Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 19/04/2021, 22:28 (GMT+7)
Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở các nhà trường Quân đội - mấy vấn đề đặt ra

“Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt”1. Quán triệt tinh thần đó, các nhà trường Quân đội cần triển khai đồng bộ các giải pháp bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở các học viện, trường sĩ quan Quân đội (gọi chung là nhà trường Quân đội) là những cán bộ trực tiếp quản lý học viên (người thầy thứ hai), góp phần quan trọng đến chất lượng giáo dục, đào tạo. Vì thế, những năm qua, các nhà trường Quân đội luôn quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, luật, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy các cấp về giáo dục, đào tạo, nhất là Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020. Trong 10 năm qua (2011 - 2020), các nhà trường “đã tổ chức 125 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 9.345 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo”2; “cử 2.251 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đi thực tế tại các đơn vị”3, v.v. Nhờ đó, đã xây dựng được “đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm đủ về số lượng, cơ cấu, độ tuổi phù hợp; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm, kiến thức, năng lực chuyên môn, phương pháp sư phạm, năng lực nghiên cứu khoa học, kiến thức thực tiễn, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đạt chuẩn theo quy định”4. So với năm 2011, số lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ ngoại ngữ tương đương IELTS 5.0 trở lên tăng từ 11,05% lên 21,6%; có trình độ đại học trở lên tăng từ 76,37% lên 98,07% (tăng 21,70%), trong đó trình độ sau đại học tăng từ 20,09% lên 40,40% (tăng 19,44%). Các chế độ, chính sách đãi ngộ, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện làm việc được quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ yên tâm công tác, gắn bó với công việc.

Tuy nhiên, “công tác bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra”5, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đào tạo cán bộ.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; đến năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại; phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại đã đặt ra yêu cầu cao đối với công tác đào tạo cán bộ. Cùng với đó, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo, xây dựng “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư”, đòi hỏi cần tiến hành đồng bộ các chủ trương, giải pháp xây dựng nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Trong đó, quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục với tổng thể nội dung, giải pháp. Nổi lên là:

Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục, đào tạo, công tác cán bộ6; trực tiếp là: Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2020” theo Quyết định số 89/QĐ-TTg, ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phát triển, giáo dục, đào tạo trong Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Đề án xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2020 - 2030, v.v. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa, đơn vị, nhà trường nâng cao nhận thức, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trung tâm, khâu then chốt quyết định đến chất lượng giáo dục, đào tạo; từ đó, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đề ra chủ trương, biện pháp, kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiệu quả. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; phấn đấu “đến năm 2030: 100% giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục các học viện, trường sĩ quan, đại học đạt chuẩn theo quy định”7.

Hai là, nội dung bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục phải toàn diện, song cần có trọng tâm, trọng điểm, theo phương châm “làm việc gì học việc ấy”. Đây là một kinh nghiệm thực tiễn qua Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020, nên quá trình thực hiện cần lựa chọn nội dung bồi dưỡng thiết thực với từng đối tượng. Ngoài bồi dưỡng về chuyên môn, nghề nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cần tập trung bồi dưỡng cho họ về lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững nghị quyết của cấp ủy các cấp, chỉ thị, mệnh lệnh của trên, pháp luật của Nhà nước, các quy định, điều lệ, quy chế giáo dục, đào tạo của nhà trường; tri thức khoa học quản lý trong giáo dục, đào tạo. Cùng với đó, bồi dưỡng về sức khỏe, các kỹ năng mềm, kiến thức, hiểu biết về đời sống, xã hội; kinh nghiệm chỉ huy, quản lý; kỹ năng tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, nắm và giải quyết tình hình tư tưởng của học viên; kỹ thuật, chiến thuật, ngoại ngữ và công nghệ thông tin; khả năng tổng hợp, tham mưu, đề xuất, phối hợp, hiệp đồng với cơ quan, khoa giáo viên về tổ chức điều hành công tác giáo dục, huấn luyện. Bổ sung và nâng cao chất lượng các môn học về quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, pháp luật, sự phát triển của khoa học công nghệ, nghệ thuật quân sự, công nghệ số và những vấn đề thực tiễn vào chương trình, nội dung bồi dưỡng.

Ba là, vận dụng linh hoạt các hình thức bồi dưỡng, lý thuyết đi đôi với thực hành, lấy thực hành là chính. Việc bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục cần xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, đối tượng quản lý, từ mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo; đặc điểm, yêu cầu của nghề nghiệp, trình độ cán bộ để mỗi nhà trường xác định hình thức cho phù hợp. Trên cơ sở tăng cường sự giáo dục của lãnh đạo, chỉ huy đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có nhận thức đúng về sự cần thiết phải nâng cao phẩm chất, trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, mà mỗi cán bộ đề cao tính tự học, tự nghiên cứu là biện pháp thiết thực, hiệu quả. Cùng với đó, cần thông qua các lớp học ngắn hạn, tập huấn, hội thi “Cán bộ quản lý giáo dục giỏi”, nhất là qua thực tiễn quản lý giáo dục; duy trì chế độ, nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật; mời lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị, nhà giáo có kinh nghiệm để truyền thụ kinh nghiệm, bồi dưỡng; cử cán bộ đi thực tế giữ các cương vị quản lý, chỉ huy tại các đơn vị, v.v.

Bốn là, tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”8. Cán bộ quản lý giáo dục ở nhà trường Quân đội là người cùng ăn, cùng ở, cùng làm, có tác động quan trọng đến việc hình thành nhân cách của học viên. Hiện nay, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, nên cần chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý, giáo dục, hướng dẫn hành động cho học viên, thực sự là tấm gương mẫu mực về mọi mặt. Để thực hiện hiệu quả, cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII); Chỉ thị số 87-CT/QUTW, ngày 08/7/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phong trào Thi đua Quyết thắng, các phong trào, cuộc vận của các cấp, ngành, là giải pháp thiết thực để mỗi cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, phẩm chất đạo đức, lối sống, ngăn ngừa biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Năm là, thực hiện tốt chế độ, chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, để họ yên tâm, gắn bó với nhiệm vụ. Theo đó, cần nghiên cứu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chế độ, chính sách đãi ngộ với cán bộ quản lý giáo dục, nhất là chính sách quân hàm; chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện làm việc; thu hút cán bộ được đào tạo cơ bản, có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn bổ sung vào đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, có những hình thức khen thưởng, tôn vinh mang tính đặc thù; xây dựng, nhân rộng tập thể, cá nhân xuất sắc, mô hình, cách làm hiệu quả, điển hình tiên tiến trong công tác quản lý giáo dục.

Các giải pháp trên là tổng thể thống nhất, tích cực thực hiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo cán bộ Quân đội hiện nay.

ThS. CẤN THANH SƠN, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
____________________      

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 138.

2 - Bộ Tổng Tham mưu – Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020, tr. 07.

3 - Sđd, tr. 07.

4 - Sđd, tr. 07.

5 - Sđd, tr. 13.

6 - Kết luận số 51-KL/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 86-NQ/QUTW, ngày 29/3/2007 về công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới, v.v.

7 - Bộ Tổng Tham mưu – Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020, tr. 20.

8 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 292.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.