Thứ Bảy, 23/11/2024, 21:58 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, tác chiến bảo vệ biển, đảo là nhiệm vụ của toàn dân; trong đó, Hải quân và Không quân là các lực lượng nòng cốt. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó, lực lượng Không quân cần làm tốt công tác chuẩn bị và thực hành tác chiến.
Tác chiến bảo vệ biển, đảo là hoạt động tác chiến mang tính đặc thù, diễn ra trên môi trường biển, với nhiều khó khăn, phức tạp. Do đó, công tác chuẩn bị và thực hành tác chiến phải hết sức chặt chẽ, chu đáo. Thực hiện tốt hay không tốt việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tác chiến, sâu xa hơn là đến sự thành bại của chiến tranh. Về công tác chuẩn bị tác chiến bảo vệ biển, đảo, lực lượng Không quân cần thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:
Trước hết cần chú trọng xây dựng thế trận không quân vững chắc. Thế trận không quân bao gồm thế trận trên mặt đất và thế trận trên không. Thế trận trên mặt đất là thế bố trí, tổ chức lực lượng, phương tiện của Không quân trên mặt đất và trên các đảo một cách hợp lý để đánh địch có hiệu quả nhất. Muốn thế, hệ thống các sân bay, bãi cất hạ cánh, sở chỉ huy, các phương tiện thông tin chỉ huy, các đài, trạm ra đa, vật tư kỹ thuật hàng không, hậu cần không quân,... phải được xây dựng, bố trí ngay từ thời bình và đáp ứng được các yêu cầu: "vững chắc, hiểm hóc, tạo được tính bất ngờ, linh hoạt, đánh địch kịp thời, hiệu quả cao". Nước ta có bờ biển dài trên 3.260km, vùng biển rộng trên 1 triệu km2, với khoảng 3.000 đảo, trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở khá xa đất liền, nên việc xây dựng và bố trí các hệ thống trên cần được tính toán để làm sao hình thành các tuyến chiến đấu có chiều sâu, đảm bảo sự phối hợp các lực lượng và phù hợp với các phương án tác chiến. Đặc biệt, cần nghiên cứu bố trí những sân bay, bãi cất hạ cánh ở các khu vực ven biển và trên các đảo, quần đảo xa bờ (nếu đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật). Đồng thời, bố trí hệ thống sở chỉ huy đồng bộ để bảo đảm chỉ huy liên tục, vững chắc, kịp thời đáp ứng các tình huống chiến đấu. Hệ thống ra đa của Không quân cần được bố trí kết hợp với hệ thống ra đa của Hải quân và các lực lượng khác tạo nên một trường ra đa kép kín, bao trùm toàn bộ vùng biển, đảo và vùng trời của Tổ quốc, kịp thời phát hiện và thông báo cho các lực lượng xử trí mọi diễn biến trên không, không để bị động, bất ngờ.
Thế trận trên không được hình thành khi lực lượng Không quân của một hoặc cả hai bên cùng tham chiến trên không trung. Thế trận trên không gồm: thế tiến vào khu vực tác chiến, thế phát hiện địch (mục tiêu), thế vào công kích mục tiêu và thế thoát ly khỏi khu vực tác chiến. Thế trận trên không luôn biến động mau lẹ, có nhiều tình huống bất ngờ nên cần được chuẩn bị từ trước càng tỉ mỉ, chu đáo càng tốt. Tại khu vực tác chiến, các đơn vị cần tiến hành chuẩn bị cho phi công, tổ bay, phi đội bay nghiên cứu kỹ trên bản đồ hoặc sa bàn, nắm chắc đặc điểm khu vực, địa hình, điều kiện thời tiết, khí tượng, thủy văn, tình hình địch, ta...; tổ chức bay huấn luyện theo các tình huống tưởng định. Qua đó, giúp cho phi công, tổ bay xây dựng bản lĩnh vững vàng, phát huy tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi. Sự vững chắc của thế trận trên không còn được thể hiện và phụ thuộc rất lớn vào sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị và giữa Không quân với các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng,... trong quá trình thực hành tác chiến.
Cùng với đó, phải thực hiện tốt công tác tổ chức chuẩn bị lực lượng tác chiến. Trong tác chiến bảo vệ biển, đảo, lực lượng Không quân có nhiều nhiệm vụ; đánh nhiều loại mục tiêu cả trên không, ven biển, trên biển, ngầm dưới nước, cả trên đất liền hoặc trên đảo; không gian tác chiến rộng, khẩn trương. Do vậy, cùng với chuẩn bị thế trận cũng cần phải chuẩn bị lực lượng tham gia tác chiến đảm bảo số lượng và chất lượng. Các lực lượng tham gia tác chiến của Không quân gồm: lực lượng tiến công và lực lượng bảo đảm. Lực lượng tiến công chủ yếu gồm: lực lượng đánh mục tiêu trên không, lực lượng đánh mục tiêu trên mặt đất hoặc trên đảo, lực lượng đánh mục tiêu trên mặt nước và lực lượng đánh các mục tiêu ngầm dưới nước. Lực lượng bảo đảm gồm: trinh sát, tác chiến điện tử, tìm kiếm cứu hộ và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật ở mặt đất. Tác chiến trên biển diễn biến rất phức tạp, tiêu hao một khối lượng vật tư khí tài lớn, hướng chiến đấu chuyển hóa nhanh, nên công tác bảo đảm trên mặt đất cần có kế hoạch chuẩn bị từ trước khi chiến sự xảy ra.
Tăng cường công tác huấn luyện, diễn tập chiến đấu cho Bộ đội Không quân. Công tác nàyđược tiến hành dựa trên thế trận và phương án tác chiến đã được xây dựng, bao gồm: huấn luyện bay ứng dụng chiến đấu trên biển cho từng phi công, tổ bay; phân đội độc lập chiến đấu và hiệp đồng chiến đấu giữa Không quân với các lực lượng khác, chủ yếu là với Hải quân trong mọi điều kiện thời tiết ngày, đêm; huấn luyện kỹ năng cho các sĩ quan tham mưu, sĩ quan dẫn đường, quản lý vùng trời và các nhân viên kỹ thuật hàng không, hậu cần, thông tin,... Đồng thời, tích cực tổ chức diễn tập tổng hợp (có thực binh) nhằm kiểm tra, đánh giá thực chất công tác huấn luyện, hiệp đồng tác chiến của từng giai đoạn, qua đó kịp thời rút kinh nghiệm, hoàn thiện, bổ sung kế hoạch tác chiến và kế hoạch huấn luyện cho các giai đoạn tiếp theo. Cùng với huấn luyện quân sự, cần tăng cường giáo dục chính trị, pháp luật của nước ta và quốc tế, giáo dục truyền thống cho bộ đội.
Về tổ chức lực lượng Không quân thực hành tác chiến. Trước yêu cầu mới, cần quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo: "Chuẩn bị chu đáo, nắm chắc địch, chủ động tích cực, kịp thời tiến công, đánh chắc thắng, tiêu diệt địch, bảo vệ vững chắc biển, đảo của Tổ quốc".
Theo đó, điều quan trọng là,nắm chắc tình hình trên biển, trên không, chọn thời cơ thích hợp để đánh địch. Trong tác chiến bảo vệ biển, đảo, đối tượng tác chiến của lực lượng Không quân là các tàu chiến đấu, máy bay và trực thăng của địch, thường đều có khả năng cơ động cao, thay đổi phương thức, thủ đoạn tác chiến linh hoạt. Trong khi đó, các mục tiêu trọng yếu cần bảo vệ lại nằm trên phạm vi vùng biển rộng, nên việc nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời, đầy đủ hoạt động của địch khi chúng xâm phạm vùng trời, vùng biển đất nước là rất cần thiết cho tác chiến và cũng là một công việc rất khó khăn. Để nắm chắc được tình hình, nhất là về địch, bên cạnh lực lượng trinh sát đường không của Không quân, cần kết hợp sử dụng thông tin tình báo, trinh sát của cấp trên và các đơn vị bạn, như Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và lực lượng vũ trang các địa phương, ngành hoạt động trên các vùng biển, đảo thuộc các quân khu, vùng, miền,... để nắm rõ ý đồ, lực lượng, chủng loại, thời điểm và khu vực địch hoạt động.
Chọn thời cơ đánh địch là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến thắng lợi trong tác chiến bảo vệ biển, đảo của lực lượng Không quân. Thời cơ đánh địch hiệu quả là khi địch chủ quan sơ hở; khi chúng bị động lúng túng đối phó với các tình huống liên quan hoặc khi đang ở khu vực đổi tàu ... Chọn thời cơ đúng nhưng phải biết tận dụng thời cơ để tích cực chủ động tiến công tiêu diệt địch kịp thời. Vì vậy, các đơn vị Không quân cần đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu cao; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác để chọn thời cơ chính xác, kịp thời đánh địch giành thắng lợi.
Phải biết chọn hướng, khu vực tác chiến, mục tiêu, đường bay và đội hình bay chiến đấu thích hợp. Việc chọn hướng, khu vực và mục tiêu đánh phù hợp, nhằm tập trung nỗ lực của Không quân vào từng trận đánh, từng đợt chiến đấu để giành thắng lợi. Theo đó, cần xác định hướng, khu vực tác chiến chủ yếu và mục tiêu nguy hiểm cần tiêu diệt ngay hoặc chế áp để lựa chọn đường bay, biên dạng bay và sử dụng lực lượng hợp lý đảm bảo cho Không quân tác chiến đạt hiệu quả cao nhất. Khi chọn đường bay, người chỉ huy và phi công cần tận dụng các yếu tố về địa hình, địa vật, điều kiện khí tượng để lựa chọn đường bay tối ưu nhất, đảm bảo được yếu tố nhanh chóng, bí mật, bất ngờ tiếp cận mục tiêu, tránh được sự phát hiện cũng như hạn chế hỏa lực phòng không của địch. Trong tác chiến, các chuyến bay, tốp bay cần phải có đường bay chính và đường bay dự bị; đồng thời, đội hình bay chiến đấu phải sắp xếp gọn, thuận lợi cho cơ động nhưng tập trung được hỏa lực tiêu diệt gọn từng mục tiêu của địch. Việc lựa chọn đội hình hẹp, mở rộng hay phân tán cũng như vị trí tương quan trong một đội hình bay chiến đấu khi có nhiều tốp chiến thuật thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau là nghệ thuật của người chỉ huy. Có thể vận dụng linh hoạt điều chỉnh đội hình bay chiến đấu theo từng đoạn đường bay, từng thời điểm để các tốp chiến thuật có thể hạn chế thấp nhất hỏa lực phòng không của địch; yểm hộ, chi viện lẫn nhau, đánh địch hiệu quả nhưng lại che dấu được ý đồ cũng như hành động của ta.v.v.
Vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến, hình thức chiến thuật và các phương pháp hoạt động chiến đấu. Hình thức tác chiến của Không quân trong tác chiến bảo vệ biển, đảo rất đa dạng, gồm: trận không chiến, hoạt động chiến đấu thường xuyên, đòn tập kích tập trung, đòn tập kích tốp, tập kích đơn lẻ và các chuyến bay bảo đảm chiến đấu. Hình thức chiến thuật thường sử dụng là: chặn kích, tập kích đồng thời, tập kích lần lượt và phục kích. Các phương pháp hoạt động chiến đấu: đánh chặn từ vị trí trực ban trên sân bay, từ vị trí trực ban trên không; đánh mục tiêu biết trước theo kế hoạch, đánh theo lệnh gọi và tự tìm kiếm tiêu diệt mục tiêu. Người chỉ huy cần linh hoạt vận dụng, kết hợp các hình thức tác chiến, hình thức chiến thuật và phương pháp hoạt động chiến đấu để phát huy hết khả năng kỹ, chiến thuật của từng loại, kiểu máy bay, trực thăng, đạt hiệu quả chiến đấu cao nhất.
Đồng thời, phải hết sức coi trọng việc chuyển hóa thế trận kịp thời. Trong quá trình tác chiến, thế trận trên không sẽ luôn thay đổi do khách quan hoặc chủ quan, có thể thuận lợi hoặc bất lợi cho lực lượng Không quân của ta. Người chỉ huy cần thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời cơ động lực lượng, phương tiện... để chuyển hóa thế trận có lợi cho ta cả trên không và mặt đất. Đặc biệt, thế trận trên không có thể thay đổi rất nhanh, trong thời gian ngắn; do vậy, mọi diễn biến trên không cần được nắm bắt thật chắc để chỉ huy, phi công, tổ bay kịp thời chuyển hóa thế trận có lợi cho ta bằng các phương pháp, hành động chiến thuật và các kỹ thuật bay cơ động khác nhau...
Tác chiến bảo vệ biển, đảo của Không quân là hình thức tác chiến đặc thù; do đó, để nâng cao hiệu quả cần kết hợp chặt chẽ với các hoạt động đấu tranh khác như: ngoại giao, công tác địch vận... Không quân nhân dân Việt Nam đang nỗ lực xây dựng theo hướng "cách mạng, tinh nhuệ, hiện đại", phát huy truyền thống Anh hùng, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thiếu tướng VÕ VĂN TUẤN
Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc