Thứ Bảy, 23/11/2024, 23:02 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai (nếu xảy ra), địa bàn ven biển là rất quan trọng đối với ta và rất có thể là hướng tiến công chủ yếu của địch bằng thực hành đổ bộ đường biển kết hợp với các hướng khác. Vì vậy, việc nghiên cứu về sự phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương phòng ngự, phòng thủ ven biển có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết.
Quán triệt quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, những năm qua, các địa phương trên cả nước nói chung, địa phương ven biển nói riêng đã tập trung xây dựng các khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc. Trong đó, lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương đã và đang được quan tâm xây dựng về mọi mặt, nhất là trình độ tác chiến, nhằm đảm bảo đủ khả năng làm nòng cốt trong hoạt động quân sự, quốc phòng thời bình và nòng cốt cho toàn dân đánh giặc khi chiến tranh.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), các đơn vị bộ đội chủ lực (BĐCL) tiến hành tác chiến trên địa bàn KVPT địa phương được xây dựng từng bước vững chắc trong thời bình. Việc phối hợp giữa BĐCL với LLVT địa phương trong quá trình tác chiến là vấn đề thuộc phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân mà Đảng ta đã xác định. Đó cũng là truyền thống, là nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam và là yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp trong chiến tranh BVTQ. Để hoạt động phối hợp chiến đấu giữa BĐCL với LLVT địa phương chặt chẽ, thống nhất, hiệu quả, phát huy được sức mạnh, khả năng, sở trường của từng lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp đảm bảo chiến đấu thắng lợi cần phải tiến hành tổng thể nhiều nội dung, biện pháp. Phạm vi bài viết đề cập một số biện pháp phối hợp tác chiến phòng ngự bờ biển ở quy mô trung đoàn, sư đoàn bộ binh.
Trước hết, cần triệt để tận dụng thế trận của LLVT địa phương trong KVPT để xây dựng thế trận phòng ngự liên hoàn, hiểm hóc và vững chắc. Trong chiến tranh BVTQ đối tượng tác chiến của ta có vũ khí, trang bị hiện đại; có khả năng đổ bộ ở nhiều loại địa hình bờ biển, kết hợp giữa đổ bộ đường biển và đường không; trong quá trình chuẩn bị và thực hành đổ bộ có sự hỗ trợ đắc lực của hỏa lực từ các hạm đội và không quân. Vì thế, trong thời bình ta phải dự kiến nhiều khu vực địch có thể đổ bộ. Trong kế hoạch xây dựng KVPT, các địa phương ven biển cần dự kiến nhiều phương án, kế hoạch đánh địch đổ bộ đường biển; trên cơ sở đó tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh ngay trước và trong quá trình chiến tranh, theo phương châm: “làng giữ làng”, “xã giữ xã”, bảo đảm kìm giữ địch, tạo điều kiện cho BĐCL tổ chức phòng ngự, phản công tiêu diệt địch. Trong quá trình xây dựng KVPT, các khu vực trọng điểm, như: KVPT then chốt, các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần - kỹ thuật, căn cứ hậu phương, các công trình chiến đấu đã từng bước được đầu tư xây dựng. Đây là yếu tố quan trọng và là điều kiện thuận lợi để các đơn vị BĐCL khi bước vào phòng ngự trên địa bàn có thể dựa vào hệ thống công sự trận địa có sẵn, tận dụng địa hình để bố trí lực lượng, cải tạo, xây dựng thành trận địa phòng ngự của đơn vị cho phù hợp, bảo đảm tính liên hoàn, hiểm hóc và vững chắc, tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa các lực lượng để đánh địch liên tục, dài ngày. Trong quá trình xây dựng công sự trận địa, bố trí vật cản, BĐCL cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự (CQQS) địa phương để tranh thủ sự giúp đỡ cả về nhân lực, vật lực.
