Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 21/02/2013, 22:45 (GMT+7)
Bàn về xây dựng lực lượng dự bị động viên pháo binh hiện nay
Dự bị động viên Pháo binh là bộ phận hợp thành lực lượng Pháo binh, sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực khi cần thiết. Thực tiễn cho thấy, kết quả thực hiện công tác này tác động trực tiếp đến chất lượng, sức mạnh chiến đấu của lực lượng Pháo binh. Do đó, tiếp tục nghiên cứu tổ chức, xây dựng lực lượng dự bị động viên Pháo binh là vấn đề thiết thực hiện nay.
 
 
Với nhận thức đó và chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Pháo binh đã thường xuyên coi trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên (DBĐV) vững mạnh, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Nổi bật là, Binh chủng đã chủ động nghiên cứu tình hình, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, cùng các địa phương cung cấp nguồn DBĐV thực hiện các giải pháp phù hợp, thu được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân (cả chủ quan và khách quan) công tác này còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về tổ chức, quản lý, huấn luyện. Với mục đích góp phần tìm biện pháp nâng cao chất lượng lực lượng DBĐV Pháo binh, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng tôi muốn nêu một số vấn đề để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Lực lượng dự bị động viên xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) hoàn thành bài kiểm tra bắn đạn thật (tháng 11-2012)


Về phương thức tổ chức và quản lý lực lượng DBĐV Pháo binh. Lực lượng DBĐV Pháo binh bao gồm quân nhân dự bị (QNDB) và phương tiện kỹ thuật (PTKT). Lực lượng này luôn có sự biến động, do một số QNDB giải ngạch (hết tuổi quy định hoặc sức khoẻ yếu); PTKT bị xuống cấp, đổi chủ hoặc di chuyển, biến động từ địa phương này sang địa phương khác… Vì thế, yêu cầu đặt ra là phải tổ chức quản lý chặt chẽ ở tất cả các cấp, bằng nhiều phương thức, biện pháp; nhất là việc thường xuyên rà soát nắm chắc số lượng, chất lượng, đảm bảo đủ quân số, PTKT theo biên chế để sẵn sàng động viên khi có lệnh. Trách nhiệm chính trong thực hiện khâu này là của địa phương (trực tiếp là cơ quan quân sự các cấp), song các đơn vị Pháo binh nhận nguồn cũng có vai trò quan trọng. Các đơn vị nhận nguồn cần phối hợp chặt chẽ với địa phương để nắm chắc nguồn DBĐV. Việc phối hợp đó cần thực hiện theo kế hoạch đã được hai bên thống nhất; thường xuyên được kiểm tra nghiêm túc, thực chất (cả định kỳ và đột xuất), tránh hình thức hoặc mỗi năm chỉ kiểm tra 1 đến 2 lần trước mỗi đợt huấn luyện, động viên.

Để nâng cao chất lượng tạo nguồn và quản lý lực lượng DBĐV Pháo binh, cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, nhất là quy định về cơ chế phối hợp giữa đơn vị nhận nguồn với địa phương giao nguồn dự bị, nhằm tạo điều kiện chủ động trong công tác thâm nhập, kiểm tra, nắm chất lượng nguồn DBĐV đối với cả hai bên. Trong đó, cần xác lập rõ cơ chế phối hợp, quyền hạn kiểm tra và duy trì sinh hoạt đơn vị DBĐV đảm bảo chặt chẽ, thường xuyên. Cơ quan chức năng cần điều chỉnh, bổ sung và cụ thể hóa quy định chế tài xử phạt trong Pháp lệnh về lực lượng DBĐV, đảm bảo vừa nâng cao tính giáo dục, vừa có tính răn đe đối với các trường hợp QNDB vi phạm luật. Các cơ quan, ban, ngành địa phương và đơn vị thường trực cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong thực hiện các văn bản pháp luật về công tác xây dựng lực lượng DBĐV, nhất là Pháp lệnh về lực lượng DBĐV, Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng DBĐV trong tình hình mới”, v.v.

