Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:28 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội là người trực tiếp quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo. Yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ này là vừa có trình độ chuyên môn, sư phạm, vừa có chức danh quản lý, chỉ huy phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Nhằm đáp ứng yêu cầu đó, bài viết này đề cập một số giải pháp bồi dưỡng chức danh và học vị cho đội ngũ giảng viên ở các học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay.
Kết hợp giữa chức danh và học vị là một tiêu chí, yêu cầu cơ bản đối với người giảng viên ở các học viện, trường sĩ quan quân đội (gọi tắt là giảng viên). Vì vậy, đào tạo theo chức vụ có trình độ học vấn tương ứng luôn là mục tiêu giáo dục - đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội; trong đó, đội ngũ giảng viên có vai trò rất quan trọng. Do đội ngũ cán bộ được đào tạo trong Quân đội vừa phải có kiến thức chuyên sâu về quân sự, quốc phòng, vừa phải hiểu biết toàn diện về an sinh, kinh tế, xã hội, văn hóa, pháp luật,… nên yêu cầu về phẩm chất, năng lực của người giảng viên vừa có sự thống nhất, vừa có sự khác biệt so với giảng viên của các nhà trường ngoài Quân đội. Về cơ bản, công tác huấn luyện, đào tạo được thực hiện theo phương châm: “cấp trên dạy cấp dưới, chỉ huy dạy đơn vị”; truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, quản lý, chỉ huy, huấn luyện cho người học. Vì vậy, người giảng viên phải có kiến thức toàn diện, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của mỗi chức danh, tức là phải “giỏi việc dưới, thạo việc mình, biết việc trên”. Điều đó đặt ra và đòi hỏi người giảng viên phải có chức danh và trình độ phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng trường. Sự tích hợp cả chuyên môn theo chuyên ngành giảng dạy với năng lực quản lý, chỉ huy, đảm bảo cho người giảng viên có sự hòa trộn giữa tri thức khoa học với kinh nghiệm thực tiễn của đơn vị, để “nhập vai” trong truyền thụ tri thức, kinh nghiệm cho người học đạt hiệu quả cao.
Thực trạng
Những năm qua, các học viện, trường sĩ quan quân đội đã chủ động quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên về kiến thức, năng lực sư phạm, tin học, ngoại ngữ và chức danh quản lý, chỉ huy đơn vị. Đến nay, “giảng viên các học viện, trường đại học, trường sĩ quan có trình độ tiến sĩ là 11,98%; trình độ thạc sĩ là 38,58%”1; có trình độ lý luận và kiến thức thực tiễn đáp ứng yêu cầu đề ra. Cho nên, quá trình giảng dạy của đội ngũ giảng viên cơ bản đáp ứng yêu cầu vừa truyền thụ kiến thức, vừa truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện, quản lý, chỉ huy đơn vị theo chức danh đào tạo đối với cấp học, bậc học ở mỗi học viện, trường sĩ quan.
Tuy nhiên, “nhiều nhà giáo chưa qua thực tế theo chức vụ đào tạo,… nhà giáo trường sĩ quan qua giữ chức phân đội chiếm 60,7%, nhà giáo học viện qua cấp trung đoàn là 18,8%; cấp sư đoàn là 6,4%”2. Vì thế, hiện tượng “đạt được tiêu chí này nhưng chưa có tiêu chí kia” vẫn còn; một bộ phận giảng viên “kiến thức thiếu hệ thống, năng lực, kinh nghiệm chỉ huy, huấn luyện, quản lý bộ đội còn yếu”3 đã gây những khó khăn, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, chất lượng sư phạm của người giảng viên. Mặt khác, một bộ phận giảng viên trẻ ở các học viện, trường sĩ quan mới qua đào tạo cấp phân đội và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học vào Quân đội chưa qua quản lý, chỉ huy nên kiến thức thực tế còn hạn chế, kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều. Những giảng viên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn thì độ tuổi đưa đi đào tạo theo học vị lại có những bất cập. Với nguồn lực chưa đều, thiếu chức danh hoặc học vị, cho nên có những giảng viên chưa qua chức danh cấp dưới nhưng lại đảm nhiệm giảng dạy cho người học ở chức danh cao hơn so với mục tiêu, yêu cầu đào tạo ở mỗi học viện, trường sĩ quan quân đội. Điều đó làm cho quá trình truyền thụ tri thức và kinh nghiệm của người dạy đối với người học vẫn còn chung chung, thiếu “hơi thở” từ thực tiễn đơn vị.
Các giải pháp cơ bản
Một là, tiếp tục chuẩn hóa, hiện thực hóa tiêu chí về chức danh và học vị đối với đội ngũ giảng viên. Trước hết, các nhà trường cần bám sát mô hình, mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ để xác định rõ hơn những tiêu chí, yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên cho phù hợp với nhiệm vụ giáo dục - đào tạo. Về cơ bản, nên đặt ra yêu cầu, tiêu chí chức danh và học vị đối với giảng viên phải ít nhất là bằng hoặc cao hơn so với chức vụ đào tạo cán bộ của học viện, trường sĩ quan đó. Đối với giảng viên ở các học viện, nên tổ chức bồi dưỡng các chuyên đề về chức danh cấp chiến dịch - chiến lược. Các trường sĩ quan tổ chức bồi dưỡng chức danh chiến thuật - chiến dịch cho giảng viên trẻ, giảng viên mới qua đào tạo cấp phân đội và tuyển dụng từ các trường đại học ngoài Quân đội khi chưa có điều kiện đưa đi đào tạo cơ bản cấp trung đoàn, sư đoàn. Việc tuyển chọn, bổ sung đội ngũ giảng viên ở mỗi học viện, trường sĩ quan cần bảo đảm tốt cho nhu cầu trước mắt và lâu dài, với những lứa, lớp phù hợp, có cơ cấu tỷ lệ hợp lý giữa số lượng đưa đi đào tạo với thực tế giữ chức tại đơn vị. Các học viện, trường sĩ quan cần nắm chắc chất lượng đội ngũ giảng viên, phân loại các nhóm chức danh và học vị ở từng đối tượng để có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức và năng lực thực tiễn cho đội ngũ giảng viên.
Hai là, cần chú trọng kết hợp bồi dưỡng giữa chức danh và học vị cho đội ngũ giảng viên ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Trên cơ sở tiêu chí chung, từng trường cần cụ thể hóa tiêu chí cho phù hợp với đối tượng và mục tiêu đào tạo; coi vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện là một nội dung cơ bản trong quy trình xây dựng và hoàn thiện chất lượng đội ngũ giảng viên của mỗi trường. Do vậy, các trường cần kết hợp đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành với đưa giảng viên đi thực tế theo chức danh với lộ trình thống nhất, cân đối, hợp lý, nhằm góp phần hiện thực hóa chủ trương “Thực hiện tốt việc luân chuyển để bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch… giữa cơ quan với đơn vị, giữa chủ lực với địa phương, giữa nhà trường với đơn vị và ngược lại”4. Khi đưa cán bộ đi thực tế, dự nhiệm, cần căn cứ vào nguồn quy hoạch của từng giảng viên để sắp xếp chức danh quản lý, chỉ huy cho phù hợp, giúp họ có cơ hội vận dụng giữa lý luận với thực tiễn trên cương vị, chức trách đảm nhiệm tại đơn vị. Các học viện, trường sĩ quan quân đội phải có kế hoạch cụ thể, phân loại cho từng nhóm giảng viên đã qua đào tạo, quản lý, chỉ huy ở cấp nào, khả năng, kinh nghiệm, năng lực sư phạm, trình độ tri thức, tư duy, phương pháp sư phạm ra sao để bồi dưỡng cho phù hợp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu theo chuyên ngành để tạo nguồn cho những chuyên gia ở từng lĩnh vực. Kết hợp đào tạo, bồi dưỡng giữa các trường trong và ngoài Quân đội; giữa nhà trường và đơn vị trong bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ giảng viên. Cán bộ, giảng viên ở nhà trường có thể trao đổi những thông tin chuyên đề về những vấn đề mới, cập nhật sự phát triển lý luận, nghệ thuật quân sự đối với đơn vị. Ngược lại, đơn vị có thể trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn quản lý, chỉ huy cho cán bộ, giảng viên. Như vậy, sự tương tác giữa nhà trường với đơn vị sẽ chặt chẽ, nhuần nhuyễn hơn trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên hiện nay.
Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và đơn vị để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên theo hướng kết hợp giữa chức danh và học vị. “Nhà trường đào tạo cán bộ cho đơn vị và ngược lại đơn vị đào luyện cán bộ cho nhà trường trong thực tế”5. Do vậy, cần có cơ chế phối hợp, thống nhất giữa nhà trường với đơn vị, giữa giáo dục - đào tạo với huấn luyện chiến đấu và hoạt động thực tiễn, tạo hành lang, môi trường thuận lợi để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ giảng viên ở các học viện, trường sĩ quan cả trước mắt và lâu dài. Mỗi đơn vị có giảng viên đến thực tế giữ chức hoặc bổ nhiệm cần xác định đây là một nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình để phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, giảng viên. Cần khắc phục những biểu hiện phối hợp chưa nhịp nhàng dẫn đến quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chưa thật sự hiệu quả khi giảng viên thực tế giữ chức vụ tại đơn vị.
Các học viện, trường sĩ quan cần đổi mới quy trình đi khảo sát thực tế hằng năm; xác định rõ các chuyên đề khảo sát với chủ đích rõ ràng nhằm khảo sát nội dung, định hướng vận dụng cho các chuyên đề, chủ đề bài giảng theo chuyên ngành của giảng viên. Các đơn vị khi cung cấp tình hình cho các đoàn khảo sát cần có tính chuyên sâu, tập trung vào những kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức, quản lý, chỉ huy đơn vị, làm tài liệu thực tiễn sinh động để minh chứng đối với người học. Đây là sự tương tác toàn diện giữa lý luận với thực tiễn mà người giảng viên phải nắm bắt, học tập, thông qua kênh khảo sát thực tiễn theo kế hoạch hằng năm của đơn vị.
Bốn là, đội ngũ giảng viên cần bám sát những tiêu chí để chủ động tích lũy cả chức danh và học vị trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Vấn đề tự học, tự nghiên cứu, tích lũy của đội ngũ giảng viên có vai trò rất quan trọng, nhất là, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Người giảng viên cần rèn luyện kỹ năng tổng hợp, có tư duy linh hoạt, nhạy bén trong phát hiện vấn đề, khả năng cập nhật thông tin, học ngoại ngữ, tin học, đọc và nghiên cứu tài liệu, văn bản để vận dụng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, có kế hoạch tự học tập cho sát với yêu cầu đặt ra, gắn với lĩnh vực giảng dạy đang đảm nhiệm. Đối với giảng viên được giao nhiệm vụ đi thực tế, cần tích cực, chủ động tích lũy kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy để vận dụng trong giảng dạy. Quá trình tích lũy tri thức và kinh nghiệm phải được huy động ở nhiều nguồn khác nhau, học ở trường, ở lớp, học trong thực tế, học lẫn nhau, học ở người học, học ở đồng chí, đồng đội để có thêm kiến thức, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, khắc phục hiện tượng thiếu tâm huyết, chưa làm tròn trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, ít kinh nghiệm thực tiễn, ảnh hưởng đến quá trình phát triển và hoàn thiện năng lực sư phạm của người giảng viên.
Trên đây là một số giải pháp mang tính nghiên cứu, tham khảo, nhằm góp phần nâng cao trình độ lý luận, kiến thức thực tiễn cho đội ngũ giảng viên trong các học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay.
Thượng tá, TS. LƯƠNG THANH HÂN, Phó Chủ nhiệm Khoa Triết học Mác – Lê-nin - Học viện Chính trị
_______________
1 - Bộ Quốc phòng - 30 năm đổi mới quân sự, quốc phòng - Thành tựu và kinh nghiệm (1986 - 2016), Nxb QĐND, H. 2016, tr. 268.
2 - Đảng ủy Quân sự Trung ương - Nghị quyết về công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới, Số 86/NQ-ĐUQSTW, H. 2007, tr. 2.
3 - Quân ủy Trung ương - Nghị quyết “Về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, Số 769-NQ/QUTW, H. 2012, tr. 3.
4 - Sđd, tr. 12.
5 - Trường Đại học Chính trị - Tạp chí Khoa học chính trị quân sự, Số 3 (16), Tháng 5 & 6-2014, tr. 34.
bồi dưỡng chức danh,đội ngũ giảng viên,nhà trường quân đội
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc