Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 28/02/2014, 10:41 (GMT+7)
Bồi dưỡng đạo đức cách mạng đối với nhà báo quân đội hiện nay

Trong xu thế phát triển chung của báo chí nước nhà, đội ngũ nhà báo quân đội đang không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào thành tựu của báo chí cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, đòi hỏi những người làm báo trong Quân đội cần phải nỗ lực hơn nữa cả về tu dưỡng đạo đức cách mạng và nghiệp vụ báo chí.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam đã dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng1. Lời dạy của Người khẳng định một chân lý rằng, muốn làm tốt sứ mệnh của người chiến sĩ cầm bút trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, bên cạnh tri thức, kinh nghiệm, năng lực nghề nghiệp,… mỗi nhà báo phải thấm nhuần đạo đức cách mạng. Đó là “cái gốc”, cái không thể thiếu trong hành trang nghề nghiệp của người làm báo cách mạng nói chung và nhà báo quân đội (NBQĐ) nói riêng. Chỉ như vậy, họ mới vững bước trên con đường tưởng chừng dễ dàng, nhưng đầy chông gai, khắc nghiệt.

Thấm nhuần và thực hiện lời dạy của Người, hầu hết các NBQĐ đã phát huy tốt bản chất, truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” và phẩm chất của người lính trên mặt trận tư tưởng - văn hóa; tích cực học hỏi nâng cao trí tuệ, trình độ, năng lực, nghiệp vụ báo chí; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người làm báo theo tấm gương sáng của nhà báo cách mạng, nhà báo quốc tế Hồ Chí Minh. Lịch sử báo chí quân đội ghi nhận đã có nhiều NBQĐ không quản ngại gian khổ, hy sinh, có mặt ở những nơi khó khăn nhất của đất nước; tích cực bám đơn vị, bám dân, bám bản, bám biển,… để có những tư liệu, hình ảnh chân thực; từ đó, cho ra đời những tác phẩm báo chí chất lượng cao thấm đẫm mồ hôi, xương máu, tinh thần yêu nước của bộ đội và nhân dân,… góp phần trực tiếp tăng cường nhân tố chính trị - tinh thần của lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân. Các nhà báo - chiến sĩ với nhiệt huyết cách mạng không chỉ tích cực tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, trọng tâm là những vấn đề về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc mà còn luôn “hiệp đồng tác chiến” chặt chẽ, có hiệu quả cao với các đơn vị báo chí Trung ương, địa phương, ngành, hội, tích cực tham gia phát hiện, nuôi dưỡng, bồi đắp những nhân tố tích cực. Họ cũng là lực lượng tiêu biểu, đi đầu, dám nói, dám viết và viết có trách nhiệm, có tính xây dựng cao trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội,… góp phần thực hiện mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tuy nhiên, trước những khó khăn bộn bề của cuộc sống thường nhật, nhất là sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường và sự chống phá quyết liệt bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, trong đó có âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, một số ít NBQĐ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu bản lĩnh trước cám dỗ của lợi ích vật chất, giảm sút ý chí tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cách mạng, vi phạm Luật Báo chí, kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước. Điều đó ảnh hưởng trước hết đến uy tín của báo chí quân đội nói riêng, báo chí cách mạng nói chung và đặc biệt là bản chất, truyền thống của “Bộ đội Cụ Hồ”. Do đó, bồi dưỡng đạo đức cách mạng đối với đội ngũ NBQĐ hiện nay là một vấn đề vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản, lâu dài. Việc bồi dưỡng này phải được tiến hành một cách thường xuyên, đồng bộ, chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục với tự giáo dục, giữa đào tạo với bồi dưỡng, rèn luyện trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong hoạt động tác nghiệp của NBQĐ. Trách nhiệm này chủ yếu thuộc về các cơ quan báo chí quân đội và bản thân mỗi nhà báo. Để đạt được mục tiêu, yêu cầu đó, theo chúng tôi cần chú ý mấy vấn đề sau:

Một là, cần xây dựng chuẩn mực đạo đức của NBQĐ, làm cơ sở để từng cơ quan báo chí và mỗi NBQĐ lấy đó làm đích phấn đấu, rèn luyện. Đó cũng là tiêu chí để đánh giá, phân loại, nhận xét NBQĐ; đồng thời, là căn cứ để xác định phương hướng bồi dưỡng, sử dụng đúng người, đúng việc, đúng cương vị, chức trách trong hoạt động báo chí. Chuẩn mực đạo đức của NBQĐ phải được xây dựng trên cơ sở chuẩn mực đạo đức chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên trước yêu cầu mới. Đó là sự thấm nhuần đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” mà Bác Hồ đã dạy; là sự cụ thể hóa Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cách mạng Việt Nam (gồm 9 điều) phù hợp với đặc thù hoạt động của báo chí quân đội. Tựu trung là: Có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân; kiên định độc lập dân tộc và CNXH; cảnh giác cao, phân biệt rõ đối tượng và đối tác; có sự nhạy cảm chính trị - nghề nghiệp; có óc phê phán mang tính xây dựng. NBQĐ phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật; trách nhiệm đến cùng đối với tác phẩm báo chí của mình; không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh; bám sát cơ sở, bám sát hoạt động của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân; tâm huyết với nghề và có ý chí không ngừng vươn lên về mọi mặt.

Hai là, nâng cao trách nhiệm của các lực lượng tham gia bồi dưỡng đạo đức NBQĐ. Trước hết, các nhà trường quân đội được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ, phóng viên báo chí quân đội cần thấy rõ trách nhiệm trong việc giáo dục học viên một cách toàn diện; vừa coi trọng trang bị lý luận cơ bản, kiến thức nền tảng, kỹ năng làm báo, vừa phải thực hiện tốt mục tiêu “dạy người”; trong đó đặc biệt coi trọng việc bồi dưỡng bản lĩnh chính trị để xây dựng nên những NBQĐ “vừa hồng, vừa chuyên”. Trong giáo dục, rèn luyện học viên, cần nắm vững chuẩn mực đạo đức cách mạng, đạo đức NBQĐ để bồi dưỡng, kiểm tra, nhắc nhở, uốn nắn; làm cho họ hiểu đạo đức cách mạng là “cái gốc” của NBQĐ, là cơ sở, nền tảng vững chắc giúp họ có những bài viết bảo đảm trung thực, chính xác, giàu tính chiến đấu, “trắng ra trắng, đen ra đen”, không có chuyện “vàng thau lẫn lộn”,… để những điều đó đi vào nhận thức, cách sống, nếp nghĩ của mỗi học viên ngay từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chung với tự giáo dục, làm cho học viên chủ động, tự giác rèn giũa những đức tính cần thiết của người làm báo cách mạng ngay trong việc học tập, rèn luyện hằng ngày. Các cơ quan quản lý báo chí quân đội cần nâng cao trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh đối với các cơ quan báo chí sai phạm về tôn chỉ, mục đích về định hướng tuyên truyền và tác nghiệp báo chí, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Đối với các cơ quan báo chí quân đội, cần thấy rõ việc bồi dưỡng đạo đức cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong biên chế của cơ quan mình là thuộc về trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy. Trên cơ sở đó, xây dựng quy chế, chuẩn mực để điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi nhà báo trong hoạt động báo chí. Đặc biệt, phải có biện pháp quản lý chặt chẽ các cơ quan đại diện, thường trú và những nhà báo hoạt động, tác nghiệp độc lập, xa cơ quan dài ngày, thiếu phương tiện liên lạc,… Cấp ủy, tổ chức đảng ở các cơ quan báo chí cần thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên với những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể trong hoạt động giáo dục, bồi dưỡng đảm bảo sát từng đối tượng. Trong thực hiện, cần đề cao trách nhiệm của cán bộ quản lý đi đôi với việc bồi dưỡng, hướng dẫn, giúp đỡ phóng viên; lấy kết quả tu dưỡng, rèn luyện và chất lượng bài viết của phóng viên, biên tập viên là một tiêu chí để xem xét, đánh giá bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của mỗi NBQĐ.

Ba là, xây dựng môi trường văn hóa của cơ quan báo chí trong sạch, lành mạnh. Từng cơ quan báo chí quân đội là một bộ phận của môi trường đạo đức xã hội, môi trường đạo đức quân đội, có tác động trực tiếp đến phát triển nhân cách của đội ngũ phóng viên báo chí. Do vậy, từng cấp ủy, ban biên tập và đội ngũ cán bộ chủ trì cần nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn và khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, vụ lợi, lười tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người làm báo; coi đây là một trong những vấn đề mấu chốt, là giải pháp có tính đột phá trong xây dựng nền tảng văn hóa đạo đức trong cơ quan và đối với từng phóng viên, biên tập viên. Cùng với đó, cấp ủy, người chỉ huy ở từng tòa báo, tạp chí cần hết sức quan tâm, chăm lo xây dựng tập thể quân nhân vững mạnh về mọi mặt; phát huy hơn nữa vai trò của quần chúng đối với việc xây dựng môi trường văn hóa đạo đức trong cơ quan; đồng thời, thường xuyên tiến hành tốt công tác kiểm tra, uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện lệch chuẩn trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên thuộc quyền.

Bốn là, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng động cơ trong tự học tập, rèn luyện đạo đức của đội ngũ NBQĐ. Làm báo là một nghề luôn bị chi phối, kiểm soát bởi một hệ thống thể thức, định chế và đạo đức rất khắt khe, nghiêm túc. Điều quan trọng nhất với người làm báo chính là “cái tâm”. “Tâm” không “sáng” thì lòng khó “trong”. Vì thế, cấp ủy, ban biên tập các báo, tạp chí cần đề cao trách nhiệm của mỗi phóng viên trong tự học, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức NBQĐ. Mỗi nhà báo phải xác định rõ, làm nghề báo phải có đạo đức: mình có hay, có tốt, mới nói, viết về người khác được; phải luôn khắc ghi lời dạy của Bác “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”2. Từ đó, giúp họ tự xây dựng động cơ, xác định thái độ, trách nhiệm học tập, rèn luyện đúng đắn. Để thực hiện tốt vấn đề này, các cơ quan chức năng, ban biên tập các báo, tạp chí phải phát huy tốt vai trò trách nhiệm và có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp. Riêng cán bộ trực tiếp quản lý, cần nắm, giải quyết tốt công tác tư tưởng, kịp thời động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, tinh thần để phóng viên phát huy tính tích cực, tự giác tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, vận dụng vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn tác nghiệp báo chí; đồng thời, có biện pháp để nắm chắc các mối quan hệ, động cơ phấn đấu, năng lực của từng phóng viên. Cán bộ cần hướng dẫn phóng viên xây dựng kế hoạch tự tu dưỡng; giúp họ xác định động cơ tự học tập, rèn luyện đúng đắn; làm cho việc tự học tập, tự tu dưỡng rèn luyện đạo đức trở thành nhu cầu tự thân của họ. Đối với từng phóng viên, khi xây dựng kế hoạch, nội dung, biện pháp tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phải có các tiêu chí cụ thể để phấn đấu, gắn kết chặt chẽ với học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là đạo đức, phong cách làm báo của Người. Đồng thời, cần thấy những phẩm chất nghề nghiệp đặc trưng của nhà báo - chiến sĩ, đó là: tính trung thực và tính chiến đấu, trong đó tính trung thực là cái đức và cũng là “cái gốc” của người làm báo; coi đây là yêu cầu đặt ra phải phấn đấu bền bỉ, suốt đời. Ngoài ra, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan báo chí cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của từng phóng viên; đồng thời, tiến hành đồng bộ các biện pháp về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó chú trọng kết hợp tốt giữa “xây” và “chống” trong bồi dưỡng đạo đức NBQĐ.

Hiện nay, nhiệm vụ công tác tư tưởng, lý luận, công tác tuyên truyền của báo chí quân đội trước tình hình mới đã và đang đặt ra những yêu cầu rất cao, rất toàn diện đối với những người làm báo quân đội. Do đó, việc bồi dưỡng đạo đức cách mạng của NBQĐ càng trở nên quan trọng. Làm tốt điều đó, sẽ góp phần nâng cao uy tín của đội ngũ NBQĐ nói riêng và vị thế của báo chí quân đội trong làng báo chí cách mạng Việt Nam nói chung.

Đại tá NGÔ ĐÌNH PHIẾM
_________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 13, Nxb CTQG,  H. 2011, tr. 466.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG,    H. 2011, tr. 293.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.