Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:35 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, hằng năm thường chịu ảnh hưởng của hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới mang theo lượng mưa lớn, tập trung vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 12. Với đặc điểm địa hình 3/4 diện tích lãnh thổ là đồi núi, độ dốc, chia cắt lớn; độ che phủ, chất lượng hệ thống rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ngày càng suy giảm; rừng sản xuất có thảm phủ mỏng, khả năng trữ nước kém,… nên khi mưa, bão lớn, kéo dài nhiều ngày rất dễ xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tàn phá cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, chia cắt, cô lập các khu vực dân cư, gây hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản, với thiệt hại lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân. Ý thức sâu sắc điều đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn dân với phương châm “4 tại chỗ”1. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện của nước ta, bảo đảm tính kịp thời, phát huy tốt hiệu quả trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Điển hình là, trong đợt lũ lụt, sạt lở đất xảy ra vào tháng 10/2020, chỉ trong thời gian hơn 10 ngày, các tỉnh miền Trung phải liên tiếp hứng chịu 04 đợt áp thấp nhiệt đới, 02 cơn bão, dẫn đến mưa lớn kéo dài, đổ dồn về khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, khiến nhiều địa phương bị ngập lụt trên diện rộng. Do mưa kéo dài nhiều ngày, nền đất nhão, yếu nên đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đồi, núi, gây ra hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản2. Thực tế cho thấy, sau khi sạt lở xảy ra, công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn gặp muôn vàn khó khăn, do đường giao thông bị sạt lở, chia cắt nên lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp không thể tiếp cận hiện trường được ngay, không đưa được các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cần thiết vào để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, mà chủ yếu vẫn phải sử dụng, phát huy “4 tại chỗ”.
Tuy nhiên, việc thực hiện “4 tại chỗ” trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đang bộc lộ một số bất cập, hạn chế, như: lực lượng tại chỗ còn mỏng, thiếu chuyên nghiệp; cơ chế phối hợp, huy động lực lượng trên cùng một địa bàn còn khó khăn; phương tiện, vật tư tại chỗ còn thiếu, thô sơ; kiến thức, năng lực chỉ huy tại chỗ của cán bộ cơ sở có mặt còn hạn chế, lúng túng trong triển khai thực hiện; việc bảo đảm hậu cần tại chỗ gặp nhiều khó khăn do lương thực, thực phẩm bị mưa, lũ cuốn trôi, v.v. Những khó khăn, bất cập này đã ảnh hướng trực tiếp đến kết quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Hiện nay, do biến đổi khí hậu toàn cầu và những hoạt động thiếu ý thức của con người, nhất là trong bảo vệ môi trường sống nên dự báo trong những năm tới, tình hình thiên tai, sự cố diễn biến phức tạp, bất thường, theo chiều hướng cực đoan, cả về tính chất, quy mô, cường độ và mức độ tàn phá. Vì thế, cùng với việc làm tốt công tác dự báo, phát hiện, cảnh báo sớm thì các địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị cần chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả “4 tại chỗ” trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Đây là yêu cầu, đòi hỏi rất cần thiết, cấp bách được đặt ra từ thực tiễn. Giải quyết vấn đề này, các cấp, ngành, địa phương cần quán triệt sâu sắc Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác này. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung giải pháp chủ yếu sau:
Một là, chủ động nghiên cứu, rà soát tình hình, xây dựng phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn phù hợp, khả thi. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng của các địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị cần kiểm tra, rà soát cụ thể tình hình thực tế địa bàn, nơi đứng chân, nhất là ở những vị trí xung yếu, nơi có địa hình phức tạp, nguy cơ sạt lở cao. Trên cơ sở đó, có kế hoạch bố trí, sắp xếp lại dân cư, tổ chức gia cố các vị trí xung yếu, nguy cơ cao; xây dựng phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn sát thực tế, có tính khả thi, nhất là phương án di dân, di chuyển cán bộ, chiến sĩ, tài sản ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; phương án đảm bảo an toàn khu vực hạ du các hồ chứa, v.v. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế phối hợp, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ trên cùng một địa bàn, xác định rõ trách nhiệm cho từng địa phương, cơ sở, lực lượng. Bên cạnh đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức nghiêm túc việc ứng trực trong những giai đoạn cao điểm của mùa mưa, bão; đầu tư lắp đặt, hiện đại hóa thiết bị quan trắc, cảnh báo sớm. Tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thanh nội bộ,… để nâng cao nhận thức cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống, ứng phó, tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Hai là, chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực toàn diện cho lực lượng tại chỗ. Hiện nay, lực lượng tại chỗ của các địa phương, cơ sở bao gồm lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan quân sự, công an, kiểm lâm, lực lượng xung kích, tình nguyện viên của các đơn vị, doanh nghiệp và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội, công an đóng quân trên địa bàn. Đây là lực lượng kiêm nhiệm nên kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn có mặt còn hạn chế; việc huy động lực lượng khi thiên tai, bão, lũ xảy ra chưa đáp ứng kịp thời. Vì vậy, các địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị cần thường xuyên rà soát, củng cố, bổ sung lực lượng, phương tiện cho thực hiện nhiệm vụ này. Đối với cấp huyện, chọn các đơn vị dân quân cơ động, dự bị động viên; cấp xã sử dụng trung đội, tiểu đội, tổ dân quân cơ động làm nòng cốt, trang bị đủ các phương tiện, vật chất cần thiết, luôn sẵn sàng cơ động xử lý, ứng cứu ở những nơi xung yếu. Các cơ quan, đơn vị bố trí lực lượng thường xuyên có mặt tại trụ sở khi xảy ra bão, lũ, mưa lớn. Ở thôn, xóm, tổ dân phố thành lập tổ xung kích và phát huy vai trò của hộ gia đình trong công tác phòng, chống thiên tai, bão lụt. Đối với lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ, công an viên ở cơ sở luôn sẵn sàng thực hiện sự điều động của chính quyền đến hỗ trợ các địa điểm khi thiên tai xảy ra, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Để đạt mục đích, yêu cầu đề ra, các địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho lực lượng tại chỗ, theo các phương án, tình huống đã xây dựng; duy trì nền nếp canh trực, sẵn sàng cơ động xử lý, ứng cứu, tìm kiếm, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Thời gian qua, lực lượng Quân đội, Công an đã phát huy tốt vai trò làm nòng cốt, luôn có mặt ở tuyến đầu, vị trí hiểm nguy, gian khổ nhất, tham gia tích cực, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Phát huy kết quả đó, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; thực hiện nghiêm quy định trong phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, làm tỏa sáng hình ảnh cao đẹp “Bộ đội cụ Hồ”.
Ba là, nâng cao năng lực chỉ huy tại chỗ và bảo đảm tốt hậu cần tại chỗ. Các địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị thường xuyên kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn và thống nhất sự chỉ đạo ở các cấp. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chỉ huy cho đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm làm công tác này, nhất là ở cơ sở. Đồng thời, chủ động triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai ngay từ đầu năm; tăng cường kiểm tra các công trình phòng, chống lụt bão, có giải pháp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của địa phương, cơ sở. Phân công lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý, hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố nhằm bảo toàn tính mạng, tài sản cho người dân, nhất là khi có lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Khi có tình huống xảy ra, cấp tỉnh thành lập các sở chỉ huy cơ bản, sở chỉ huy phía trước; cấp huyện căn cứ vào tình hình cụ thể để thành lập sở chỉ huy tại chỗ và phân công cán bộ lãnh đạo trực tiếp có mặt tại hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Công tác bảo đảm vật tư, hậu cần tại chỗ cần được các địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị quan tâm, chuẩn bị chu đáo, đầy đủ từ trước cả về lương thực, thực phẩm, dụng cụ y tế,… để đề phòng tình huống bão, lũ kéo dài hoặc bị cô lập. Đối với những địa bàn trọng điểm hay xảy ra lũ lụt, chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân có ý thức chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu; tự mua sắm các vật chất cần thiết, như: áo phao, phao cứu sinh, đèn pin, máy phát điện, can đựng nước, cưa tay và chuẩn bị sẵn vật liệu làm “nhà nổi” để có thể sống chung với lũ lụt trong thời gian nhất định.
Bốn là, quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện tại chỗ. Thực tế hiện nay, hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn ở các địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị còn thiếu, cơ bản là trang bị, phương tiện thô sơ. Bên cạnh đó, tuy đã có phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn và có sự phân công, phối hợp, hiệp đồng giữa các địa phương, cơ sở, lực lượng, nhưng thực tế việc huy động phương tiện tham gia khắc phục hậu quả, tìm kiếm, cứu nạn chưa nhịp nhàng; việc bảo đảm thông tin liên lạc khi xảy ra sự cố còn khó khăn, việc phân vùng, phân công trách nhiệm còn chồng chéo, v.v. Do đó, các địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị chú trọng quan tâm ưu tiên bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư mua sắm, trang thiết bị chuyên dùng phù hợp, như: máy xúc nhỏ, dụng cụ, phương tiện, áo phao, xuồng; thiết bị thông tin, cảnh báo thiên tai, v.v. Đồng thời, thường xuyên tổ chức luyện tập, diễn tập các tình huống giả định; lồng ghép thực hiện ở nhiều quy mô khác nhau nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và chủ động chuẩn bị, tập kết các vật liệu cần thiết ở các điếm canh đê, những vị trí xung yếu, nơi có nguy cơ cao.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, ngay từ bây giờ, các địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu, triển khai đồng bộ các giải pháp trên, thiết thực nâng cao hiệu quả “4 tại chỗ”, giảm thiểu tối đa hậu quả do bão lũ, sạt lở đất,… gây ra, bảo đảm cuộc sống ổn định cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Trung tá, ThS. LÊ MINH ĐẠT ________________
1 - 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ.
2 - Theo thống kê, riêng trong đợt mưa lũ tháng 10/2020 đã có hàng trăm người chết, mất tích; hàng chục nghìn ngôi nhà, trường học, trạm y tế,… bị ngập, lũ cuốn trôi.
tìm kiếm,cứu hộ,cứu nạn
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc