Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 12/05/2022, 06:06 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng phát huy vai trò chuyên trách trong thực hiện chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia

Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia là văn kiện quan trọng; định hướng cơ bản để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Đây cũng là cơ sở, nền tảng khoa học, pháp lý để Bộ đội Biên phòng phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia là cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; có tính dự báo cao, chủ động phòng ngừa, đề ra đối sách đúng đắn, kịp thời; kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các tình huống có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Khi đề cập đến lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược xác định: “Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia”.

Quán triệt tinh thần đó, những năm qua, Bộ đội Biên phòng luôn phát huy tốt vai trò lực lượng chuyên trách, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng luôn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan xử lý có hiệu quả các vụ việc xảy ra trên biên giới; chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng, phương tiện thực hiện tốt nhiệm vụ ứng phó với các tình huống, nhất là tình huống an ninh phi truyền thống. Đặc biệt, trong phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, bám trụ trên tuyến đầu, quản lý chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, ngăn chặn không để dịch bệnh xâm nhập vào nội địa, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đó là, công tác nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo tình hình có mặt chưa sâu, chưa kịp thời, thống nhất; việc quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh có lúc còn sơ hở, bất cập; nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là chống buôn lậu, gian lận thương mại có nơi, có thời điểm hiệu quả chưa cao, còn để xảy ra sai phạm. Công tác phối hợp với các lực lượng, đặc biệt ở cơ sở còn hạn chế, chưa xử lý dứt điểm một số tình huống phức tạp về an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, v.v. Tình hình đó đòi hỏi Bộ đội Biên phòng cần tiếp tục phát huy vai trò chuyên trách, thực hiện thắng lợi Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, nhân dân, trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước thực hiện Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Điểm cốt lõi trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này là phải biết dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân là cột mốc sống”, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách. Vì vậy, các đơn vị Bộ đội Biên phòng cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp, ngành, địa phương và toàn dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, pháp luật và các điều ước quốc tế có liên quan đến biên giới quốc gia; nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá, hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc ở khu vực biên giới. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho lực lượng liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới kiến thức về quốc phòng, an ninh, pháp luật về biên giới quốc gia, hoạt động tại địa bàn biên giới, cửa khẩu. Về biện pháp, cần đa dạng hóa các hình thức, cách thức tuyên tuyền, giáo dục sát hợp với đối tượng, địa bàn. Tiếp tục thực hiện Đề án: “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” của Chính phủ và Đề án: “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” của Bộ Quốc phòng, phát huy hiệu quả của chương trình “Nâng cao nhận thức chính trị, trình độ pháp luật cho cán bộ, nhân dân và chiến sĩ biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động.

Hai là, nâng cao năng lực nắm, đánh giá, dự báo tình hình, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới trong tình hình mới. Để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng cần nâng cao năng lực nắm, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là tình hình nội địa, ngoại biên; những động thái, xu thế của các nước trong giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ; cũng như tình hình hoạt động của các thế lực thù địch hòng xâm hại chủ quyền quốc gia, biên giới, lãnh thổ của đất nước, v.v. Trên cơ sở đó, chủ động, kịp thời báo cáo, tham mưu với Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; chủ trương, đối sách xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ; không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng phá hoại, gây ra vấn đề phức tạp trên các tuyến biên giới, nhất là tại các khu vực còn tồn đọng trong công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia và các địa bàn chiến lược, trọng điểm. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên, môi trường và lợi ích quốc gia - dân tộc.

Ba là, tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, quản lý với bảo vệ biên giới quốc gia, lấy xây dựng biên giới là trung tâm; quản lý, bảo vệ biên giới là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, trong đó chú trọng thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới; đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh. Để thực hiện tốt những nội dung trên, Bộ đội Biên phòng cần tích cực tham gia củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, làm tốt công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 68-KL/TW, ngày 05/02/2020 của Ban Bí thư về thực hiện chủ trương thí điểm tăng cường thêm cán bộ Đồn Biên phòng tham gia cấp ủy huyện biên giới để nhân rộng trên phạm vi cả nước; phát huy tốt vai trò cán bộ Biên phòng tăng cường cho các xã khó khăn, đảng viên Đồn Biên phòng sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản và phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới, không để thôn, bản “trắng” tổ chức đảng và đảng viên.

Tiếp tục tham mưu xây dựng các đề án, phương án, cơ chế thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 20/NQ-CP, ngày 17/8/2018 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, phong trào, mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo ở khu vực biên giới, nhất là các phong trào: “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới, tham gia xóa đói giảm nghèo ở khu vực biên giới”, “Nghĩa tình đồng đội nơi biên giới”; các chương trình: “Mái ấm và bò giống cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Thầy giáo quân hàm xanh - nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”; các mô hình: “Cán bộ Biên phòng tăng cường xã”, v.v.

Bốn là, xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Đây là biện pháp quan trọng, có tính nền tảng và là nhân tố cốt lõi nhất, nhằm quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trong mọi tình huống. Trong đó và trước hết, cần xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới; coi trọng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống, nhiệm vụ của Quân đội, của Bộ đội Biên phòng; nhận thức rõ đối tác, đối tượng, âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và tội phạm; xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới công tác huấn luyện, nâng cao chất lượng nghiệp vụ công tác biên phòng cho các đối tượng, nhất là các đối tượng làm nhiệm vụ đặc thù, trên các địa bàn biên giới trọng điểm, phức tạp. Tiếp tục duy trì, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 103/CT-BQP, ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội; chú trọng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội; xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh; tiếp tục cải cách hành chính quân sự, triển khai thực hiện ứng dụng Chính phủ điện tử trong các cơ quan, đơn vị.

Năm là, chủ động phối hợp với các lực lượng và tăng cường hợp tác quốc tế quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân với đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng; thực hiện “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” để bảo vệ biên giới quốc gia là kim chỉ nam cho hoạt động bảo vệ biên giới của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Do đó, thời gian tới các đơn vị cần đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế về xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia, trọng tâm là Đề án: “Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Triển khai các mô hình hợp tác bảo vệ biên giới giữa Bộ đội Biên phòng Việt Nam với các nước tiếp giáp và các nước có liên quan, nhất là các mô hình: Giao lưu hữu nghị quốc phòng, biên giới; Giao lưu Biên cương thắm tình hữu nghị; Kết nghĩa đồn, trạm Biên phòng; Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới,… duy trì “đường dây nóng”, tuần tra chung, luân phiên gặp gỡ, trao đổi thông tin; phối hợp phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa ở khu vực biên giới, v.v. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức quốc tế trong đào tạo, tập huấn, đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới, kiểm soát cửa khẩu và phòng, chống tội phạm.

Đại tá, TS. NGUYỄN NGỌC BẰNG, Phó Giám đốc Học viện Biên phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.