Trên cơ sở Pháp lệnh về lực lượng DBĐV và xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng lực lượng DBĐV, ngày 16-3-2010, Bộ Quốc phòng đã ra Chỉ thị số 06/CT-BQP về thí điểm tổ chức xây dựng các đơn vị DBĐV trong tình hình mới. Theo đó, địa phương đảm nhiệm “tròn khâu”, từ tổ chức đăng ký, sắp xếp quân nhân DBĐV, PTKT đến việc tổ chức huấn luyện... Khi có quyết định của cấp trên về huy động, động viên, địa phương sẽ bàn giao toàn bộ đơn vị DBĐV cho đơn vị thường trực. Với phương thức này, yêu cầu đối với địa phương rất cao, trách nhiệm nặng nề, nhất là trong công tác quản lý lực lượng DBĐV. Địa phương phải thường xuyên nắm chắc về số lượng, chất lượng, nhất là các trường hợp di chuyển, biến động (cả con người và PTKT) để kịp thời điều chỉnh, bổ sung đảm bảo sẵn sàng động viên khi cần thiết. Phương thức này hiện mới chỉ thực hiện thí điểm ở một số địa phương (chưa nhân rộng), nên phần lớn các địa phương, đơn vị Pháo binh trên toàn quốc chưa thực hiện. Các địa phương, đơn vị này cần tiếp tục phối hợp trong quá trình tổ chức, xây dựng lực lượng DBĐV Pháo binh nói chung, khâu quản lý nguồn nói riêng.

Về công tác huấn luyện lực lượng DBĐV Pháo binh. Hiện nay khoảng cách về chất lượng tổng hợp của các đơn vị Pháo binh thường trực và đơn vị Pháo binh DBĐV còn khá xa, nhất là trình độ, khả năng tác chiến. Do đó, việc đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện đối với lực lượng DBĐV Pháo binh là một công tác trọng tâm, có ý nghĩa cấp thiết, tác động trực tiếp đến sức mạnh chiến đấu và mức độ hoàn thành nhiệm vụ không chỉ của các đơn vị DBĐV Pháo binh, mà còn đối với cả lực lượng Pháo binh toàn quân.

Do các đơn vị Pháo binh được tổ chức thành nhiều bộ phận, với các chuyên ngành khác nhau, có nhiều chuyên ngành đòi hỏi tính chuyên môn, chuyên nghiệp quân sự cao, như: trinh sát, kế toán, đo đạc..., lại đang được bổ sung nhiều loại vũ khí, khí tài mới tương đối hiện đại và hiện đại; nghệ thuật tác chiến Pháo binh có sự phát triển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc..., nên công tác huấn luyện DBĐV có nhiều phức tạp, yêu cầu cao hơn trước. Vì thế, công tác này giao cho các đơn vị Pháo binh thường trực đảm nhiệm là đúng (địa phương chỉ đủ khả năng đảm nhiệm việc tạo nguồn, tổ chức sắp xếp, quản lý lực lượng DBĐV). Điều đó, vừa tiết kiệm về kinh phí do tận dụng và phát huy được đội ngũ cán bộ huấn luyện, vũ khí, trang bị, thao trường bãi tập..., vừa đảm bảo cập nhật được nghệ thuật sử dụng Pháo binh, nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của các đơn vị DBĐV. Trong thời gian tới, nếu Bộ triển khai trên diện rộng mô hình thí điểm theo Chỉ thị số 06/CT-BQP, các địa phương đảm nhiệm “tròn khâu” sẽ cần phải có các trung tâm huấn luyện DBĐV với quy mô lớn, được trang bị các loại vũ khí, khí tài và đội ngũ giảng viên, cán bộ huấn luyện có trình độ cao mới đáp ứng được yêu cầu.

Hiện nay, nội dung, chương trình huấn luyện vẫn do các đơn vị thường trực tự xây dựng theo yêu cầu, nhiệm vụ. Các đơn vị thường tập trung huấn luyện về kỹ thuật chuyên ngành theo chức trách của từng quân nhân là chủ yếu, huấn luyện chiến thuật và hiệp đồng còn ít. Do đó, trong thời gian tới, đối với phân đội, cần dành nhiều thời gian cho huấn luyện thực hành, nhất là huấn luyện hợp luyện đại đội và tập chiến thuật trung đội, đại đội. Đối với cán bộ DBĐV, cần tăng cường huấn luyện về công tác tham mưu, chỉ huy bắn, phương pháp tổ chức huấn luyện và trình độ quản lý, chỉ huy bộ đội. Đối với lực lượng chuyên môn kỹ thuật (CMKT), cần tăng cường huấn luyện thực hành, sử dụng thành thạo PTKT được biên chế và kỹ năng xử trí tình huống theo nhiệm vụ chiến đấu, hình thức chiến thuật. Bên cạnh đó, cũng cần có chương trình huấn luyện bổ sung, huấn luyện chuyển loại binh chủng cụ thể cho từng đối tượng theo các cấp độ động viên.

