Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Chủ Nhật, 16/01/2022, 07:40 (GMT+7)
Bàn về nâng cao chất lượng dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn trong các học viện, nhà trường Quân đội

Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ là nội dung quan trọng, xuyên suốt của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong Quân đội. Trong đó, nâng cao chất lượng dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn trong các học viện, nhà trường Quân đội là một trọng tâm.

Chúng ta biết, các môn khoa học xã hội và nhân văn có nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, toàn diện về xã hội và con người, “góp phần quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khẳng định sự hình thành phát triển dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị và văn hóa Việt Nam”1. Trong Quân đội, các môn học khoa học xã hội và nhân văn trực tiếp góp phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển thế giới quan, phương pháp luận khoa học; giáo dục mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, định hướng chính trị, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, làm nòng cốt xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Đồng thời, trang bị kiến thức để có cơ sở đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận, góp phần bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.

Những năm qua, công tác giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở các học viện, nhà trường Quân đội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trực tiếp góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ Quốc và Nhân dân; xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác này còn bộc lộ một số hạn chế, như: một số cán bộ, giảng viên, học viên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của các môn khoa học xã hội và nhân văn đối với đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội; công tác xây dựng đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn có nơi chưa gắn với quy hoạch và thực tiễn nhu cầu cán bộ của các học viện, nhà trường. Chất lượng, hiệu quả dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn chưa đồng đều; hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học các môn học này ở một số cơ sở đào tạo còn thiếu, nội dung chưa cập nhật sự phát triển của thực tiễn; một số nội dung có sự trùng lặp giữa các cấp học, bậc học, môn học, v.v.

Để thực hiện mục tiêu “Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”2, phạm vi bài viết xin trao đổi một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn trong các học viện, nhà trường Quân đội.

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên trong dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn. Đây là giải pháp quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng hoạt động dạy và học nói chung, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn nói riêng. Vì thế, các học viện, nhà trường cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trọng tâm là: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11/02/2019 của Quân ủy Trung ương về “Xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” và các chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, giảng viên, học viên trong dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở các học viện, nhà trường Quân đội. Cùng với đó, làm tốt công tác thông tin khoa học xã hội và nhân văn, coi trọng tổng kết thực tiễn, kịp thời phát hiện và nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả để động viên, cổ vũ các tập thể, cá nhân điển hình, khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện, nỗ lực vươn lên của đội ngũ giảng viên, học viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trong Quân đội.

Hai là, thực hiện tốt việc quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong Quân đội. Đây là một giải pháp hết sức quan trọng đối với các học viện, nhà trường Quân đội để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, người trực tiếp truyền thụ kiến thức cho học viên. Bởi vậy, cấp ủy các cấp căn cứ vào chỉ đạo, hướng dẫn của trên và quy hoạch nhiệm kỳ trước để phát hiện, đề xuất nguồn quy hoạch; quyết định việc quy hoạch theo phân cấp quản lý; hằng năm rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện phải có tầm nhìn chiến lược, bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững chắc giữa các thế hệ giảng viên; đồng thời phải gắn với đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực toàn diện để xây dựng đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn có bản lĩnh chính trị vững vàng, trong sáng về đạo đức, có trình độ tri thức, năng lực sư phạm và thực tiễn tốt, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Căn cứ vào thực tiễn, các học viện, nhà trường có thể trực tiếp lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng số học viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc thuộc các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn cùng cán bộ chính trị có trình độ, kiến thức chuyên môn, năng lực sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn ở các cơ quan, đơn vị để bổ sung nguồn đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn theo Đề án của Bộ Quốc phòng. Cùng với đó, việc đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên khoa học xã hội và nhân văn về chương trình, nội dung phải trên cơ sở quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI với tinh thần là: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức vụ gắn với trình độ học vấn và lý luận chính trị tương ứng; có trình độ toàn diện cả phẩm chất chính trị, kiến thức, năng lực và phong cách. Theo đó, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải bảo đảm tính toàn diện, cơ bản, chuyên sâu, tăng khả năng thực hành, phương pháp tư duy khoa học và bám sát thực tiễn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy có uy tín về các môn khoa học xã hội và nhân văn ngoài Quân đội để cử cán bộ, giảng viên tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, phương pháp tác phong công tác.

Ba là, chú trọng đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp dạy - học các môn khoa học xã hội và nhân văn bảo đảm tính khoa học, phù hợp với bộ môn, với đối tượng và sát thực tiễn. Quá trình đổi mới cần tiến hành đồng bộ, bảo đảm tích cực, chủ động, thận trọng, chuẩn xác, hạn chế thấp nhất sự trùng lặp nội dung hoặc bỏ trống những nội dung giao thoa giữa các cấp học, bậc học, môn học. Để tối ưu hóa nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với mục tiêu, mô hình đào tạo của mình, các học viện, nhà trường cần quán triệt, thực hiện nghiêm Quyết định số 1650 và 1651/QĐ-CT, ngày 25/9/2018 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về “Chương trình Khoa học xã hội và nhân văn đào tạo sĩ quan tham mưu - chỉ huy, cán bộ chính trị cấp phân đội trình độ đại học trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Chú trọng cập nhật, tiếp thu thành tựu, tri thức mới của khoa học xã hội và nhân văn để biên soạn giáo trình, giáo án và tài liệu dạy học. Đồng thời, bám sát chương trình đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để xây dựng khung chương trình đào tạo bảo đảm sát thực tiễn nhiệm vụ Quân đội và yêu cầu chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị của Đảng.

Trong đổi mới hình thức, phương pháp dạy - học, cần đề cao tính chủ động, sáng tạo, phát huy dân chủ trong tranh luận khoa học, rèn luyện phương pháp tư duy khoa học của học viên. Gắn kết chặt chẽ giữa lý luận khoa học xã hội và nhân văn với thực tiễn để định hướng cho người học, giúp họ vận dụng sáng tạo những kiến thức trong quá trình đào tạo vào nhiệm vụ, chức trách đảm nhiệm sau khi ra trường. Coi trọng kết hợp tốt giữa phương pháp dạy học truyền thống với hiện đại, chú trọng định hướng phát triển tư duy, phong cách làm việc khoa học cho người học. Đa dạng hóa các hình thức dạy học theo hướng tăng cường các hình thức sau bài giảng, như: bổ trợ kiến thức, kết hợp mở rộng các hình thức thi tìm hiểu, thi olympic các môn khoa học xã hội và nhân văn,… tạo động lực phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ giảng viên, học viên, cán bộ quản lý giáo dục trong nghiên cứu, giảng dạy, học tập.

Bốn là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong Quân đội cống hiến và phát triển. Các cơ quan chức năng cần chủ động nghiên cứu, sớm đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, bố trí, sử dụng giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong Quân đội, tạo sự thống nhất giữa các học viện, nhà trường trong toàn quân. Trong đó, cần chú trọng bảo đảm các chế độ, chính sách tương xứng với kết quả lao động sáng tạo; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt và chính sách hậu phương Quân đội đối với đội ngũ giảng viên, phù hợp với khả năng của cơ quan, đơn vị. Coi trọng việc động viên phát huy tính tích cực trong nghiên cứu, giảng dạy và tham gia đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động. Tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giảng viên học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ để dịch thuật, nghiên cứu các tài liệu nước ngoài phục vụ quá trình giảng dạy và đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đồng thời, tạo điều kiện cho giảng viên, nhất là giảng viên trẻ tích lũy các điều kiện cần và đủ để xét duyệt các chức danh khoa học (giáo sư, phó giáo sư); tiến hành tốt việc luân chuyển và có kế hoạch sử dụng cụ thể, hợp lý, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài giảng viên khoa học xã hội và nhân văn Quân đội.

Đại tá, TS. HOÀNG ĐÌNH CHIỀU, Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị
__________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 118.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG ST, H. 2021, tr. 158.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.