Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Ba, 24/02/2015, 15:17 (GMT+7)
Bàn về tác chiến phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Phòng ngự là loại hình tác chiến cơ bản của nghệ thuật quân sự Việt Nam, có vị trí quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Vì vậy, nghiên cứu, vận dụng tác chiến phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Khẩu đội cối 100 thực hành bắn đạn thật trong diễn tập KVPT
tỉnh An Giang năm 2014. (Ảnh: qdnd.vn)

Nghiên cứu lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy, trong các cuộc chiến tranh, tác chiến phòng ngự luôn tồn tại đan xen với các loại hình tác chiến khác. Thậm chí trong nhiều cuộc chiến tranh, nhờ vào tác chiến phòng ngự, những nước bị xâm lược đã ngăn chặn, tiêu hao, đánh bại được quân địch tiến công có ưu thế về lực lượng, bảo vệ được các mục tiêu trọng yếu, tạo ra điều kiện, thời cơ cho phản công, tiến công để giành thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh.

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, vào thế kỷ thứ XI, bằng hình thức phòng ngự “tuyến” trên sông Như Nguyệt, quân dân nhà Lý đã chặn đứng cuộc tiến công của địch, tạo thời cơ chuyển sang phản công, tiến công giành thắng lợi quyết định, đánh bại quân xâm lược Tống. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bên cạnh tác chiến tiến công là chủ yếu, tác chiến phòng ngự cũng được vận dụng có hiệu quả ở những giai đoạn, thời điểm nhất định ở cả phạm vi chiến thuật, chiến dịch, như: chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum và chiến dịch phòng ngự Quảng Trị (năm 1972) góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc chiến tranh.

Dự báo chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) nếu xảy ra đối với nước ta, thì tác chiến phòng ngự ở cấp chiến thuật, chiến dịch sẽ là hình thức tác chiến được thực hiện phổ biến hơn trong chiến tranh giải phóng trước đây. Khi đó quân và dân ta sẽ phải đương đầu với kẻ địch xâm lược có hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, đột kích mạnh, sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao và vận dụng chủ yếu phương châm chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” để nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Để giành thắng lợi, chúng ta phải vận dụng tổng hợp các hình thức và biện pháp tác chiến; trong đó, phòng ngự vẫn là loại hình tác chiến có vai trò quan trọng, nhưng cần được nhận thức và vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong điều kiện mới của chiến tranh BVTQ.

Trước hết, cần nhận thức đúng về tác chiến phòng ngự trong điều kiện mới. Xét về bản chất, tác chiến phòng ngự thường là sử dụng lực lượng ít hơn địch, dựa vào địa hình, địa vật có lợi, công sự trận địa vững chắc để đối phó với quân địch mạnh về lực lượng và vũ khí, phương tiện kỹ thuật. Tuy nhiên, ở từng giai đoạn và cuộc chiến tranh khác nhau, việc nhận thức, vận dụng linh hoạt loại hình tác chiến này cũng khác nhau. Trước đây trong chiến tranh giải phóng, do quán triệt tư tưởng tiến công một cách máy móc, nên có thời điểm, có giai đoạn chúng ta nhận thức chưa đúng hoặc ít đề cập, thậm chí “còn sợ” nói đến phòng ngự; do đó, việc vận dụng loại hình tác chiến phòng ngự trong hoạt động tác chiến không rõ ràng, hiệu quả thấp. Ở đây, cần thấy rằng, tư tưởng cách mạng xuyên suốt của Đảng ta là tiến công, còn trong những điều kiện cụ thể thì vận dụng hết sức linh hoạt hình thức tác chiến phòng ngự hay tiến công, hoặc đan xen phòng ngự với tiến công, tiến công với phòng ngự. Nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự là ở đó. Hoạt động tác chiến phòng ngự và tiến công là hai phạm trù khác nhau, nhưng không đối lập nhau, nên không thể cho rằng, tiến hành phòng ngự trong tác chiến làm cản trở tư tưởng cách mạng tiến công. Vấn đề đặt ra là phòng ngự như thế nào để thể hiện tư tưởng cách mạng tiến công trong phòng ngự. Ngay từ buổi đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã dạy rằng: “…du kích cũng phải dùng lối phòng ngự. Nhưng lối phòng ngự này là lối phòng ngự thế công chứ không phải rút vào một chỗ để cho quân thù tha hồ đánh phá”1.

Ngay nay, nếu phải tiến hành chiến tranh BVTQ, thay vì đánh đuổi kẻ thù đã có sẵn trong đất nước ta, chúng ta phải đối phó với kẻ địch xâm lược mạnh từ bên ngoài vào. Khi đó, cùng với các loại hình tác chiến khác, tác chiến phòng ngự sẽ được vận dụng ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh. Vì vậy, nhận thức về tác chiến phòng ngự phải toàn diện, nhất là về mục đích, thời gian, tổ chức lực lượng và phương thức tác chiến để vận dụng linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả trong thực tiễn.