Thứ hai, nắm chắc khả năng, sở trường của LLVT địa phương để phát huy sức mạnh tổng hợp trong quá trình tác chiến. LLVT địa phương là lực lượng chiến đấu tại chỗ. Trong thời bình, LLVT địa phương được xây dựng có chất lượng tổng hợp ngày càng cao; được huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật theo kế hoạch đã xác định; có tổ chức, biên chế phù hợp, vũ khí, trang bị từng bước được đổi mới. Đây là lực lượng thông thạo địa hình, trong tác chiến thực hiện nhiệm vụ đánh nhỏ lẻ, phân tán, đánh liên tục ngày đêm, rộng khắp, căng kéo địch, có khả năng bám trụ, quần lộn, ngăn chặn địch, tạo thuận lợi cho BĐCL tổ chức các trận đánh tập trung quy mô vừa và lớn. Khi tổ chức các loại hình chiến dịch ở địa bàn ven biển, LLVT địa phương có thể phối hợp hoặc phối thuộc cho đơn vị BĐCL. Trong quá trình đó, dù phối hợp hay phối thuộc, LLVT địa phương cũng có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, như: tổ chức hệ thống đài quan sát trên bộ, trên biển; nắm tình hình địch nội địa; trấn áp bạo loạn, bảo vệ các mục tiêu quan trọng, giữ vững an ninh chính trị trong khu vực phòng ngự (KVPN); xây dựng công sự trận địa phục vụ chiến đấu; tham gia đánh địch đổ bộ đường biển, đường không, vu hồi đường sông,… Do vậy, BĐCL chiến đấu phòng ngự ở địa hình khu vực bờ biển phải nắm chắc tình hình mọi mặt, nhất là khả năng của LLVT địa phương về lực lượng, trang bị và khả năng chiến đấu…, làm cơ sở phối hợp, hiệp đồng trong chuẩn bị và thực hành chiến đấu, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp đánh bại tiến công của địch, giữ vững KVPN được giao. Bên cạnh đó, BĐCL cần có phương án, kế hoạch chi viện cho LLVT địa phương trong quá trình chiến đấu.
Thứ ba, chỉ huy tập trung, thống nhất. Đặc điểm tác chiến phòng ngự bờ biển là diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều tình huống đột biến trên phạm vi rộng. Để thống nhất về hành động phối hợp tác chiến giữa các lực lượng, nâng cao hiệu suất, hiệu quả chiến đấu cần thành lập ban chỉ huy thống nhất (thường vận dụng ở cấp sư đoàn), lấy cơ sở là hệ thống chỉ huy của BĐCL. Thành phần gồm chỉ huy đơn vị BĐCL và đại diện cấp ủy, chính quyền, LLVT địa phương và các đơn vị có liên quan. Cán bộ CQQS địa phương tham gia vào ban chỉ huy thống nhất thường là phó chỉ huy trưởng, hoặc phó tham mưu trưởng CQQS. Cách tổ chức như vậy sẽ phát huy được tính chủ động của hệ thống chỉ huy, bảo đảm kịp thời giải quyết các vấn đề cần thiết, nhất là huy động nhân lực, vật lực tại chỗ của địa phương để phục vụ cho trận đánh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, CQQS địa phương có thể cử đại diện đến sở chỉ huy của đơn vị BĐCL để chỉ huy LLVT địa phương phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong quá trình đó, người chỉ huy đơn vị BĐCL và CQQS địa phương ở sở chỉ huy cần thống nhất về phương pháp chỉ huy tác chiến, xác định đúng phạm vi, trách nhiệm và quyền hạn chỉ huy của mỗi bên một cách cụ thể, rõ ràng để tránh tình trạng chỉ huy chồng chéo, không đúng chức năng, quyền hạn dẫn đến hiệu quả phối hợp chiến đấu thấp. Người chỉ huy BĐCL muốn sử dụng LLVT địa phương phải thông qua đại diện CQQS địa phương để chỉ huy phối hợp chiến đấu theo đúng ý định. Về mối quan hệ giữa người chỉ huy đơn vị BĐCL với đại diện CQQS địa phương, được xác định là mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng cùng thực hiện chung nhiệm vụ. Quá trình chỉ huy, hiệp đồng phối hợp chiến đấu giữa đơn vị BĐCL với LLVT địa phương cần thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và giải quyết tốt mối quan hệ chỉ huy để tạo mối đoàn kết, từ đó tận dụng, phát huy được sức mạnh chiến đấu của LLVT địa phương tại chỗ và huy động nhân lực, vật lực trong KVPT, bảo đảm đơn vị BĐCL hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả phối hợp của các lực lượng trong quá trình tác chiến. Trước hết, BĐCL phải chú trọng làm tốt công tác xây dựng quyết tâm, kế hoạch chiến đấu và kế hoạch hiệp đồng, bảo đảm một cách đầy đủ, cụ thể, tỉ mỉ. Nội dung của các văn kiện phải dự kiến các tình huống có thể xảy ra và biện pháp xử trí. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ chiến đấu, BĐCL phải phối hợp chặt chẽ với LLVT địa phương trong khu vực tác chiến để nắm địch, tiêu diệt biệt kích, thám báo, người nhái, đánh dấu, chỉ đường, hỗ trợ BĐCL bảo vệ cạnh sườn, bắn máy bay địch bảo vệ đội hình chiến đấu. Cùng với đó, người chỉ huy đơn vị BĐCL cần chỉ huy các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân tự vệ thông qua đại diện CQQS địa phương. Trong hoạt động phối hợp tác chiến, tại sở chỉ huy trước mỗi tình huống cần có đại diện của LLVT địa phương để cùng tham gia, đề xuất các biện pháp xử trí tình huống và nâng cao hiệu lực chỉ huy, phát huy tối đa khả năng, sở trường chiến đấu của từng lực lượng. Lực lượng phòng ngự dựa vào làng, xã chiến đấu, các chốt, điểm tựa phòng ngự, phát huy hỏa lực trong tầm bắn hiệu quả đánh vào đội hình, kìm giữ, sát thương địch; lực lượng dân quân cơ động và lực lượng chiến đấu tại chỗ vận dụng hình thức tập kích, phục kích tiêu hao, tiêu diệt lực lượng chốt giữ hành lang của địch; các tổ, khẩu đội chuyên trách diệt xe tăng, xe thiết giáp, tàu, xuồng, kiềm chế trận địa hỏa lực, các sở chỉ huy của địch, đánh phá giao thông, chia cắt đội hình địch dưới nước và trên bờ, phía trước với phía sau. Các lực lượng hai bên sườn phát hiện và đánh địch vu hồi đường biển, đường sông, kịp thời chi viện hỏa lực cho lực lượng đánh địch ở tuyến mép nước khi cần thiết trong tầm bắn hiệu quả. LLVT địa phương bám trụ, quần lộn, đánh địch khi chúng vượt qua, hỗ trợ cho BĐCL trong suốt quá trình chiến đấu. Khi địch tiến công vào KVPN, người chỉ huy BĐCL thông qua CQQS địa phương chỉ huy lực lượng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ trong KVPN cùng với lực lượng của BĐCL dựa vào các chốt, cụm chốt, điểm tựa, cụm điểm tựa dùng hỏa lực đánh vào đội hình tiến công của địch ở trước tiền duyên. Đồng thời, phát hiện kịp thời và ngăn chặn có hiệu quả các lực lượng vu hồi của địch. Các lực lượng ở khu vực chiến đấu vòng ngoài và lực lượng hỏa lực hiệp đồng đẩy mạnh hoạt động tiến công rộng khắp bằng tập kích hỏa lực vào phía sau đội hình địch, như: sở chỉ huy, trận địa hỏa lực, căn cứ hậu cần, đánh phá giao thông, chia cắt đội hình địch. Các tổ, đội chuyên trách diệt tàu, xuồng, xe tăng, xe thiết giáp, buộc địch phải phân tán đối phó, tạo điều kiện cho BĐCL đánh địch, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
BĐCL phối hợp với LLVT địa phương tác chiến phòng ngự ở khu vực bờ biển trong chiến tranh BVTQ thực chất là kết hợp sức mạnh tổng hợp của LLVT ba thứ quân trong thế trận chiến tranh nhân dân, nhằm đánh bại tiến công của địch, giữ vững KVPN được giao. Đây là vấn đề mới, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm; vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để vận dụng trong chiến tranh BVTQ.
Trung tá, ThS. VÕ MẠNH ĐỒNG
Trường Sĩ quan Lục quân 2
Phòng ngự biển
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc