Thứ Năm, 24/04/2025, 13:06 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những năm qua, Nhà hát Chèo Quân đội luôn tích cực đổi mới, bảo tồn, phát triển, góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật của các tác phẩm sân khấu chèo, vừa lưu giữ được giá trị truyền thống, vừa tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật của thời kỳ đổi mới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của bộ đội và nhân dân.
Tiền thân là Đoàn Nghệ thuật Chèo Tổng cục Hậu cần, từ khi ra đời đến nay, Nhà hát Chèo Quân đội đã trưởng thành và lớn mạnh, thực hiện tốt quan điểm, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; bám sát và phản ánh sinh động thực tế cuộc sống, chiến đấu oanh liệt, hào hùng của Quân đội và nhân dân ta. Với tinh thần ở đâu có bộ đội, ở đó có lời ca, tiếng hát át tiếng bom, những nghệ sĩ - chiến sĩ của “Chiếu chèo Quân đội” không quản ngại gian khổ, hy sinh, có mặt ở trên khắp các chiến trường để biểu diễn phục vụ bộ đội; làm cho người chiến sĩ quên đau đớn, mệt mỏi, nêu cao ý chí, quyết tâm đánh giặc, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, “lính chèo” có mặt hầu khắp các binh trạm Trường Sơn, trên nhiều chiến trường, nhiều hướng chiến dịch, phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, v.v. Nhiều làn điệu, trích đoạn chèo truyền thống của Ðoàn đã được biểu diễn trực tiếp trên mặt trận và phát trên sóng Ðài Tiếng nói Việt Nam, như: Trần Quốc Toản ra quân, Nguyễn Viết Xuân, Ðường về trận địa, Lá thư tiền tuyến, Chuyến đò sông Mã, Anh lái xe và cô chống lầy, v.v. Thời kỳ đổi mới, Nhà hát Chèo Quân đội luôn đứng vững trong cơ chế thị trường và kiên định phát triển nghệ thuật chèo truyền thống. Đặc biệt, bộ ba vở chèo “Bài ca giữ nước” của Ðoàn đã trở thành một hiện tượng của sân khấu Việt Nam những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX; là mẫu mực của phương hướng cách tân, đổi mới chèo truyền thống, bộ tác phẩm kinh điển của sân khấu chèo đương đại.
Những năm gần đây, Nhà hát Chèo Quân đội tiếp tục phát huy tốt truyền thống của đơn vị nghệ thuật hàng đầu, phát triển nghệ thuật chèo truyền thống, tổ chức dàn dựng nhiều tác phẩm có giá trị nội dung, nghệ thuật cao, như các trích đoạn: Lý trưởng mẹ mõ, Thị Mầu lên chùa, Súy Vân giả dại, Phù thủy sợ ma, Tuần Ty đào Huế, v.v. Nhiều tác phẩm vang bóng một thời của Đoàn cũng được tái dựng thành công, như: Anh lái xe và cô chống lầy, Ðôi mắt, Người năm ấy, v.v. Cùng với đó, Ðoàn đã cộng tác với các tác giả kịch bản và đạo diễn trong và ngoài Quân đội, tổ chức tọa đàm, đi thực tế, đặt hàng, thẩm định,... nhằm xây dựng nhiều vở diễn mới có chất lượng, được dư luận đánh giá cao.
Đến nay, Nhà hát Chèo Quân đội luôn kiên định với những giá trị truyền thống và “chất chèo” cổ kết hợp với cách tân hiện đại. Vào những thời điểm khó khăn cho sân khấu truyền thống, một số đoàn chèo phải chuyển đổi đề tài và thay đổi thủ pháp nghệ thuật theo khuynh hướng thương mại để có doanh thu cao, nhưng Nhà hát Chèo Quân đội vẫn giữ vững quan điểm, kiên trì theo đường lối dân tộc - hiện đại mà Đảng đã chỉ ra. Những vở diễn về đề tài dân gian, chiến tranh cách mạng đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả Quân đội và cả nước, làm cho ngọn lửa truyền thống tiếp tục cháy mãi, soi rọi cho các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát không ngừng phấn đấu vươn lên trong hiện tại và tương lai. Quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của Nhà hát không bị mai một đi mà luôn tồn tại và phát triển, được cấp trên đánh giá tốt, công chúng đón nhận và đạt được nhiều giải cao qua các kỳ hội diễn1. Ghi nhận thành tích đó, Nhà nước đã tặng Nhà hát Chèo Quân đội danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Hơn 30 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, 05 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, v.v.
Hiện nay, việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống trong Quân đội là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần đưa các giá trị nghệ thuật mang đậm nét tinh hoa văn hóa dân tộc, nhân loại và hơi thở của đời sống hiện thực đến với bộ đội và nhân dân, động viên họ phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu cao đối với công tác tư tưởng nói chung, hoạt động văn hóa, văn nghệ nói riêng. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn, nhất là các loại hình sân khấu truyền thống gặp rất nhiều khó khăn trong nhiều năm qua; văn hóa lai căng tác động không nhỏ đến thị hiếu của khán giả, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Quân đội, làm cho họ không mấy mặn mà với sân khấu Chèo. Để “tiếp lửa” cho Chèo, nâng cao giá trị truyền thống, Nhà hát Chèo Quân đội xác định tiến hành đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp; trong đó, tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên đối với việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật Chèo trong Quân đội. “Đề cương văn hóa” năm 1943 của Đảng đã giác ngộ, quy tụ các văn nghệ sĩ đi trong hàng ngũ trùng điệp của quần chúng nhân dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, trong đó nhiều người đã trở thành nghệ sĩ - chiến sĩ. Họ mong muốn được đem công sức, tài năng, lời ca, tiếng hát của mình phục vụ bộ đội, cống hiến cho cách mạng. Kế thừa kinh nghiệm đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội luôn tổ chức tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, quán triệt đường lối, quan điểm, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa, văn nghệ, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khoá X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, v.v. Qua đó, làm cho cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên của Nhà hát thấy được vai trò, tầm quan trọng của nghệ thuật Chèo truyền thống trong sự nghiệp văn học - nghệ thuật nước nhà nói chung, trong Quân đội nói riêng, góp phần giữ vững hồn cốt dân tộc trong tâm hồn mỗi cán bộ, chiến sĩ. Trên cơ sở nhận thức đúng, mỗi nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công nêu cao trách nhiệm đối với việc bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật này, không ngừng sáng tạo, yêu mến, gắn bó với nghề, với Nhà hát. Tích cực học tập, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngả nghiêng, dao động, không bị lôi kéo trước hoạt động văn hóa - nghệ thuật trong cơ chế thị trường, tránh xa cái xấu, cái sai; không có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kiên quyết đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn lợi dụng văn học - nghệ thuật để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch.
Hai là, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên vững mạnh, có trình độ chuyên môn tốt, đảm bảo tính kế tiếp giữa các thế hệ. Để bảo tồn, phát triển nghệ thuật Chèo trong Quân đội, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xây dựng đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực này có phẩm chất, năng lực tốt, gắn bó với nghệ thuật truyền thống, say mê tập luyện, sáng tạo từng bài ca, làn điệu, từng lời thoại, điệu múa, những mảng miếng, ngón chèo, v.v. Căn cứ vào kế hoạch hoạt động, Nhà hát tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các lực lượng, theo phương châm: bám sát các tích chèo truyền thống; thông qua thực tiễn sáng tác, biểu diễn để bồi dưỡng, kết hợp bồi dưỡng tại chỗ với gửi đi đào tạo ở các nhà trường; thực hiện tốt việc quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng. Lãnh đạo, chỉ huy 02 đoàn của Nhà hát, các phòng, ban chức năng làm tốt công tác quản lý hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn theo quy chế, quy định của Nhà nước và Quân đội; định kỳ thực hiện đánh giá chuyên môn đối với cán bộ, diễn viên, nhạc công, nhân viên kỹ thuật để có biện pháp bồi dưỡng, đào tạo; khuyến khích họ tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ. Hội đồng chuyên môn, lực lượng sáng tác đề cao trách nhiệm, mở rộng cộng tác với các tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa trong và ngoài Quân đội để có vở mới, chất lượng, vừa góp phần bảo tồn giá trị truyền thống, vừa mang hơi thở thực tiễn cuộc sống trong Quân đội để bổ sung cho các chương trình nghệ thuật.
Ba là, tập trung xác định cơ sở lý luận, thực tiễn, nội dung của việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật chèo trong Quân đội. Trước xu thế phát triển của dòng văn học - nghệ thuật hiện nay, việc cách tân Chèo trên nền Chèo cổ mà không làm đứt mạch truyền thống là vấn đề đặt ra cấp bách, làm cho các vở diễn của “Chiếu chèo Quân đội” luôn thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ thưởng thức mà không làm mất đi các giá trị truyền thống. Bởi vậy, trước hết cần nghiên cứu những vấn đề lý luận về nghệ thuật Chèo cổ và những vở Chèo hiện đại trong sự tiếp biến văn hóa; thực trạng phát triển nghệ thuật Chèo trong Quân đội hiện nay; ảnh hưởng của môi trường văn hóa, xã hội với nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung, nghệ thuật Chèo nói riêng; đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển nghệ thuật Chèo. Để làm được điều đó, cần bảo tồn, sưu tầm kịch bản và dựng lại những vở diễn, những tích cổ có tính nghệ thuật cao; dựng lại các vở diễn xuất sắc của Nhà hát Chèo Quân đội; bảo tồn để phổ biến những làn điệu, động tác múa chèo. Đồng thời, cần quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển nhạc khí trong dàn nhạc sân khấu Chèo; bảo tồn, lưu giữ trang phục, cách bài trí sân khấu, hóa trang và đề xuất những giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm bảo tồn, phát triển chèo trong Quân đội. Hiện nay, việc bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật chèo nói chung và trong Quân đội nói riêng là việc làm hết sức khó khăn hiện nay, đòi hỏi Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà hát phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của trên để có chủ trương, biện pháp phù hợp, động viên sức mạnh tập thể, bám sát hơi thở thực tiễn và nhu cầu thưởng thức của công chúng để có những tác phẩm hay nhưng vẫn giữ được cốt cách của chèo trong đời sống văn học - nghệ thuật dân tộc.
Bốn là, đảm bảo tốt chế độ chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, nhân viên. Một thực tế là, trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự phát triển của các phương tiện, hình thức thông tin, giải trí làm thay đổi thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của một bộ phận khán giả và cán bộ, chiến sĩ, nên những nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo có những trăn trở, giảm cảm xúc trong sáng tác, thiếu gắn bó với nghề, với Nhà hát. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho lãnh đạo, chỉ huy Nhà hát là phải quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân viên, nhất là các đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, để đời sống của họ không thua kém nhiều với các nghệ sĩ bên ngoài. Đồng thời, làm tốt công tác khen thưởng, biểu dương, động viên những cá nhân, tập thể có trách nhiệm cao trong giữ gìn, bảo tồn giá trị truyền thống của Chèo, đạt thành tích cao trong công tác và giải thưởng cao trong các cuộc thi, v.v. Trên cơ sở bảo đảm chế độ, chính sách hiện có, cần tạo điều kiện để các nghệ sĩ phát huy khả năng trong phạm vi quy định, bảo đảm cho họ vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa có thể nâng cao trình độ, đời sống. Cơ quan chức năng cấp trên cần quan tâm, nghiên cứu, xây dựng các chế độ, quy định nhằm tôn vinh đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung, đội ngũ cán bộ, diễn viên Nhà hát Chèo Quân đội nói riêng, thu hút tài năng trẻ trên lĩnh vực nghệ thuật vào phục vụ trong Quân đội.
Đại tá, Th.S, NSND. NGUYỄN QUỐC TRƯỢNG, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội ____________
1 - Năm 2013, tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc, vở diễn “Chu Văn An - Người thầy của muôn đời” được tặng Huy chương Vàng, Giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2013 do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng; vở diễn “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” được tặng thưởng “Vở diễn xuất sắc nhất”; 13 Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trao cho các cá nhân. Năm 2014, tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân, Nhà hát Chèo Quân đội tiếp tục thu được thắng lợi giòn giã với vở diễn “Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong như ngọc một con người” đoạt Huy chương Vàng; vở diễn “Điều đọng lại sau chiến tranh" đoạt Huy chương Bạc; 10 cá nhân được tặng Huy chương Vàng, Huy chương Bạc. Năm 2015, Liên hoan sân khấu Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân, vở diễn “Người chiến sĩ năm xưa” đoạt Huy chương Vàng. Năm 2016, Nhà hát Chèo Quân đội tham gia Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc, vở diễn “Đời luận anh hùng” đoạt Huy chương Vàng; vở diễn “Ánh sao đầu núi” được tặng vở diễn xuất sắc. Năm 2017, tham gia Cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu Tuồng, Chèo toàn quốc với 05 tiết mục; trong đó, 02 tiết mục giành Huy chương Vàng, 01 tiết mục giành Huy chương Bạc, 02 tiết mục được tặng Bằng khen. Năm 2018, tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân, vở diễn “Những người mẹ” giành Huy chương Vàng; vở “Rặng trâm bầu” đoạt giải xuất sắc về đề tài chiến tranh cách mạng. Tháng 6 - 2019, Bộ Quốc phòng đã trao Giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm (2014 - 2019), trong đó vở “Người chiến sĩ năm xưa” đạt giải A và vở “Ánh sao đầu núi” đạt giải C, v.v. Mới đây nhất, trong Liên hoan nghệ thuật Chèo toàn quốc năm 2019, vở “Công lý không gục ngã” đạt Huy chương Vàng; 04 cá nhân đạt Huy chương Vàng và 06 cá nhân đạt Huy chương Bạc.
Quân đội bảo tồn và phát triển,Chèo truyền thống
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay 24/04/2025
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo 16/04/2025
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1 14/04/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm 26/03/2025
Bàn về tạo, lập thế trận quân sự trong tác chiến phòng thủ quân khu 20/03/2025
Về tổ chức, sử dụng lực lượng đánh trận then chốt, chiến dịch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 17/03/2025
Mấy vấn đề về “xây dựng điểm” công tác kỹ thuật toàn quân 13/03/2025
Một số vấn đề về công tác tuyên truyền đặc biệt của Quân đội hiện nay 10/03/2025
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả đấu tranh của lực lượng tác chiến thông tin, Bộ Tư lệnh 86 28/02/2025
Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở trong nhà trường Quân đội hiện nay 20/02/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay