Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 09/04/2021, 08:49 (GMT+7)
Bồi dưỡng năng lực giảng dạy cho đội ngũ giảng viên trẻ

Bồi dưỡng năng lực giảng dạy cho đội ngũ giảng viên là khâu trung tâm trong công tác cán bộ ở Trường Sĩ quan Lục quân 2. Làm tốt công tác này sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nhà trường cách mạng, chính quy, tiên tiến, mẫu mực, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục - đào tạo. Trong phạm vi bài viết, tác giả xin trao đổi về vấn đề này ở Khoa Khoa học Cơ bản của Nhà trường.

Đội ngũ giảng viên trẻ ở Khoa Khoa học Cơ bản - Trường Sĩ quan Lục quân 2 là những giảng viên mới vào nghề sau khi được đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội. Họ được trang bị hệ thống kiến thức cơ bản và chuyên sâu ở một chuyên ngành nhất định. Ngoài những phẩm chất chung, thì năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên khoa học cơ bản ở Nhà trường còn chịu sự quy định của đặc thù hoạt động quân sự. Quá trình giáo dục, đào tạo là quá trình chuẩn bị con người cho hoạt động quân sự; không chỉ thuần tuý trang bị kiến thức, mà còn trang bị những kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và chiến đấu, v.v. Điều đó, đòi hỏi giảng viên khoa học cơ bản trước hết phải có phẩm chất của người quân nhân cách mạng, nhất là yếu tố: bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tính kỷ luật,… đồng thời, phải có kỹ năng sư phạm và trải nghiệm qua thực tiễn quân sự. Như vậy, muốn nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên khoa học cơ bản, bên cạnh nâng cao kiến thức chuyên ngành, cần phải chú trọng bồi dưỡng về năng lực sư phạm, nhận thức chính trị, đạo đức, ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp, phong cách nhà giáo của họ.

Những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nhất là số giảng viên trẻ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu thì năng lực giảng dạy ở một số giảng viên trẻ còn hạn chế; kiến thức chưa toàn diện; lúng túng, thiếu linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức hoạt động thực tiễn, nhất là thực tiễn hoạt động quân sự. Phương pháp giảng dạy còn rập khuôn, máy móc, chưa sát đặc điểm đối tượng người học. Năng lực sư phạm còn hạn chế, hiệu quả công tác chưa tương xứng với trình độ học vấn, chất lượng giảng dạy có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng khai thác, sử dụng trang thiết bị hiện đại, cập nhật thông tin, phương pháp dạy học tiên tiến còn hạn chế. Để giải quyết những vấn đề nêu trên, cần coi trọng một số nội dung, biện pháp sau:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần nhận thức và quán triệt sâu sắc việc bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên nói chung, giảng viên trẻ nói riêng là một nhiệm vụ chính trị trung tâm, được xác định trong nghị quyết lãnh đạo của cấp mình; có chủ trương, biện pháp lãnh đạo phù hợp, sát đúng, tính khả thi cao. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi tổ chức, lực lượng và đội ngũ giảng viên trẻ nắm vững quan điểm, chủ trương, phương châm, phương pháp giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ nhà giáo của Đảng, Nhà nước và Quân đội, nhất là nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của việc chăm lo, xây dựng các thế hệ giảng viên có đủ trình độ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong tình hình mới. Từ đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện các hoạt động để nâng cao năng lực giảng dạy.

Nội dung bồi dưỡng cần toàn diện cả về phẩm chất chính trị, động cơ, trách nhiệm, lòng yêu nghề; bám sát từng môn học, bài học, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực nhận thức của học viên, sát với thực tiễn hoạt động quân sự. Chú trọng bồi dưỡng tri thức, phương pháp, kinh nghiệm thực tiễn dạy học ở nhà trường quân đội, nhất là kiến thức, phương pháp, kinh nghiệm về khoa học chuyên ngành mà giảng viên đảm nhiệm. Bồi dưỡng kỹ năng thực hành giảng dạy, chú ý việc sử dụng ngôn ngữ, sử dụng các phương tiện dạy học, định hướng cho học viên nghiên cứu tài liệu; kỹ năng tổ chức và điều khiển quá trình làm việc nhóm, đánh giá kết quả thi và kiểm tra…  Việc sử dụng thành thạo và có hiệu quả các trang thiết bị dạy học thông minh là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với đội ngũ giảng viên nói chung và giảng viên trẻ nói riêng. Vì vậy, Nhà trường, Khoa và các bộ môn phải có kế hoạch tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng khai thác, sử dụng và phát huy thế mạnh các công nghệ hiện đại vào công tác giảng dạy cho đội ngũ giảng viên trẻ.

Hình thức, biện pháp bồi dưỡng phải phù hợp với tình hình, đặc điểm của Nhà trường, Khoa, bộ môn và cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm. Có thể bồi dưỡng tập trung những vấn đề chung về chương trình, nội dung, phương pháp dạy học; những yêu cầu, mục tiêu cần đạt được đối với người dạy và người học các môn khoa học cơ bản; định hướng những thông tin cần thiết để giảng viên nghiên cứu, tham khảo đưa vào giảng dạy. Phát huy vai trò của những giảng viên nhiều kinh nghiệm để bồi dưỡng cho những giảng viên trẻ. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ huy Khoa, các bộ môn phải thường xuyên quản lý, kiểm tra việc tự học tập, tự rèn luyện của mỗi giảng viên theo kế hoạch đã xác định. Các bộ môn cần tập trung hướng dẫn soạn giáo án; quy trình, phương pháp chuẩn bị bài giảng; thông qua giáo án; kỹ năng thực hành giảng dạy; vận dụng phương pháp dạy học tích cực. Thực hiện chế độ dự giảng, bình giảng; kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy của từng giảng viên trẻ và tổ chức rút kinh nghiệm trong bộ môn; phân công giảng viên có năng lực, kinh nghiệm kèm cặp giúp đỡ giảng viên trẻ còn hạn chế về năng lực, phương pháp.

Hai là, mỗi giảng viên trẻ phải tích cực học tập, nghiên cứu trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với đội ngũ giảng viên trẻ, vì thực chất là sự kết hợp giữa rèn luyện phẩm chất chính trị với năng lực chuyên môn của giảng viên. Giảng viên trẻ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; đạo đức trong sáng, mẫu mực về lời nói, việc làm, cả khi đứng trên bục giảng và khi giao tiếp đời thường với học viên. Để đạt được những chuẩn mực đó, đòi hỏi giảng viên trẻ phải tích cực tu dưỡng, tự rèn luyện để ngày càng hoàn thiện phẩm chất, năng lực của mình. Trong đó, tự học là yêu cầu khách quan để bảo đảm cho sự phát triển của mỗi người và xã hội trong điều kiện hiện nay. Tự học đối với đội ngũ giảng viên trẻ phải có kế hoạch cụ thể,  phương pháp phù hợp. Đọc sách, nghiên cứu tài liệu kinh điển phải phân tích, chắt lọc, tổng hợp, ghi chép có chủ định; tích cực suy nghĩ, rèn luyện phương pháp tư duy logic, tìm tòi trong lý luận và thực tiễn để bổ sung cho mỗi chủ đề phù hợp với đối tượng giảng dạy. Đồng thời, quan tâm giáo dục, xây dựng lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức nhà giáo và tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, giảng viên, đảm bảo cho họ phải thật sự là người thầy, người chỉ huy, người đồng chí gương mẫu, tự học, tự rèn thực sự là tấm gương sáng cho học viên noi theo. Duy trì nghiêm nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật; gắn xây dựng chuẩn mực đạo đức nhà giáo với việc thực hiện Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chi thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mặt khác, kịp thời biểu dương, khen thưởng những giảng viên trẻ có thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học; nghiêm khắc phê bình, nhắc nhở những giảng viên có biểu hiện thiếu cố gắng trong học tập, nghiên cứu, chất lượng giảng dạy thấp, chấp hành không nghiêm chế độ, quy chế giáo dục - đào tạo. Xây dựng sự đoàn kết, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ huy và tập thể khoa, bộ môn, tạo môi trường sư phạm lành mạnh để đội ngũ giảng viên trẻ rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực sư phạm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Ba là, thường xuyên tự rèn luyện kỹ năng, kỷ xảo sư phạm; tích lũy kinh nghiệm để nâng cao năng lực sư phạm. Giảng viên trẻ Khoa Khoa học Cơ bản là những người được đào tạo chính quy, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động sư phạm quân sự. Để làm tốt nhiệm vụ giảng dạy, họ phải tích cực rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo sư phạm; thực hiện đầy đủ các khâu, các bước của hoạt động sư phạm: lập kế hoạch, nắm đối tượng, đọc tài liệu, xây dựng đề cương, viết giáo án, thục luyện, thông qua, giảng thử, dự kiến và xử lý các tình huống sư phạm. Hiện nay, Nhà trường đang tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo trong hoạt động nhận thức của học viên. Theo đó, mỗi giảng viên trẻ phải tích cực thục luyện nội dung đạt tới sự thành thạo; chú trọng rèn luyện kỹ năng nghiên cứu tài liệu, biên soạn, thực hành bài giảng, truyền thụ kiến thức, nắm thông tin ngược từ học viên; chuẩn bị, điều khiển thảo luận (xêmina); kỹ năng và phương pháp nghiên cứu khoa học, v.v.  Căn cứ tình hình cụ thể, Khoa, tổ bộ môn tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ sư phạm, rèn luyện kỹ năng giảng dạy, sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại; mở các lớp học ngoại ngữ, tin học; đề xuất với Nhà trường gửi giảng viên chưa đạt trình độ chuẩn đi đào tạo tại các nhà trường sư phạm trong và ngoài Quân đội. Thường xuyên tổ chức dự giờ, rút kinh nghiệm giảng dạy, tổ chức thi giảng viên dạy giỏi các cấp; phổ biến, cung cấp thông tin về những nội dung có liên quan đến kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, khoa học quân sự, khoa học cơ bản để giảng viên cập nhật, làm cho bài giảng vừa phong phú, sâu sắc, vừa không lạc hậu với tình hình.

Bốn là, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo chính sách đối với đội ngũ giảng viên trẻ. Trong đó, tập trung đầu tư­, nâng cấp hệ thống giảng đường, bảo đảm đạt chuẩn quy định; xây dựng các phòng học chuyên dùng, đầu tư các thiết bị hỗ trợ phục vụ giảng dạy, như:­ máy chiếu, phương tiện nghe nhìn, sơ đồ, tranh vẽ, v.v. Gắn việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị hiện đại với đẩy mạnh phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình, học cụ; khuyến khích giảng viên khai thác, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật số vào phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và chính sách đối với đội ngũ giảng viên trẻ; xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở, đoàn kết; động viên, khuyến khích cả về vật chất, tinh thần đối với giảng viên có thành tích cao trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, phát huy tài năng trong nghề nghiệp, phấn đấu vươn lên hoàn thành chức trách, nhiệm vụ người thầy trong sự nghiệp “trồng người”.

Trung tá, ThS. PHẠM THỊ QUỲNH HOA, Trường Sĩ quan Lục Quân 2

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.