Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Tư, 27/01/2016, 09:31 (GMT+7)
Bàn về tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Tác chiến phòng thủ chiến lược là một trong những loại hình tác chiến chiến lược cơ bản, xuất hiện trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn, nhưng loại hình tác chiến này có ưu thế về phát huy sức mạnh tổng hợp, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam, nên rất cần được nghiên cứu thấu đáo.

Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tình hình các mặt, có thể dự báo: chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), kẻ địch sẽ sử dụng sức mạnh quân sự đánh mạnh  ngay từ đầu, đánh liên tục, trực tiếp vào mục tiêu chủ yếu của ta, thực hiện “đánh nhanh, thắng nhanh” nhằm hạn chế tổn thất và tránh bị sa lầy. Cùng với các đòn tiến công quân sự, chúng đẩy mạnh các hoạt động chiến tranh tâm lý, bao vây kinh tế, cô lập ngoại giao và bạo loạn lật đổ từ bên trong, buộc ta phải chấp nhận những điều kiện có lợi cho chúng. Quy mô tác chiến có thể lớn ngay từ đầu, không gian tác chiến có thể mở rộng trên phạm vi toàn quốc hoặc trên những hướng nhất định. Chiến trường chính có thể diễn ra trên một số hướng trọng điểm, nhất là ở các thành phố lớn, vùng đồng bằng, địa bàn trọng yếu, v.v. Vì vậy, cùng với các loại hình tác chiến chiến lược khác, tác chiến phòng thủ chiến lược đóng vai trò quan trọng, diễn ra ngay từ đầu và có ý nghĩa quyết định tạo lập thế phản công, tiến công chiến lược, giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Để nâng cao hiệu quả của loại hình tác chiến chiến lược này, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trong điều kiện chiến tranh hiện đại, chúng tôi xin nêu một số vấn đề để cùng nghiên cứu, trao đổi.

1. Mục đích của tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nhằm sát thương, tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận địch tiến công trên các hướng; dập tắt bạo loạn trên địa bàn tác chiến; bảo vệ tiềm lực quốc phòng, quân sự, các mục tiêu trọng điểm quốc gia cùng các hướng, địa bàn chiến lược. Đồng thời, giữ vững thế trận, bảo toàn lực lượng của ta, phá thế tiến công của địch, tạo điều kiện, thời cơ cho phản công, tiến công chiến lược giành thắng lợi. Như vậy, có thể thấy, tính chất của tác chiến phòng thủ chiến lược là rất kiên quyết, triệt để và mục đích là tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi các loại hình tác chiến chiến lược tiếp theo. Và nếu tác chiến phòng thủ chiến lược không thực hiện triệt để mục đích nêu trên, thì không thể tạo thời cơ cho phản công và tiến công chiến lược và như vậy, chiến tranh có thể phải chuyển sang một loại hình khác: chiến tranh giải phóng hoặc không còn thời cơ để tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vừa qua cho thấy, do quán triệt tư tưởng chiến lược cách mạng tiến công vào xác định mục đích của từng loại hình tác chiến, nhất là đối với tác chiến phòng thủ, phòng ngự có mặt chưa đúng, chưa sát với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, nên có lúc chúng ta còn coi nhẹ các hình thức tác chiến này và để lại những hạn chế nhất định. Vì vậy, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cần nghiên cứu, đánh giá đúng vai trò, vị trí và nội hàm của tác chiến phòng thủ chiến lược, nhất là thời kỳ đầu chiến tranh. Qua đó, hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của từng hình thức tác chiến trong loại hình tác chiến chiến lược này; thấy rõ tác chiến phòng thủ chiến lược bao hàm tổng hợp các hình thức tác chiến: phòng thủ, phòng ngự, phản công, tiến công,… ở quy mô chiến dịch, nhằm thực hiện triệt để mục đích tác chiến chiến lược đã đề ra. Đây là yêu cầu rất quan trọng của tác chiến phòng thủ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và là vấn đề phải dứt khoát về mặt tư tưởng, nhất quán về nghệ thuật tác chiến.

2. Khác với các loại hình tác chiến chiến lược khác, tác chiến phòng thủ chiến lược thường diễn ra ngay từ thời kỳ đầu chiến tranh, sử dụng nhiều lực lượng và hình thức tác chiến, trên phạm vi rộng, ở nhiều môi trường khác nhau,… nên mang tính tổng hợp cao. Điều này được tạo ra không chỉ do bản thân nó ở cấp độ chiến lược, mà còn xuất phát từ đặc điểm, tính chất của tác chiến phòng thủ. Đó là, ta thường ở thế bị động và phải sử dụng lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang không ưu thế hơn địch, nhưng phải thực hiện mục tiêu kiên quyết là ngăn chặn, tiêu hao, đánh bại các hướng tiến công chiến lược của địch, dập tắt bạo loạn lật đổ bên trong, giữ vững các địa bàn, mục tiêu chiến lược trọng yếu của đất nước. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của loại hình tác chiến này, cần phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trên các mặt đấu tranh: quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao,… theo một kế hoạch thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, sự điều hành của Nhà nước và chỉ huy, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Bộ Quốc phòng. Đây là vấn đề rất quan trọng, cần được nhận thức đầy đủ và chuẩn bị chu đáo ngay từ thời bình. Theo đó, cơ quan chức năng cấp chiến lược cần thường xuyên nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình thế giới, khu vực và trong nước, nhất là tình hình chính trị, kinh tế, quân sự của đất nước liên quan đến tác chiến phòng thủ chiến lược trên từng hướng và phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, từng bước xây dựng lực lượng, tạo lập thế trận và hoạch định kế hoạch tác chiến phòng thủ chiến lược; trong đó có kế hoạch phối hợp chặt chẽ hoạt động quân sự với các mặt đấu tranh khác, nhất là đấu tranh chính trị, tư tưởng văn hóa và ngoại giao. Quá trình thực hiện, tùy theo quy mô, địa bàn tác chiến và khả năng lực lượng tham gia mà tổ chức phối hợp cho phù hợp. Trong đó, chú trọng phối hợp giữa lực lượng chủ lực với lực lượng địa phương, giữa lực lượng tại chỗ với lực lượng cơ động các cấp, giữa lực lượng quân sự với các lực lượng đấu tranh chính trị, ngoại giao, tư tưởng văn hóa,… nhằm tạo thế trận, thời cơ có lợi, đánh địch rộng khắp, tiến công toàn diện, từ xa đến gần, làm cho địch từ chủ động trở thành bị động, phân tán và sa lầy.

3. Một trong những đặc điểm cơ bản, có tính nguyên tắc của hoạt động tác chiến phòng thủ chiến lược là, được tiến hành bằng liên kết các hoạt động tác chiến của khu vực phòng thủ địa phương, tác chiến phòng thủ quân khu và tác chiến của binh đoàn cơ động chiến lược; trong đó, lấy tác chiến phòng thủ quân khu làm nòng cốt, sử dụng lực lượng tại chỗ là chủ yếu. Đây là vấn đề cốt lõi nhất của tác chiến phòng thủ chiến lược; đồng thời, làm cơ sở để phân biệt loại hình tác chiến chiến lược này với các loại hình tác chiến chiến lược khác. Sở dĩ như vậy, bởi quân khu là địa bàn có không gian tương đối rộng, bao gồm một phần rừng núi, trung du, đồng bằng, thậm chí cả ven biển; lại hàm chứa trong nó các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố nên sẽ là nơi ta tập trung mọi nỗ lực đánh bại địch, bảo vệ mục tiêu chiến lược chủ yếu. Hơn nữa, tác chiến phòng thủ quân khu là hoạt động tác chiến có tính tổng hợp cao, luôn gắn với địa bàn, địa phương, có điều kiện phát huy cao nhất thế trận và lực lượng của chiến tranh nhân dân, nhất là thế trận và lực lượng của các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Mặt khác, tác chiến phòng thủ quân khu còn trực tiếp đánh địch trên các hướng, mũi tiến công chiến lược của chúng, giữ vững địa bàn quân khu, trong đó có thể có các mục tiêu chiến lược trọng yếu. Đó chính là cơ sở rất quan trọng, cùng với các hoạt động tác chiến khác, thực hiện thắng lợi mục đích và nhiệm vụ của tác chiến phòng thủ chiến lược.

Hiện nay, về mặt lý luận, chúng ta đã xác định một số loại hình tác chiến chiến lược có thể diễn ra trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; trong đó, tác chiến phòng thủ chiến lược được xác định là loại hình tác chiến chiến lược đánh địch tiến công trên bộ cho tới khi tạo được thế và thời cơ chuyển sang phản công, tiến công chiến lược. Tuy nhiên, do địa thế nước ta dài và hẹp, nhiều khu vực có địa hình hiểm trở,… nên trong thực tế có thể có quân khu mà địch tiến công không mạnh và vì thế cũng có thể không nằm trong phạm vi của tác chiến phòng thủ chiến lược. Trong trường hợp này, quân khu có thể nhanh chóng tổ chức phản công, tiến công đánh bại địch tiến công trên địa bàn, mà không nhất thiết phải qua tác chiến phòng thủ. Hoặc khi điều kiện, thời cơ có lợi, cấp chiến lược tiến hành phản công, tiến công chiến lược trên địa bàn của mình, thì quân khu có thể chuyển từ tác chiến phòng thủ sang phản công, tiến công cấp quân khu. Đây là vấn đề mới, rất quan trọng của nghệ thuật quân sự, cần được nghiên cứu chặt chẽ, thấu đáo để vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

4. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, để hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đề ra, tác chiến phòng thủ chiến lược thường phải vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến; trong đó xác định, lấy tác chiến phòng thủ, phòng ngự làm chủ yếu, tác chiến phản công, tiến công có lựa chọn. Đây là vấn đề rất quan trọng, không chỉ nhằm thực hiện triệt để mục đích của tác chiến phòng thủ chiến lược, mà còn giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo vệ, giữ vững địa bàn, mục tiêu chiến lược trọng yếu với chủ động tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận quân địch, giành quyền chủ động. Vì thế, cùng với các hình thức tác chiến khác, tác chiến phòng thủ, phòng ngự được xem là nhân tố quan trọng, quyết định tới thắng lợi của tác chiến phòng thủ chiến lược. Tuy nhiên, trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tác chiến phòng ngự trong phòng thủ chiến lược phải bảo đảm độ vững chắc để bảo vệ bằng được các mục tiêu trọng yếu, nhưng cũng cần vận dụng hết sức linh hoạt, lựa chọn đúng thời cơ, có trọng điểm với thời gian hợp lý (không nên quá dài) và đặc biệt coi trọng phát huy yếu tố cơ động trong phòng ngự để tránh bị sát thương lớn do hỏa lực địch gây ra. Phòng ngự phải kết hợp chặt chẽ với các hoạt động tác chiến phòng thủ, như: đánh rộng khắp, đánh bên sườn, phía sau, tạo thế xen kẽ, đánh hiểm, đánh địch từ nơi xuất phát,… để phân tán đối phó và từng bước đưa chúng vào thế sa lầy, bị động.

Cùng với phòng thủ, phòng ngự kiên cường, vững chắc; kiên quyết ngăn chặn, chia cắt, kìm giữ, phân tán, buộc địch triển khai ở thế bất lợi, cần chủ động tiến hành các hình thức tác chiến phản công, tiến công trên từng hướng, địa bàn khi có thời cơ để tiêu diệt từng bộ phận quân địch, bẻ gãy các mũi, hướng tiến công của chúng. Đây là vấn đề rất hay, độc đáo nhưng cũng hết sức phức tạp, khó khăn, bởi trong tác chiến phòng thủ chiến lược, trước sức tiến công của địch, không phải lúc nào ta cũng có thể tạo lập được thời cơ để mở các trận đánh, chiến dịch phản công, tiến công, nhất là các chiến dịch có ý nghĩa chiến lược. Vì vậy, việc triển khai các hoạt động tác chiến phản công, tiến công cần có sự lựa chọn hợp lý về: mục tiêu, thời cơ, địa bàn, phương pháp tác chiến và sử dụng lực lượng ở quy mô thích hợp, bảo đảm vừa tiêu diệt một bộ phận địch, giành quyền chủ động, vừa hỗ trợ có hiệu quả, làm giảm áp lực tiến công của chúng đối với các khu vực phòng thủ, phòng ngự, góp phần thực hiện thắng lợi mục đích của tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.