Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 17/11/2016, 07:58 (GMT+7)
Bàn về trận then chốt của chiến dịch phản công trong tác chiến phòng thủ quân khu

Thực hành chiến dịch phản công trong tác chiến phòng thủ quân khu là quá trình đấu trí, đấu lực quyết liệt giữa ta và địch, nhằm giành và giữ quyền chủ động trên chiến trường. Trong đó, thực hiện các trận then chốt, then chốt quyết định có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chiến dịch, đánh bại cuộc tiến công của địch.

Thực hiện trận then chốt nói chung, trận then chốt trong chiến dịch phản công nói riêng là thực hiện trận chiến đấu hay đòn đột kích do một bộ phận lực lượng quan trọng của chiến dịch phản công và cũng có thể do lực lượng tại chỗ của quân khu tiến hành có tác dụng quyết định thắng lợi cho từng đợt hoặc cả chiến dịch phản công. Chiến dịch phản công trong tác chiến phòng thủ quân khu thường có một hoặc một số trận then chốt, trong đó có trận then chốt quyết định. Thực hiện trận then chốt trong tác chiến phòng thủ quân khu là do lực lượng binh chủng hợp thành tiến hành. Trận then chốt chiến dịch phản công thông thường được dự kiến trước trong chuẩn bị chiến dịch, nhưng cũng có thể được xác định trong quá trình tác chiến. Để đảm bảo đánh trận then chốt chắc thắng, phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố cần thiết, đáp ứng tốt yêu cầu của trận đánh. Chiến dịch phản công muốn giành thắng lợi quyết định, nhất thiết phải thực hiện trận then chốt quyết định, nhằm tiêu diệt bộ phận lực lượng quan trọng nhất của địch, tạo bước ngoặt của chiến dịch. Trận then chốt quyết định được tập trung lực lượng mạnh nhất, chỉ huy, bảo đảm và vật chất đủ sức giành thắng lợi trận đánh; có thể diễn ra trong đợt một hay trong quá trình chiến dịch và cũng có thể diễn ra ở giai đoạn cuối, đảm bảo kết thúc thắng lợi chiến dịch phản công.

Các trận then chốt có thể diễn ra ngay từ đầu và trong quá trình chiến dịch, có thể diễn ra lần lượt trên từng khu vực (hướng) của chiến dịch để lần lượt bẻ gãy từng cánh, từng mũi tiến công của địch; cũng có thể diễn ra đồng thời trên một số khu vực (hướng) của chiến dịch, nhằm bẻ gãy một số cánh, mũi tiến công của chúng. Trận then chốt mở đầu chiến dịch có thể do lực lượng tại chỗ tiến hành, nhưng phần lớn các trận then chốt và trận then chốt quyết định của chiến dịch đều do lực lượng cơ động của chiến dịch tiến hành. Trận then chốt do lực lượng tại chỗ tiến hành thường được tổ chức để giữ vững khu vực mục tiêu quan trọng và tiêu hao lớn quân địch, tạo điều kiện có lợi cho các trận then chốt tiếp theo của chiến dịch. Trận then chốt quyết định của chiến dịch thường diễn ra ở thời kỳ cuối của chiến dịch sau khi đã thực hành một hoặc một số trận then chốt bẻ gãy các cuộc tiến công của địch, tiêu diệt lực lượng chủ yếu của chúng để giành thắng lợi quyết định của chiến dịch. Song cũng có trường hợp trận then chốt quyết định của chiến dịch diễn ra ngay từ giai đoạn đầu chiến dịch, lúc lực lượng địch tiến công trên hướng chủ yếu bộc lộ nhiều sơ hở, đồng thời các hướng khác đã bị ta chặn lại, chia cắt hoặc khi lực lượng chủ yếu của chúng bị các lực lượng chiến dịch phòng ngự của quân khu chặn đánh, bị tiêu hao lớn, tinh thần binh lính suy sụp.

Về ta, lực lượng vũ trang quân khu, gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực (gồm: lục quân và các đơn vị chuyên môn kỹ thuật) được xây dựng tinh, gọn, mạnh, sức cơ động cao; bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ phát triển vững mạnh, rộng khắp. Khi có chiến tranh, trên cơ sở kế hoạch tác chiến đã được chuẩn bị từ thời bình, quân khu nhanh chóng điều chỉnh, chuyển hóa thế trận quốc phòng toàn dân thành thế trận chiến tranh nhân dân và các lực lượng trên được huấn luyện bổ sung và mở rộng theo tổ chức, biên chế thời chiến. Đồng thời, nắm chắc thời cơ để mở các chiến dịch: phòng ngự, tiến công, phản công; trong đó, chiến dịch phản công nhằm tiêu diệt địch, khôi phục lại khu vực, mục tiêu và địa bàn đã mất. Thắng lợi của chiến dịch phản công phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song yếu tố quan trọng nhất là phải thực hiện tốt các trận then chốt và then chốt quyết định, phá thế tiến công của địch, làm cho chúng bị động, thất bại từng bước, tiến tới thất bại hoàn toàn.

Về địch, khi tiến công đánh chiếm các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế trên địa bàn quân khu, chúng sẽ căn cứ vào vị trí địa lý của từng khu vực để thực hiện tiến công từ nhiều hướng kết hợp đổ bộ đường biển, đường không. Địch có thể sử dụng lực lượng từ trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn,… được trang bị vũ khí, kỹ thuật hiện đại, sức cơ động cao, đánh chiếm các mục tiêu trong địa bàn quân khu theo hướng, trục đường chính. Quá trình tiến công, địch kết hợp lực lượng tiến công từ ngoài với lực lượng gây bạo loạn lật đổ ở bên trong; kết hợp chặt chẽ giữa đánh và giữ, tiến công chính diện với thọc sâu, vu hồi vào bên sườn, phía sau. Lợi dụng triệt để ưu thế về binh khí, kỹ thuật và phương tiện hiện đại, nhất là sử dụng vũ khí công nghệ cao tiến hành “đánh nhanh, giải quyết nhanh”; tiến công “bất ngờ, tập trung, tốc độ, táo bạo”, vượt điểm (bao vây, đánh lướt, bỏ qua các mục tiêu vòng ngoài) đánh thẳng vào các mục tiêu chủ yếu; tạo nhiều hướng tiến công, chia cắt lực lượng phòng ngự, phòng thủ để phá vỡ thế trận của ta.

Để thực hiện thắng lợi các trận then chốt và then chốt quyết định của chiến dịch phản công, bộ tư lệnh quân khu nói chung, bộ tư lệnh chiến dịch nói riêng phải giải quyết tốt một số vấn đề chủ yếu sau:

Một là, ngay trong thời bình, khi xây dựng kế hoạch phòng thủ phải chủ động dự kiến các phương án và chuẩn bị chu đáo mọi mặt để sẵn sàng xử lý thắng lợi các tình huống có thể xảy ra, nhất là các tình huống có lực lượng lớn địch tiến công vào địa bàn quân khu. Trong xây dựng kế hoạch tác chiến chiến dịch, phải căn cứ vào nhận định, đánh giá của trên về tình hình địch; đồng thời, trực tiếp tổ chức các lực lượng trinh sát nắm địch. Trên cơ sở đó, dự kiến các hoạt động tiến công của địch và tổ chức chuẩn bị chiến trường, quân khu phải dự kiến được các vấn đề, như: các khu vực có thể diễn ra trận then chốt và trận then chốt quyết định, quy mô lực lượng và các thủ đoạn tác chiến của địch. Ngoài ra, còn dự kiến việc sử dụng lực lượng và cách đánh của ta để đảm bảo đánh chắc thắng. Trên cơ sở dự kiến, quân khu tổ chức chuẩn bị trước, đồng thời phải tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng bổ sung hoặc điều chỉnh trận then chốt trong quá trình thực hành chiến dịch. Đối với trận then chốt đầu và trận then chốt quyết định, cần phải chuẩn bị hết sức chu đáo, tỉ mỉ, bảo đảm chắc thắng.

Hai là, tác chiến phòng thủ quân khu phải tích cực tạo thế, tạo thời cơ cho trận then chốt. Quân khu cần chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng tại chỗ tích cực tiêu hao, tiêu diệt và ngăn chặn địch, làm cho chúng suy yếu, bị rối loạn đội hình tiến công và hệ thống chỉ huy cả trên không và mặt đất. Đồng thời, phải tổ chức lực lượng đánh chặn các cánh quân địch, giữ vững bàn đạp quan trọng và tiến hành tác chiến trì hoãn, dụ địch vào khu vực chuẩn bị trước để đánh trận then chốt. Lực lượng tác chiến trong khu vực phòng thủ quân khu phải quán triệt đầy đủ, thống nhất kế hoạch, chú trọng thời gian thực hành đánh trận then chốt; kiên quyết, mưu trí dẫn dụ địch vào khu vực đã chọn đúng thời điểm lực lượng cơ động của quân khu, của Bộ triển khai xong đội hình đảm bảo đánh được ngay, làm cho địch hoàn toàn bất ngờ, lúng túng đối phó. Trong quá trình chỉ đạo tạo thế, tạo thời cơ, quân khu phải nắm chắc lực lượng dự bị để có thể tăng cường khôi phục lại thế khi bị mất, đề phòng trường hợp lực lượng tại chỗ không đủ sức chặn các mũi tiến công của địch hoặc để mất bàn đạp có lợi cho phản công.

Ba là, trong thực hành chiến dịch phải đảm bảo nguyên tắc tập trung lực lượng, đánh nhanh, dứt điểm. Trong đó, phải nhất thiết tập trung lực lượng bộ binh, bộ binh cơ giới có ưu thế hơn địch (có thể gấp đôi, gấp ba), pháo binh, xe tăng, xe thiết giáp và hỏa khí phòng không nếu có điều kiện cũng vậy, thậm chí sử dụng cả lực lượng không quân khi điều kiện cho phép. Cùng với đó, chiến dịch phải tập trung chỉ huy, bảo đảm đầy đủ vật chất hậu cần, kỹ thuật để đánh nhanh, diệt gọn, dứt điểm.

Bốn là, chọn thời cơ có lợi nhất để đánh các trận then chốt và then chốt quyết định của chiến dịch và thời cơ tốt nhất là lúc địch đang ở trạng thái cơ động, thoát ly công sự, hoặc lúc chúng tạm dừng, công sự dã chiến sơ sài, đứng chân chưa vững. Đánh vào lúc này, có thể phát huy được khả năng, sở trường tác chiến của bộ đội và khu vực phòng thủ địa phương, tiêu diệt địch nhanh, giảm thương vong, tổn thất cho ta. Trường hợp buộc phải đánh quân địch co cụm, có công sự vững chắc thì phải chọn thời cơ: địch mới co cụm, hiệp đồng thiếu chặt chẽ, tâm lý hoang mang, chuẩn bị rút chạy. Thời cơ tiến hành trận then chốt thường do bản thân chiến dịch tạo nên, nhưng cũng có khi do tình thế chiến trường tạo nên, hoặc có khi do tác động của ta buộc địch phạm sai lầm. Vì vậy, vấn đề chọn thời cơ liên quan chặt chẽ với nắm thời cơ và khi đã có thời cơ phải nhanh chóng chớp thời cơ đánh địch. Tuy nhiên, phải cân nhắc đến tình hình chung của chiến dịch, nhất là lúc địch còn có khả năng phát triển tiến công đánh chiếm mục tiêu, khu vực mà chiến dịch phải kiên quyết bảo vệ.

Khi đánh trận then chốt và then chốt quyết định, bộ tư lệnh chiến dịch phải căn cứ vào trạng thái, thủ đoạn của địch để chọn các hình thức, thủ đoạn, biện pháp tác chiến phù hợp, phát huy cao độ khả năng chiến đấu của các binh chủng, nhất là bộ binh, bộ binh cơ giới, xe tăng,… tổ chức hiệp đồng, bảo đảm các mặt chu đáo, toàn diện để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến dịch phản công, góp phần giữ vững địa bàn quân khu.

Đại tá, ThS. HOÀNG MẠNH DU, Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.