Mục đích của tác chiến phòng ngự là nhằm ngăn chặn, sát thương, tiêu hao, tiến tới đánh bại quân địch tiến công, bảo vệ vững chắc khu vực, địa bàn, mục tiêu được giao. Song, tùy vào tình hình địch, ta, địa hình và thời điểm, thời cơ nhất định mà vận dụng linh hoạt, có thể phòng ngự chỉ xác định ngăn chặn, sát thương, tiêu hao làm chậm tốc độ tiến công của một bộ phận quân địch; hoặc có thể cùng với tác chiến phòng thủ làm cho lực lượng chủ yếu của địch bị sa lầy, tạo điều kiện, thời cơ để ta chuyển sang phản công, tiến công, sau đó lại tiếp tục phòng ngự. Đối với các mục tiêu “không thể để mất”, như khu vực then chốt, trận then chốt thì chúng ta cần phòng ngự vững chắc, đến cùng, nhưng trong tổ chức và thực hành phòng ngự cần vận dụng linh hoạt, tránh các đòn tiến công hỏa lực mạnh của địch, bảo toàn lực lượng để đánh địch lâu dài.

Thời gian phòng ngự, cần vận dụng linh hoạt. Có thể kéo dài hoặc không nên kéo dài là tùy tình hình cụ thể. Phòng ngự trong thời gian dài, có thể gặp bất lợi bởi hỏa lực mạnh của địch; nhưng cũng có thể kéo dài khi cần thiết, nhằm buộc địch sa lầy, chậm tốc độ tiến công, làm phá sản phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng. Quá trình đó, có thể kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngự với chuyển sang phản công, tiến công linh hoạt. Đối với các mục tiêu chiến dịch, chiến lược trọng yếu phải phòng ngự vững chắc, có thể phòng ngự dài ngày, nhưng cần chia ra thành nhiều giai đoạn phòng ngự và thực hiện cơ động linh hoạt giữa các giai đoạn đó. Tránh phòng ngự cứng nhắc, dễ bị sát thương, tiêu hao lớn do hỏa lực của địch tạo ra.

Tổ chức phòng ngự phải đáp ứng được yêu cầu liên hoàn, vững chắc, đảm bảo chiến đấu liên tục dài ngày, cả ngày và đêm. Trong đó, cần lựa chọn bố trí trận địa phòng ngự có trọng điểm, trên cơ sở quán triệt tư tưởng chỉ đạo tích cực, vững chắc, kiên cường, nhưng hết sức linh hoạt, khôn khéo, đẩy địch vào thế sa lầy, bị động. Kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố của phòng ngự (công sự, vật cản, hỏa lực, cơ động,…); trong đó, đặc biệt chú trọng tính cơ động. Xây dựng nhiều trận địa phòng ngự để nâng cao khả năng cơ động của lực lượng phòng ngự giữ trận địa, tránh các đòn đánh hỏa lực mạnh của địch. Khi tổ chức lực lượng phòng ngự, cùng với coi trọng lực lượng phòng ngự trận địa, cần ưu tiên bộ phận làm nhiệm vụ cơ động tiến công (khoảng 1/2 đến 2/3 lực lượng). Như vậy, phòng ngự sẽ linh hoạt hơn, uyển chuyển và hiệu quả hơn.

Phương thức tác chiến được vận dụng thực hiện trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình địch, ta, địa hình, nhất là các biện pháp tiến công của địch để xác định cho phù hợp; trong đó, tập trung chủ yếu vào hai lực lượng: phòng ngự giữ trận địa và cơ động tiến công. Đối với lực lượng phòng ngự giữ trận địa, cần tập trung có trọng điểm, chủ động cơ động linh hoạt trong hệ thống trận địa đã được chuẩn bị, tránh bị sát thương lớn do hỏa lực mạnh của địch, bảo đảm giữ được trận địa trong thời gian theo yêu cầu của nhiệm vụ phòng ngự. Đối với lực lượng cơ động tiến công, cần tích cực cơ động phản kích, phản đột kích đánh địch đột nhập; chủ động và phối hợp chặt chẽ với các hoạt động tác chiến phòng thủ tỉnh (thành phố) đánh vào bên sườn, phía sau, đánh rộng khắp, đánh hiểm, tạo thế cài xen,… và các hoạt động đấu tranh khác, đẩy địch vào thế bị động, sa lầy, tạo thế và thời cơ chuyển sang phản công, tiến công.

Hai là, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tác chiến phòng thủ và phòng ngự. Đây là vấn đề hiện nay còn có ý kiến khác nhau; trong đó, có ý kiến đánh đồng phòng thủ và phòng ngự; từ đó, chỉ coi trọng phòng thủ xem nhẹ phòng ngự. Chúng ta biết rằng: tác chiến phòng thủ là loại hình tác chiến mới xuất hiện trong chiến tranh BVTQ, là loại hình tác chiến đặc thù của Việt Nam và mang tính tổng hợp cao, diễn ra trong thời gian dài. Phương thức tác chiến phòng thủ đa dạng, linh hoạt, vận dụng tổng hợp các hình thức, biện pháp và thủ đoạn; trong đó, phòng ngự là hoạt động tác chiến phổ biến, cơ bản, tạo điều kiện cho các hoạt động khác, như: đánh địch bên sườn, phía sau, đánh rộng khắp, đánh hiểm, tạo thế cài xen, phản công, tiến công trong tác chiến phòng thủ. Như vậy, phòng thủ và phòng ngự tuy cùng được tiến hành trong cùng một khu vực, thời điểm, nhưng không đồng nhất với nhau, mà có đặc điểm, tính chất khác nhau. Nếu phòng thủ được thực hiện toàn diện trên phạm vị rộng, thời gian dài thì phòng ngự chỉ được tiến hành có trọng điểm, trong thời gian nhất định, ở địa bàn có lựa chọn và do lực lượng cơ động tiến hành (lực lượng cơ động của Bộ, quân khu,…) phối hợp chặt chẽ với các hoạt động tác chiến phòng thủ, nhất là tác chiến phòng thủ khu vực tỉnh (thành phố). Do đó không thể đồng nhất hai loại hình tác chiến này với nhau và cũng không thể lấy tác chiến phòng thủ thay thế cho phòng ngự, nhưng giữa chúng luôn có mối quan hệ chặt chẽ. Theo đó, trong phòng thủ có tác chiến phòng ngự, phòng ngự là hoạt động tác chiến cốt lõi của phòng thủ. Phòng ngự phải kết hợp chặt chẽ với phòng thủ, nhờ vào tác chiến phòng thủ để làm giảm áp lực cho phòng ngự. Nhận thức không rõ ràng về phòng thủ và phòng ngự đã là sai, nhưng sẽ sai lầm hơn nếu tách rời giữa tác chiến phòng thủ và phòng ngự.

Ba là, tiếp tục đầu tư nghiên cứu về phòng ngự chiến lược. Hiện nay, về lý luận chúng ta xác định có 05 loại hình tác chiến chiến lược: đánh địch tiến công hỏa lực; tác chiến bảo vệ biển đảo và phòng chống phong tỏa đường biển; phòng thủ chiến lược; phản công chiến lược; tiến công chiến lược. Đây là những loại hình tác chiến chiến lược cơ bản đã được xác định, tổ chức nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn. Vấn đề đặt ra là có nên xác định tác chiến phòng ngự là loại hình tác chiến chiến lược thứ 06 hay không, cần được nghiên cứu kỹ. Chúng tôi đồng tình với số đông các nhà nghiên cứu chiến lược quân sự cho rằng: đã có phòng thủ chiến lược thì không cần xác định phòng ngự chiến lược nữa, như vậy là chưa thỏa đáng. Cần thấy rằng, phòng thủ và phòng ngự là hai loại hình tác chiến có cả điểm giống và khác nhau, trong tác chiến phòng thủ chiến lược có tác chiến phòng ngự (quy mô chiến dịch), nhưng vai trò của chiến dịch và chiến lược là khác nhau. Mặt khác, chiến tranh BVTQ (nếu xảy ra), với chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, địch sẽ tập trung lực lượng, phương tiện để đột kích trên từng hướng chiến lược, hòng đánh chiếm mục tiêu chủ yếu, nhanh chóng kết thúc chiến tranh, thì áp lực đối với tác chiến phòng thủ, phòng ngự là rất lớn. Trong khi đó, phòng ngự ở quy mô chiến dịch tuy tiến hành có trọng điểm, nhưng khả năng ngăn chặn các hướng tiến công chiến lược của địch và bảo vệ các mục tiêu chiến lược trọng yếu của ta có hạn chế. Hơn nữa phòng ngự của chúng ta là phòng ngự thế công, không phải là phòng ngự bị động, phòng ngự cứng nhắc, nên phòng ngự chiến lược sẽ tạo động lực lớn cho tác chiến phòng thủ giành thắng lợi. Vì thế, trong chiến tranh BVTQ (nếu xảy ra), để đánh bại quân địch tiến công, bảo vệ vững chắc các mục tiêu chiến lược chủ yếu, ngoài các chiến dịch phòng ngự, cần thiết phải tiến hành phòng ngự chiến lược. Đó là công cuộc phòng ngự quốc gia, được tiến hành bằng nhiều chiến dịch, trận đánh, trong đó các chiến dịch, chiến dịch - chiến lược phòng ngự là nòng cốt.

Phòng ngự là loại hình tác chiến cơ bản, có vị trí quan trọng ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh BVTQ. Tuy nhiên, loại hình tác chiến này hiện đang còn có ý kiến chưa thống nhất, thậm chí trái ngược nhau. Bài viết mạnh dạn nêu một số vấn đề mang tính nghiên cứu, tham khảo.

Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH
____________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 523.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.