Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 21/10/2022, 11:23 (GMT+7)
Bàn về nâng cao năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị của đội ngũ chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa

Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn là người trực tiếp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng dân quân, dự bị động viên và trong nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cấp xã, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh ở từng địa phương, cơ sở. Vì vậy, nâng cao năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị của đội ngũ này là vấn đề quan trọng, cần được quan tâm, nghiên cứu, đề ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Đội ngũ chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã), do Bí thư Đảng ủy cùng cấp đảm nhiệm1, có chức trách tham mưu và chịu trách nhiệm trước cấp trên, cũng như trước cấp ủy, chính quyền cấp mình về công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ sở; đồng thời, chủ trì tiến hành công tác này trong lực lượng dân quân, dự bị động viên và trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cấp xã. Nhận thức rõ vị trí, vai trò và chức trách, nhiệm vụ, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của đảng ủy, cơ quan quân sự cấp trên, đội ngũ chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã (thuộc tỉnh Thanh Hóa) đã cơ bản phát huy tốt vai trò trách nhiệm, chủ động tiến hành hiệu quả các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; xây dựng lực lượng dân quân, dự bị động viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.

Tuy nhiên, từ hoạt động thực tiễn cho thấy, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương của một số chính trị viên chưa thực sự đầy đủ. Năng lực, kỹ năng tiến hành các hoạt động công tác này có mặt còn hạn chế; chưa thể hiện rõ vai trò của mình trên cương vị đảm nhiệm, nên kết quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng dân quân, dự bị động viên chưa cao, v.v. Trong khi đó, yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương trong tình hình mới đòi hỏi lực lượng vũ trang địa phương nói chung, ở cấp xã nói riêng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm chiến đấu cao,... có khả năng miễn dịch trước âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Vì vậy, nâng cao năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị của đội ngũ chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã là vấn đề quan trọng, cấp thiết cần được nghiên cứu thấu đáo, để đề ra các giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Phạm vi bài viết, chúng tôi đề xuất một số giải pháp bước đầu để cùng nghiên cứu, trao đổi.

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính trị viên đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu; là cơ sở, nền tảng để tiến hành các giải pháp khác, bởi chỉ trên cơ sở nhận thức đầy đủ, thấu đáo nhiệm vụ quan trọng này, mới có quyết tâm, trách nhiệm cao trong tổ chức thực hiện. Do đó, cần tiếp tục bồi dưỡng để cho đội ngũ này nhận thức rõ: công tác quốc phòng, quân sự là mặt công tác quan trọng, thuộc chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương; hiệu quả tiến hành công tác đảng, công tác chính trị đối với lực lượng dân quân, dự bị động viên là cơ sở tiền đề, quyết định chất lượng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Để làm được điều đó, cần thông qua các hội nghị quán triệt, học tập nghị quyết; thực tiễn hoạt động tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, tiếp tục quán triệt các nghị quyết, chỉ thị về công tác quốc phòng, quân sự. Trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 05/10/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”, v.v. Qua đó, đội ngũ chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã phát huy vai trò, trách nhiệm trong tiến hành hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị.

2. Nâng cao trình độ, năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong các hoạt động là giải pháp có ý nghĩa quyết định. Thực tiễn cho thấy, chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố; trong đó và trước hết phụ thuộc vào năng lực của người trực tiếp tiến hành. Do vậy, cần tập trung quán triệt, bồi dưỡng cho đội ngũ chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có kiến thức toàn diện, nhất là kiến thức chuyên sâu, khả năng vận dụng tổng hợp các hình thức, phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào nâng cao trình độ và kỹ năng vận dụng những vấn đề cơ bản lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về quốc phòng, quân sự địa phương; những vấn đề chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng với đó, rèn luyện kỹ năng giáo dục, thuyết phục; phương pháp, tác phong công tác, nền nếp, chế độ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; năng lực xây dựng và triển khai kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ: huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu; phòng, chống lụt, bão, cháy, nổ, tìm kiếm cứu nạn, v.v. Để thực hiện tốt, từng chính trị viên phải tự giác học tập, tu dưỡng rèn luyện về mọi mặt, lập kế hoạch học tập, xác định chỉ tiêu phấn đấu, biện pháp thực hiện trong từng thời gian; thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá để tự hoàn thiện mình, vươn lên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

3. Nâng cao năng lực giáo dục chính trị, tư tưởng đối với lực lượng dân quân, dự bị động viên. Xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh, rộng khắp, dự bị động viên hùng hậu, lấy xây dựng “vững mạnh về chính trị” làm cơ sở là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quốc phòng, quân sự, nhằm chuẩn bị lực lượng từ sớm, từ thời bình để sẵn sàng huy động bảo vệ Tổ quốc, tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác. Để thực hiện tốt nội dung này, đòi hỏi đội ngũ chính trị viên tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các quyết định, đề án, hướng dẫn của trên về “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Từ đó, nâng cao năng lực, kỹ năng tiến hành giáo dục chính trị, tư tưởng đối với lực lượng này. Về nội dung giáo dục là toàn diện, song cần chú trọng vào những vấn đề trọng tâm, như: các chỉ thị, nghị quyết của trên; nhiệm vụ của lực lượng vũ trang địa phương; Luật Dân quân tự vệ; Luật Lực lượng dự bị động viên; các thông tư, nghị định về công tác dân quân tự vệ2, v.v. Các xã miền núi, giáp biên giới cần chú trọng nội dung về đường lối và công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân đội; các nghị định, thông tư liên ngành về phối hợp với lực lượng Biên phòng, Công an, Kiểm lâm trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng. Các địa phương ven biển tập trung vào những nội dung: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam; các nghị định, thông tư liên ngành về phối hợp với lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Về hình thức, phương pháp bảo đảm phong phú, đa dạng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; gắn giáo dục thường xuyên với tổ chức có hiệu quả các chương trình, phong trào thi đua của địa phương, đơn vị, phù hợp với đối tượng, lứa tuổi. Quá trình giáo dục, chú trọng định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động, làm cho lực lượng này có động cơ, ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; có tinh thần cảnh giác, chủ động, nhạy bén đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch; không mơ hồ, mất cảnh giác, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

4. Nâng cao năng lực hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng dân quân, dự bị động viên tiến hành công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Công tác vận động quần chúng vừa là chức năng, nhiệm vụ, vừa là yêu cầu thực tế của lực lượng vũ trang địa phương trong mọi giai đoạn cách mạng. Vì vậy, để công tác này đạt kết quả cao, đội ngũ chính trị viên phải hướng dẫn cho lực lượng dân quân, dự bị động viên nghiên cứu, học tập, nắm vững nội dung, hình thức, phương pháp vận động quần chúng. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, quy định của địa phương với những nội dung thiết thực, như: chỉ tiêu về phát triển kinh tế; thực hiện nếp sống gia đình văn hóa, loại bỏ các tập tục lạc hậu, hoạt động mê tín dị đoan. Chú trọng tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, từ đó đề cao cảnh giác, không để phần tử xấu kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động gây rối an ninh; có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Khi có các vụ việc mâu thuẫn ở địa phương, cơ sở cần chủ động cùng cấp ủy, chính quyền kịp thời giải quyết đúng với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp tập quán của địa phương, không để phát triển thành “điểm nóng”. Đồng thời, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, từ đó đóng góp sức người, sức của, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân ở cơ sở; xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.

Các giải pháp nâng cao năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị của đội ngũ chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã nêu trên, mới chỉ là kết quả nghiên cứu bước đầu từ thực tiễn ở tỉnh Thanh Hóa, xin được trao đổi cùng bạn đọc.

LÊ ANH XUÂN, Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Hóa
_______________

1 - Quy định tại Khoản 1, Điều 20, Luật Dân quân tự vệ năm 2019.

2 - Nghị định số 133/2015/NĐ-CP, ngày 28/12/2015 của Chính phủ Quy định việc phối hợp của dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng chống cháy rừng; Thông tư liên tịch số 98/2010/TTLT-BQP-BNNPTNT, ngày 19/7/2010 của Bộ Quốc phòng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số điều về phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng theo Nghị định số 74/2010/NĐ-CP, ngày 12/7/2010 của Chính phủ.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.