Phương pháp tổ chức huấn luyện có thể áp dụng theo nhiệm vụ, tức là huấn luyện cho lực lượng DBĐV độc lập tác chiến hoặc huấn luyện theo đơn vị thường trực mà QNDB được động viên vào các đơn vị này. Về huấn luyện định kỳ hằng năm, có thể cho QNDB sử dụng thiết bị và bãi tập của đơn vị thường trực; đưa các đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn DBĐV vào tiến hành huấn luyện, diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật với quân thường trực theo các hình thức chiến thuật phù hợp. Điều đó sẽ thiết thực nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng DBĐV Pháo binh. Đồng thời, về lâu dài, cần tăng thời gian huấn luyện cho các đối tượng, nhất là sĩ quan dự bị (SQDB) và nhân viên CMKT Pháo binh.

Đối với chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai (nếu xảy ra), lực lượng DBĐV sẽ là một nhân tố quan trọng góp phần trực tiếp làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch. Để đánh giá chính xác khả năng huy động và chất lượng của lực lượng DBĐV Pháo binh, cần kết hợp kiểm tra diễn tập động viên với huấn luyện và diễn tập có bắn đạn thật; cao hơn nữa là đưa lực lượng này vào diễn tập hiệp đồng quân chủng, binh chủng. Đây là biện pháp quan trọng, đòi hỏi có sự phối hợp, hiệp đồng cao giữa các đơn vị và giữa đơn vị nhận nguồn với các ban, ngành của địa phương.

Về nâng cao chất lượng chuyên nghiệp quân sự của lực lượng DBĐV. Pháo binh là binh chủng chiến đấu, binh chủng kỹ thuật, đòi hỏi tính chuyên môn, chuyên nghiệp quân sự và trình độ hiệp đồng tác chiến cao. Nâng cao chất lượng lực lượng DBĐV, nhất là trình độ chuyên nghiệp quân sự cho lực lượng DBĐV Pháo binh là cơ sở nâng cao khả năng chiến đấu, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị Pháo binh. Trên thực tế, do chỉ tiêu tuyển quân ít, dẫn đến nguồn DBĐV nói chung và DBĐV Pháo binh nói riêng ngày càng giảm. Để giải quyết thực trạng trên, cần kết hợp chặt chẽ kế hoạch động viên với kế hoạch tuyển quân ở tất cả các cấp. Đơn vị nhận nguồn DBĐV phải được đăng ký tuyển quân trên địa bàn cung cấp nguồn DBĐV. Hằng năm, đơn vị nhận nguồn và cơ quan quân sự địa phương cung cấp nguồn cần thống nhất về chỉ tiêu và địa bàn. Trên cơ sở đó, đơn vị nhận nguồn có kế hoạch biên chế chiến sĩ mới về các đơn vị theo các chuyên ngành phù hợp, nhất là các chuyên ngành đòi hỏi tính chuyên nghiệp quân sự cao. Điều đó sẽ vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa đáp ứng được yêu cầu cơ bản, lâu dài. Bên cạnh đó, cần chú trọng huấn luyện chuyển loại binh chủng cho các đối tượng từ chưa đúng thành gần đúng, từ gần đúng thành đúng chuyên nghiệp quân sự; với địa bàn thành phố, thị xã cần quan tâm huấn luyện chuyển loại từ dự bị hạng 2 lên dự bị hạng 1.

Đội ngũ SQDB Pháo binh hiện nay vừa thiếu, vừa hạn chế về trình độ, năng lực, nhất là sĩ quan cấp phân đội và nhân viên CMKT, do nguồn bổ sung bị giảm, chủ yếu từ hạ sĩ quan, chiến sĩ xuất ngũ được tuyển chọn đào tạo SQDB 6 tháng tại Trường Sĩ quan Pháo binh. Để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, các cấp cần mở rộng diện tạo nguồn SQDB và nhân viên CMKT từ các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có ngành nghề tương ứng, như: Đại học Mỏ - Địa chất, các trường đào tạo nghề lái xe, cơ khí… Thực tiễn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có hàng ngàn cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp được huy động, bổ sung vào các đơn vị Pháo binh là bài học kinh nghiệm quý vẫn còn nguyên giá trị. Cùng với nâng cao chất lượng chuyên nghiệp quân sự, chúng ta cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng về chính trị và xây dựng chế độ, chính sách phù hợp đối với lực lượng DBĐV, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp của các đơn vị Pháo binh

Xây dựng lực lượng DBĐV Pháo binh vững mạnh là nhiệm vụ thường xuyên. Để công tác này đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cùng với nâng cao trách nhiệm của các đơn vị Pháo binh và cơ quan quân sự địa phương, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng, thực hiện các giải pháp thiết thực, đồng bộ, cả về cơ chế, chính sách và công tác quản lý, tổ chức huấn luyện.
 
Trung tá NGUYỄN QUANG HỢP
 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.