực hiện nghị quyết. Khi quán triệt phải làm rõ nội dung, yêu cầu, chỉ ra những trọng tâm, trọng điểm trong nghị quyết, nhất là những vấn đề mới, những biện pháp mang tính đột phá. Nội dung phải ngắn gọn, rõ ràng để đảng viên, quần chúng dễ nhớ, dễ hiểu; tập trung làm rõ cơ sở đề ra nghị quyết với lập luận chắc chắn, tài liệu và căn cứ rõ ràng, giúp người nghe thấy được sự đúng đắn của nghị quyết từ đó tin tưởng, có quyết tâm cao trong thực hiện nghị quyết. Để đạt hiệu quả, đòi hỏi việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ trì cần tiến hành nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tổ chức các lớp tập huấn; hội thi Bí thư chi bộ Giỏi; hội thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên, v.v. Đồng thời, động viên đội ngũ này phát huy tinh thần chủ động, tích cực, tự giác trong tự học tập, bồi dưỡng năng lực công tác, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ.

Hai là, bồi dưỡng năng lực cụ thể hóa nghị quyết thành kế hoạch, chương trình hoạt động của đơn vị. Đây là nội dung quan trọng giúp cán bộ chủ trì tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết. Do vậy, cần tập trung bồi dưỡng những nội dung cơ bản, là: (1). Năng lực xây dựng các kế hoạch, chương trình hoạt động trên tất cả các mặt công tác, trọng tâm là: thực hiện nhiệm vụ tháng, quý, học kỳ, năm học; nhiệm vụ giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, công tác đảng, công tác chính trị; (2). Kinh nghiệm, kỹ năng soạn thảo văn bản, văn kiện; tiến hành xây dựng các kế hoạch, chương trình hoạt động,… bảo đảm khoa học, chi tiết, cụ thể hóa được các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu của nghị quyết; (3). Phương pháp triển khai các kế hoạch, chương trình hoạt động đến các tổ chức và từng cán bộ, đảng viên trong đơn vị; kỹ năng chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức quần chúng và cán bộ, đảng viên trong đơn vị cụ thể hóa những chủ trương biện pháp trong nghị quyết thành chương trình hành động. Mỗi cán bộ chủ trì phải đề cao tinh thần cầu thị, tiến bộ, chủ động tranh thủ ý kiến của lãnh đạo, người chỉ huy cấp trên và các cơ quan chức năng trong xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động, bảo đảm đúng ý định của trên, sát nhiệm vụ và thực tiễn ở đơn vị.

Ba là, bồi dưỡng năng lực thực tiễn cho cán bộ chủ trì ở các cơ quan, đơn vị. Đây là giải pháp nhằm bồi dưỡng cho cán bộ chủ trì tích lũy những kinh nghiệm cần thiết, rèn luyện tính độc lập, sáng tạo, hoàn thiện và phát triển năng lực của cá nhân. Mặt khác, ở các đơn vị học viên, làm tốt việc bồi dưỡng này còn góp phần trang bị kiến thức, kinh nghiệm “mẫu” (thông qua hoạt động thực tiễn của cán bộ chủ trì) để các học viên vận dụng vào thực tiễn đơn vị sau khi ra trường. Vì thế, cấp ủy các cấp cần tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ chủ trì trong tổ chức thực hiện nghị quyết; trong đó, tập trung vào các nội dung: (1). Những tri thức và kinh nghiệm, cách thức tổ chức quản lí, giáo dục, điều hành thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện theo chức trách, nhiệm vụ; (2). Năng lực tổ chức, chỉ huy, gồm: tổ chức phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ thuộc quyền; tổ chức, điều hành, phân công sắp xếp, bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ theo phạm vi chức trách; phương pháp, cách thức tổ chức, thực hiện một nhiệm vụ cụ thể; (3). Những nội dung, kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, như: quy trình hoạt động lãnh đạo của cấp ủy (chi bộ); phương pháp tiến hành, các khâu, các bước trong tổ chức thực hiện nghị quyết. Trọng tâm là năng lực: tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết; phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm thực hiện nghị quyết, chuẩn bị và ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tiếp theo; (4). Năng lực tổ chức tuyên truyền, kỹ năng vận động, giáo dục thuyết phục cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ; năng lực tổ chức, duy trì các hoạt động thi đua và hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức quần chúng xây dựng chương trình hành động, tổ chức các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ.

Bốn là, bồi dưỡng năng lực chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết. Yêu cầu người cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị không chỉ có tư duy lôgic, kiến thức toàn diện,… mà phải có năng lực chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nghị quyết trong thực tiễn. Do vậy, cấp ủy các cấp cần tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ này năng lực: dự báo nắm bắt, đánh giá tình hình thực tiễn để ra quyết định của lãnh đạo, chỉ huy; quản lý điều hành, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức theo kế hoạch; tập hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp trong đơn vị. Bồi dưỡng phong cách sâu sát, nắm chắc diễn biến từ thực tế, kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thực hiện nghị quyết cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn.

Cùng với đó, bồi dưỡng phương pháp để vận dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra, giám sát trực tiếp, gián tiếp; kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chi bộ với kiểm tra, giám sát của chỉ huy và các tổ chức quần chúng. Qua đó, phát hiện những khâu yếu, mặt yếu và những đơn vị thuộc quyền thực hiện nghị quyết chưa tốt, kịp thời rút kinh nghiệm khắc phục sau mỗi nhiệm vụ. Đồng thời, cần sâu sát mọi hoạt động của đơn vị, nắm chắc mọi diễn biến hoạt động, kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập để bổ sung chủ trương, biện pháp lãnh đạo, tạo điều kiện cho các cá nhân và tổ chức thực hiện tốt nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ. Công tác kiểm tra, giám sát phải trở thành công việc hằng ngày trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm, vi phạm trong thực hiện nghị quyết.

Năm là, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị phải tích cực, tự giác học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực toàn diện của bản thân, nhằm chuyển hóa từ năng lực tư duy lý luận thành năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn. Đây là yêu cầu hết sức cần thiết để đội ngũ cán bộ chủ trì các đơn vị biết cách phát hiện, nắm bắt, xử lý tình huống trong thực tiễn; khai thác và phát huy tốt nhất trí tuệ tập thể. Do vậy, đòi hỏi cán bộ chủ trì ở các cơ quan cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cán bộ chủ trì các khoa giáo viên cần chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cán bộ chủ trì các đơn vị quản lý học viên cần chú trong nâng cao chất lượng quản lý học tập và rèn luyện học viên theo mục tiêu đào tạo. Để đạt hiệu quả, yêu cầu đội ngũ này phải có ý chí quyết tâm cao, “lăn lộn” với hoạt động của đơn vị, “trăn trở” trước những việc chưa hoàn thành tốt, chưa làm được; từ đó, lựa chọn cách làm hay, biện pháp tốt để thực hiện thắng lợi nghị quyết trong đơn vị. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ chủ trì phải thường xuyên “tự soi, tự sửa” và chủ động “xắn tay” vào việc, nhằm thực hiện học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Phương pháp này sẽ giúp cho người cán bộ chủ trì nhanh chóng hình thành kỹ năng lãnh đạo, tổ chức điều hành các hoạt động ở đơn vị, bảo đảm khoa học, phù hợp với thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện nghị quyết.

Thượng tá, ThS. PHẠM HỒNG ĐỨC, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
____________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 50.

2 - Quân ủy Trung ương, Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, H. 2020, tr. 27.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.