Thứ Năm, 24/04/2025, 11:46 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Đánh giá đúng đắn hiệu quả công tác giáo dục chính trị - tư tưởng (CT-TT) là một cơ sở để các nhà trường quân đội (NTQĐ) nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Vì vậy, xây dựng hệ thống tiêu chí hiệu quả của công tác giáo dục CT-TT cho học viên các NTQĐ là việc làm có ý nghĩa quan trọng.
Công tác giáo dục CT-TT cho học viên các NTQĐ mang đặc trưng của hoạt động truyền bá và lĩnh hội các tri thức thuộc lĩnh vực chính trị. Vì vậy, hiệu quả giáo dục CT-TT cho học viên là sự tương quan giữa kết quả đạt được với mục đích đặt ra và việc sử dụng hợp lý các nguồn lực trong những điều kiện cụ thể. Để đánh giá hiệu quả của giáo dục CT-TT cho học viên, theo chúng tôi, cần dựa trên các nhóm tiêu chí sau:
Nhóm tiêu chí về kết quả giáo dục CT-TT. Do kết quả là hiện thực hoá mục đích, nên ở nhóm tiêu chí này, cần đánh giá mức độ hình thành kiến thức chính trị, niềm tin chính trị và tính tích cực chính trị - xã hội (CT-XH) trong hành động của học viên. Những tiêu chí này được xác định trên cơ sở đối chiếu với mục đích của từng hoạt động giáo dục CT-TT cụ thể và mục tiêu đào tạo về phẩm chất chính trị của từng nhà trường.
Kiến thức chính trị của học viên là sự hiểu biết các khái niệm, sự việc, quy luật khoa học về lĩnh vực chính trị. Hệ thống kiến thức này được kế thừa từ kết quả học tập trước đó; đồng thời, được bổ sung trong quá trình đào tạo tại các NTQĐ. Do đó, mức độ hiểu biết của học viên được đặt ra với yêu cầu khác nhau, từ thấp đến cao tuỳ theo đối tượng và tăng tiến dần theo năm học, cấp học. Căn cứ vào mục tiêu và nội dung giáo dục ở các NTQĐ, có thể đánh giá kiến thức chính trị của học viên thông qua các biểu hiện cụ thể. Đó là mức độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm của Đảng, nhiệm vụ chính trị của quân đội, đơn vị; truyền thống của dân tộc, của Đảng, quân đội và đơn vị; các tri thức khoa học chính trị và các giá trị chính trị của nhân loại; tình hình thời sự chính trị thế giới, trong nước và những kinh nghiệm chính trị thực tiễn của học viên...
Niềm tin chính trị là trình độ cao nhất của người học, được tạo nên bởi sự hoà quyện giữa hệ thống các quan điểm vững chắc với tình cảm sâu sắc và ý chí mãnh liệt của họ trong lĩnh vực chính trị. Khi có niềm tin chính trị, người học viên có hành động CT-XH tích cực, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ lý tưởng chính trị mà mình tin tưởng. Niềm tin chính trị của học viên các NTQĐ là niềm tin cộng sản - tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả của giáo dục CT-TT. Niềm tin cộng sản của học viên có thể được đánh giá ở các nội dung cụ thể, như: mức độ tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, sức mạnh chiến thắng của quân đội; tình yêu đối với quê hương đất nước, tinh thần tự tôn dân tộc; thái độ yên tâm, gắn bó với đơn vị và quân đội, đoàn kết với nhân dân; mức độ kiên định lập trường trong các tình huống chính trị, thái độ kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch và các biểu hiện tiêu cực về đạo đức, lối sống,v.v.
Mục đích cao nhất của giáo dục CT-TT là hành động chính trị, nhưng không phải chỉ ở bản thân hành động chính trị, mà quan trọng nhất là ở tính tích cực CT-XH của nó; tức là hành động mang tính tích cực, tự giác, sáng tạo, ý chí khắc phục khó khăn để đạt kết quả cao. Tính tích cực CT-XH là một phẩm chất nhân cách, phản ánh trạng thái hoạt động, thể hiện năng lực nội sinh mạnh mẽ của học viên. Nhân tố này có thể được đánh giá ở các nội dung: mức độ tham gia các hoạt động CT-XH do đơn vị tổ chức; kết quả học tập và rèn luyện của học viên; mức độ sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ theo sự phân công của tổ chức; mức độ chấp hành kỷ luật quân đội và pháp luật Nhà nước; kết quả công tác của học viên sau khi tốt nghiệp ra trường.
Mức độ nhận thức chính trị của học viên có thể lượng hoá bằng kết quả kiểm tra học trình, học phần, thi kết thúc môn, thi tốt nghiệp quốc gia, kết quả kiểm tra chính trị tại chức hằng năm, các hình thức thi tìm hiểu, điều tra bằng phiếu hỏi, phỏng vấn... Trong điều kiện bình thường, tiêu chí về niềm tin cộng sản tương đối khó xác định nên cần phải được đánh giá bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó chủ yếu sử dụng các phương pháp theo dõi, quan sát, điều tra xã hội học. Tiêu chí về tính tích cực CT-XH của học viên thường căn cứ vào kết quả phân loại rèn luyện học viên theo học kỳ, năm học, khoá học và kết quả phân loại đảng viên, đoàn viên theo quy định. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường cũng có thể được sử dụng để đánh giá hiệu quả giáo dục CT-TT cho học viên.
Nhóm tiêu chí về nguồn lực là tất cả các yếu tố tham gia vào quá trình giáo dục CT-TT để tạo ra sự biến đổi tích cực trong nhận thức, thái độ và hành động của học viên. Có thể coi nhân lực, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất là nguồn lực hữu hình; thời gian cùng với nội dung, phương pháp, hình thức là nguồn lực vô hình của giáo dục CT-TT. Nguồn nhân lực trong giáo dục CT-TT bao gồm cả người đi giáo dục và người được giáo dục; ngoài ra, còn có người cộng tác, người phục vụ. Các chỉ số đánh giá mức độ sử dụng nguồn nhân lực thể hiện ở sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các chủ thể; ở việc huy động trí tuệ, công sức của chủ thể vào đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục học viên; ở số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, học viên tham gia vào quá trình giáo dục CT-TT.
Mỗi hoạt động giáo dục CT-TT dù lớn hay nhỏ đều phải tiêu tốn một thời gian nhất định của chủ thể và đối tượng. Theo quy định chung, các NTQĐ đều có một khoảng thời gian dành cho huấn luyện các môn lý luận khoa học xã hội và nhân văn và học tập chính trị tại đơn vị. Thực tế cho thấy, học viên các NTQĐ được quản lý tập trung, chặt chẽ và liên tục trong suốt quá trình đào tạo. Vì vậy, số thời gian mà chủ thể và đối tượng phải bỏ ra để truyền bá và lĩnh hội nội dung giáo dục CT-TT là rất lớn. Để đánh giá mức độ sử dụng thời gian trong giáo dục CT-TT, cần căn cứ vào việc duy trì thực hiện các nền nếp, chế độ giáo dục CT-TT theo quy định của Tổng cục Chính trị và kế hoạch giáo dục CT-TT theo năm học, khoá học của các nhà trường.
Trong giáo dục CT-TT, kinh phí là một yếu tố rất quan trọng; nhiều chương trình, kế hoạch, ý tưởng sẽ không thực hiện được hoặc giảm hiệu quả nếu thiếu kinh phí. Từ kinh nghiệm thực tiễn, các NTQĐ hoàn toàn có thể xác định được số lượng kinh phí cần thiết cho mỗi hoạt động giáo dục CT-TT cụ thể.
Hiệu quả giáo dục CT-TT bao giờ cũng chịu tác động từ môi trường giáo dục và được xem xét trong những điều kiện cụ thể. Để đánh giá đầy đủ hiệu quả, cần tính đến việc huy động các nguồn lực từ môi trường giáo dục trong những thời điểm xác định. Việc huy động nguồn lực quan trọng này thể hiện ở kết quả xây dựng môi trường văn hoá, môi trường sư phạm trong các NTQĐ. Nó đặc biệt quan trọng ở việc xây dựng bầu không khí dân chủ, công bằng, nghiêm minh và mối quan hệ trong sáng, tốt đẹp giữa giáo viên và học viên, cấp trên với cấp dưới, đồng chí với đồng đội và đồng nghiệp; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho học viên của các NTQĐ.
Hai nhóm tiêu chí trên đây có thể giúp các NTQĐ đánh giá hiệu quả của giáo dục CT-TT cho học viên tương đối toàn diện, cả về mặt định tính và định lượng; cả ở nhận thức, thái độ và hành động; cả ở đối tượng và bản thân quá trình giáo dục; cả trước mắt và lâu dài; ở bình diện cá nhân và tập thể... Để có thể ứng dụng các tiêu chí hiệu quả của giáo dục CT-TT vào thực tiễn, các nhà trường cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng các công cụ đánh giá như: hệ thống bảng hỏi, phiếu điều tra nhằm lượng hoá các tiêu chí trừu tượng. Đây là một công việc mới đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các NTQĐ không chỉ có nhận thức sâu sắc về tiêu chí đánh giá hiệu quả, mà còn phải bố trí cán bộ, nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội, kỹ năng thống kê, phân tích, đánh giá kết quả điều tra xã hội học,v.v.
Để đạt được các tiêu chí hiệu quả giáo dục CT-TT cho học viên các NTQĐ cần tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp; trong đó, chú trọng thực hiện tốt những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về sự cần thiết xây dựng tiêu chí hiệu quả của giáo dục CT-TT cho các tổ chức, cá nhân trong nhà trường, nhất là đội ngũ cấp uỷ, người chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp; phân định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong quá trình tham gia giáo dục CT-TT cho học viên. Đây là việc làm rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng, triển khai tổ chức thực hiện các tiêu chí hiệu quả của giáo dục CT-TT. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp uỷ, người chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp nhận thức đúng vấn đề này thì sẽ có được hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả của giáo dục CT-TT khoa học và phù hợp, chất lượng giáo dục CT-TT sẽ được nâng lên.
Thứ hai, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện, phát huy tính tiên phong, mẫu mực về chính trị của đội ngũ cán bộ, giáo viên để làm tấm gương cho học viên học tập.
Thứ ba, trên cơ sở từng bước nâng cao chất lượng tuyển sinh, cần chú trọng giáo dục định hướng nhu cầu và từng bước bảo đảm những lợi ích CT-XH cho học viên thông qua việc xây dựng và chính quy hoá nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục động cơ, tạo đối tượng và điều kiện để thoả mãn các nhu cầu, lợi ích CT-XH của học viên.
Thứ tư, bám sát đặc thù giáo dục niềm tin cộng sản, tạo động lực và điều kiện để đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục CT-TT; chú trọng nâng cao tính khoa học, thuyết phục, cụ thể của nội dung, tính đa dạng, hấp dẫn của hình thức, phương pháp giáo dục CT-TT nhằm kích thích sự quan tâm, hứng thú học tập của học viên.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý, sử dụng và phát huy tốt thời gian, phương tiện, kinh phí, cơ sở vật chất của công tác giáo dục CT-TT.
Thượng tá, ThS. LƯƠNG NGỌC VĨNH
Học viện Hậu cần
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay 24/04/2025
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo 16/04/2025
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1 14/04/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm 26/03/2025
Bàn về tạo, lập thế trận quân sự trong tác chiến phòng thủ quân khu 20/03/2025
Về tổ chức, sử dụng lực lượng đánh trận then chốt, chiến dịch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 17/03/2025
Mấy vấn đề về “xây dựng điểm” công tác kỹ thuật toàn quân 13/03/2025
Một số vấn đề về công tác tuyên truyền đặc biệt của Quân đội hiện nay 10/03/2025
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả đấu tranh của lực lượng tác chiến thông tin, Bộ Tư lệnh 86 28/02/2025
Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở trong nhà trường Quân đội hiện nay 20/02/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay