Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 19/09/2011, 01:50 (GMT+7)
Bảo vệ chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới



Nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo. (Nguồn: Báo Giáo dục Việt Nam)
Bảo vệ chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, để thực hiện nhiệm vụ này, chúng ta phải quán triệt, thấu suốt quan điểm của Đảng về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định và giữ vững chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

 

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển khoa học và công nghệ cho phép con người mở rộng khả năng khai thác tài nguyên biển vượt qua các giới hạn về độ sâu và tiến tới khả năng sống ở môi trường biển. Trước sức ép ngày càng tăng về dân số và cạn kiệt dần tài nguyên trên đất liền, tiến ra biển và bảo vệ chủ quyền, tài nguyên biển trở thành một chiến lược lâu dài của nhiều nước trên thế giới. Việt Nam là một quốc gia ven biển, có những lợi thế về vị trí địa lý tự nhiên và tiềm năng kinh tế, nên tiến ra biển, khai thác và bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có chủ quyền các vùng biển, đảo là một nhiệm vụ chiến lược.

Lịch sử dân tộc ta còn ghi lại bao lời tuyên bố vang vọng mãi với non sông đất nước, thấm sâu trong tâm trí con người Việt Nam như lời thề non nước; trong đó, có lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm Bộ đội Hải quân năm 1961: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lịch sử dân tộc cũng chứng tỏ rằng, Việt Nam tuy là nước nhỏ (xét cả về lãnh thổ, dân số, tiềm lực kinh tế và quân sự so với nhiều nước đã từng xâm lược nước ta), nhưng vẫn có thể tạo nên sức mạnh để bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Đó là chiến lược: “Dĩ đoạn chế trường” (lấy ngắn chế dài) của Trần Quốc Tuấn; “Dĩ nhược chế cường, dĩ quá địch chúng” (lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều), “Dĩ đại nghĩa nhi hung tàn, dĩ chi nhân nhi địch cường bạo” (lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo) theo lời Nguyễn Trãi. Đặc biệt, để tạo nên sức mạnh to lớn trong cuộc kháng chiến 30 năm (1945 - 1975) của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chúng ta đã biết khai thác và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại để đánh thắng kẻ thù.

Ngày nay, bối cảnh thế giới, khu vực và tình hình trong nước đã đổi thay so với những thời kỳ trước, song truyền thống giữ nước cùng bài học chống ngoại xâm của ông cha vẫn giữ nguyên giá trị. Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định: chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có các vùng biển, đảo là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình.

Gần đây, tình hình Biển Đông xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều nước, đe dọa đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta. Ngư dân nước ta khi ra khơi xa đánh bắt hải sản luôn phập phồng, lo âu bị nước ngoài bắt giữ, chiếm đoạt tài sản, phạt tiền, nhất là trên các vùng biển giáp ranh với các nước khác. Hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, một trong những hoạt động kinh tế mũi nhọn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý, thuộc chủ quyền nước ta, được luật pháp quốc tế thừa nhận, cũng có lúc bị nước ngoài ngăn chặn, xâm hại. Vấn đề đáng quan ngại là, lợi dụng những vấn đề mới phát sinh ở Biển Đông, các lực lượng cơ hội, phản động ở trong và ngoài nước ra sức xuyên tạc, nói xấu, phá hoại công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Trước tình hình đó, chúng ta phải phối hợp và tiến hành đồng bộ các biện pháp để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Dưới đây, chúng tôi xin tập trung vào mấy biện pháp chủ yếu:

1. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về biển, đảo.

Vừa qua, sau khi nước ngoài có những hành động gây hấn, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở ngay trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế thì công tác tuyên truyền biển, đảo đã được đẩy mạnh hơn, báo chí nói nhiều, nói rõ ràng, cụ thể, nói đúng bản chất vấn đề về tranh chấp trên Biển Đông. Phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam theo đường ngoại giao, cùng tiếng nói rất đúng, kịp thời, cần thiết, không né tránh một số vấn đề mà trước đây thường cho là nhạy cảm của các nhà khoa học, sử học, luật sư và báo chí trong nước đã nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân; đồng thời, qua đó các cơ quan báo chí, thông tấn lớn trên thế giới đưa tin nhiều về vấn đề này khiến dư luận quốc tế hiểu hơn về cơ sở pháp lý, lịch sử, lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Điều đáng mừng là, qua thông tin rộng rãi trên báo chí Việt Nam và nước ngoài, nhiều chính khách, học giả trên thế giới, dư luận quốc tế đã lên tiếng đồng thuận, ủng hộ lập trường chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam.

Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, công tác tuyên truyền về biển, đảo cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng, dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ cơ quan chức năng Trung ương. Đặc biệt, cần cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch, chính xác để mọi người dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới hiểu cơ sở pháp lý, cơ sở lịch sử và sự chiếm hữu thực tế của Việt Nam trên các vùng biển, đảo; biết quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước ta về giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông; từ đó, xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và các hoạt động kinh tế biển. Hiện nay, ủy ban Biên giới quốc gia đã có Trang thông tin điện tử, phổ biến và cung cấp thông tin chính xác cho công chúng và báo chí trong và ngoài nước. Nhưng, mới có nội dung thông tin bằng tiếng Việt và lượng thông tin vẫn còn ít, chưa cập nhật thường xuyên, liên tục; còn thiếu nhiều thông tin, tư liệu cần thiết cũng như các công trình nghiên cứu liên quan đến Biển Đông. Sắp tới, Trang thông tin này nên có thêm bản tiếng Anh để phổ biến rộng rãi tới cộng đồng quốc tế. Việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cần thường xuyên hơn, nên có nhiều bài xã luận, bình luận ở nhiều cấp độ khác nhau thể hiện rõ quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước, có những kiến nghị và giải pháp để định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cùng với đó, cần kết hợp công tác tuyên truyền về biển, đảo với công tác giáo dục pháp luật, làm cho ngư dân hiểu rõ các quy định trong pháp luật nước ta và pháp luật quốc tế về biển, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), để từ đó, không chỉ chấp hành nghiêm các quy định mà còn kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của tàu, thuyền nước ngoài ở vùng biển Việt Nam. Chúng ta cũng cần sớm đưa các nội dung về chủ quyền biên giới và lãnh thổ, biển đảo vào trong sách giáo khoa ở các cấp phổ thông và đại học; in và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt Nam và quốc tế các bản đồ mới về đường biên giới trên bộ và các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về Biển Đông, chú trọng vào các đề tài khẳng định vững chắc chủ quyền của chúng ta, cả về mặt pháp lý, cơ sở lịch sử và truyền thống giữ biển của ông cha qua các thời kỳ.

 2. Kiên trì giải quyết tranh chấp biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Là thành viên của Hiến chương Liên hợp quốc, của UNCLOS cũng như Tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC), Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, kiên trì con đường giải quyết các vấn đề phát sinh bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; trong đó, biện pháp chủ yếu là thông qua đàm phán, thương lượng, nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan, vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và quốc tế. Theo tinh thần đó, những vấn đề còn đang bất đồng, tranh chấp song phương thì giải quyết theo hướng song phương; còn những vấn đề tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì giải quyết đa phương và phải hết sức công khai, minh bạch giữa các nước liên quan. Trong khi kiên trì phấn đấu tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài, chúng ta yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, tuân thủ cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, UNCLOS và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tăng cường nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an toàn biển, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm; cùng nhau nghiêm chỉnh thực hiện DOC, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển, vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, vì an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới. Tại các vùng biển không phải là khu vực tranh chấp, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, chúng ta có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp với quy định của UNCLOS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nước ta. Bởi, theo Điều 73 của UNCLOS quy định “quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước”.

Trước tham vọng kiểm soát phần lớn Biển Đông của nước ngoài, chúng ta cần có những biện pháp thích đáng ở các cấp độ khác nhau: song phương, khu vực và toàn cầu. Một mặt, kiên trì theo đuổi các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; mặt khác, coi trọng sử dụng hiệu quả cơ chế toàn cầu và khu vực, thông qua các diễn đàn của Liên hợp quốc và ASEAN để các tổ chức này có tiếng nói, thể hiện rõ quan điểm đối với hành vi vi phạm chủ quyền của một quốc gia thành viên.

Trong khi nỗ lực xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, cần kiên trì đấu tranh bảo vệ những lợi ích chính đáng của mình, song tránh gây phương hại cho yêu cầu giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển; không để các thế lực phản động tìm cách lợi dụng, công kích, chống phá sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, chia rẽ quan hệ giữa nước ta và các nước liên quan.

 3. Tập trung nỗ lực xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo vững mạnh.

Trong bối cảnh bất ổn trên các vùng biển của Tổ quốc hiện nay, việc tập trung nỗ lực xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo và các hoạt động kinh tế biển, nhất là Hải quân nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam,

Bộ đội Biên phòng, dân quân tự vệ biển và lực lượng Kiểm ngư vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao là một yêu cầu bức thiết. Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển - giữ vai trò nòng cốt và gánh vác trách nhiệm nặng nề trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển, đảo của Tổ quốc, cần được ưu tiên đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, đặc biệt là các lực lượng thường xuyên tuần tra trên biển và chốt giữ các đảo ở khơi xa. Cần phấn đấu để trong tương lai gần, Hải quân ta có đủ các lực lượng: tàu mặt nước, tàu ngầm, Không quân Hải quân, Hải quân đánh bộ và pháo - tên lửa bờ biển..., đủ khả năng bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ nhân dân ta lao động sản xuất trên biển, sẵn sàng ngăn ngừa và đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược từ hướng biển. Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách quản lý, duy trì thực thi pháp luật trên các vùng biển của Tổ quốc cần được tiếp tục củng cố, hoàn thiện về tổ chức biên chế, tăng cường trang bị hiện đại, bảo đảm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trước mắt và đáp ứng cho sự phát triển trong tương lai. Lực lượng Bộ đội Biên phòng cần được đầu tư bảo đảm đủ trang bị kỹ thuật, phương tiện khí tài, phương tiện cơ động..., đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, cứu hộ - cứu nạn, chống buôn lậu và các tệ nạn xã hội trên vùng biển được phân công. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển theo phương châm “rộng khắp”, ở đâu có tàu, thuyền hoạt động trên biển, có dân định cư ở ven biển và trên đảo, ở đó có dân quân tự vệ; lấy các doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã làm nòng cốt; tổ chức biên chế phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng địa phương, bảo đảm tạo thành 3 tuyến: ven bờ, lộng, khơi; coi trọng xây dựng lực lượng hoạt động trên biển, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Kiểm ngư là lực lượng cần sớm được xây dựng, đi vào hoạt động trong thời gian tới, với các đội tàu được trang bị hiện đại từ cấp Trung ương đến các vùng, các chi cục thuộc 28 tỉnh (thành phố) ven biển. Đây là lực lượng kiểm soát dân sự của Việt Nam, có đầy đủ thẩm quyền để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm của tàu cá nước ngoài; hỗ trợ ngư dân, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia ở các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

 PHẠM TRANG - QUANG CHUYÊN

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.